Giá hàng hóa tăng vọt trong mùa dịch, người tiêu dùng khốn khổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người dân đang cảm thấy ngán ngẩm bởi trong mùa dịch mà vật giá leo thang. Không chỉ giá gas, thực phẩm tươi sống mà ngay cả đồ khô và nhiều mặt hàng khác cũng tăng chóng mặt, khiến cuộc sống nhiều gia đình gặp khó khăn.

Từ đầu tháng 6 tới nay, hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô tại TP. HCM đều tăng giá mạnh, nhất là khi thành phố và nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19.

Chiều 30/9, các doanh nghiệp kinh doanh gas cho hay, giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục tăng tháng thứ 5 liên tiếp. Từ ngày 1/10, giá gas tăng lên đến 42.000 đồng/bình 12kg, đẩy giá mỗi bình gas từ 460.000 đồng đến trên 500.000 đồng.

Giá Gas tăng ‘khủng’ 42.000 đồng, ‘kỷ lục’ hơn 460.000 đồng/bình 12kg

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá gas tăng gần 150.000 đồng/bình 12 kg. (Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Ông Lê Quang Tuấn - Phó giám đốc Công ty cổ phần thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho hay, các sản phẩm gas Pacific, Vimexco Gas và City Petro đều tăng, với mức giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng như sau: 484.000 đồng/bình 12 kg; 1.813.500 đồng/bình 45 kg; 2.016.500 đồng/bình 50 kg.

Theo ông Tuấn, mức tăng khủng này đã được dự báo trước, nguyên nhân bởi giá khí đốt ở châu Âu tăng kỷ lục và chưa có dấu hiệu dừng. Đồng thời, các nước Sri Lanka, Chile, Đan Mạch, Pháp, Đức, Montenegro và Anh đã công bố Hiệp định "No New Coal Power Compact" (Nói không với điện than) đã tiếp đà cho giá LPG tiếp tục tăng mạnh, kéo theo đà tăng mạnh của giá gas trong nước.

Từ tháng 6 đến nay, giá gas tăng hơn 100.000 đồng/bình 12 kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas tăng gần 150.000 đồng/bình 12 kg.

Cần chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng

Ngay đến giá rau củ quả cũng tăng chóng mặt khiến nhiều gia đình gặp khó khăn tài chính trong mùa dịch chật vật xoay sở (Ảnh: Pixabay)
Ngay đến giá rau củ quả cũng tăng chóng mặt khiến nhiều gia đình gặp khó khăn tài chính trong mùa dịch chật vật xoay sở (Ảnh: Pixabay)

Tuy nhiên, không chỉ gas tăng giá, mà ngay cả các thực phẩm và hàng hoá tiêu dùng khác đều tăng chóng mặt, khiến nhiều gia đình đã khó khăn trong mùa dịch nay càng khó khăn hơn.

Chẳng hạn, giá thịt heo trước đây thường chỉ 130.000 – 135.000 đồng/kg thì có thời điểm nhiều cá nhân bán tăng lên 220.000 đồng/kg. Trong khi đó giá heo hơi từ đầu đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến nay giảm đến 20.000 đồng, từ 70.000 đồng xuống 50.000 đồng/kg, nhưng giá bán lẻ thịt heo đến tay người dùng lại tăng chóng mặt.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các loại cá, tôm như tôm nuôi tại Long An, Tiền Giang có giá 110.000 - 120.000 đồng/kg, lên tới TP. HCM có giá bán 240.000 - 250.000 đồng/kg; cua Cà Mau 220.000 đồng/kg, giá lên thành phố 380.000 đồng/kg; cá nục thông thường có giá 55.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng trong dịch tăng lên 110.000 - 140.000 đồng/kg

Đặc biệt với các loại rau xanh như rau muống, rau cải các loại cũng đã tăng gấp 2-3 lần so với trước đây. Thậm chí, các loại rau gia vị như hành lá, rau ngò… có lúc tăng gấp 4-5 lần ngày thường khiến nhiều người “chóng mặt”.

Không chỉ với thực phẩm tươi sống mà ngay thực phẩm khô như các loại bún, mì hay các loại bột làm bánh cũng tăng gấp đôi. Ngay cả giá bún tươi thông thường bán 12.000 - 15.000 đồng/kg ở chợ truyền thống, thì nay ở thành phố có nơi bán tới 40.000/kg.

Chẳng hạn, bún tươi Safoco trước khi dịch xảy ra giá 16.000 - 17.000 đồng/gói 300 gram, nay lên 29.000 đồng/gói 300 gram; bột mì đa dụng trước đây khoảng 24.000 - 25.000 đồng/kg nay lên 39.000 - 40.000 đồng/kg...

Giải thích cho việc tăng giá rau củ, thực phẩm này, đa phần tiểu thương đều cho rằng, vì các loại chi phí liên quan như nguyên liệu, vận chuyển đều lên cao khiến giá thành các mặt hàng cũng tăng cao.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hiếu, chủ một vựa rau củ tại Đà Lạt, việc nhiều loại rau củ tại TP.HCM tăng gấp 2 hay gấp 3-4 lần ngày thường là vì người bán vẫn muốn có lời quá cao. Thậm chí giá mua rau củ tại vườn rất thấp vì đang vào vụ thu hoạch, cộng thêm chi phí vận chuyển về TP.HCM cũng không thể nào tăng gấp đôi.

Bà đặt ra câu hỏi rằng, nếu vì chi phí đầu vào tăng thì tại sao nhiều tiểu thương trong thời kỳ dịch bệnh nặng nề vẫn giữ nguyên giá bán? Nhiều doanh nghiệp dù đối diện với bao khó khăn, nhất là chi phí sản xuất tăng nhưng vẫn cố gắng sản xuất và ổn định giá bán đến tay người tiêu dùng? Mà ngược lại, nhiều tiểu thương và siêu thị giá các mặt hàng vẫn tăng chóng mặt?

Đại diện một hệ thống bán lẻ lớn tại TP.HCM cho hay, có nhiều thời điểm họ phải bán dưới giá thành, chấp nhận lỗ để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Bởi lúc này không phải là thời điểm để tính đến việc phải duy trì mức lãi như trước đây mà quan trọng hơn là phải đồng hành cùng đối tác, khách hàng.

Đông Mai

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Giá hàng hóa tăng vọt trong mùa dịch, người tiêu dùng khốn khổ