Giữa đại dịch Covid-19, ‘Cái ôm đầu tiên’ nhận được giải Ảnh Báo chí thế giới năm 2021

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Cái ôm đầu tiên", ảnh chụp cụ bà trong vòng tay của nữ y tá tại viện dưỡng lão Brazil sau nhiều tháng bị cách ly vì Covid-19, đã mang về cho nhiếp ảnh gia người Đan Mạch Mads Nissen Giải Ảnh Báo chí thế giới năm 2021. Đó là một bức ảnh xúc động, nhắc nhở rằng có lẽ đã lâu rồi chúng ta chưa thật sự... "ôm nhau”.

Giữa hàng tỷ tấm hình được chụp mỗi ngày trong kỷ nguyên hình ảnh ngày nay, bức ảnh về “cái ôm” giữa hai con người trong cơn khủng hoảng sức khỏe - bởi đại dịch Covid-19 - đã mang đến sự xúc động lớn lao.

Ban Giám khảo Cuộc thi ảnh năm 2021 đã lựa chọn "Cái ôm đầu tiên" của tác giả Mads Nissen làm Ảnh Báo chí thế giới năm 2021.

Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cụ bà Rosa Luzia Lunardi (85 tuổi) đang trong vòng tay của y tá Adriana Silva da Costa Souza tại viện dưỡng lão Viva Bem, TP São Paulo, Brazil, ngày 5/8/2020. Đây là cái ôm đầu tiên cụ Rosa nhận được trong vòng 5 tháng.

Nhiếp ảnh gia Nissen chia sẻ về bức ảnh của mình: "Đối với tôi, đây là câu chuyện về hy vọng và tình yêu trong lúc khó khăn nhất".

Vào tháng 3/2020, các viện dưỡng lão trên khắp Brazil phải đóng cửa để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Hàng triệu người Brazil không thể tới thăm người thân của mình đang sống trong viện dưỡng lão. Giới chức Brazil yêu cầu nhân viên chăm sóc tại viện dưỡng lão giữ khoảng cách cần thiết với những người dễ bị lây nhiễm.

Trong bối cảnh đó, nhà chức trách tại viện dưỡng lão Viva Bem đã nghĩ ra ý tưởng "rèm ôm", cho phép mọi người được ôm nhau nhờ có sự bảo vệ của chiếc rèm trong suốt.

Nhiếp ảnh gia Kevin WY Lee, Giám đốc sáng tạo và cũng là thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi ảnh năm 2021 cho rằng: "Hình ảnh mang tính biểu tượng về Covid-19 ghi dấu khoảnh khắc đặc biệt nhất trong cuộc sống ở mọi nơi. Tôi nhìn thấy sự tổn thương, những người thân yêu, sự mất mát, chia ly, sự chết chóc, và cả sự sống hiện diện trong một bức ảnh. Nếu bạn nhìn vào bức ảnh đủ lâu, bạn sẽ thấy đôi cánh: biểu tượng của sự vươn lên và hy vọng".

Nhiếp ảnh gia Faccilongo cho biết ông mong muốn tác phẩm của mình sẽ là cầu nối văn hóa để đưa mọi người xích lại gần nhau.

Bao lâu rồi ta chưa 'ôm nhau'?

Trong bối cảnh cả thế giới phải “giấu mặt” sau những chiếc khẩu trang, giữa sự giãn cách xã hội, tất cả những hành động tiếp xúc gần gũi đều bị hạn chế, đến như cái bắt tay cũng không còn hợp thời.

Vậy mà, “cái ôm” - tưởng như có chút “nghịch lý” - lại là điều hợp lý nhất trong cơn khủng hoảng.

Cái ôm chữa lành những thương tổn, truyền thêm cho con người sức mạnh và hy vọng theo cách nồng ấm nhất, trực tiếp nhất.

Tấm ảnh đã gửi một thông điệp: khao khát được ôm, được yêu thương, được chia sẻ, gắn kết, cảm thông... đã vượt qua nỗi sợ cái chết. Dù có đối mặt với cái chết, con người vẫn muốn được ôm.

Không cần ngôn ngữ, không cần diễn đạt cầu kỳ… chính bản thân cái ôm đã là ngôn ngữ tuyệt vời, nói lên tình cảm, sự gắn bó, và là nguồn năng lượng tinh thần lớn lao.

Hãy ngẫm lại, đôi khi chúng ta ở rất gần nhau nhưng không hề muốn giao tiếp, đôi khi chúng ta cận kề nhau nhưng tâm trí xa nhau hàng vạn dặm. Chúng ta đặt tâm trí mình trong thế giới ảo, mà không quan tâm tới sự ấm lạnh của người bên cạnh mình.

Chẳng phải tất cả chúng ta đều đã được ôm từ lúc mới chào đời? Tấm ảnh “chiếc ôm đầu tiên” nhắc chúng ta về hơi ấm tình người, rằng có lẽ đã lâu rồi chúng ta chưa thật sự “ôm nhau”...

Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

Giữa đại dịch Covid-19, ‘Cái ôm đầu tiên’ nhận được giải Ảnh Báo chí thế giới năm 2021