HỎI - ĐÁP trong dịch Covid-19: Tiêm vắc xin Covid-19 có bắt buộc không? Trường hợp nào sẽ miễn tiêm vắc xin ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Pháp luật hiện hành, bệnh Covid-19 chưa được quy định là bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vắc xin. Do đó, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn dựa trên sự tự nguyện của cá nhân chứ không mang tính bắt buộc. Đồng thời, có một số trường hợp sẽ hoãn tiêm hoặc chống chỉ định tiêm vắc xin.

Thời gian qua, khi việc tiêm vắc xin Covid-19 được triển khai rộng khắp các tỉnh thành, một số người dân còn nghi ngại về hiệu quả của các loại vắc xin, và lo lắng trước những tác dụng phụ của vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm này, nhưng cũng chưa rõ quy định về việc tiêm vắc xin Covid-19 cụ thể như thế nào. Hi vọng rằng những tìm hiểu các quy định của Pháp luật hiện hành về việc tiêm vắc xin sau đây (qua phần trả lời của Công ty Tư vấn Luật M.) sẽ giúp Quý độc giả có thêm thông tin cho mình.

Câu hỏi 1: Người dân Việt Nam có bắt buộc tiêm phòng vắc xin Covid-19 không?

Trả lời:

Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 447/QĐ-TTg công bố dịch COVID-19. Theo đó, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, và sẽ được áp dụng theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm hiện hành.

Theo Điều 29 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm ban hành năm 2007, thì người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch, và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh. Cụ thể như sau:

Điều 29. Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc

  1. Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.
  2. Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
  3. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
  4. Miễn phí sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc trong các trường hợp sau:

a) Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch;

b) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch;

c) Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.”

Câu hỏi 2: Vậy những bệnh như thế nào được xem là bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vắc xin?

Trả lời:

Tại Khoản 2 Điều 30 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm có nêu rõ: đó là những bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Cụ thể như sau:

  1. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm:

a) Ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 29 của Luật này;

b) Tổ chức triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng và quy định danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của Chương trình tiêm chủng mở rộng quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này;

c) Quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc tùy theo tình hình dịch;

Đối chiếu với Danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc được Bộ Y tế ban hành theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017, thì không có bệnh truyền nhiễm Covid-19 và vắc xin Covid-19.

Như vậy, hiện nay, việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 không bắt buộc, và chưa có cơ sở xử phạt nếu người dân quyết định không tiêm vắc xin.

Thực tế trong thời gian qua, các cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện khuyến khích người dân đi tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.

Câu hỏi 3: Những ai được khuyến khích tiêm vắc xin? Những ai không nên tiêm?

Trả lời:

Việc xác định phạm vi và đối tượng sử dụng vắc xin do Sở Y tế xem xét quyết định, hoặc theo chỉ đạo của Bộ Y tế trên cơ sở tình hình dịch bệnh, điều kiện cung ứng vắc xin, nguồn lực của địa phương.

Căn cứ theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng, đối tượng tiêm chủng và phạm vi triển khai được quy định như sau:

  1. Đối tượng tiêm

Toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế:

a) Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân);

b) Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...);

c) Lực lượng Quân đội;

d) Lực lượng Công an;

đ) Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam;

e) Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;

g) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước;

h) Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sĩ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;

i) Người mắc các bệnh mạn tính; Người trên 65 tuổi;

k) Người sinh sống tại các vùng có dịch;

l) Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;

m) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

n) Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế...cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch;

o) Các chức sắc, chức việc các tôn giáo;

p) Người lao động tự do;

q) Các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho Bộ Y tế;

Đối tượng tiêm chủng thuộc các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp nêu trên bao gồm cả nhà nước và tư nhân.

  1. Phạm vi triển khai: Trên quy mô toàn quốc, trong đó ưu tiên cho:

- Các tỉnh, thành phố đang có dịch. Trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm chủng trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.

- Các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ.

- Các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư.

- Các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.

Theo quy định trên thì toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ là đối tượng tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, có một số nhóm đối tượng sẽ không tiến hành tiêm vắc xin .

Cụ thể, tại Quyết định số 3802/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10/08/2021 về việc “Ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19” sẽ phân loại đối tượng tiêm chủng sau khi khám sàng lọc theo 4 nhóm như sau:

Do đó, trước khi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 người dân sẽ được khám sàng lọc để xác định có đủ điều kiện để tiêm chủng hay phải trì hoãn hoặc không chỉ định tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu người dân thuộc nhóm đủ điều kiện tiêm chủng nhưng vẫn quyết định không tiêm vì một lý do nào đó, thì như nói trên, đây vẫn là quyền lựa chọn của công dân, chưa quy định bắt buộc phải tiêm.

Câu hỏi 4: Nếu sau này Bộ Y tế đưa bệnh Covid-19 vào Danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, thì những cá nhân thuộc nhóm đủ điều kiện tiêm chủng nhưng quyết định không tiêm thì sẽ như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế” thì những người đủ điều kiện phải tiêm chủng nhưng không tiêm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Cụ thể như sau:

Điều 9. Vi phạm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế

...

  1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

...

Câu hỏi 5: Ngoài những trường hợp trên, Việt Nam hiện nay có quy định về trường hợp miễn trừ tiêm vaccine Covid-19 không?

Ở một số quốc gia có áp dụng chính sách: miễn trừ về y tế (đối với những người có nguy cơ gặp phải phản ứng phụ vì dị ứng với một trong các thành phần của vắc-xin hoặc do một loại bệnh), hoặc miễn trừ về tôn giáo (đối với những công dân muốn từ chối tiêm chủng vì niềm tin tôn giáo).

Tuy nhiên, hiện nay Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về những trường hợp nào được miễn trừ như trên trong việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mà tất cả sẽ dụng theo những quy định trên.

Hương Thảo



BÀI CHỌN LỌC

HỎI - ĐÁP trong dịch Covid-19: Tiêm vắc xin Covid-19 có bắt buộc không? Trường hợp nào sẽ miễn tiêm vắc xin ?