ĐCS Trung Quốc khuyến khích thụ tinh ống nghiệm để tăng dân số, sau gần 40 năm thực thi ‘Chính sách một con’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau gần 40 năm thực thi ‘Chính sách một con’ tàn bạo, kéo theo vô vàn hệ luỵ và tội ác. Mới đây, chính quyền Trung Quốc đã phát động ‘Chính sách 3 con’, dùng nhiều biện pháp khuyến khích người dân sinh thêm con, kể cả việc sử dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, nhằm tăng tỷ lệ sinh trong tình trạng già hoá dân số nhanh chóng ở nước này.

Ngày 14/9/2021, Đài truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều gia đình lựa chọn công nghệ hỗ trợ sinh sản do vô sinh. Trong chương trình của CCTV, một số chuyên gia đã khuyến nghị các gia đình nên sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để có con trong trường hợp mắc bệnh hiếm muộn hoặc vô sinh.

Theo báo cáo, có khoảng 300.000 trẻ sơ sinh trong ống nghiệm được sinh ra ở Trung Quốc mỗi năm.

Tuy nhiên, sử dụng IVF để có con rất tốn kém. Theo ước tính, chi phí bao gồm khám và điều trị của một ca IVF có giá từ 5.873 USD đến 7.728 USD. Trong đó có một nửa cặp vợ chồng yêu cầu phương pháp này phải trải qua IVF nhiều lần trước khi thành công.

Chưa kể, Trung Quốc có nhiều cơ sở y tế hạn chế cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sinh sản như IVF, hầu hết các bệnh viện cung cấp phương pháp này đều ở các thành phố cấp một hoặc cấp hai. Bệnh nhân ở một số vùng nhất định sẽ phải đi đến các tỉnh khác để điều trị, phát sinh chi phí đáng kể.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, hiện có từ 50 đến 60 triệu cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh ở Trung Quốc. Tỷ lệ vô sinh này đã tăng gấp sáu lần trong 30 năm qua. Số liệu mới nhất cho thấy, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã lên đến 12-18%.

Báo cáo năm 2019 của Công ty Y tế Hỗ trợ sinh sản Trung Quốc Jinxin Fertility cho biết, tỷ lệ vô sinh ở Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng từ 16% năm 2018 lên 18,2% vào năm 2023. Tỷ lệ vô sinh của Trung Quốc từ lâu đã cao hơn mức trung bình toàn cầu và dự kiến ​​sẽ còn cao hơn trong tương lai.

Tiến sĩ Cui Hong, một cựu bác sĩ sản phụ khoa người Trung Quốc đã hành nghề y gần 30 năm, nói với phóng viên The Epoch Times rằng: “Sinh con là một trong những quá trình tự nhiên quan trọng nhất của đời người. Điều gì đã gây ra sự thay đổi lớn như vậy trong 30 năm? ”

“Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ vô sinh gia tăng ở Trung Quốc như: Ô nhiễm môi trường sống, hóa chất độc hại trong thực phẩm, nhịp độ công việc bận rộn, áp lực và căng thẳng trong cuộc sống gia tăng. v.v. Cùng với việc kết hôn muộn và sinh con muộn trong thời hiện đại, khiến nhiều người bỏ lỡ tuổi sinh nở tốt nhất của họ. Ngoài ra, các bệnh hiện đại mới xuất hiện khiến chất lượng tinh trùng hoặc trứng suy giảm” - Tiến sĩ Cui nói.

Bà Cui cho biết, tỷ lệ những người mắc vô sinh bẩm sinh là cực kỳ thấp, mà nguyên nhân chủ yếu là các vấn đề được liệt kê ở trên. Hoặc, nếu cơ thể của một người đã trải qua phẫu thuật và bị tổn thương nghiêm trọng, nó cũng có thể dẫn đến vô sinh.

“Trước đây, người ta chú trọng đến tu dưỡng tinh thần và sinh khí nhiều hơn. Khi đó, tỷ lệ sinh rất cao. Nhưng trong thời hiện đại này, con người dễ bị căng thẳng và lo lắng hơn” - Bà Cui nói.

Bà Cui cho biết, là một bác sĩ sản khoa, bà không phản đối IVF: "Nếu bạn vẫn bị vô sinh sau các phương pháp điều trị sinh sản thông thường, bạn có thể thử các thủ thuật hỗ trợ sinh sản, nhưng tỷ lệ thành công tối đa là 50%".

Bà Cui thông tin thêm rằng, phần lớn các trường hợp thụ tinh ống nghiệm không thành công có liên quan đến sức khỏe của người mẹ. Trong quá trình thụ tinh ống nghiệm, một quả trứng được lấy ra từ buồng trứng của người phụ nữ và được thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm. Trứng đã thụ tinh được gọi là phôi thai, sau đó được đưa trở lại tử cung của người phụ nữ để lớn lên và phát triển. Tuy nhiên, một số phụ nữ có cơ thể yếu hơn, không thể chịu đựng được quá trình này.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn có con mang dòng máu của mình, nhưng đôi khi, nếu một trong hai vợ chồng không thể cung cấp tinh trùng hoặc trứng đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn muốn sử dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, họ có thể yêu cầu bệnh viện cung cấp tinh trùng hoặc trứng của người hiến tặng. Trong trường hợp này, đứa trẻ sinh ra sẽ không có quan hệ huyết thống với cha mẹ. Điều này có thể làm tăng thêm sự phức tạp trong mối quan hệ gia đình của họ.

“Tại thời điểm này, ĐCSTQ đang tuyên truyền về trẻ sơ sinh trong ống nghiệm và mong muốn tăng tỷ lệ sinh thông qua các biện pháp kỹ thuật để kiềm chế xu hướng giảm dân số. Tuy nhiên, ‘nước xa không cứu được lửa gần’. Công nghệ chưa đủ trưởng thành và không phải là biện pháp toàn diện giúp làm tăng nhanh dân số” - Nhà báo độc lập Zhuge Mingyang, nói với The Epoch Times.

Thêm nữa, những tranh cãi về luân lý và đạo đức của đứa trẻ được tạo ra trong ống nghiệm đã có từ khi công nghệ này ra đời cho tới nay.

Hậu quả của 'Chính sách một con'

Một biển quảng cáo "Chính sách một con” của Trung Quốc có nội dung “càng ít con, càng sống tốt” trên đường phố chính của Shuangwang, ở khu vực Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc. Ngày 25/5/2007, cư dân của khu vực này đã yêu cầu chính quyền sửa đổi chiến dịch tàn bạo kéo dài ba tháng về kế hoạch hóa gia đình vì căng thẳng vẫn ở mức cao sau gần một tuần hàng nghìn người xung đột với cảnh sát để phản đối cưỡng bức phá thai, phá hủy tài sản và bắt giữ những người vi phạm “chính sách một con”. (Goh Chai Hin / AFP qua Getty Images)
Một biển quảng cáo "Chính sách một con” của Trung Quốc có nội dung “càng ít con, càng sống tốt” trên đường phố chính của Shuangwang, ở khu vực Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc. Ngày 25/5/2007, cư dân của khu vực này đã yêu cầu chính quyền sửa đổi chiến dịch tàn bạo kéo dài ba tháng về kế hoạch hóa gia đình, vì căng thẳng vẫn ở mức cao sau gần một tuần hàng nghìn người xung đột với cảnh sát để phản đối cưỡng bức phá thai, phá hủy tài sản và bắt giữ những người vi phạm “chính sách một con”. (Goh Chai Hin / AFP qua Getty Images)

Sau gần 40 năm thực thi chính sách một con sai lầm và tàn khốc, tới nay, chính quyền Trung Quốc đã tận mắt chứng kiến mặt trái của già hoá dân số nhanh chóng. Nhưng có vẻ như mọi chuyện đã muộn vì "nước xa không cứu được lửa gần".

Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu thực hiện chính sách một con vào năm 1979 và từng bị thế giới lên án mạnh mẽ về sự hà khắc và tàn bạo của chính sách này. Theo thống kê, có tới 5 triệu trẻ sơ sinh đã "biến mất" trong giai đoạn thực hành chính sách một con, cho đến khi chính sách này chính thức dừng lại vào năm 2014.

Trong gần 40 năm đó, những người không tuân theo quy định của “Chính sách một con” phải chịu những đối đãi bi thảm chưa từng có. Vài năm trước, những gia đình có con thứ hai bị bắt và phải trả khoản tiền phạt rất cao, thậm chí có người bị tịch thu tài sản. Vì thế, một số gia đình gần như bị các quan chức thôn xã của chính quyền này phá hủy. ĐCSTQ thậm chí còn phái một đội quân "kế hoạch hóa gia đình" triệt để kiểm soát chấp hành mỗi gia đình chỉ có một con.

Kế hoạch kinh khủng này còn phát triển đáng sợ hơn vào năm 1992, khi ĐCSTQ bắt đầu cho phép người nước ngoài nhận con nuôi. Những gì tiếp theo là tham nhũng hủ bại và còn có thị trường đen buôn bán trẻ em một cách trắng trợn. Nhìn chung, ít nhất 130.000 trẻ em ở Trung Quốc đã bị bắt và bị bán cho các trại trẻ mồ côi. (Con số có thể lên đến một triệu theo một số chuyên gia cho biết)

Thậm chí, phẫn nộ hơn là trại trẻ mồ côi thuộc sở hữu nhà nước. ĐCSTQ đã nói dối với những "cha mẹ nuôi" rằng, những đứa trẻ được nhận nuôi là những đứa trẻ bị bỏ rơi. Trên thực tế, đó là ĐCSTQ đã bày trò lừa đảo buôn bán trẻ em xuyên quốc tế.

Nỗi đau và nỗi sợ hãi mà chính sách một con gây cho người dân trong gần 40 năm là không thể quên. Hình ảnh khẩu hiệu tuyên truyền “Kế hoạch hóa gia đình, người người phải có trách nhiệm” trên tường tại hẻm Lâm Xuyên, Giang Tây. (Ảnh: Chụp màn hình Ntdvn)
Nỗi đau và nỗi sợ hãi mà chính sách một con gây cho người dân trong gần 40 năm là không thể quên. Hình ảnh khẩu hiệu tuyên truyền “Kế hoạch hóa gia đình, người người phải có trách nhiệm” trên tường tại hẻm Lâm Xuyên, Giang Tây. (Ảnh: Chụp màn hình Ntdvn)

Trong một bộ phim tài liệu mới đây được trình chiếu: "Đất nước con một" cũng vén lộ bức màn đen tối phía sau “Chính sách một con” của chính quyền Trung Quốc. Theo đó, hàng ngàn gia đình ở Trung Quốc vẫn không biết tung tích của con cái họ (những đứa trẻ này đã bị cưỡng chế bắt đi). Hiện có tổ chức quốc tế đang giúp những đứa trẻ này tìm lại cha mẹ ruột. Tuy nhiên, chỉ có rất ít em có thể tìm và liên hệ lại được với gia đình ở Trung Quốc.

Chính sách con một này đã phủ bóng đen lên vô số các gia đình, nó cho thấy rõ bản chất của ĐCSTQ. Đây thực sự là một chính sách lớn mất kiểm soát của chính quyền này.

Tất nhiên, kết quả của chính sách một con thất bại hoàn toàn. Nó đã gây ra hai thảm họa khiến dân số Trung Quốc đứng trước áp lực rất lớn.

Thứ nhất, là sự mất cân bằng nghiêm trọng về giới tính, số lượng nam giới vượt quá cao so với nữ giới.

Thứ hai, là sự thiếu hụt nghiêm trọng dân số trẻ của Trung Quốc, không đủ để chống đỡ cho dân số khổng lồ đang già đi.

Để giải quyết vấn đề này, ĐCSTQ đã đưa ra một chính sách mới vào năm 2016: Sinh hai con. Và tới tháng 5 năm nay, chính quyền này tiếp tục ban hành “Chính sách ba con” nhằm cứu vãn tình trạng già hoá và mất cân bằng dân số trước mắt.

Nhưng điều đáng nói hơn là sự phản ứng dữ dội của người dân Trung Quốc ngay sau khi “Chính sách ba con” của nước này được công bố vào tháng 5/2021. Đội ngũ tuyên truyền của ĐCSTQ đã vô cùng lo sợ trước thực tế là nhiều người dân đã đăng tải các thông điệp châm biếm khác nhau lên mạng xã hội Weibo, một số đề cập đến các chủ đề nhạy cảm và đi từ ẩn dụ đến rõ ràng.

Ví dụ: Một cư dân mạng đặt câu hỏi: "Tại sao lại có sự sụt giảm lớn như vậy đối với phụ nữ?"

Và nhiều câu trả lời được cộng đồng mạng đưa ra là:

"Hãy hỏi những thai nhi nữ bị phá thai hồi đó".

"Những thai nhi nếu được sinh ra sẽ là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bây giờ, nhưng đã bị phá thai".

“Những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị mất tích hiện nay là những người bị cưỡng bức phá thai vì chính sách Một con”.

Tất nhiên, chính quyền Trung Quốc sẽ không để yên cho những ý kiến đó, chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn bài bình luận như vậy đã bị xóa khỏi các nền tảng xã hội của nước này.

Đông Mai

Theo The Epoch Times và t/h



BÀI CHỌN LỌC

ĐCS Trung Quốc khuyến khích thụ tinh ống nghiệm để tăng dân số, sau gần 40 năm thực thi ‘Chính sách một con’