Hà Nội: Một phường buộc dân ký cam kết chịu trách nhiệm nếu không tiêm chủng và làm lây lan dịch bệnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, phường Hoàng Liệt (Hà Nội) đưa ra văn bản yêu cầu người dân phải ký cam kết nếu từ chối tiêm chủng, và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh - khiến dư luận “hoang mang” bởi nhiều bất cập trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Ngày 14/9, UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã đưa ra văn bản yêu cầu người dân ký cam kết nếu từ chối tiêm chủng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Nội dung văn bản nêu rõ: "Đối với những trường hợp trong độ tuổi nhưng từ chối tiêm chủng, yêu cầu người dân ký cam kết với UBND phường về việc không thực hiện tiêm chủng, nêu rõ lý do và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng".

Sáng 15/9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online về lý do ký văn bản trên, ông Tạ Văn Hải - Phó chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho biết, văn bản trên là để phường nắm được lý do vì sao người dân không đồng ý tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Ngoài ra, ông Hải cho biết thêm, đến nay chưa có thống kê về số lượng người dân ký vào bản cam kết về việc từ chối tiêm vaccine. "Khi có danh sách, phường sẽ có căn cứ để nắm bắt, vì việc tiêm chủng là quyền lợi của người dân" - ông Hải nhấn mạnh.

Những bất cập khi bắt người dân ký cam kết chịu trách nhiệm

Sau khi văn bản được phương Hoàng Liệt đưa ra, nhiều độc giả đã bày tỏ những bất cập trong việc yêu cầu người dân từ chối tiêm chủng ký cam kết.

Một độc giả cho biết: “Tôi nghĩ làm đúng luật thì chỉ nên lập danh sách, không nên bắt người dân ký cam kết. Vì làm lây lan dịch bệnh có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do không tiêm chủng mà làm lây lan bệnh, và ngược lại, người đã tiêm chủng vẫn có thể làm lây lan dịch bệnh. Vậy thì xử lý thế nào? Tóm lại, chỉ nên làm đúng luật, không nên làm quá luật”.

Qua đó, rất nhiều cư dân mạng cũng bày tỏ quan điểm rằng, tiêm chủng là tự nguyện chứ không nên ép buộc. Và hiện nay cũng chưa có quy định về việc xử phạt khi người dân từ chối tiêm chủng.

NTDVN đưa tin, theo Pháp luật hiện hành, bệnh Covid-19 chưa được quy định là “Bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vaccine”. Do đó, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn dựa trên sự tự nguyện của cá nhân chứ không mang tính bắt buộc. Đồng thời, có một số trường hợp sẽ hoãn tiêm hoặc chống chỉ định tiêm vaccine.

Trước đó, Cổng thông tin Bộ Y tế ngày 3/8 cũng có bài viết: “TP.HCM tiêm vaccine COVID-19 trên tinh thần tự nguyện và miễn phí”, trong đó, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM trả lời câu hỏi: “Không tiêm vaccine liệu có bị phạt?” như sau: "Cho đến nay, chính sách của Nhà nước Việt Nam là tiêm vaccine phòng Covid-19 miễn phí và tự nguyện cho toàn dân".

Trên Cổng thông tin Bộ Y tế có bài viết: “TP.HCM tiêm vaccine COVID-19 trên tinh thần tự nguyện và miễn phí”. Và ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM phát biểu tại họp báo (Ảnh: chụp màn hình Cổng thông tin Bộ Y tế)
Trên Cổng thông tin Bộ Y tế có bài viết: “TP.HCM tiêm vaccine COVID-19 trên tinh thần tự nguyện và miễn phí”. Và ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM phát biểu tại họp báo (Ảnh: chụp màn hình Cổng thông tin Bộ Y tế)

Tường thuật của Trang web Chính phủ về chiến dịch tiêm phòng Covid-19 ở TPHCM, hôm 25/8 nói: "Nguyên tắc của tiêm vaccine phòng COVID-19 dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân".

Hiện nay, trên cả nước đang tiến hành tiêm chủng vaccine cho người trên 18 tuổi. Trong các đợt tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trước đã có những người thuộc diện cần tiêm chủng nhưng chưa tiêm vì nhiều lý do như: Có bệnh lý, bệnh nền, không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm chủng hoặc bản thân người có chỉ định tiêm chủng từ chối tiêm, từ chối tiêm vaccine Trung Quốc…

Hôm 11/8, tờ Sydney Morning Herald đưa tin, một trong những chuyên gia tham gia phát triển vaccine AstraZeneca - Giáo sư Andrew Pollard cho biết, biến thể Delta đã phá huỷ cơ hội đạt được miễn dịch cộng đồng. Giáo sư Pollard cũng kêu gọi chấm dứt việc xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng để nước Anh có thể bắt đầu sống chung với virus.

Giáo sư Andrew Pollard là người đứng đầu Oxford Vaccine Group, đồng thời giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI) của Anh – Ủy ban độc lập tư vấn về tiêm chủng.

Các chuyên gia về virus corona cho biết, đã đến lúc phải chấp nhận rằng không có cách nào để ngăn ngừa sự lây lan của virus trong toàn bộ dân chúng và việc kiểm soát những người có triệu chứng nhẹ không còn hữu hiệu nữa.

Giáo sư Andrew nói: “Chúng ta không có bất cứ thứ gì có thể ngăn chặn sự lây nhiễm, vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở tình huống không thể có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng, và tôi nghi ngờ rằng virus sẽ tạo ra một biến thể mới thậm chí còn lây nhiễm mạnh hơn với những ai đã chích ngừa".

Các phân tích từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh (Public Health England - PHE) cho thấy, những người đã chích ngừa vaccine phòng virus có tải lượng virus tương tự như những người chưa được tiêm chủng và có thể bị lây nhiễm.

Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới có tỷ lệ tiêm vaccine cao đang phải đối diện với đợt bùng phát mới của dịch bệnh. Điển hình là Israel, quốc gia có mức độ tiêm chủng cao nhất thế giới đối với Covid-19, với 78% những người từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ, đại đa số bằng vaccine Pfizer. Tuy nhiên, quốc gia này hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới, với gần 650 trường hợp mắc mới hàng ngày trên một triệu người. Hơn một nửa trong số đó là những người đã được tiêm chủng đầy đủ.

Do đó, nhiều người dân nghi ngờ về hiệu quả cũng như chất lượng của vaccine ngừa Covid-19 là có cơ sở, và việc người dân từ chối tiêm chủng cũng có thể lý giải được.

Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, người dân chỉ còn cách trông chờ vào những quyết sách của nhà nước, nhưng chính sự bất đồng, thiếu thống nhất trong các quy định, văn bản từ trung ương tới địa phương đang khiến người dân thêm phần khó xử và lúng túng.

Đông Mai

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Hà Nội: Một phường buộc dân ký cam kết chịu trách nhiệm nếu không tiêm chủng và làm lây lan dịch bệnh