Dùng máy đẻ nhân tạo thay vì mang thai: Bước tiến khoa học hay sự tiếp tay cho tội ác và suy đồi đạo đức? (Radio)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học đã cho ra đời một phát minh gây tranh cãi và chạm đến ranh giới giữa tính ứng dụng thực tiễn và đạo đức nhân loại. Liệu việc “mang thai ngoài cơ thể” có thể thay thế được trải nghiệm sinh nở của con người?

Từ những nghiên cứu khoa học...

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Hà Lan đang phát triển nguyên mẫu tử cung (dạ con) nhân tạo nhằm cứu sống trẻ sinh thiếu tháng và có khả năng giúp phụ nữ khỏi "mang nặng đẻ đau" sau này.

Không giống như lồng ấp trẻ sinh non hiện nay, tử cung nhân tạo này cung cấp các điều kiện sinh học tương tự như trong bụng mẹ. Trong tử cung nhân tạo, thai nhi được bao bọc trong chất lỏng và khoáng chất, nhận được oxy cùng dưỡng chất thông qua bánh nhau nhân tạo kết nối với dây rốn của trẻ.

Nhóm nghiên cứu cho biết nguyên mẫu của họ không đơn giản là một chiếc túi sinh học bằng nhựa, mà được mô phỏng dựa trên tử cung thật của phụ nữ và có cả âm thanh tiếng tim đập của mẹ.

Từ lâu, ý tưởng về việc thụ tinh và nuôi dưỡng bào thai người bên ngoài cơ thể người mẹ đã được thúc đẩy để nghiên cứu. Năm 1992, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã thành công trong việc nuôi bào thai dê bên trong túi cao su.

Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (CHOP) tiết lộ rằng họ đã nuôi cấy bào thai cừu trong túi nhựa - tương đương khoảng nửa số tháng của một thai kỳ đến đủ tháng.

Năm 2019, các nhà nghiên cứu Hà Lan đã nhận được khoản tài trợ 2,9 triệu euro từ EU để phát triển tử cung nhân tạo sử dụng các bản sao của trẻ sơ sinh người được gắn cảm biến, trước khi triển khai cách làm này tại các bệnh viện.

Nhóm nghiên cứu tại Hà Lan nói trên dự kiến nguyên mẫu tử cung nhân tạo của họ sẽ sẵn sàng đưa vào thực nghiệm trong thời gian tới. Điều này có nghĩa là họ có thể cho ra đời “tử cung nhân tạo dành cho con người” đầu tiên trên thế giới.

Đến những tham vọng tương lai

Theo Đạo luật thụ tinh và phôi thai ở người (HFE) năm 1990, các nhà thí nghiệm phôi phải tuân thủ nghiêm ngặt theo “Quy tắc 14 ngày”. Tức họ phải hủy phôi và không được tiếp tục nuôi cấy phôi người, vì bất kỳ mục đích gì, trong ống nghiệm lâu hơn 14 ngày sau thời điểm thụ tinh. Quy tắc này nhằm giữ đạo đức trong khoa học, không dẫn đến việc phát triển con người nhân tạo.

Tuy nhiên, với những thành công trong việc kéo dài sự sống của phôi thai trong phòng thí nghiệm gần đây, nhiều nhà khoa học và người dân đã bắt đầu cổ xúy cho việc xóa bỏ “Quy tắc 14 ngày” này với lý do nó sẽ giúp cứu sống trẻ sinh non. Và như vậy gần như chắc chắn sẽ yêu cầu sử dụng tử cung nhân tạo để trẻ tiếp tục phát triển.

Tử cung nhân tạo có thể là một lựa chọn cho phụ nữ hiện đại khi họ muốn có con mà không muốn mang thai và sinh con. "Bạn sẽ không còn bị ốm nghén mỗi sáng, không phải chịu những thay đổi trong cơ thể. Tôi nghĩ sẽ có một số người hứng thú với điều đó" - bà Lisa Mandemaker - người đang xúc tiến cho chương trình này chia sẻ.

Ngoài khả năng cho ra đời một con người từ phòng thí nghiệm, tham vọng xa hơn của những nhà khoa học cổ xúy điều này còn là: Thông qua “nuôi dưỡng bào thai” nhân tạo, họ sẽ có được một nguồn cung cấp cho ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng!

Liệu chúng ta có thực sự sẵn sàng đi xa đến vậy không?

Liệu tử cung nhân tạo có đúng đắn về mặt đạo đức không?

Triết gia Albert Camus từng nói: “Người không có đạo đức giống như con thú hoang bị thả rông vào thế giới”.

Làm khoa học cũng vậy. Nếu không có đạo đức ước thúc, người làm khoa học rất dễ bị cuốn theo những tham vọng muốn thay thế Đấng tạo hóa, đi ngược lại những giá trị cốt lõi của con người. Nếu chúng ta thả trôi và để cho "các nhà khoa học" quyết định tính đúng đắn về mặt đạo đức của việc nuôi dưỡng bào thai thì con người sẽ đi về đâu?

Theo BBC, sự phát triển tử cung nhân tạo này cũng đặt ra các câu hỏi đạo đức về tương lai của việc tạo ra một đứa trẻ. Một số người ủng hộ sự sống hy vọng công nghệ này có thể cứu trẻ sơ sinh khỏi bị phá thai. Nhưng trước khi chúng ta đi sâu vào vấn đề đó, câu hỏi phải được xem xét là liệu việc phát triển tử cung nhân tạo của con người có đúng về mặt đạo đức hay không.

Việc hoàn thiện một cỗ máy như vậy sẽ đòi hỏi sự tạo ra hàng loạt phôi thai người và sự phá hủy lặp đi lặp lại của chúng trong các thí nghiệm.

Và nền tảng cho việc này đã được chuẩn bị để cho phép các thí nghiệm trên bào thai sống tiếp tục. Tiểu bang Vermont của Hoa Kỳ gần đây đã ban hành một quy chế nêu rõ: “Một quả trứng, phôi thai hoặc bào thai đã thụ tinh sẽ không có các quyền độc lập theo luật Vermont”. Điều khoản này có nghĩa là bất kỳ phôi thai hoặc thai nhi nào cũng có thể được sử dụng cho bất kỳ công cụ nào mà không có hậu quả về mặt Pháp lý.

Luật sư Wesley J. Smith - nhà nghiên cứu cấp cao của Hiệp hội nghiên cứu Hoa Kỳ nhấn mạnh: Thời điểm để quyết định xem chúng ta có muốn đi theo con đường thực dụng này hay không là trước khi chúng ta thật sự chế tạo thành công tử cung nhân tạo ấy, chứ không phải khi cuộc khủng hoảng đạo đức ập đến và chúng ta không còn thời gian để suy nghĩ. Ít nhất, chúng ta cần phải ban hành một lệnh cấm có hiệu lực về mặt Pháp luật nhằm ngăn cản việc thử nghiệm bào thai sống để thế giới có thời gian cân nhắc về vấn đề đạo đức của việc theo đuổi các công nghệ như thế này lên con người.

Hậu quả của việc mang thai nhân tạo

Nếu tử cung nhân tạo được cho phép phát triển tiếp, mối đe dọa lớn nhất mà những đứa trẻ chưa sinh phải đối mặt không phải đến từ những người mẹ “không đủ sức khỏe” để mang thai, mà từ những bà mẹ không muốn mang thai. Một khi cơ thể của phụ nữ không còn là nơi duy nhất để nuôi dưỡng thai nhi nữa, việc phá thai có thể là lựa chọn dễ dàng, vì thai nhi ấy có thể được “giải cứu” và nuôi lớn để trở thành con nuôi của gia đình nào đó sau này. Kết quả là, con người có thể dễ dàng sống buông thả và vô trách nhiệm với hành động của mình, vô trách nhiệm với những sinh linh bé nhỏ.

Tử cung nhân tạo sẽ là một công nghệ mới vô cùng mạnh mẽ. Quyền lực đó phụ thuộc vào việc ai đang yêu cầu, chế tạo, kiểm soát và trả tiền cho công nghệ ấy. Một khi thụ tinh ống nghiệm trở thành xu hướng phổ biến. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với nghiên cứu giúp phụ nữ sinh con dễ dàng và an toàn hơn mà không phải mang nặng đẻ đau.

Điều gì sẽ xảy ra nếu những bào thai sống được duy trì trong môi trường nhân tạo, xa hơn mục đích được sinh ra hoặc để cứu những đứa trẻ có nguy cơ bị chết do sinh non — mà bị xem giống như những con chuột thí nghiệm, rất có thể chúng sẽ bị sử dụng làm nguồn nội tạng để cấy ghép.

Ở đây, đạo đức không nằm ở chỗ hiến tạng và ghép tạng nữa, mà là ở chỗ kết liễu một sinh mệnh non yếu để phục vụ việc cấy ghép. Điều đó thật sự kinh hoàng!

Phụ nữ được nhiều hơn mất khi mang thai và sinh con. Cô ấy sẽ cảm nhận được sự thiêng liêng của việc làm mẹ, nuôi dưỡng tình yêu vô điều kiện với một hình hài đang lớn lên bên trong cơ thể mình mỗi ngày, trải nghiệm hạnh phúc vỡ òa khi con thơ chào đời... Chẳng phải những điều ấy rất đáng giá sao?

Liệu quyền tự do sinh con mà không mang thai có đáng để hy sinh những điều thiêng liêng ấy không? Và một khi điều này bị lạm dụng để một nhóm lợi ích nào đó trục lợi từ những tội ác kinh hoàng, đạo đức nhân loại rồi sẽ đi về đâu?

Hà Phương



BÀI CHỌN LỌC

Dùng máy đẻ nhân tạo thay vì mang thai: Bước tiến khoa học hay sự tiếp tay cho tội ác và suy đồi đạo đức? (Radio)