Du hành xuyên thời không: 2 phụ nữ Anh “lạc” sang nước Pháp thế kỷ 18 chứng kiến lịch sử bi thương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu chuyện về hai người phụ nữ Anh vào đầu thế kỷ 20 đã đi “lạc” vào chiều không gian của thế kỷ 18, và cảm nhận được một giai đoạn lịch sử tang thương của nước Pháp dưới triều Vua Louis XVI. Trải nghiệm của họ là một trong những chuyến du hành xuyên thời không nổi tiếng và gây chấn động dư luận nhất thời bấy giờ.

Tự thưởng một chuyến đi

Ngày 10/8/1901, hai nữ học giả người Anh là Anne Moberly 55 tuổi và Eleanor Jourdain, 38 tuổi đã tự thưởng cho mình một chuyến đi tới Pháp. Họ quyết định dành một ngày tham quan Cung điện Versailles. Anne Moberly là hiệu trưởng của trường Cao đẳng St. Hugh (Oxford, Anh), còn Eleanor Jourdain là nhà nghiên cứu lịch sử kiêm Phó hiệu trưởng của trường.

Cả hai cùng chung niềm đam mê nghiên cứu lịch sử nước Pháp và rất ngưỡng mộ Cung điện Versailles – biểu tượng quyền lực của vương triều Pháp. Cung điện Versailles nổi tiếng không chỉ bởi quy mô rộng lớn với tổng diện tích lên tới 67.000m2, mà còn bởi vẻ nguy nga, lộng lẫy hội tụ mọi tinh hoa nghệ thuật của nước Pháp trong thế kỷ 17 và 18.

Với cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi Baedeker, Anne Moberly và Eleanor Jourdain tự bắt xe tới Cung điện Versailles rộng lớn, nơi bao gồm một tổ hợp kiến trúc gồm Versailles, Grand Trianon và Petit Trianon.

Sau khi đi thăm cung điện chính Versailles, họ đi dạo quanh khu đất rộng rãi và Anne Moberly gợi ý muốn ghé thăm Petit Trianon, một lâu đài nhỏ do vua Louis XVI xây dành tặng người vợ 19 tuổi của mình, hoàng hậu Marie Antoinette. Cả hai đều không biết rằng, họ sắp được trải nghiệm đến một nơi lạ thường.

Cảnh chụp ngày 22 tháng 6 năm 2007 cho thấy "Sảnh Gương" tại lâu đài Versailles, phía tây Paris, do người Pháp vẽ nghệ sĩ Charles Le Brun (1619-1690). (Ảnh của THOMAS COEX / AFP qua Getty Images)
"Sảnh Gương" tại lâu đài Versailles.(Ảnh của THOMAS COEX / AFP qua Getty Images)

Chuyến tham quan kỳ dị

Petit Trianon cách cung điện Versailles gần một dặm, du khách phải đi qua những khu vườn rộng lớn, nơi có những con đường giao cắt, quanh co rải đầy lá vàng nối liền các cung điện với nhau.

Mặc dù có bản đồ chỉ dẫn, nhưng hai du khách người Anh vẫn chưa xác định được vị trí chính xác của Petit Trianon. Họ phân vân bị lạc đường khi nhận thấy đang đi trên một con đường nhỏ hẹp vắng lặng, bốn bề xung quanh u tịch lạ thường.

File:Petit Trianon Versailles avec jardin.jpg
Khung cảnh đìu hiu vắng lặng tại Petit Trianon. Ảnh: Wikimedia Commons.

Họ đi qua một trang trại hoang vắng không bóng người và thấy một cái cày cũ nằm ở ven đường. Ngay lập tức, Moberly bắt đầu cảm thấy kỳ lạ, như thể một cơn trầm cảm đen tối đang bủa vây cô và cảm thấy khá kỳ lạ là không có lý do gì để bản thân phải thay đổi tâm trạng, vì việc đi bộ đối với cô là khá thú vị, ngay cả khi họ bị lạc.

Xa xa thấp thoáng những ngôi nhà thấp lè tè, và khi lại gần, họ nhận ra đó là một ngôi làng khá đơn sơ. Khi đi qua một ngôi nhà nhỏ, Jourdain thấy có một người phụ nữ đang cầm một cái bình đưa cho cô gái, còn cô gái thì vươn tay lên đỡ lấy nó. Nhưng kỳ lạ ở chỗ là cảnh tượng cô nhìn thấy dường như hai người phụ nữ đang bị “đóng băng”.

Moberly cảm nhận bầu không khí thay đổi mạnh mẽ, một thứ không gian ảm đạm, buồn bực xâm chiếm lấy cô. Cô viết: “Tất cả mọi thứ đột nhiên trở nên lạ lùng, khó chịu và phẳng lặng. Cây cối dường như không còn sức sống, không có gió khuấy động cây, cả không gian đều u mịch kỳ lạ nhuộm trong thứ ánh sáng chạng vạng của buổi chiều tà”.

Không chỉ Moberly mà Jourdain cũng chung cảm giác tù túng, như thể có một điều gì đó đang đè nén khiến tâm trạng họ cảm thấy vô cùng nặng nề. Họ tiếp tục đi bộ và nhìn thấy vài người mà họ nghĩ là người làm vườn trong cung điện. Sau đó, Moberly nhìn thấy hai người đàn ông trông rất trang nghiêm, mặc áo khoác màu xanh xám với mũ tri diềm đi ngang qua họ.

Họ đi theo con đường dẫn tới một vọng lâu rợp bóng cây. Dù quang cảnh vô cùng bình yên, nhưng khi tới đây, tâm trạng của cả hai thậm chí còn u ám hơn. Họ thấy một người đàn ông đứng cạnh vọng lâu, mặc một chiếc áo choàng dài và đội cái mũ lớn.

Trông ông ta khá điềm nhiên. Dù ông ta không nhìn họ, nhưng Moberly vẫn thấy bất an, đau đớn, và ghê sợ: “Cảm giác ngộp thở, ông ta thật đáng sợ. Da ông ta sậm màu và thô ráp”. Khi ông ta từ từ quay mặt về phía Jourdain, cô nhìn thấy khuôn mặt lỗ rỗ vết sẹo di chứng của bệnh đậu mùa. “Da ông ta rất đen, còn biểu hiện thì vô cùng độc ác. Khi đi ngang qua ông ấy, tôi cảm nhận một sự ớn lạnh”, Jourdain viết trong bản ghi chép.

Ngay lúc ấy, bỗng có một người đàn ông trẻ dáng vẻ vội vã, cảnh báo họ đang đi sai đường bằng một giọng nói khá lạ. Họ không hiểu và vì vậy anh ta phải làm dấu hiệu chỉ dẫn họ đi qua một cây cầu thì mới tới Petit Trianon.

Họ tiếp tục đi trong yên lặng, hòa vào cái tĩnh mịch của vùng đất mà họ đã đi qua. Ðâu đâu cũng đều nhuốm vẻ thâm trầm, lặng lẽ. Họ đến nơi mà họ cho là Petit Trianon. Moberly bỗng nhìn thấy ​​một người phụ nữ đang ngồi vẽ trong một khu vườn.

File:Château de Versailles-Petit Trianon-Hameau de la Reine-1967 08.jpg
Petit Trianon nhuốm vẻ thâm trầm, lặng lẽ. Ảnh: Wikimedia Commons

Moberly ghi lại: “Người phụ nữ đó mặc một chiếc váy mùa hè bồng bềnh, đội một chiếc mũ trắng cùng mái tóc công xù tuyệt đẹp”. Moberly bối rối và nghĩ rằng người phụ nữ ấy cũng là khách du lịch, tuy nhiên váy áo người ấy mặc lỗi thời và trông khá lạ thường. Điều đáng nói là khi đứng tại khu vườn này, cả hai du khách người Anh lại trải qua một cảm giác u ám, buồn bực dữ dội.

Khi đến cuối con đường, họ nhìn thấy một tòa nhà và đột nhiên có một người lao ra khỏi đó và đóng sập cánh cửa phía sau lại. Người này nói với họ rằng lối vào Petit Trianon ở phía bên kia của tòa nhà và vì vậy họ đi quanh tòa nhà rồi nhìn thấy một bữa tiệc ồn ã. Trong suốt hành trình, đây là lần đầu tiên và là duy nhất họ thấy cảnh tượng sống động như vậy.

Thấm mệt sau một hành trình dài, Anne Moberly và Eleanor Jourdain ngồi nghỉ trên một tảng đá lớn có hàng cây râm mát. Cuối giờ chiều họ quay trở về. Ðiều lạ thường là con đường họ đi qua vẫn còn đó, nhưng không còn tòa nhà náo nhiệt, không còn người đàn bà ngồi vẽ, không còn vọng lâu và cũng chẳng còn cây cầu, ngôi làng, nông trại…

Mọi thứ như tan biến vào hư không…

So sánh hồi ức

Hai phụ nữ trở về Anh mang theo tâm trạng hoang mang kỳ bí. Để khẳng định chắc chắn đây không phải là cơn mộng mị, họ quyết định mỗi người sẽ ghi lại những gì mình đã nhìn thấy rồi đối chứng. Sau khi xem các tập ghi chép của nhau, họ xác nhận rằng mỗi người đều cùng thấy rõ ràng những hình ảnh xác thực xảy ra trước mắt mình.

Nếu một người gặp phải hoàn cảnh ấy thì còn có thể cho là ảo giác, nhưng điều lạ thường ở đây chính là cả hai người đều cùng thấy những cảnh tượng như thế, ngoại trừ hai tình tiết: Trong khi Moberly nhìn thấy người phụ nữ vẽ tranh trên bãi cỏ, thì Jourdain lại không thấy. Còn khi Jourdain thấy người đàn bà lớn tuổi và cô gái ở túp lều thì Moberly lại không nhìn thấy.

Lưu ý rằng, cả Anne Moberly và Eleanor Jourdain đều là học giả, xuất thân từ gia đình bảo thủ ở Anh vào đầu thế kỷ 20, nên họ hiểu rằng, nếu họ kể về trải nghiệm bí ẩn ở cung điện Versailles, sẽ gây ra một cuộc tranh cãi, thậm chí mang lại điều tiếng cho họ.

Anne Moberly (ảnh trái) và Eleanor Jourdain (ảnh phải) đều là học giả, xuất thân từ gia đình bảo thủ ở Anh đầu thế kỷ 20. (Ảnh: toptenz.net)

Vì vậy cả hai quyết định âm thầm quay trở lại Pettit Trianon lần nữa. 5 tháng sau, tháng 1/1902, họ đi theo đúng con đường nhỏ yên tĩnh ấy. Khi đến gần khu vườn, họ bỗng nghe thấy tiếng nhạc thoang thoảng và thấp thoáng đằng xa có hai công nhân đội mũ đỏ đang chất củi lên xe. Nhưng những cảnh tượng của lần trước thì không còn nữa.

Sau đó, cả hai đến gặp người trông coi khu Petit Trianon. Sau khi nghe họ kể lại những gì họ vừa thấy cũng như xem xét cuốn sổ ghi chép, ông ta nói: “Tôi là người trực tiếp trông coi khu này đã lâu năm, nhưng chưa từng trông thấy những điều như hai cô mô tả”.

Nhận thấy những điều họ kể lại đều khó được chấp nhận, hai người phụ nữ quyết định tiến hành cuộc điều tra toàn diện của riêng mình, để chứng minh những gì họ nhìn thấy là hoàn toàn chân thực. Hai bản chép tay họ viết năm 1901 được coi là tài liệu gốc cho cuộc điều tra.

Hé lộ nhiều tình tiết bí ẩn

Tìm hiểu qua các tài liệu lịch sử, xã hội và văn hóa nước Pháp, họ ghi nhận rằng trang phục mà họ thấy ở Pettit Trianon thuộc về triều đại vua Louis XVI (1774-1792).

Khi xem bức tranh Chân dung Marie Antoinette của họa sĩ Wertmüller, Moberly quá kinh ngạc khi thấy quá giống với hình ảnh người phụ nữ ngồi vẽ ở khu vườn mà cô nhìn thấy ở Pettit Trianon, ngay cả trang phục cũng giống nhau. Cùng với những bức tranh khác ở thời kỳ ấy, họ khám phá ra người đàn ông độc ác mà họ nhìn thấy trong Vọng lâu rất giống với bức chân dung Comte de Vaudreuil, kẻ thù của hoàng hậu Marie Antoinette.

Queen Marie Antoinette of France and two of her Children Walking in The Park of Trianon - Nationalmuseum - 18035.tif Drottning Marie Antoinette information field Creator Adolf Ulrik Wertmüller Queen Marie Antoinette of France and two of ...
Bức tranh Chân dung Marie Antoinette của họa sĩ Wertmüller. Ảnh: snappygoat.com/

Sự khác biệt duy nhất là ông ta có nước da sẫm màu trong khi bức tranh lại mô tả là người da trắng. Nhưng có một chi tiết gây thuyết phục, tài liệu lịch sử ghi chép Comte de Vaudreuil sinh ra ở Tây Ấn, và mẹ của ông sở hữu nước da sẫm màu.

Cũng tại Vọng lâu này, họ đã gặp một người đàn ông trẻ trong bộ dạng lo lắng cảnh báo họ đi nhầm đường bằng chất giọng lạ. Sau này tìm hiểu tư liệu, họ mới biết anh ta nói tiếng Pháp cổ và chính là sứ giả đến Pettit Trianon để cấp báo cho hoàng hậu Marie Antoinette biết có một đám đông sắp bao vây lâu đài Versailles.

Thông qua tra cứu lịch sử, họ biết rằng ngày 5/10/1789, Marie Antoinette đang ở Petit Trianon thì nhận được tin cấp báo rằng một đám đông từ Paris đang tiến về phía cổng cung điện Versailles. Sau đó đám đông người giận dữ bắt giữ Hoàng hậu và vua Louis XVI. Cũng chính tại đây, Marie Antoinette phải chứng kiến ​​vụ thảm sát các vệ sĩ Thụy Sĩ của bà.

Bà cùng chồng bị buộc phải tới Cung điện hoàng gia tại Tuileries (Paris). Ngày 10/8/1792, đám đông tấn công cung điện Paris và bắt giam Marie Antoinette và vua Louis XVI. Điều khiến hai phụ nữ người Anh kinh ngạc: Đúng 109 năm sau sự kiện bi thảm, vào ngày 10/8, Moberly và Jourdain đã đến tham quan lâu đài Versailles.

Đây có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay cho thấy trải nghiệm của họ là có thật? Điều này làm họ càng tin chắc rằng, bằng cách nào đó cả hai người đã đi ngược thời gian vào một chiều không gian khác.

Hơn nữa, cả hai cho rằng, những ký ức của hoàng hậu Marie Antoinette khi phải đối mặt với những sự kiện kinh hoàng thời ấy, bằng cách nào đó đã tồn tại qua nhiều năm và họ vô tình tiếp nhận được. Điều này giải thích lý do vì sao trong khi đi dạo ở Petit Trianon, cả Moberly và Jourdain đều luôn cảm nhận một trạng thái u uất đen tối bủa vây họ.

Tháng 7/1904, Moberly và Jourdain quyết định trở lại Versailles lần nữa. Tuy nhiên không những không thấy cảnh tượng cũ, mà họ còn trông thấy rất nhiều khách du lịch. Điều này khác xa năm 1901, khi trong trải nghiệm ngược thời gian, họ không nhìn thấy bất cứ du khách nào.

Càng tìm hiểu, hai người phụ nữ càng thấy có nhiều điểm kỳ lạ nên họ đã gửi một lá thư đến Hội Nghiên cứu Tâm linh tại Anh xin trợ giúp. Nhưng thời bấy giờ, không chỉ giới khoa học mà ngay cả những người nghiên cứu tâm linh cũng cho rằng câu chuyện của họ quá hoang đường, không phù hợp để điều tra.

Tuy nhiên câu chuyện này cũng lôi cuốn một số nhà nghiên cứu hiện tượng siêu hình và các nhà sưu tập sử liệu. Cùng với tập bút ký của hai người phụ nữ, họ đã góp phần tìm hiểu và phân tích những dữ liệu này.

Những gì mà hai nữ học giả nhìn thấy như ngôi làng, túp lều, nông trại và các nông cụ… tại lâu đài Petit Trianon, thì trong tư liệu lịch sử ghi rằng, vào tháng 8/1784, hoàng hậu Marie Antoinette đã cho xây ngôi làng Hameau de la reine trong khu vườn của Petit Trianon như là một trang trại nhà nông với mái rơm, trại sữa, máy xay, nông trại nuôi chim, dê, bò sữa…

Cũng trong tài liệu này, có nhắc đến túp lều ở Petit Trianon, nơi đây có hai mẹ con trông nom vườn tược, người mẹ và cô con gái 14 tuổi sinh sống. Đó là hình ảnh mà Eleanor Jourdain nhìn thấy hai mẹ con trong tư thế “đóng băng”.

Cả hai nữ học giả còn nhìn thấy một chiếc cày nằm chỏng chơ ở ven đường, nhưng trong các chuyến trở lại Versailles để tìm kiếm thêm manh mối, họ không hề thấy nó. Tuy nhiên, họ đã phát hiện thấy một cái cày cũ được trưng bày ở bảo tàng và dòng thời gian cho thấy nó được sử dụng ở Petit Trianon vào năm 1789.

Về cây cầu mà hai người phụ nữ đã đi qua không tồn tại ở Petit Trianon vào năm 1901, nhưng trong tư liệu bản vẽ chi tiết địa danh vùng Petite Trianon khi xưa do người làm vườn của Hoàng Hậu Marie Antoinette vẽ, có hình cây cầu vắt ngang qua con suối.

Cả hai cùng nhìn thấy những người đàn ông mặc áo khoác xanh xám và đội mũ tri diềm. Họ chính là lính cận vệ mặc đồng phục Thụy Sĩ của hoàng hậu Marie Antoinette.

Họ thấy một người chạy bộ ra khỏi tòa nhà và đóng sầm cửa lại sau lưng. Tuy nhiên, thực tế vào thời điểm họ tham quan năm 1901, cánh cửa này bị đóng lại không cho du khách sử dụng đã nhiều năm.

Tất cả dữ kiện cho thấy Moberly và Jourdan bằng cách nào đó đã du hành ngược thời gian mà bản thân họ cũng không ngờ tới. Năm 1911, họ cho ra mắt cuốn sách có tiêu đề là An Adventure kể về trải nghiệm kỳ lạ này. Nhưng do lo lắng xảy ra tranh cãi, họ ẩn danh lấy bút danh là Elizabeth Morrison và Frances Lamont.

Cuốn sách ra mắt không khác gì bom tấn gây chấn động dư luận xã hội thời ấy, khi những vấn đề tâm linh còn ít người dám đề cập một cách công khai. Những người hoài nghi cho rằng hai tác giả bị rối loạn tâm thần. Nhưng cũng có khá nhiều học giả trí thức và giới nghệ sĩ, trong đó có nhà thơ, nhà viết kịch, nhà sản xuất phim nổi tiếng Jean Cocteau đã gọi đó là “Sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử” và hoàn toàn tin trải nghiệm ấy là có thật.

Tháng 7/1789, Cách mạng Pháp bùng nổ, vua Louis XVI bị phế truất và bị hành quyết vào ngày 21/1/1793. Tòa án Cách mạng Pháp đưa Hoàng hậu Marie Antoinette ra xét xử vào ngày 14/10/1793, với hàng loạt cáo buộc, bà bị kết tội phản quốc và phải lĩnh án tử hình. Ngày 16/10/1793, Hoàng hậu Marie Antoinette bị cắt trụi tóc, bị trói chặt vào một chiếc xe kéo diễu qua mọi ngả đường Paris trước khi đến đoạn đầu đài. Bà bị chém đầu tại Quảng trường Cách mạng khi mới 38 tuổi, đánh dấu sự kết thúc của triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử nước Pháp.

Xuân Trường



BÀI CHỌN LỌC

Du hành xuyên thời không: 2 phụ nữ Anh “lạc” sang nước Pháp thế kỷ 18 chứng kiến lịch sử bi thương