Hành trình từ ‘phạm luật do thiếu hiểu biết’, đến thành Triệu phú trên đất Mỹ của chàng trai Việt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Triệu phú Phạm Đình Quốc Vương (SN 1991) hiện là CEO của công ty Fastboy Marketing (trụ sở tại TP.Houston, Texas), xếp hạng thứ 834 trong top 5.000 công ty phát triển nhanh nhất nước Mỹ năm 2020, với doanh thu lên tới 10 triệu USD/năm. Nhưng ít ai biết, anh từng là du học sinh nghèo và không biết tiếng Anh khi mới đặt chân lên đất Mỹ.

Triệu phú ‘du học sinh’

Sở dĩ gọi Phạm Đình Quốc Vương là “triệu phú du học sinh” bởi khi đặt chân tới nước Mỹ, anh hoàn toàn chẳng có gì trong tay. Họ hàng bên nội đều ở Mỹ, vì thế anh may mắn được chu cấp sang xứ sở cờ hoa để học tập sau khi học hết lớp 10. Năm 16 tuổi, lần đầu anh xa nhà, du học tại bang Minnesota lạnh giá ở đỉnh bắc nước Mỹ.

Chàng trai 30 tuổi quê ở Củ Chi (TP. HCM) không có chút vốn liếng nào, kể cả tiếng Anh, nên phải ở nhờ gia đình người chú. Nhưng chỉ 5 năm sau, Vương thành lập doanh nghiệp và bắt đầu bước vào lĩnh vực kinh doanh nghiêm túc.

Có thể nói, kinh doanh là niềm đam mê của anh Vương, khi vừa “chân ướt chân ráo” đến Mỹ, anh đã mày mò tìm hiểu các “bí quyết” kinh doanh trên mạng.

“Thương vụ” đầu tiên của anh là rao bán dùm người em họ mấy cái game cũ trên eBay, giá bao nhiêu cũng được, miễn đưa lại cho cậu em 5 USD. Vương đã bán được 36 USD và thấy bất ngờ vì một món đồ cũ có thể bán được với giá như thế.

Ý tưởng kinh doanh nảy ra trong đầu, Vương nhờ mấy đứa em mua lại những game cũ của bạn bè ở trường để mang về cho Vương đem bán. Từ việc kinh doanh những thứ “nho nhỏ’ đó mà Vương thu được “lợi nhuận” gần 5.000 USD. Sau khi bán game cũ, anh Vương tiếp tục “lấn sân” sang món đồ khác, hoặc hàng hóa người quen mua về nhưng không sử dụng, cần bán lại. Cả một “chân trời” mới về kinh doanh mở ra trước mắt.

Sau thời gian mua qua bán lại và đã thành thạo cách thức bán hàng, Vương phân ra mặt hàng nào bán chạy, lợi nhuận cao thì chủ động tìm kiếm nguồn hàng trên mạng để nhập về “giá gốc”, rồi chia nhỏ và bán lại trên mạng. Có những mặt hàng anh bán lời gấp hàng chục lần so với giá gốc.

Suốt những năm trung học và những năm đầu đại học, Vương vẫn tiếp tục buôn bán. Nhưng vì non nớt và không hiểu rõ luật pháp ở Mỹ, anh thấy quanh mình chẳng ai buôn bán online mà phải nộp thuế, nên dù có thu nhập cao anh cũng không kê khai thuế, vẫn gửi, rút tiền vào ngân hàng với số lượng lớn… như thường.

Lúc ấy, chàng thanh niên mới 19 tuổi đã có thu nhập 300 USD/ngày.

Vi phạm pháp luật Mỹ do ‘thiếu hiểu biết’

Cho đến một ngày, anh nhận được cuộc gọi từ cảnh sát Mỹ với nội dung thông báo: Anh đã vi phạm luật pháp Mỹ, với nhiều tội danh trong kinh doanh... Trong 2 năm bán hàng online, số tiền thuế bị truy thu của anh Vương lên tới cả “triệu đô”, tài khoản ngân hàng của anh bị đóng băng.

Việc học theo đó cũng bị dang dở, anh đã mất khá nhiều thời gian song hành cùng luật sư để làm việc với cơ quan luật pháp Mỹ. May mắn, thời điểm khó khăn và “bài học đầu đời” trong kinh doanh ấy cũng qua, nhờ sự giúp sức của các luật sư.

“Các luật sư đã giúp tôi thoát khỏi kết cục tồi tệ nhất. Và những ngày tháng bão tố đó đã giúp tôi học nhiều điều về luật pháp kinh doanh của Mỹ”, Vương tâm sự.

‘Bĩ cực thái lai’

Cũng trong thời gian ấy, Quốc Vương đã tận dụng thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu làm website. Người gốc Việt kinh doanh và làm giàu trên đất Mỹ không hiếm, nhưng thời điểm ấy chưa mấy ai nghĩ đến kinh doanh kỹ thuật số.

Năm 2012, anh quyết định thành lập một công ty chuyên làm marketing cho các tiệm nail, tiệm tóc, nhà hàng... của người gốc Việt. Sau đó dùng kỹ thuật SEO, đưa các website lên vị trí cao trên trang tìm kiếm Google. Ở thời điểm cách đây cả chục năm việc này vẫn còn rất mới, nhất là trong cộng đồng tiểu doanh nghiệp gốc Việt tại Mỹ.

Công ty khởi đầu chỉ có... một nhân viên chính là anh, kiêm tất cả từ kỹ thuật đến kinh doanh...

Nhưng chỉ sau vài năm, những cộng sự lần lượt hội tụ, doanh thu tăng trưởng liên tục. Tính tới thời điểm hiện tại, Công ty Fastboy Marketing đã có nhiều chi nhánh trải rộng khắp nước Mỹ, Canada, Úc với hơn 200 nhân viên. Doanh thu cũng tăng trưởng liên tục với hơn 10.000 khách hàng.

Ngoài ra, công ty này còn sở hữu phần mềm “Go check in” nổi tiếng trong cộng đồng nail Việt. Ý tưởng này xuất phát từ một trải nghiệm trước đó của anh Vương, khi anh còn làm thêm trong tiệm nail và thấy khách hàng phải điền thông tin cá nhân vào một tờ giấy. Anh thấy việc này khá mất thời gian nên đã nảy ra ý tưởng sáng tạo một phần mềm giúp lưu giữ tất cả thông tin của khách hàng.

Cách làm này vừa tăng được review lại vừa marketing được cho cửa hàng, hơn nữa khi gặp vấn đề gì, cửa hàng ngay lập tức liên hệ được với khách của họ. “Go check in” là sản phẩm mang lại doanh thu chủ yếu cho công ty. Doanh thu mỗi tháng của Fastboy khoảng 800.000 USD - 1 triệu USD.

Không dừng lại ở những gì đang có, gần đây Quốc Vương còn tham gia vào lĩnh vực bất động sản và xây dựng ở Houston. Anh đang sở hữu nhiều căn nhà triệu đô trên đất Mỹ, một trang trại rộng tới 120 hecta với nhiều động vật hoang dã chỉ để... "ngắm cho vui".

Chia sẻ bí quyết để cùng ‘ăn nên làm ra’

Anh Quốc Vương đứng trước căn nhà riêng của mình và chia sẻ về cuộc sống trên kênh youtube riêng (Ảnh: tổng hợp)
Anh Quốc Vương đứng trước căn nhà riêng của mình và chia sẻ về cuộc sống trên kênh youtube riêng (Ảnh: tổng hợp)

Trải qua nhiều sóng gió và hiện tại có được thành công nhất định, anh Vương lập một kênh YouTube (www.youtube.com/user/vpham022012) chia sẻ mọi bí quyết, phương thức kinh doanh của mình, kể cả những lúc vấp ngã. Kênh này được nhiều bạn trẻ đón nhận, bởi sự nhẹ nhàng, khiêm tốn, người thực việc thực, từ chính kinh nghiệm chủ nhân...

Quan niệm sống của Quốc Vương rất bình dị, anh mong muốn giúp đỡ nhiều người Việt hơn nữa trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Anh chia sẻ rằng: “Xưa đặt chân lên đất Mỹ với hai bàn tay trắng, tôi chỉ ước sau này học hành, có việc làm ổn định. Nay được như vậy, tôi muốn chia sẻ đời sống ổn định ấy. Các cộng sự, nhân viên mới vào làm ở công ty cũng với hai bàn tay trắng, công ty phải tạo điều kiện để các bạn cùng có nhà, xe, có cuộc sống tốt. Rộng hơn, công ty muốn đem công nghệ, các hình thức marketing, quảng cáo hiện đại mở rộng trong cộng đồng doanh nghiệp gốc Việt, để tất cả cùng ăn nên làm ra”.

Tại Mỹ, dù trong nông trại hay trên công trường, Vương vẫn thường xuyên cưu mang nhiều hoàn cảnh khó khăn, từ công việc cho đến nơi ăn chốn ở. Anh đặt nhiều căn nhà di động trong trang trại, ai khó khăn thì tới ở tạm, khi ổn thì rời đi. Đó là nơi tá túc tạm thời của nhiều hoàn cảnh khác nhau, như: Bác tài xế già, anh đầu bếp, một gia đình mới nhập cư... Họ cứ đến rồi lại đi, khi mọi thứ đã ổn hơn.

Thú vui ‘điền viên’

Triệu phú trẻ tuổi vui thú điền viên bên vợ con ở nông trại của gia đình (Ảnh: tổng hợp)
Triệu phú trẻ tuổi vui thú điền viên bên vợ con ở nông trại của gia đình (Ảnh: tổng hợp)

Là một triệu phú nhưng Phạm Đình Quốc Vương không có thú “ăn chơi” nào; không du thuyền, chẳng siêu xe, thuốc không hút, bia uống hai lon là... xỉn. Thay vào đó anh sở hữu nông trại, cứ cuối tuần cả gia đình gồm vợ và 2 con lại ra đồng, tát cá, đào mương... Với anh, vườn tược, đồng ruộng, nông trại gắn liền với tuổi thơ của anh.

Anh cũng muốn giáo dục con theo cách ấy để chúng hòa nhập với thiên nhiên ngay từ nhỏ. Cũng chính vì thế, hiện nay, Quốc Vương sở hữu nhiều nông trại rộng hàng trăm hecta.

Trong những bữa ăn cùng nhân viên có đủ thứ món Âu, Á nhưng anh vẫn chỉ trung thành với cá rô kho tộ, đĩa rau cải luộc và cơm trắng.

Hằng năm, Vương vẫn cùng gia đình về Việt Nam, lặng lẽ làm từ thiện, chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Nhưng khi hỏi anh về chuyện này, Vương chỉ lắc đầu khiêm tốn: “Chẳng đáng gì để nhắc tới”...

Thiên Cầm



BÀI CHỌN LỌC

Hành trình từ ‘phạm luật do thiếu hiểu biết’, đến thành Triệu phú trên đất Mỹ của chàng trai Việt