Dị tượng tháng 10: 2,24 triệu tia sét, 3 núi lửa phun trào, lỗ thủng tầng ôzôn, sinh vật biển chết hàng loạt 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2020 dường như là một năm khó khăn và thách thức khi nhân loại phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát cùng hàng loạt thiên tai nghiêm trọng. Và trong tháng 10 này, thế giới cũng đang phải chứng khiến nhiều hiện tượng tự nhiên dị thường chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây.

2,24 triệu tia sét đánh xuống chỉ trong vòng 48 giờ

Cuối tuần qua, nước Úc đã phải hứng chịu hơn 2,24 triệu tia sét chỉ trong vòng 48 giờ, khi thời tiết khắc nghiệt tàn phá bờ biển phía đông của nước này.

Bão và gió mạnh lên đến 100 km/h tàn phá nhiều bang của Úc. Trung tâm Dự báo thời tiết cho biết Queensland, New South Wales (NSW) và Lãnh thổ phía Bắc đã phải hứng 2,24 triệu vụ sét đánh và dự kiến sẽ có nhiều cơn bão đổ bộ ​​trong tuần này.

Chỉ riêng trong ngày 22/10/2020, thời tiết khắc nghiệt đã khiến miền Nam nước Úc hứng chịu hơn 120.000 tia sét.

Trong 24 giờ, khu vực Kilsyth, Montrose và The Basin ở ngoại ô phía đông Melbourne bị ảnh hưởng nặng nề, với hơn 240 người thiệt mạng, hàng loạt cây cối đổ vào các tòa nhà, đường xá và đường dây điện bị cắt đứt gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Thành phố Brisbane đã ghi nhận lượng mưa gần 34mm trong khi thị trấn Oakley ghi nhận lượng mưa lên tới 42,6mm.

Tại NSW, Sydney đã phải hứng chịu gió giật lên tới 80km/h và mưa hơn 40mm trong 24 giờ qua, trong đó Cabramurra ở Snowy Mountains ghi nhận những cơn gió mạnh nhất bang, gió giật 100 km/h, và gây ra hỗn loạn giao thông tại Sydney.

Lỗ thủng tầng ôzôn ở Nam Cực đạt mức cực đại: 25 triệu km2

Lỗ thủng ôzôn ở Nam Cực hiện đã đạt kích thước cực đại. Hình ảnh động dưới đây cho thấy kích thước của lỗ thủng ôzôn từ ngày 25/9/2020 cho đến ngày 18/10/2020. Các phép đo từ vệ tinh Copernicus Sentinel-5P cho thấy lỗ thủng ôzôn năm nay trên Nam Cực là một trong những lỗ thủng lớn nhất trong những năm gần đây.

Trong vài thập kỷ qua, hàng năm, vào mùa xuân ở bán cầu nam, các phản ứng hóa học liên quan đến clo và brom khiến tầng ôzôn ở khu vực cực nam bị phá hủy nhanh chóng và nghiêm trọng. Vùng suy giảm này được gọi là lỗ thủng ôzôn.

Kích thước của lỗ thủng ôzôn biến động một cách thường xuyên. Từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay, lỗ thủng đã gia tăng kích thước, và đạt cực đại trong khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10.

Các phép đo mới từ Copernicus Sentinel-5P cho thấy lỗ thủng ôzôn năm nay đạt kích thước tối đa khoảng 25 triệu km2 vào ngày 2/10, tương đương với kích thước của năm 2018 và 2015.

Năm ngoái, lỗ thủng ôzôn không chỉ đóng lại sớm hơn bình thường mà còn là lỗ thủng nhỏ nhất từng được ghi nhận trong vòng 30 năm qua.

Hơn 5.000 con hải cẩu chết trên bãi biển ở Namibia

Theo Tổ chức Bảo tồn Đại dương Namibia (OCN) cho biết, hơn 5000 hải cẩu con đã chết rải rác trên bãi biển tại Pelican Point ở Namibia vào ngày 14/10.

Máy bay không người lái do OCN thực hiện ghi lại cảnh tượng bãi biển đầy xác hải cẩu con.

“Chúng ta đang ở đỉnh điểm của một thảm họa. Có hàng nghìn con hải cẩu bị sinh non và chết ngay sau sinh".

“Đây là một hiện tượng tự nhiên - nghĩa là khi hải cẩu mẹ cảm thấy không có đủ lượng chất dự trữ thì có thể nó sẽ lựa chọn bỏ thai. Hằng năm, chỉ có vài cá thể lựa chọn bỏ thai như thế, nhưng chưa bao giờ xảy ra trên quy mô lớn như thế này!"

Hải cẩu sinh nở vào giữa tháng 11, nhưng đôi khi người ta vẫn thấy những chú hải cẩu con vào tháng 10. Những con hải cẩu sinh non này không thể sống sót vì quá nhỏ và chưa phát triển đầy đủ.

Theo OCN, có nhiều lý do khác nhau dẫn đến hiện tượng chết hàng loạt này. Khả năng là do hải cẩu không có đủ thức ăn, chết đói do các loài cá di cư khỏi Pelican Point.

OCN cho biết: “Những con hải cẩu này trông hơi gầy, có thể do thiếu thức ăn. Các đàn hải cẩu khác béo hơn và chúng không bị sinh non nhiều như thế này".

Các lý do khác có thể là độc tố hoặc bệnh tật. OCN đang làm việc với Bộ Thủy sản và Tài nguyên biển trong việc thu thập mẫu để tiến hành sinh thiết và xét nghiệm.

OCN cho biết một thảm kịch như thế này đã từng xảy ra trước đây vào năm 1994 khi nạn đói khiến 1/3 số lượng hải cẩu tại Pelican Point (Namibia) bị chết.

3 ngọn núi lửa ở bán đảo Kamchatka đồng loạt phun trào

Núi lửa ở bắc bán cầu hiện đang hoạt động rất mạnh. Trong vòng vài giờ, các ngọn núi lửa Bezymianny, Klyuchevskoy và Karymsky ở bán đảo Kamchatka (Nga) đã phun trào dữ dội, hất những đám tro bụi và khí độc lên cao hàng nghìn mét trong không khí.

Vụ phun trào của núi lửa Bezymianny xảy ra vào lúc 20h22 ngày 21/10/2020, giải phóng một đám mây tro bụi cao khoảng 5.000 mét trong không khí hướng về phía nhóm núi lửa Klyuchevskaya.

Ngoài ra, còn có hai ngọn núi lửa khác cũng đang hoạt động mạnh là Klyuchevskoy và Karymsky.

Tại Klyuchevskoy, vụ phun trào xảy ra ở mức độ vừa phải. Các vụ nổ gần như liên tục tạo ra nhiều luồng khí và hơi, chứa một ít tro bụi, phóng lên độ cao khoảng 5.200 mét và trôi dạt về phía đông bắc.

Tại Karymsky, những đám tro bụi bốc lên cao tới 4.000 mét và trôi về phía đông nam của núi lửa xa tới 40 km. Các vụ phun trào cuối cùng tại Karymsky được ghi nhận vào ngày 29/7/2020.

Hoạt động phun trào vừa phải của núi lửa vẫn tiếp tục. Các vụ nổ tro bụi cao tới 6-7 km trên mực nước biển có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các hoạt động đang diễn ra có thể ảnh hưởng đến các máy bay bay thấp.

Tháng 10 này Trái đất quả là phải hứng chịu nhiều thiệt hại về thiên tai.

Thanh Hương

 



BÀI CHỌN LỌC

Dị tượng tháng 10: 2,24 triệu tia sét, 3 núi lửa phun trào, lỗ thủng tầng ôzôn, sinh vật biển chết hàng loạt