Giá trị của lòng biết ơn và những cách hay dạy con trẻ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu bạn cảm thấy mỏi mệt trên con đường tìm kiếm những danh vọng cho tương lai hay bất lực trước mong ước thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất, tinh thần, thì hãy nhắc nhở bản thân một điều rằng, cuộc sống của chúng ta không cần phải có “nhiều hơn” nữa, bởi hạnh phúc vẫn luôn ở đó - trong thái độ của lòng biết ơn.

Lòng biết ơn là một mỹ đức

Trong xã hội thực dụng ngày nay, đồng tiền được xem là chiếc chìa khóa "vạn năng", người ta cho rằng mọi thứ đều có thể được "mua" bằng tiền. Tuy nhiên, liệu tiền có thể mang lại tất cả những gì chúng ta mong đợi: sức khỏe tốt hơn, mối quan hệ tình cảm sâu sắc hơn, thái độ sống tích cực hơn, nhân cách cao thượng hơn…?

Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày mọi thứ trong đời chúng ta trở nên tồi tệ, và những danh, lợi kia không thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn? Nếu là vậy, có lẽ bạn đã quên áp dụng một điều đơn giản trong cuộc sống của mình: thái độ biết ơn. Đó là cách giúp chúng ta tập trung vào những gì mình đang có thay vì những gì chúng ta không có được.

Nhà văn nổi tiếng William Arthur Ward đã từng nói: “Lòng biết ơn có thể biến những ngày bình thường thành những ngày lễ tạ ơn, biến những công việc thường ngày thành niềm vui và thay đổi những cơ hội thông thường thành phước lành”.

Thật vậy, lòng biết ơn là khởi điểm của hạnh phúc, cũng là ngọn nguồn của sự tiến bộ. Phẩm chất tốt đẹp này được xem như “sợi chỉ huyền diệu” xuyên suốt tinh thần của con người, giúp ta khơi gợi lại các phước lành, ký ức tốt đẹp trong quá khứ, biết trân quý những gì có được ở hiện tại và duy trì thái độ tích cực, lạc quan vào tương lai. Vì vậy, thường xuyên thể hiện lòng biết ơn mang đến cho con người nhiều lợi ích hơn chúng ta nghĩ.

Trong một số nghiên cứu gần đây, những người tham gia khảo sát đã được đề nghị viết lời cảm ơn cho một ai đó và thực hiện liên tục trong suốt ba tuần. Kết quả cho thấy rằng việc này làm tăng cảm giác hạnh phúc và hài lòng về cuộc sống, đồng thời giúp giảm bớt các triệu chứng trầm cảm.

làm tăng cảm giác hạnh phúc và hài lòng về cuộc sống, đồng thời giúp giảm bớt các triệu chứng trầm cảm.
Những người tham gia khảo sát được đề nghị viết lời cảm ơn cho một ai đó. Điều này làm tăng cảm giác hạnh phúc và hài lòng về cuộc sống, đồng thời giúp giảm bớt các triệu chứng trầm cảm. (Ảnh: Pexels)

Có một thực tế rằng, việc bày tỏ lòng biết ơn sẽ khuyến khích người khác làm điều tương tự, từ đó thúc đẩy sự hình thành một vòng tròn đạo đức trong các mối quan hệ.

Một người sẽ trải nghiệm được tinh thần lạc quan khi cảm nhận thất sự tốt đẹp từ những gì người khác mang lại, giúp truyền cảm hứng để họ trở thành những người tử tế hơn, làm nhiều điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng xung quanh mình.

Câu chuyện của phó chủ tịch tập đoàn Microsoft: phúc báo đến từ lòng biết ơn

Một lần, khi công ty nơi Stevens làm lập trình viên bị phá sản, ông đã nộp đơn ứng tuyển vào một công ty phần mềm khác với vị trí tương tự. Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn đầu tiên và hoàn thành tốt bài kiểm tra viết, ông được hẹn đến một cuộc phỏng vấn nữa. Với kinh nghiệm và năng lực vốn có của một lập trình viên xuất sắc, ông tự tin rằng mình sẽ thể hiện tốt. Thế nhưng, trong buổi hôm ấy, người phỏng vấn chỉ hỏi xem ông nghĩ nền công nghiệp phần mềm sẽ phát triển theo hướng nào thay vì những câu hỏi kỹ thuật. Ông chưa từng nghĩ về vấn đề đó trước đây và đã không có câu trả lời thỏa đáng. Vài ngày sau, ông nhận được tin rằng mình không được nhận.

Tuy không có được việc làm nhưng Stevens cho rằng ông đã học được nhiều điều từ quy trình phỏng vấn này. Ông đã quyết định dành thời gian của mình để viết thư cảm ơn, với những lời bày tỏ chân thành như sau: “Tôi xin cám ơn quý công ty đã dành nhân lực và những tài nguyên khác để cho tôi có cơ hội được tham gia kỳ thi viết và phỏng vấn. Dù rằng tôi không được nhận, nhưng thông qua quá trình tuyển dụng này tôi đã học được nhiều điều mới mẻ về nền công nghiệp phần mềm. Xin cảm ơn mọi nỗ lực mà quý công ty đã dành cho đơn ứng tuyển của tôi. Xin cảm ơn một lần nữa!

Mặc dù không được nhận, Stevens cảm thấy đã rút được nhiều bài học trong quá trình này, anh cảm thấy bản thân nên viết bức thư để thể hiện lòng biết ơn...
Mặc dù không được nhận, Stevens cảm thấy đã rút được nhiều bài học trong quá trình này, anh cảm thấy bản thân nên viết bức thư để thể hiện lòng biết ơn... (Ảnh: Pexels)

Công ty này chưa từng nhận một lá thư kiểu như vậy từ một ứng cử viên bị loại. Do đó, các nhân viên và lãnh đạo công ty đã truyền tay nhau bức thư để đọc, cuối cùng đến tay của vị chủ tịch. Sau khi đọc xong, ông không nói gì cả mà chỉ cất bức thư vào hộc bàn.

Ba tháng sau, vào dịp Giáng Sinh, ông Stevens nhận được một tấm thiệp mừng năm mới rất đẹp, được gửi đến từ công ty mà ông đã viết thư cảm ơn. Trong đó viết: “Gửi ông Stevens, chúng tôi muốn mời ông cùng tham gia với chúng tôi trong kỳ nghỉ Năm Mới”. Thực ra, công ty này đang có một đợt tuyển dụng mới và vị chủ tịch của công ty đã nghĩ ngay đến ông Stevens nhờ bức thư của ông.

Công ty phần mềm đó là tập đoàn Microsoft. Sau hơn 12 năm làm việc, ông Stevens đã được thăng chức làm phó chủ tịch tập đoàn cũng là phúc báo tốt đẹp cho thái độ sống tốt đẹp của ông.

Tác động của lòng biết ơn đối với con trẻ và cách nuôi dưỡng thái độ biết ơn

Nghiên cứu cho thấy rằng trong tất cả các cảm xúc, lòng biết ơn là thứ có ảnh hưởng tích cực nhất đến hạnh phúc của một đứa trẻ. Ngoài ra, thái độ biết ơn cũng được chứng minh là có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng hòa nhập xã hội, thành tích học tập và tinh thần của con trẻ.

thái độ biết ơn cũng được chứng minh là có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng hòa nhập xã hội, thành tích học tập và tinh thần của con trẻ.
Thái độ biết ơn cũng được chứng minh là có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng hòa nhập xã hội, thành tích học tập và tinh thần của con trẻ. (Ảnh: Pexels)

Dưới đây là bảy lời khuyên chúng ta có thể áp dụng để giáo dục trẻ về cách nuôi dưỡng thái độ biết ơn:

  1. Trở thành một hình mẫu về lòng biết ơn đối với con bạn

Trẻ nhỏ thích bắt chước những hành động mà chúng nhìn thấy ở cha mẹ, vậy nên, cha mẹ hãy tạo thói quen thực hành các hành động biết ơn hàng ngày trước mặt trẻ. Hãy để trẻ thấy bạn cảm ơn mọi người trong cuộc sống vì những hành động tử tế, hoặc để trẻ giúp bạn viết những tấm thiệp cảm ơn. Hãy cởi mở bày tỏ lòng biết ơn về những điều nhỏ nhặt hàng ngày như là: có được sức khỏe tốt, bữa ăn ngon, hoặc một chiếc giường ấm áp... Điều này có thể giúp các con hiểu hơn về giá trị của lòng biết ơn.

  1. Dành thời gian chất lượng cùng con

Thời gian dành cho con rất quý giá, hãy để chúng học cách trân quý nó. Để thực hành việc này, điều quan trọng là cha mẹ phải loại bỏ tất cả mọi phiền nhiễu và thực sự "hiện diện" bên cạnh các con thông qua việc lắng nghe những gì con nói, cùng con tìm hiểu, chia sẻ... Hãy cho con thấy sự đồng cảm, thấu hiểu qua mối quan hệ gia đình gắn kết thực sự.

  1. Ủng hộ sự tự chủ của trẻ

Cho phép con thể hiện ưu điểm và năng lực của bản thân bằng cách để trẻ có cơ hội khẳng định sự độc lập của mình. Điều này không những có giá trị cho sự phát triển của con mà còn giúp nâng cao cảm giác biết ơn của chúng. Đồng thời, chúng ta cũng nên hạn chế con trẻ sử dụng mạng xã hội để giảm tối đa những ảnh hưởng tiêu cực.

Hãy cho con thấy sự đồng cảm, thấu hiểu qua mối quan hệ gia đình gắn kết thực sự.
Hãy cho con thấy sự đồng cảm, thấu hiểu qua mối quan hệ gia đình gắn kết thực sự. (Ảnh: Pexels)
  1. Khuyến khích trẻ thể hiện sở trường

Bạn có thể khuyến khích con tận dụng những sở trường của chúng trong các tương tác hàng ngày để thể hiện lòng biết ơn, như là: nói chuyện trực tiếp, viết thư hoặc thậm chí bằng một cách sáng tạo hơn với một bức vẽ hoặc một bức tranh. Điều này sẽ khiến trẻ thấy thú vị khi thể hiện thái độ biết ơn và trân quý mọi cơ hội để thể hiện tình cảm với mọi người, mọi vật.

  1. Hỗ trợ con đạt được sự phát triển cá nhân thay vì những thứ vật chất

Ngày nay, nhiều trẻ em và thanh thiếu niên chỉ mong muốn được thoả mãn những nhu cầu vật chất, như là có được quần áo thời thượng hay điện thoại thông minh mẫu mới nhất...Tuy nhiên, hãy khuyến khích con theo đuổi các mục tiêu và hoạt động nhằm nâng cao thành tựu cá nhân, tăng giá trị cho cuộc sống, hoặc củng cố các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội.... Sau đó, nhắc nhở con thể hiện lòng biết ơn đối với tất cả những người đã giúp đỡ và hỗ trợ con trong suốt quá trình ấy, chẳng hạn như giáo viên, bạn bè, và tất nhiên cả cha mẹ.

  1. Nuôi dưỡng sự hào phóng và khuyến khích con xây dựng tình bạn

Trong quá trình giáo dục, bằng cách khuyến khích con giúp đỡ người khác, chúng ta cũng có thể dạy cho trẻ nhận thức tổng quan về giá trị của sự tử tế. Điều này giúp con nỗ lực nuôi dưỡng các mối quan hệ tích cực với những người xung quanh. Trẻ học được tầm quan trọng của sự hào phóng hiểu được sự cần thiết của việc thể hiện lòng biết ơn đối với người khác.

  1. Giúp con khám phá những gì mục tiêu quan trọng

Giúp trẻ học cách theo đuổi ước mơ và đam mê của mình là cách hay để giáo dục con về mục đích của cuộc sống. Khi con tìm thấy mối liên hệ lớn hơn giữa đời sống và tinh thần, con có thể phát triển một cảm giác sâu sắc về lòng biết ơn và mong muốn cống hiến cho cộng đồng và xã hội ngay từ thời thơ ấu.

Gieo trồng “hạt giống” biết ơn trong tâm trí con trẻ không phải là công việc một sớm một chiều, nhưng kết quả sẽ rất xứng đáng. Một tâm hồn tràn đầy sự cảm ân và tử tế sẽ không có chỗ cho những hoài nghi và oán hận, hay những bất mãn, bất an. Hãy giúp con “mở cửa” trái tim mình, để biết ơn và trân quý hết thảy mọi thứ cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta.

Mymy - Nguyễn Minh
Theo theepochtimes.com



BÀI CHỌN LỌC

Giá trị của lòng biết ơn và những cách hay dạy con trẻ