Guerewol - Cuộc thi có một không hai: “Hoa hậu đàn ông”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phụ nữ Wodaabe chẳng bao giờ lo bị “ế”, ngay cả khi họ xấu xí hay vụng về thêu thùa nấu nướng. Đơn giản vì ở bộ tộc này, đàn ông lại là người phải ra sức làm đỏm, và phải sở hữu những vũ điệu khỏe khoắn mới mong được các quý cô “nhòm” đến. Và chỉ ở bộ tộc này mới có cuộc thi “Hoa hậu đàn ông”, trong đó “thí sinh” là các chàng trai và ban giám khảo là những cô gái đang tuổi tìm… chồng.

Bất chấp cuộc sống hiện đại đang xâm lấn và thủ tiêu nhiều nền văn hóa truyền thống, bộ tộc du mục Wodaabe vẫn giữ nguyên vẹn được bản sắc văn hóa đặc sắc độc nhất vô nhị của họ.

Bộ lạc tránh xa nền văn minh hiện đại

Bộ tộc du mục Wodaabe sống trên sa mạc Sahara tin rằng, họ là những người đẹp nhất thế giới. Vẻ đẹp được coi có tầm quan trọng không thể thiếu được trong các mùa lễ hội hằng năm của họ. Nhưng chưa ở đâu và chưa có dân tộc nào lại có cuộc thi “Sắc đẹp” nam giới lại ấn tượng và đặc sắc như nơi đây.

Các chàng trai vẽ lên mặt những vạch dọc, ngang bằng màu chàm, xanh, vàng, trắng, đặc biệt họ chú trọng nhấn vào đôi mắt và xung quanh môi để làm nổi bật đồng tử và hàm răng với hy vọng sẽ được “chấm điểm” cao. Bên cạnh đó còn có cuộc so tài xem ai đảo mắt điêu luyện nhất thì người đó sẽ được bầu chọn là “hoa khôi”.

Người Wodaabe di trú trong hoang mạc và sống trong các lều cỏ, trong những bụi cây hiếm hoi mọc lên sau cơn mưa. Ở đó, họ phải đương đầu với bão cát, với cái nóng hầm hập và những cơn mưa hối hả. Đến thăm bộ tộc du mục này không dễ, bởi mỗi năm họ di chuyển khoảng 1.000 dặm cùng với lều trại và toàn bộ tài sản là đàn gia súc. Họ cũng cố tình lánh xa nền văn minh hiện đại hiện nay và thật khó để biết họ đi hướng nào, bởi dấu vết họ để lại đã bị những trận gió cát sa mạc xóa sạch.

Người Wodaabe di trú trong hoang mạc và sống trong các lều cỏ, trong những bụi cây hiếm hoi mọc lên sau cơn mưa.
Người Wodaabe di trú trong hoang mạc và sống trong các lều cỏ, trong những bụi cây hiếm hoi mọc lên sau cơn mưa. (Getty)

Trong cộng đồng du mục Wodaabe, việc phân chia công việc gia đình rất rành mạch, theo trật tự phân chia hằng bao đời: Phụ nữ ở nhà nấu nướng, dệt vải, chăm sóc con cái và đàn lừa quanh lều, đàn ông đi xa chăn bò và lạc đà, còn lũ trẻ thì trông cừu và dê. Người Wodaabe còn nổi tiếng với kỹ thuật dệt và nhuộm những tấm thổ cẩm cầu kỳ bằng các chất liệu màu lấy từ tự nhiên.

Phụ nữ bộ tộc Wodaabe ở nhà thêu dệt và chạm khắc, họ vẽ các họa tiết lên những ống bầu đựng nước. Ngoài “sắc đẹp”, họ được đàn ông Wodaabe “để ý” nhiều hay ít chính là ở sự khéo tay này. Tuy vậy phụ nữ Wodaabe chẳng bao giờ lo bị ế, ngay cả khi họ vụng về thêu thùa, nấu nướng.

Đơn giản vì ở bộ tộc này, đàn ông lại là người phải ra sức làm đỏm và nhảy đẹp mới mong được các cô để mắt. Vì vậy chỉ ở bộ lạc này - nói một cách bóng bảy - mới có cuộc thi “hoa hậu đàn ông”, thực chất là cuộc thi tìm ra người đàn ông tài giỏi, xuất sắc của bộ tộc.

Hoang mạc Sahara sau một thời gian bị hun nóng, cạn kiệt sinh lực vì chẳng có lấy một giọt nước thì ở chân trời ùn ùn những áng mây vảy hồng. Bầu trời bỗng đỏ rực, gió thổi mạnh, cả hoang mạc như bị nổ bung bởi những bọng nước sầm sập từ trên cao đổ xuống. Mưa đã làm cho nơi di trú của người Wodaabe bỗng chốc trở thành ao hồ đầm lầy, và không có cách nào khác, họ lại lên đường tìm nơi ở mới.

Mưa đã đưa họ tới một vùng đất mang tên Tuareg, thuộc Niger. Màu xanh cỏ bao trùm lên cát trắng. Đây cũng là thời điểm người Wodaabe thảnh thơi tụ họp, nhảy múa khoe sắc, khoe trang phục và… tán tỉnh. Lễ hội ấy có tên là Guerewol.

Ở bộ tộc này, đàn ông lại là người phải ra sức làm đỏm và nhảy đẹp mới mong được các cô để mắt. Ảnh: Một cô gái trẻ đang chọn ra người đàn ông xuất sắc nhất.
Ở bộ tộc này, đàn ông lại là người phải ra sức làm đỏm và nhảy đẹp mới mong được các cô để mắt. Ảnh: Một cô gái trẻ đang chọn ra người đàn ông xuất sắc nhất. (Wikipedia - CC BY-SA 2.0)

Cuộc thi thử thách tính nhẫn nại và sức dẻo dai của con người

Guerewol là cuộc thi nhảy và thi “sắc đẹp” giữa những người đàn ông, diễn ra trong suốt 7 ngày. Không thể gọi Guerewol là một đại vũ hội mà phải gọi đó là một đấu trường thực sự, nơi thử thách tính nhẫn nại và sức dẻo dai của con người.

Dưới ánh Mặt trời thiêu đốt, hơn 1.000 trai tráng Wodaabe đua tranh trong những vũ điệu tưởng chừng bất tận kéo dài từ sáng cho tới lúc trời nhá nhem, rồi từ lúc chạng vạng cho tới khi Mặt trời ló dạng, dưới sự “theo dõi” khắt khe của một “ban giám khảo” toàn những cô gái để chọn ra một người đàn ông đẹp trai tài giỏi nhất.

Trong suốt tuần lễ lễ hội ấy, nhưng cô gái chưa chồng tha hồ quan sát để tìm cho mình chàng trai họ ưa thích nhất. Đàn ông Wodaabe đến với lễ hội Guerewol cũng muốn tìm một cô vợ xinh đẹp, giỏi giang và khéo léo.

Theo tục lệ, đàn ông Wodaabe có thể lấy 4 vợ, nhưng phụ nữ Wodaabe chỉ được phép lấy một chồng. Người vợ đầu tiên phải là người phụ nữ được cha mẹ chọn ngay từ khi anh ta mới chào đời. Còn những người vợ sau thì được chọn bằng tình yêu thực sự.

Vào lúc bình minh, những người đàn ông ngồi bệt dưới đất, nghiền nát bột chàm trộn với dầu karite để tạo màu vàng trang điểm khuôn mặt. Sau đó họ “trang điểm” khuôn mặt bằng một đường kẻ màu vàng sậm dọc từ trán xuống chóp mũi, chấm thêm một vài điểm vàng sáng hoặc đường kẻ ca rô hai bên má trước khi bện tóc và mặc bộ trang phục đẹp nhất của mình.

Vào lúc bình minh, những người đàn ông ngồi bệt dưới đất, nghiền nát bột chàm trộn với dầu karite để tạo màu vàng trang điểm khuôn mặt.
Vào lúc bình minh, những người đàn ông ngồi bệt dưới đất, nghiền nát bột chàm trộn với dầu karite để tạo màu vàng trang điểm khuôn mặt. (Ảnh chụp video - Tribal Beauty Pageant -- for Men | National Geographic)

Bộ trang phục dài thắt ngang lưng này được chính người vợ đầu, chị gái hoặc mẹ của anh ta tự tay thêu dệt rất công phu. Trước khi bắt đầu cuộc thi, một bô lão lên đọc bản ước khế yêu cầu các “thí sinh” tham dự phải tuân thủ luật lệ của bộ tộc. Mục đích nhằm loại bỏ sự gian lận, ghen tuông, tật đố ra khỏi trái tim và trí óc của các chàng trai Wodaabe.

Lễ hội Guerewol bắt đầu bằng màn ra mắt của các chàng trai. Cả nghìn trai tráng Wodaabe đồng loạt tiến lên phía trước, xếp thành một dãy dài trước mặt “ban giám khảo” với “nam trang” lỉnh kỉnh: Cổ đeo chuỗi vòng màu sắc, mắt cá chân đeo chuông, cổ tay trang trí vòng xuyến, áo xếp viền thổ cẩm sặc sỡ và mũ đội đầu điểm một sợi lông đà điểu.

Họ vai kề vai, nhón chân vươn người ra phía trước cùng hòa bản đồng ca của người chăn cừu trong nền giai điệu thâm trầm, chậm rãi. Lời ca miêu tả sự di trú của người Wodaabe và cảm tạ Đấng Tạo hóa ban mưa cho họ.

Ngay sau bài ca, cuộc thi đòi hỏi mỗi chàng trai phải thể hiện linh hoạt các cử chỉ trên khuôn mặt như đảo tròng mắt, há miệng, mím môi, chu miệng, chuyển động quai hàm, và khoe hàm răng sáng bóng. Trong cuộc “đọ sức” này, nếu chàng trai nào giữ yên được một con mắt, còn nhãn cầu mắt kia xoay tròn thì có nhiều ưu thế được “chấm” là người đàn ông tài giỏi nhất.

Cuộc thi đòi hỏi mỗi chàng trai phải thể hiện linh hoạt các cử chỉ trên khuôn mặt như đảo tròng mắt, há miệng, mím môi, chu miệng, chuyển động quai hàm, và khoe hàm răng sáng bóng.
Cuộc thi đòi hỏi mỗi chàng trai phải thể hiện linh hoạt các cử chỉ trên khuôn mặt như đảo tròng mắt, há miệng, mím môi, chu miệng, chuyển động quai hàm, và khoe hàm răng sáng bóng. (Wikimedia Commons)

Khi các chàng trai ra sức thể hiện “vẻ đẹp” của mình thì ở phía đối diện, các cô gái Wodaabe trong vai trò “ban giám khảo” và với bộ cánh đẹp nhất cũng quan sát cánh đàn ông để tìm ra ai là người hoàn hảo nhất trong con mắt của họ.

Theo “tiêu chuẩn đẹp” của người Wodaabe, thì người đàn ông đó phải đáp ứng được vóc dáng eo thon, bắp tay săn chắc, da sậm, mắt sáng, hàm răng trắng đều và đặc biệt là động tác uyển chuyển khi thực hiện vũ đạo. Có thể nói người Wodaabe rất mê điệu nhảy của mình, họ gọi đó là vũ điệu Biển cả. Những vũ điệu đánh hông, lắc mình của các chàng trai được ví như sóng biển hùng dũng nhưng uyển chuyển, mặc dù đa số người Wodaabe cả đời chưa bao giờ nhìn thấy… đại dương.

Khi họ xoay người, lực ly tâm khiến những đồ trang sức bằng kim loại đeo trên người leng reng rất vui tai. Ngày cuối cùng của đêm hội tưng bừng ấy, “ban giám khảo” đã chọn ra được người đàn ông đẹp nhất, tài giỏi nhất của bộ tộc Wodaabe. Anh ta có nước da trơn bóng màu đồng thau, khuôn mặt hóa trang công phu và vũ điệu thì uyển chuyển đến mê hồn.

Lễ hội Guerewol đã cho “người đàn ông đẹp nhất Lễ hội” cơ hội chọn một người bạn đời hợp ý. Và đồng thời Guerewol cũng cho thế giới hiện đại chiêm ngưỡng một cuộc thi “sắc đẹp” mà ở đó, vẻ đẹp tự nhiên và tâm hồn của con người được ca ngợi hết lời.

Quốc Trung



BÀI CHỌN LỌC

Guerewol - Cuộc thi có một không hai: “Hoa hậu đàn ông”