Hồ thiêng Yamdrok - ‘Kho cá khổng lồ’ nhưng vì sao không ai dám đánh bắt?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoài vẻ đẹp nguyên sơ tựa tranh vẽ, Yamdrok còn được mệnh danh là "Kho cá khổng lồ của Tây Tạng". Theo thống kê sơ bộ, trọng lượng của quần thể cá trong hồ thiêng có thể vượt quá 800.000 tấn. Tuy nhiên, không một ai dám đánh bắt. Lý do vì đâu ?

Tây Tạng được biết đến là xứ sở của văn hóa Phật giáo với nét đẹp huyền bí và cảnh sắc thiên nhiên vô cùng hùng vĩ. Nằm ở khu vực cao nguyên cao nhất trên trái đất với độ cao trung bình hơn 4.500m so với mực nước biển. Đỉnh Everest mà chúng ta biết chính là nằm trên biên giới giữa cao nguyên Tây Tạng và Nepal.

Địa hình ở Tây Tạng rất đa dạng, trải dài từ núi cao đến thung lũng, băng qua sông băng và sa mạc, Tây Tạng là điểm đến được yêu thích của nhiều du khách không chỉ bởi sự linh thiêng mà còn bởi phong cảnh thiên nhiên với mạng lưới sông hồ dày đặc.

Khi nhắc đến những thắng cảnh nổi tiếng ở đây, không thể không nhắc tới hồ thiêng Yamdrok - 1 trong 3 hồ thiêng của Tây Tạng (hai hồ khác là Namtso và Manasarovar).

Yamdrok có diện tích 675 km2, tọa lạc tại một vị trí đắc địa ở độ cao hơn 4.440 m và nằm cách Gyantse 90km về phía tây, cách thủ phủ Lhasa hơn 100km về phía Đông Bắc. Nơi đây được đánh giá là một trong những địa điểm có giá trị du lịch cao nhất tại vùng đất này.

‘Hồ Thiên Nga’

"Yamdrok" trong tiếng Tạng có nghĩa là "Hồ thiên nga". Trong tâm thức của người Tây Tạng, hồ nước này là một nơi vô cùng linh thiêng và cao quý, họ tin rằng vẻ đẹp nên thơ của nó chính là hóa thân của những nàng tiên nữ giáng trần mang đến sức sống cho Tây Tạng.

Tương truyền, nếu ai tới hồ Yamdrok chạm tay vào nước hồ và thành tâm cầu nguyện sẽ được tiêu trừ nghiệp chướng từ nhiều đời nhiều kiếp. Nếu ném 1 đồng xu xuống hồ để cầu nguyện thì sẽ gặp được may mắn và có cơ hội để quay lại Tây Tạng thêm lần nữa.

Kho cá khổng lồ

Ngoài vẻ đẹp nguyên sơ tựa tranh vẽ, Yamdrok còn được mệnh danh là "Kho cá khổng lồ của Tây Tạng". Theo thống kê sơ bộ, trọng lượng của quần thể cá trong hồ thiêng có thể vượt quá 800.000 tấn.

Nằm biệt lập ở độ cao từ 4.500 m so với mặt nước biển trên dãy Himalaya, Tây Tạng là khu vực cao nguyên có thời tiết khắc nghiệt và điều kiện thiếu oxy. Điều này đã khiến chu kỳ sinh trưởng của cá trong hồ chậm hơn nhiều so với những nơi có độ cao thấp. Vì vậy, đàn cá với trọng lượng gần 800.000 tấn mà chúng ta thấy ngày hôm nay chính là kết quả của sự sinh trưởng tự nhiên trong hàng chục, thậm chí hàng trăm năm của hồ nước này.

Thông thường, với một môi trường trong lành như vậy, thủy sản tự nhiên đáng lẽ ra sẽ được rất nhiều người dân ưa chuộng, nhưng lạ ở chỗ những đàn cá này dường như không hề bị đánh bắt, mặc dù người dân không hề bị ngăn cấm bởi chính quyền hay pháp luật.

Cá là linh vật thiêng liêng

Người Tây Tạng ăn nhiều thịt, nhưng họ cũng có những nguyên tắc và xem một số con vật là linh vật linh thiêng, vì thế mà họ gần như không bao giờ động vào các loài như vậy. Bạn có thể để ý rằng nhiều vùng của Tây Tạng không hề ăn cá, cho dù sông, hồ của Tây Tạng có rất nhiều. Đây là vì người Tây Tạng cho rằng cá là hiện thân của thuỷ thần.

Giống như việc coi Yamdrok là hóa thân của những nàng tiên nữ giáng trần, thì cá ở trong các hồ tại Tây Tạng được xem là hiện thân của thủy thần, vì vậy họ không bao giờ đánh bắt cá với bất kỳ mục đích nào.

Từ thói quen ăn uống truyền thống cùng với một số yếu tố tôn giáo lâu đời, đặc biệt là tín ngưỡng đối với Phật giáo. Người dân Tây Tạng tin rằng nếu phải giết các sinh vật khác để duy trì sự sống cho bản thân thì càng giảm thiểu sát sinh càng tốt.

Vì vậy, nếu được lựa chọn giữa bò và cá, họ sẽ lựa chọn giết con bò bởi giết một con bò sẽ giúp một gia đình có thể kéo dài sự sống trong cả một mùa đông, nhưng giết một con cá thì chẳng đủ một bữa ăn.

Tập tục ‘thủy táng’

“Thuỷ táng” là một trong 7 tập tục mai táng phổ biến ở vùng đất Tây Tạng linh thiêng.

Người dân ở đây tin rằng nước chính là thứ quan trọng nhất trên thế giới - giúp sinh ra và nuôi dưỡng sự sống, vì vậy khi con người chết đi, nếu được trở về hòa mình với mẹ thiên nhiên trong dòng nước xanh, thì đó sẽ là điểm đến bình yên nhất.

Vì thế, cho tới ngày nay, "thủy táng" vẫn là một trong những tập tục chôn cất được người Tây Tạng sử dụng tương đối nhiều. Thông thường, xác chết sẽ được quấn trong một tấm vải trắng rồi thả trôi sông cho cá ăn. Cũng từ đây, người dân địa phương tin rằng linh hồn của tổ tiên đã nhập vào đàn cá để tiếp tục sự sống.

Yamdrok là điểm đến du lịch nổi tiếng với lượng khách ghé thăm hàng năm rất lớn, việc thuỷ táng không thường xuyên diễn ra trên hồ thiêng này, nhưng tâm thức về mối quan hệ thiêng liêng giữa nước và cá, cùng các vị thần và người chết từ lâu đã trở thành gốc rễ trong tư tưởng của người dân nơi đây, vậy nên lượng cá khổng lồ trong lòng hồ dường như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn dù trải qua hàng trăm năm.

Dưới góc nhìn khoa học, nước trong hồ Yamdrok có tính kiềm, nhiệt độ nước quanh năm thấp khiến cá sống trong môi trường lạnh sinh trưởng chậm, các loại thực vật phù du trong nước cũng khó quang hợp, thiếu chất dinh dưỡng. Vì vậy, cá trong hồ đã tiến hoá để hấp thụ được dinh dưỡng, chúng sẽ hấp thu mọi thứ trong hồ và tích tụ rất nhiều độc tố, thậm chí được ví như “thuốc trừ sâu”. Do đó, người ta khuyến khích rằng không nên ăn các loài cá ở đây.

Đông Mai



BÀI CHỌN LỌC

Hồ thiêng Yamdrok - ‘Kho cá khổng lồ’ nhưng vì sao không ai dám đánh bắt?