HỎI - ĐÁP trong dịch COVID-19: Làm sao chứng minh 'ra đường có mục đích chính đáng' theo chỉ thị 16?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thực hiện chỉ thị 16, chính quyền TP.HCM và một số tỉnh thành yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Đối với quy định trên, người dân cũng rất khó khăn trong việc chứng minh mình “ra đường có mục đích chính đáng”, dẫn đến nhiều trường hợp người dân đã bị xử phạt trong trường hợp này.

Hiện nay, ngoài 12 chốt chính tại các cửa ngõ TP.HCM, cơ quan chức năng cũng lập nhiều chốt tại các tuyến đường chính để kiểm soát người dân ra đường với “lý do không chính đáng”. Nhiều người đưa ra lý do đi mua thực phẩm, khám bệnh... để qua chốt, nhưng đã bị yêu cầu quay lại.

Vậy, người dân ra đường có mục đích chính đáng phải chứng minh cách nào?

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh - Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng người có thẩm quyền xử phạt phải chứng minh được cá nhân đó đã thực hiện hành vi vi phạm trên thực tế. Và ngược lại, nếu không chứng minh được có vi phạm thì không thể xử phạt.

Mặt khác, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị xử phạt, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đưa ra nguyên tắc cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Dù vậy, đối với quy định trên, người dân cũng rất khó khăn trong việc chứng minh mình ra ngoài là trường hợp thật sự cần thiết, vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể người dân cần trình bày ra sao, phải mang theo những gì khi ra đường, nên trường hợp này nên cũng rất dễ bị xử phạt.

Những người làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức khác được phép hoạt động theo chỉ thị số 16, cần mang theo giấy đi đường, hay giấy thông hành, giấy công tác, thẻ nhân viên, căn cước công dân…

Như vậy, “ra đường có mục đích chính đáng” là người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như:

  • Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;
  • Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ;
  • Hoặc làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở khác được quy định.

Người ở TP.HCM bị xử phạt vì ra khỏi nhà khi không cần thiết

Theo UBND phường 9, TP.HCM, đã có 19 trường hợp bị lập biên bản xử phạt, trong đó:

  • 6 người bị phát hiện đi tập thể dục;
  • 13 trường hợp khác bị xử lý khi không nêu được lý do chính đáng hoặc không có giấy tờ hợp lệ khi ra đường.

Ngoài ra, các lỗi bị xử phạt thông thường gồm: Không đeo khẩu trang, không chấp hành quy định về giãn cách, không có giấy thông hành, giấy tờ tùy thân

Ngoài ra, CSGT nhiều quận cho biết đã phạt 2 triệu đồng hàng loạt trường hợp người dân ở quận này chạy sang quận khác với lý do "mua đồ", mà không giải thích được mua đồ gì, tại sao phải đi sang quận khác để mua.

"CSGT Phú Nhuận vẫn ghi nhận và phạt nhiều trường hợp vi phạm vì nhà ở quận khác mà đi qua Phú Nhuận nói đi mua đồ; được hỏi mua đồ gì, quận đó thiếu gì đồ thiết yếu để phải sang Phú Nhuận mua thì không giải thích được nên bị lập biên bản phạt 2 triệu", lãnh đạo đội CSGT Công an Q.Phú Nhuận, cho biết.

Cùng vợ đi siêu thị có vi phạm chỉ thị 16?

Trường hợp khác là người dân bị lực lượng chức năng nhắc nhở, cho rằng vi phạm khi đi siêu thị 2 người, vì Chỉ thị 16 chỉ quy định chỉ 1 người được đi mua nhu yếu phẩm.

Chỉ thị 16 không có quy định khi ra ngoài trong trường hợp cần thiết bắt buộc chỉ đi 1 người hay 2 người. Vậy trường hợp này có vi phạm Chỉ thị 16?

Theo Luật sư Hà Hải - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, chỉ thị 16 và Công văn 2279 không quy định cụ thể số người được ra ngoài mua lương thực, thực phẩm, nhưng để đảm bảo an toàn cho bản thân, mọi người và phát huy hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, do đó, lực lượng công an có thể xử lý phù hợp với quy định và tình hình thực tế.

Chính quyền cho biết không 'canh me' xử phạt

Theo ông Nguyễn Đông Tùng - chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, việc triển khai các chốt kiểm soát, tổ xử lý lưu động không nhằm mục đích "canh me" người vi phạm để xử lý, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân.

"Việc lập các chốt, tổ xử lý không nhằm mục đích ‘canh’ người dân để xử phạt. UBND quận đã quán triệt lực lượng xử lý phải ứng xử khéo với người dân. Nhưng với những trường hợp cố tình vi phạm như đi tập thể dục, ra đường không lý do chính đáng là phải xử lý nghiêm", ông Tùng cho biết.

Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

HỎI - ĐÁP trong dịch COVID-19: Làm sao chứng minh 'ra đường có mục đích chính đáng' theo chỉ thị 16?