Đừng dựa vào người khác để lấp đầy khoảng trống trong trái tim bạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người trong chúng ta lầm tưởng rằng “cô đơn” là một trạng thái, nhưng thật ra nó lại thuộc về ý nghĩ của tâm trí. Ngay cả khi bạn tìm kiếm được một nửa của đời mình, đôi khi bạn vẫn không tránh khỏi cảm thấy cô đơn!? Thật ra, cô đơn chính là bức tường mà bạn xây lên bao xung quanh chính mình.

Chiếc áo mang tên ‘cô đơn’

Nỗi sợ cô đơn có thể đến từ những áp lực từ cuộc sống bên ngoài của mỗi người: gia đình, bạn bè, công việc… Khi bị ngoại lực tác động đến, chúng ta có thể theo một phản xạ nhất định - đó là thu mình lại.

Nhưng cũng có thể với một cuộc sống bộn bề và người ta đang không ngừng tìm kiếm những cách thức khác nhau để lấp đầy những khoảng trống trải, chúng ta dễ dàng nhượng bộ và thỏa hiệp trong việc nhìn nhận nỗi cô đơn. Ta có thể nghĩ rằng khoác lên mình một chiếc áo mang tên “cô đơn” sẽ khiến chúng ta đến gần hơn với người khác, và mang trái tim của mọi người đến với nhau dễ hơn.

Nhưng thực chất, chúng ta lại đang giam cầm chính mình chỉ để mong muốn kết nối với mọi người. Khi luôn phải đóng một vai diễn cô độc, chúng ta không còn có thể khám phá được hết giới hạn của bản thân và nội tâm phong phú của mình. Kết quả là chúng ta ngày càng rời xa chính mình và càng không hiểu được mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta - “sự liên kết với chính mình”.

Học cách hiểu bản thân

Nếu bạn dành nhiều thời gian hơn để cho bản thân được trải nghiệm những điều khác nhau trong cuộc sống. Không chỉ có nỗi buồn mà vui vẻ, lạc quan, thất vọng, khó khăn… đều sẽ giúp bạn nhìn cuộc sống này nhiều màu sắc hơn, tựa như khối lập phương - mỗi một mặt là một màu sắc khác nhau.

Bạn hãy dành thêm chút thời gian cho bản thân để sắp xếp lại chúng về đúng vị trí. Nhờ đó bạn có thể tìm thấy những người bạn phù hợp với mình và đạt được mối quan hệ vững chắc dựa trên việc hiểu rõ bản thân.

Những người hiểu rõ bản thân sẽ không mù quáng dựa vào người khác để lấp đầy khoảng trống trong trái tim mình, và họ có khả năng “xây dựng một mối quan hệ lành mạnh”. Một mối quan hệ lành mạnh chắc chắn không dựa trên việc kìm nén nỗi sợ cô đơn của cá nhân.

Điều đó giúp bạn định vị được bản thân - không nhất thiết phải tìm đến đám đông để giải tỏa nỗi cô đơn, mà ngay cả trong một buổi chiều tĩnh lặng ngồi một mình cũng không cảm thấy lạc lõng, hay một góc nhỏ quán cà phê quen thuộc cũng làm bạn thấy yên bình.

Suy cho cùng, không nên để tâm trạng của mình bị tác động nhiều bởi ngoại cảnh. Bởi vì, không có cuộc vui nào không kết thúc, mối quan hệ giữa con người với nhau cũng sẽ thay đổi, giống như sự thay đổi của bốn mùa.

Hãy cố gắng lắng nghe và quan tâm tới tâm hồn của bạn đang thực sự mong muốn điều gì. Sau đó mới nghĩ tới tình cảm mà người khác dành cho mình. Chỉ khi bạn sẵn sàng bạn mới có thể tìm thấy được sự đồng cảm và thương yêu, chứ không phải khi bạn cảm thấy cô đơn và muốn tìm kiếm một mối quan hệ để lấp đầy khoảng trống.


Cách xử lý tốt hơn là hãy dành thời gian để điều chỉnh cảm xúc của bản thân và có thể lắng nghe trái tim mình nhiều hơn. (Ảnh: Pixabay)

Cách xử lý tốt hơn là hãy dành thời gian để điều chỉnh cảm xúc của bản thân và có thể lắng nghe trái tim mình nhiều hơn. (Ảnh: Pixabay)

Đừng quá tin vào cảm giác của mình

Mỗi người đều là một cá thể độc lập có tính cách khác nhau, khi đối mặt với cùng một tình huống thì họ thường có cách giải quyết khác nhau. Câu hỏi ở đây là: “Làm thế nào để các yếu tố tiên thiên và hậu thiên, có thể hỗ trợ với nhau để hình thành nên mỗi cá nhân khác nhau?”

Vì mỗi người đều có những trải nghiệm sống và tính cách bẩm sinh khác nhau, sự kết hợp của hai yếu tố đó có thể làm chúng ta cảm thấy bối rối về những điều mình cảm thấy. Đôi khi bạn sẽ tự hỏi “Trong hoàn cảnh ấy, nhưng sao không ai cảm thấy điều mình đang thấy?”

Có lẽ chúng ta đang lãng phí nhiều thời gian để suy nghĩ về “quá khứ” và “tương lai”. Hãy bỏ qua những điều đã xảy ra và tạm gác việc lo lắng cho những sự việc chưa xảy ra. Thay vào đó, hãy tập trung vào hiện tại. Những cảm xúc đó có thể phần lớn là một trạng thái lo lắng, không thoải mái mà dễ gây hại cho thể chất và tinh thần của chúng ta - chúng không đáng để trải qua.

Trên thực tế, hoàn cảnh, thời gian và không gian gây ra những cảm giác khó chịu này hoặc đã qua đi, hoặc chúng hoàn toàn không xảy ra.

Căng thẳng và lo lắng thường xuất phát từ việc mơ mộng về tương lai hoặc tưởng tượng rằng "nếu điều gì đó xảy ra, nó sẽ là điều tồi tệ". Những suy nghĩ này đủ khiến chúng ta sợ hãi không dám tiến về phía trước, và chúng ta không thể tận dụng tốt tiềm năng của mình để sáng tạo ra cuộc sống.

Còn đối với việc sống mù quáng trong quá khứ sẽ chỉ mang lại vô số tiếc nuối và u buồn, toàn bộ tâm trí sẽ không ngừng xoay quanh hoặc dằn vặt với ý nghĩ: “Điều gì tốt hơn? Nếu ban đầu không như thế thì…”. Sự thật là chúng ta hoàn hoàn không thể thay đổi được quá khứ, và quãng thời gian đó dù tốt hay xấu nó cũng đã vĩnh viễn trôi qua. Bạn chỉ có thể nghĩ rằng kinh nghiệm nào nên tránh lặp lại và đừng mắc kẹt trong thế giới đó một cách vô nghĩa.

Cách xử lý tốt hơn là hãy dành thời gian để điều chỉnh cảm xúc của bản thân và có thể lắng nghe trái tim mình nhiều hơn. Thay vì chỉ tập trung vào một cảm xúc nhất định thì hãy mở lòng mình và học cách chấp nhận nhiều hơn. Với phương thức này, hầu hết mọi người đều thừa nhận rằng nó giúp họ ứng phó với mọi việc lớn nhỏ trong cuộc sống một cách hiệu quả hơn.

Có một câu nói rằng: “Đôi khi cảm giác của chúng ta thường không liên quan đến khoảnh khắc của hiện tại, mà liên quan đến một khoảng thời gian và không gian khác. Chúng ta đang lãng phí ngày hôm nay và nhìn lại quá khứ, lo lắng về những điều chưa xảy ra của ngày mai. Nhưng xin hãy nhớ một điều, thứ chúng ta có là ‘hiện tại’”.

Có người đã khéo léo sử dụng sức mạnh nội tại của bản thân, đã rời bỏ vùng an toàn của mình và từ bỏ sự ổn định trước đây để theo đuổi ước mơ đam mê của mình. Họ đã từ bỏ nỗi sợ hãi và vượt qua nỗi sợ hãi này bằng cách tự nhủ: đừng ràng buộc, đừng đặt ra giới hạn cho bản thân. Trong lòng mỗi người đều có một nguồn năng lượng tiềm ẩn, sử dụng điều đó thế nào là tùy thuộc vào mỗi người.

“Dĩ bất biến ứng vạn biến” - hoàn cảnh bên ngoài là điều chúng ta rất khó cải biến, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được suy nghĩ và điều chỉnh tâm thái của mình trong thế giới đó. Hạnh phúc là một hành trình, không phải là đích đến. Nếu chỉ mãi chạy theo tìm kiếm niềm vui từ thế giới bên ngoài vậy thì chẳng khác nào giống như leo lên một ngọn núi không có đỉnh - càng leo cao thì lòng càng trống rỗng.

Khó khăn hay chán nản không có nghĩa là chúng ta sẽ mãi khó khăn và chán nản. Hãy lắng nghe bản thân và tìm ra nguyên nhân gốc rễ của những cảm xúc tiêu cực. Có thể thay đổi được thái độ của chúng ta khi nhìn vào cuộc sống, chính là cách chúng ta cải biến được thế giới nội tâm và thế giới thực tế. Tâm chuyển cảnh cũng chuyển.

Cảm xúc là một trạng thái kỳ lạ, đặc biệt là cảm xúc khi “yêu”. Có một bài phát biểu trên Ted Talk, giải thích rằng khái niệm “tình yêu” thực sự là một cơ chế của tự nhiên. “Tình yêu” cho phép cả hai vợ chồng sống cùng nhau và nuôi dạy con cái, và tất cả những điều này chỉ để đảm bảo sự tiếp nối của giống nòi và không gì hơn.

Bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý với những ý kiến được đưa ra trong bài viết. Nhưng quan trọng là hy vọng bạn có thể thực sự suy nghĩ về lý do tại sao bạn lại bị ràng buộc bởi một vài cảm xúc nhất định.

Một số người nghĩ rằng đó đơn giản là cảm xúc hay cảm giác, nó thuộc về tình cảm của trái tim và không thể giải thích nó rõ ràng. Nhưng trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có khả năng nhận thức được nguồn gốc của nhiều cảm xúc khác nhau. Mỗi người đều nên dành nhiều thời gian hơn để hiểu bản thân và lắng nghe tiếng nói thật sự xuất phát từ nội tâm của chính mình.

Từ Tịnh
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đừng dựa vào người khác để lấp đầy khoảng trống trong trái tim bạn