Động vật cũng có ‘vú em’: Cô khỉ đột này rất dịu dàng và ‘dỗ trẻ’ siêu chuyên nghiệp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tất cả những bà mẹ chăm con đôi khi cần được nghỉ ngơ,i và điều đó cũng đúng trong thế giới động vật. Thật thú vị, loài khỉ đột núi đang có nguy cơ tuyệt chủng tại vùng Rwanda (Châu Phi) lại may mắn có được một “vú em” siêu chuyên nghiệp. “Cô khỉ đột” được đặt tên là "Ubukombe" rất dịu dàng và quả là rất có khiếu “trông trẻ”.

Trong khu bảo tồn thuộc dãy núi Virunga vùng Rwanda (Châu Phi), có một đàn khỉ đột núi sinh sống. Chúng là những con khỉ đột cao khỏe, với ít kẻ thù tự nhiên. Tuy nhiên, do nạn săn bắt trộm của con người, nội chiến và sự tàn phá môi trường sống, khỉ đột núi đã trở thành loài có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Để bảo tồn chúng, Quỹ khỉ đột Dian Fossey đã phụ trách việc theo dõi và chăm sóc đàn khỉ đột ấy. Trong quá trình này, họ phát hiện hiện có một “cô khỉ đột” được đặt tên là "Ubukombe" - rất có khiếu “trông trẻ”.

‘Vú em’ chuyên nghiệp

Bà Donna Gorman, Giám đốc quan hệ công chúng của Quỹ chia sẻ: “Ubukombe không bao giờ bỏ lỡ cơ hội tình nguyện trông ‘các em bé’ trong bầy, giúp các bà mẹ khỉ tạm nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe. Nó thực sự là một con khỉ đột cái rất dịu dàng và chu đáo!"

Gần đây, Ubukombe đã nhận lời giúp chăm sóc đứa con 10 tháng tuổi của một bà mẹ khỉ đột khác là Gutangara. Dù Gutangara đã có 7 đứa con, và được coi là một bà mẹ dày dặn kinh nghiệm, nhưng sau khi có “vú em” Ubukombe, thì khỉ mẹ này cuối cùng cũng có thể được nghỉ ngơi thoải mái.

Một đoạn video ghi lại cảnh Ubukombe trìu mến ôm ấp một chú khỉ sơ sinh, trong khi khỉ đột mẹ - Gutangara - đang nghỉ ngơi gần đó đã khiến người xem vô cùng thích thú và ngạc nhiên.

Hầu hết các loài động vật đều chăm sóc con của mình khi chúng trở thành mẹ, nhưng chăm sóc con của động vật khác là trường hợp hiếm gặp ở động vật hoang dã.

Làm sao Ubukombe có thể trở thành “vú em” khỉ đột? Bà Gorman cho biết, dù chỉ mới 6 tuổi, nhưng khả năng trông trẻ của Ubukombe đã đặc biệt ấn tượng. Nó thường nhận thấy những “đứa trẻ” trong đàn cần được chăm sóc và sẽ chủ động dỗ dành khỉ đột con, cũng như dành cho chúng những cái ôm rất đỗi dịu dàng.

Có lẽ đó cũng xuất phát từ tính cách “thùy mị” của “vú em” này.

Vai trò quan trọng khác của ‘vú em’ Ubukombe

Dịch vụ trông trẻ của Ubukombe không chỉ giúp ích cho các khỉ mẹ, mà còn giúp bảo tồn giống loài khỉ này.

Khỉ đột cái miền núi bắt đầu sinh con khi khoảng 10 tuổi và sinh con sau 8,5 tháng mang thai. Thông thường, một con khỉ đột cái sẽ sinh từ 2-6 con trong đời. Khỉ đột con sẽ không được cai sữa hoàn toàn cho đến khi chúng được 3,5 tuổi. Do đó, khỉ đột mẹ cần tập trung chăm sóc con trong giai đoạn này, và sẽ không mang thai trở lại.

Theo một thống kê gần đây, chỉ còn lại 1.063 con khỉ đột núi trên thế giới. Do vậy, Tổ chức chuyên bảo vệ khỉ đột núi khỏi nguy cơ tuyệt chủng rất vui khi thấy sự xuất hiện của "vú em” chuyên nghiệp Ubukombe, vì điều này giúp khỉ mẹ mau phục hồi sức khỏe và đẩy nhanh chu kỳ sinh sản.

Nhờ những nỗ lực bảo tồn, khỉ đột núi đang hồi sinh từ bờ vực tuyệt chủng. Và với “bàn tay giúp đỡ” tận tụy của “vú em” Ubukombe, đàn khỉ thậm chí có thể tăng nhanh dân số và phát triển trở lại.

Ubukombe đã làm nên điều ý nghĩa!

Hà Phương

Theo The Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Động vật cũng có ‘vú em’: Cô khỉ đột này rất dịu dàng và ‘dỗ trẻ’ siêu chuyên nghiệp