Gửi thế hệ tương lai - Phần 24: Cuộc sống không phải là những gì nhận được, mà là những gì đã cho đi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc sống không phải là những gì chúng ta nhận được mà là những gì chúng ta cho đi; không phải về những người chúng ta biết mà là cách chúng ta đối xử với họ; không phải là về những thứ chúng ta sở hữu mà là khả năng chúng ta gầy dựng chúng; không phải về danh lợi mà là về phẩm chất, nhân cách của mình...

Phần 23

Đừng cư xử với người thân như thể họ sẽ ở bên bạn mãi mãi

Vào mùa hè năm 1969, tôi nhận được một lá thư từ Tổng thống Richard Nixon, bắt đầu bằng một câu mà tôi cảm thấy không có chút thiện cảm: “Xin chào, qua lá thư này, bạn coi như đã được giới thiệu vào Lực lượng Vũ trang của Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ”.

Dĩ nhiên, tôi cảm thấy rất bực bội sau khi đọc xong lá thư. Tôi đã vo tròn nó như một quả bóng và ném vào góc tường. Lúc ấy, mẹ tôi đang nằm trong phòng ngủ trong căn nhà nhỏ của chúng tôi. Lúc ấy, bà đã 42 tuổi và đang “chết dần” vì căn bệnh ung thư, và tôi là con cả trong gia đình có 5 anh chị em.

Mẹ gọi tôi vào phòng và hỏi tôi về nội dung lá thư. Tôi né tránh cho mẹ biết sự thật nên đã trả lời: “Không có gì đâu Mẹ, đó chỉ là hóa đơn của câu lạc bộ thu âm”. Nhưng mẹ không tin và yêu cầu tôi mang nó đến cho bà (lúc đó mẹ tôi đang nằm liệt giường). Tôi đành mang lá thư vào phòng cho mẹ. Mẹ đọc và bắt đầu rơi lệ. Mẹ kéo tôi vào lòng, ôm tôi thật chặt và khóc nức nở.

Mẹ tôi có hai anh trai và một người anh rể đã tham gia chiến đấu trong Thế chiến thứ II và đều bị thương tật vĩnh viễn. Mẹ hiểu được những rủi ro và nguy hiểm của chiến tranh, vì thế bà càng không muốn điều đó xảy ra với bất kỳ đứa con nào của mình.

Đúng lúc đó, mấy người bạn của tôi ở ngoài bấm còi gọi tôi. Chúng tôi đã có kế hoạch đi cùng nhau, và lúc ấy tôi chỉ muốn ra ngoài với chúng bạn. Vì vậy, tôi đã ích kỷ và nhanh nhảu nói với mẹ: “Sẽ ổn thôi mẹ. Nhiều bạn bè của con từ thời trung học đã đi nghĩa vụ và thậm chí một số anh em họ của con cũng đã đi, họ đều trở về bình an. Con cũng sẽ ổn thôi, thật đó”.

Mẹ không muốn buông tay, nhưng tôi năn nỉ rằng tôi thực sự cần phải đi, các bạn đang ở phía ngoài đợi tôi. Tôi thuyết phục mẹ rằng chúng tôi có thể tiếp tục câu chuyện khi tôi trở về.

Mẹ đã mất không lâu ngay sau hôm đó. Tôi không thể nói cho bạn biết bao nhiêu đêm tôi đã khóc, ôm gối và mong ước da diết được quay trở lại ngày hôm đó, được ôm và nói chuyện với mẹ thêm một lần nữa… nhưng mong ước đó vĩnh viễn không thể thành hiện thực.

Nếu tôi có thể chia sẻ lại một kinh nghiệm để đời cho bất kỳ ai về việc sẵn sàng lắng nghe, thì đó là đừng cư xử với người thân như thể họ hiển nhiên sẽ ở bên bạn mãi mãi. Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội ôm họ và nói với họ rằng bạn yêu họ, và trân trọng họ biết nhường nào… bởi vì đó có thể là cơ hội cuối cùng của bạn.

Ed Koehnemann

_______

Thông điệp gửi tới thế hệ trẻ

Tôi cũng như bao người ở độ tuổi 76, độ tuổi tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm sống, những thử thách và những phần thưởng xứng đáng.

Những năm thơ ấu của tôi in đậm hình ảnh cả gia đình và những người hàng xóm xung quanh nhà, cùng ngồi trò chuyện trước hiên nhà. Giá trị tư tưởng của tôi được định hình và kế thừa từ ông bà, cha mẹ và thầy cô giáo, chứ không phải từ các phương tiện truyền thông xã hội.

Tôi luôn suy nghĩ về những điều tôi muốn chia sẻ với cháu gái của mình - năm nay cháu cũng sắp tốt nghiệp đại học. Nhưng có lẽ, những lời khuyên này cũng có ích cho thế hệ trẻ của chúng ta.

Tôi mong cháu gái và các bạn trẻ khác hiểu rằng cuộc sống không phải là những gì chúng ta nhận được mà là những gì chúng ta cho đi; không phải về những người chúng ta biết mà là cách chúng ta đối xử với họ; không phải là về những thứ chúng ta sở hữu mà là khả năng chúng ta gầy dựng chúng ra sao; không phải về danh lợi mà là về phẩm chất, nhân cách của mình.

Tôi mong muốn cháu gái tôi hiểu rằng cuộc sống thường không dễ dàng hoặc công bằng, nhưng mỗi ngày đều mang đến cho chúng ta những cơ hội mới để tạo ra sự khác biệt, cho dù sự khác biệt đó lớn hay nhỏ. Mọi lựa chọn, dù lớn hay nhỏ, đều mang lại những hệ quả.

Tôi mong cháu mình tìm thấy niềm đam mê và nhiệt tình trong công việc. Cháu cần hiểu rằng không thể làm mọi việc một mình, nên hãy ghi nhận những đóng góp của người khác và đề nghị được giúp đỡ khi cần thiết.

Tôi muốn cháu biết rằng cháu sẽ có lúc mắc sai lầm và hối tiếc. Nhưng hãy thừa nhận sai lầm của mình, chúng ta luôn có cơ hội thứ hai để không mắc phải những lỗi lầm tương tự. Tôi mong cháu gái nhìn thấy những điều tốt đẹp ở người khác và có thể tha thứ cho họ, ngay cả khi họ làm cháu thất vọng.

Trên tất cả, tôi mong cháu hãy là chính mình.

Hãy đón nhận sự hướng dẫn và lời khuyên đúng đắn từ người khác, nhưng hãy để lương tâm dẫn đường chỉ lối. Và hãy nhớ đối xử tốt với chính mình. Bạn luôn là duy nhất, nên hãy là chính mình vì sẽ không có một “bạn” thứ hai ở bất kỳ nơi đâu.

Duane Hodgin

_______

Không thể thay đổi được quá khứ, chẳng thể biết được tương lai sẽ về đâu, nhưng bạn lại có thể hiểu được hiện tại. Hãy tôn trọng những gì bạn đang có và hãy làm những điều mà bạn có thể trong từng phút giây ở hiện tại.

Jack Feathers

_______

Tôi rất thích và tán thành với những câu châm ngôn mà cha ông ta để lại. Dưới đây là một số câu mà tôi đã áp dụng và truyền dạy lại cho các con, cháu và chắt của mình:

  1. Luôn luôn nhìn nhận sự việc một cách “tổng thể”. Nó sẽ giúp bạn có những giải pháp tốt hơn.
  2. Nhanh nhẹn tình nguyện nhận những nhiệm vụ không ai muốn làm, bạn sẽ trở thành người không thể thiếu.
  3. Không bao giờ ngừng học và miệt mài tự học.
  4. Trong lần đánh giá công việc tiếp theo, hãy đặt mục tiêu để “tên của bạn” ở vị trí đầu tiên mà người quản lý nghĩ đến, khi họ muốn tìm người để hoàn thành tốt một công việc nào đó. Và yêu cầu người quản lý giúp bạn đạt được mục tiêu đó.
  5. Viết ra triết lý sống của riêng bạn. Càng đánh giá được nhiều khía cạnh trong cuộc sống sẽ càng giúp bạn xác định rõ hơn niềm tin của mình. Điều quan trọng là phải viết nó ra và cập nhật nó ít nhất hằng năm. Điều này đã giúp tôi tự tin và có tâm thái bình yên trong nhiều thập kỷ.

Kurt Hasper Jr.

_______

Lớn lên vào những năm 50 và 60, bọn trẻ chúng tôi thường ăn uống tại bàn ăn (dạng quầy bar) trong nhà bếp đối diện với một bảng thông báo. Mẹ tôi rất thông minh, bà đã cắt các bài báo, mẩu tin và dán lên bảng để chúng tôi đọc — Ann Landers, Abby thân mến, v.v. Một mẩu báo đã để lại ấn tượng mãi trong tôi:

“Hãy mừng vui khi những chiếc đĩa đã bẩn

Chúng luôn có một câu chuyện để kể

Trong khi những người khác còn đang đói

Chúng ta đã được ăn rất no

Với ngôi nhà và sức khỏe lẫn hạnh phúc

Chúng ta không nên cảm thấy phiền phức

Hãy lấy những thứ này làm bằng chứng, Chúa rất tốt với chúng ta”.

Vâng, chúng tôi rất ghét phải rửa và làm khô chén đĩa trước khi có máy rửa chén và ngay cả sau khi có máy rửa chén nữa.

Tôi thật sự tin rằng thế hệ trẻ ngày nay không có bối cảnh để [so sánh và hiểu được] họ may mắn như thế nào. Các bạn trẻ lớn lên trong thời có bóng đá thế giới AYSO (Tổ chức Bóng đá Thanh niên Hoa Kỳ), nơi mọi người đều được chơi và mọi người đều nhận được một chiếc cúp.

Mặc dù bài thơ trên nói về những chiếc đĩa đựng đồ ăn, nhưng nó cũng nói về trách nhiệm và sự trân quý đối với những gì mình có, đừng mong mọi thứ bày sẵn trên mâm mà không cần tốn công sức gì cả.

Stacy Gannon

______

Thân gửi thế hệ tiếp theo!

Tôi có thể không lớn tuổi như một số cô bác chia sẻ những lời khuyên hiền triết qua chuyên mục này, nhưng tôi tin rằng với phần lớn kiến thức mà tôi thu thập được trong nhiều năm qua, bạn có thể áp dụng chúng trong vài tình huống mà bạn đối mặt.

Bạn cần nắm vững 3 điều chính yếu: Học cách yêu Chúa, tôn trọng mọi người và làm việc chăm chỉ. Bạn sẽ cần ba trụ cột này trong mọi tình huống.

Thứ nhất, niềm tin vào Chúa là điều cần thiết cho cuộc sống của bạn và hơn cả thế nữa. Hãy học cách luôn tin cậy Ngài với bất kỳ giá nào, và Ngài sẽ giúp bạn luôn hành xử đường đường chính chính.

Thứ hai, học cách tôn trọng mọi người và có lòng tự trọng, đồng thời học cách khoan dung với người khác dù niềm tin và cách làm của họ có thể không giống như của bạn. Đặc biệt trong các mối quan hệ và cư xử với phụ nữ (nếu bạn là đàn ông), luôn cần phải lịch thiệp với phụ nữ. Từ rất sớm, tôi đã được dạy điều này, và điều tôi nhận được hoàn toàn xứng đáng.

Thứ ba, làm việc chăm chỉ là điều cốt yếu. Bạn có thể có cơ hội làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cho dù là ngồi trước máy tính từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, hay làm việc tay chân như xây dựng và nhận thầu, đều cần đến sự chăm chỉ.

Trong tất cả những điều này, hãy làm việc chăm chỉ như cách để thể hiện lòng tôn kính tới Chúa, dù công việc có lúc gặp khó khăn. Luôn đồng hành cùng với 3 điều trụ cột ở trên, bạn sẽ là mẫu người mà người khác sẽ kể với con cái của họ và nói với chúng rằng: “Giờ, con có thể học từ bác ấy”.

Luke Pierce

___________________

Quý vị muốn đưa ra lời khuyên gì cho các thế hệ trẻ?

Chúng tôi kêu gọi tất cả độc giả sẵn lòng chia sẻ những giá trị vượt thời gian, đã định rõ được đúng và sai qua những trải nghiệm thực tế cùng với kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm xương máu của mình. Chúng tôi nhận thấy những thông điệp ý nghĩa truyền lại cho thế hệ tiếp theo đang giảm dần theo thời gian, và rằng chỉ với một nền tảng đạo đức vững vàng, thì thế hệ tương lai mới có thể phát triển mạnh mẽ.

Hoa Long

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Gửi thế hệ tương lai - Phần 24: Cuộc sống không phải là những gì nhận được, mà là những gì đã cho đi