Đến hội thảo trễ, Tổng thống Phần Lan ngồi bệt ở lối đi như dân thường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, trên mạng loan truyền hình ảnh người quyền lực nhất đất nước Phần Lan - Tổng thống Sauli Niinistö - ngồi bệt trên bậc thang của lối đi để nghe bài phát biểu trong một hội thảo tại Hội chợ Sách, do hội trường đã kín chỗ. Hình ảnh thật sự đã gây ấn tượng cho nhân dân nhiều nước và để lại nhiều suy ngẫm về Đạo làm quan ngày nay.

Được biết, đó là một tấm ảnh chụp năm 2018, khi Tổng thống đương nhiệm của Phần Lan - ông Sauli Niinistö tham dự một Hội chợ Sách ở trong nước. Sở dĩ sự kiện diễn ra đã lâu, nhưng mãi đến nay hình ảnh mới được loan truyền, bởi vì Tổng thống đến Hội chợ Sách một mình, lặng lẽ và bình dị như bao người khác - không vệ sĩ, không tiền hô hậu ủng, không có phóng viên đeo bám để ghi lại mọi khoảnh khắc của người đứng đầu đất nước. Tấm ảnh là do một người tham dự Hội chợ chia sẻ.

Trong khán phòng đã chật kín, những người vào sau như ông phải ngồi ở bậc cầu thang, ông Niinistö không ngần ngại ngồi lẫn vào giữa những người dân của mình, tay cầm quyển sách mới mua xem qua trong khi chờ đợi.

Người dân nhiều nước cảm thấy ngạc nhiên và khâm phục trước sự dung dị, bình dân của vị Tổng thống và văn hóa hết sức bình đẳng của đất nước Bắc Âu này. Họ đã không tiếc lời ngợi khen, đặc biệt những người vốn quen với việc nhìn thấy các quan chức đi đâu cũng phải tiền hô hậu ủng.

Ở đất nước nhiều lần được bình chọn là “Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” này, hóa ra người có quyền lực nhất lại chẳng “sướng” như ở một số nơi. Đặc quyền của ngài Tổng thống không để sử dụng khi ở giữa những người dân của mình. Bởi đơn giản, chức vụ Tổng thống chỉ là một trách nhiệm, nghĩa vụ mà người nhận nó phải gánh vác để giúp cải thiện đời sống nhân dân, đại diện cho đất nước trong các vấn đề ngoại giao mà thôi.

Đó cũng chính là cái lý đã được người xưa truyền dạy và noi theo. Vì xét cho cùng thì Đạo làm quan vốn phải “chính danh” như vậy.

Tổng thống Sauli Niinisto tranh thủ trò chuyện cùng các em nhỏ tại Lễ chào mừng trước cuộc gặp với Tổng thống Slovenia (Ảnh: Getty Images)
Tổng thống Sauli Niinisto tranh thủ trò chuyện cùng các em nhỏ tại Lễ chào mừng trước cuộc gặp với Tổng thống Slovenia (Ảnh: Getty Images)

Người làm chính trị trước hết phải ‘chính danh’

Trong sách Luận Ngữ ghi chép lại những lời dạy của của Khổng Tử có đoạn kể rằng:

Khi được học trò hỏi thế nào là “chính trị”, Khổng Tử đã đáp: “Chính” có nghĩa là đoan chính, ngay thẳng. “Chính trị” có nghĩa là cai trị, quản lý xã hội một cách đúng đắn (chính), ngay thẳng. Muốn chính trị được ngay thẳng, thì trước hết phải “chính danh”.

Khi “chính danh” thì ai ở vị trí nào cũng phải thực hiện đúng danh phận, trách nhiệm của mình, không lạm quyền. Vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, chồng cho ra chồng, vợ cho ra vợ… Một xã hội có chính danh là một xã hội có trật tự kỷ cương, thái bình, thịnh trị.

Khổng Tử dạy người làm chính trị phải đúng đắn với mình và đúng đắn với người. Đối với người đương nắm quyền lại càng phải coi trọng mặt đạo đức đó. Ông yêu cầu người đương nắm quyền có thể "soái dĩ chính" - lấy đúng đắn làm đầu - để làm gương cho dân chúng.

Bởi “Người cầm quyền tự mình đúng đắn, không ra lệnh mà dân vẫn làm, tự mình không đúng đắn, thì dù ra lệnh, dân cũng không theo”.

Làm chính trị cuối cùng chính là giúp nắn chỉnh, sửa chữa mọi mặt đời sống của nhân dân cho chính đáng, hợp lẽ. Rồi từ đó, xã hội có môi trường tốt để phát triển, đời sống nhân dân an yên, hạnh phúc.

Thế nên làm chính trị, chính là dùng chính tâm, chính hành để dẫn dắt dân chúng. Để phục vụ mục đích giáo huấn dân chúng, chắc chắn người làm chính sự phải đoan chính, tự mình làm gương. Cũng chính là luôn phải tu thân cho tốt thì mới có thể tận tâm, vô tư, chính trực khi làm những việc liên quan tới quyền lợi sát sườn.

Không chỉ Khổng Tử, mà các bậc vua hiền của nước Việt ta từ xưa cũng đã dạy điều này.

Vua Lê Thánh Tông cũng từng căn dặn quần thần “Lấy chữ lễ, nghĩa, liêm, sỉ mà dạy dân, khiến cho dân hướng về chữ nhân, chữ nhường, bỏ hết lòng gian phi, để cho dân được an cư, lạc nghiệp, giàu có và đông đúc”.

Việc của người làm quan, làm chính trị, cuối cùng gói gọn lại là hai việc:

  • Giáo huấn, dẫn dắt để dân chúng có đạo đức tốt;
  • Lo lắng, chỉ dẫn, giúp đỡ để dân được no đủ.

Thế nên, kể cả làm tổng thống, thì chẳng qua cũng chỉ là mang trên thân mình một trọng trách giúp người, giúp đời.

Chẳng vậy mà trong Điều thứ 22 thuộc 24 điều cáo dụ của Vua Lê Thánh Tông đặt ra cho dân xã toàn quốc có ghi: “Những người làm quan phủ, huyện, mà biết khuyên bảo dân gian làm điều nghĩa, khiêm nhường. Nếu ai không chăm dạy bảo dân, thì cho là người không xứng chức” (Tài liệu về Vua Lê Thánh Tông tại Thư viện Quốc gia).

Trách nhiệm, việc làm phải xứng với chức tước, địa vị; chứ không phải quyền lợi, của cải phải xứng với chức tước, địa vị.

Vậy nên khi hiểu rằng “có được chức quan kèm theo quyền hành và lợi ích là để quay lại làm điều tốt cho dân, cho nước”, thì những chính khách chân chính sẽ đều hành động như Tổng thống Phần Lan - khiêm nhường, giản dị, không yêu cầu ai phải “tôn trọng” mình một cách hình thức. Nhưng chính đức hạnh ấy, ngược lại, sẽ khiến người dân tôn trọng.

Và có lẽ, chính nhờ những người đứng đầu đất nước như thế mà Phần Lan từ một đất nước phải nhận trợ cấp của UNICEF đã vươn lên trở thành đất nước có ít tham nhũng nhất thế giới, chỉ số GDP trên đầu người cao, quyền con người được đảm bảo và là nơi người dân luôn cảm thấy hạnh phúc.

Hà Phương



BÀI CHỌN LỌC

Đến hội thảo trễ, Tổng thống Phần Lan ngồi bệt ở lối đi như dân thường