Gửi thế hệ tương lai - Phần 19: Những bài học quý giá từ gia đình tôi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mẹ tôi đã dạy chúng tôi cố gắng làm việc và tin vào bản thân mình. Chúng tôi chưa khi nào có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống, như thể vì quá nghèo mà những gì có được đều là do may mắn. Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi đều xây dựng cuộc sống của mình dựa trên tiêu chí “làm thế nào để tự mình tạo ra cuộc sống tốt đẹp, hơn là trông chờ vào việc sẽ nhận được sự giúp đỡ từ ai khác”.

Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6, Phần 7, Phần 8, Phần 9, Phần 10, Phần 11, Phần 12, Phần 13, Phần 14, Phần 15, Phần 16, Phần 17 , Phần 18

Hãy mạnh mẽ, hi vọng và tin tưởng vào chính mình

Gửi thế hệ tương lai

Tôi là một cựu chiến binh Hải quân, đã 71 tuổi. Và tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng: cuộc sống luôn đầy những thử thách, cách bạn đối mặt với những thách thức đó sẽ quyết định bạn là ai. Hãy mạnh mẽ, hi vọng và tin tưởng vào chính mình.

Cuộc sống là những chuyến đi, hãy tận hưởng nó.

Đừng để bị cuốn vào những lời hoa mỹ mà bạn nghe và thấy trên ti vi - những lý thuyết suông nói về sự tỉnh thức hay chối bỏ văn hóa truyền thống.

Hãy nghiên cứu lịch sử và bạn sẽ nhận ra được rằng, trong suốt con đường dài xây dựng đất nước này, thế hệ đi trước đã mắc phải nhiều sai lầm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã học được rất nhiều từ những sai lầm ấy. Nhận biết được chỗ sai của mình, sẽ giúp chúng ta không tái phạm chúng một lần nữa.

Hãy làm việc chăm chỉ, sống trung thực với mọi người xung quanh, kể cả bản thân bạn. Và khi bạn thất bại, hãy vững tin, mạnh mẽ quay lại cuộc đua vì đó là cuộc sống.

Bài học quý giá từ cha

Một bài học quý giá mà tôi có được chính là lúc tôi ngồi vào bàn ăn tối cùng gia đình năm tôi 12 tuổi. Hôm đó, sau khi ăn xong, tôi hỏi cha tôi rằng có thể trả tiền cho tôi vì tôi đã cắt cỏ cho gia đình hay không?

Cha hỏi tôi thử nghĩ xem với công sức tôi bỏ ra thì đáng bao nhiêu tiền. Tôi nhanh miệng trả lời là nó đáng giá 3 dollar. Cha tôi cười và lấy 3 dollar đưa cho tôi. Tôi đắc ý về hành động của mình.

Nhưng trước khi tôi rời khỏi bàn, cha tôi hỏi ngược lại tôi rằng: “Con nghĩ bữa ăn mẹ nấu hôm nay, nếu chúng ta ăn tại nhà hàng thì nó đáng giá bao nhiêu?”.

Tôi chợt nhận ra và trả lời cha: “Dạ đáng giá 4 dollar”.

Đó là bài học mà tôi đã rút ra được. Tôi đã đưa lại tiền cho cha và không bao giờ yêu cầu cha mẹ trả công cho mình vì những gì mình đã làm cho gia đình nữa. Tôi hiểu được giá trị của công việc, gia đình và mãi ghi nhớ bài học này trong suốt cuộc đời mình.

Sal De Mauro, North Carolina

_________________

Đừng cố trở thành anh hay chị của con bạn, vì chúng luôn cần cha mẹ

Món quà quý giá nhất mà các bậc cha mẹ dành cho con cái chính là tình yêu thương.

Tôi dạy học ở trường và tôi nghĩ một trong những bài học quan trọng nhất mà tôi từng dạy cho học sinh là dạy cho các em bắt tay lẫn nhau.

Điều này không liên quan gì đến môn học mà tôi dạy. Tôi nói với học sinh của mình rằng, một ngày nào đó, các em sẽ nộp đơn xin vào đại học hoặc sẽ tham gia phỏng vấn xin việc. Vì vậy, ấn tượng đầu tiên có thể sẽ rất lâu dài. Tôi bảo các em hãy nhìn thẳng vào mắt người đối diện và bắt tay thật chắc chắn.

Sau đó, tôi đi xung quanh từng học sinh và yêu cầu các em thực hành. Đó là một việc nhỏ, nhưng tôi nghĩ nó rất đáng giá và có lẽ chúng ta sẽ có thể thực hiện lại việc bắt tay này ngay khi đại dịch được kiểm soát.

Ann S. Russell, Virginia

_________________

Hãy tìm kiếm ‘di sản’ của mình

Tôi luôn tin rằng chúng ta sẽ hiểu hơn về chính mình từ những điều mà mình kế thừa từ cha mẹ.

Ai đó từng nói rằng: “Rất quan trọng khi hiểu được quá khứ của cha mẹ và ông bà mình. Vì như thế, chúng ta có thể nhận ra được thế hệ đi trước phải vất vả thế nào để gầy dựng nên gia đình, và khổ cực thế nào để vượt qua những khó khăn”.

Tôi lớn lên cùng mẹ - mẹ tôi sinh năm 1918 tại Ý. Năm 1945, sau khi nước Ý được giải phóng, mẹ tôi đã gặp cha tôi - một quân nhân Anh quốc, và cả hai chuyển đến Anh sinh sống. Thuở thiếu thời, mẹ tôi là một người phụ nữ nghèo khó, sống dưới chế độ áp bức và phân biệt đối xử, khi Đức Quốc xã chiếm đóng nước Ý.

Khi cha tôi mất, mẹ đã trở thành một người vợ góa với 8 đứa con, đứa nhỏ nhất 4 tuổi và đứa lớn nhất 13 tuổi.

Ông bà Clorinda và James Henry O’Neill trong tuần trăng mật tại Rome năm 1945 (Ảnh: Dorothy O’Neill)
Ông bà Clorinda và James Henry O’Neill trong tuần trăng mật tại Rome năm 1945 (Ảnh: Dorothy O’Neill)

Mặc dù khả năng nói tiếng Anh của mẹ tôi rất yếu, nhưng mẹ tôi luôn hiểu mình phải làm gì cho gia đình. Mẹ đã không phụ thuộc vào bất cứ thứ gì hay bất cứ ai, kể cả chính phủ. Mặc dù vẫn nhận trợ cấp của chính phủ dành cho những góa phụ phải nuôi con nhỏ, nhưng đối với mẹ tôi, đó chỉ là một khoản trợ giúp rất nhỏ so với những nỗ lực của bà để nuôi chúng tôi khôn lớn.

Mẹ tôi xin một công việc giặt giũ trong một trại tâm thần, vì thời gian làm việc phù hợp với lịch trình đưa đón chúng tôi tại trường. Đó là cuộc sống của mẹ tôi - tuy vất vả nhưng rất đáng tự hào, bà đã phải nỗ lực rất nhiều để trở thành một người mẹ vĩ đại.

Gia đình chúng tôi không hề có những món đồ xa xỉ, thậm chí là những kỳ ngày nghỉ giản đơn. Ngược lại, chúng tôi mặc những bộ quần áo cũ, nhưng chúng tôi được mẹ dạy cho cách nhìn nhận cuộc sống và cách tự mình cải thiện cuộc sống chính mình hơn là nhận hỗ trợ từ người khác.

Mẹ tôi đã dạy chúng tôi cố gắng làm việc và tin vào bản thân mình. Chúng tôi chưa khi nào có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống, như thể vì quá nghèo mà những gì chúng tôi có được đều là do may mắn. Mẹ không để chúng tôi phải cảm thấy cuộc sống chúng tôi quá bất hạnh.

Và rồi, chúng tôi đã tiếp nối ý chí kiên cường của mẹ tôi. Những năm 60, mẹ tôi đã mua được căn nhà đầu tiên cho gia đình mình.

Đối với các anh chị em trong gia đình, ý chí kiên cường trong cuộc sống là một “di sản” quý giá mà chúng tôi có được từ mẹ của chúng tôi. Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi đều xây dựng cuộc sống của mình dựa trên tiêu chí “làm thế nào để tự mình tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn, hơn là trông chờ vào việc sẽ nhận được sự giúp đỡ từ ai khác”.

Mẹ tôi chưa khi nào tự nhận mình là một nạn nhân của cuộc sống thời bấy giờ, mặc dù đôi khi bà bị chế giễu vì giọng nói của mình và bị khinh thường vì là một người Ý. Bà không khi nào tìm kiếm sự thương hại từ bất kỳ ai hoặc mong chờ ai đó đứng ra bảo vệ mình. Bà luôn ngẩng cao đầu trong mọi việc.

Hãy kiếm tìm lịch sử gia đình của chính mình để tìm ra những “di sản” quý giá mà bạn có thể kế thừa từ gia đình mình. Nắm bắt và tận dụng nó để tạo dựng những gì mà bạn mong muốn, xem trọng những điều đó như thể là một món quà mà bạn nhận được từ thế hệ đi trước.

Không có một chính phủ nào sẽ mãi chăm sóc cho bạn. Bạn phải tự kiếm cho mình một “di sản”, mà bề dày lịch sử của di sản ấy sẽ giúp bạn rất nhiều. Hãy trân quý và tận dụng nguồn “di sản” tuyệt vời này!

Dr. Dorothy O’Neill, California

“Gửi thế hệ tương lai” bao gồm những lời chia sẻ của thế hệ đi trước dành cho thế hệ trẻ - đúc kết những giá trị vượt thời gian, xác định điều gì là khôn ngoan, giúp bạn phân định giữa đúng và sai, khích lệ tinh thần và truyền cảm hướng cho người trẻ tiến bước.Thông qua kinh nghiệm dày dặn, những bài viết của những người lớn tuổi là “sự truyền lại trí tuệ” - vốn đang bị giảm dần theo thời gian. Bởi vì chỉ với một nền tảng đạo đức vững chắc thì thế hệ tương lai mới có thể phát triển tốt.

Hà Phương

Theo The Epoch Times



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Gửi thế hệ tương lai - Phần 19: Những bài học quý giá từ gia đình tôi