‘Đấu trường sinh tử’ đậm chất ĐCS Trung Quốc: Thế vận hội Tokyo và cách Bắc Kinh ‘vắt kiệt’ các vận động viên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 28/7/2021, Simone Biles, một trong những nữ vận động viên (VĐV) thể dục dụng cụ xuất sắc nhất thời đại của Mỹ - quyết định rút lui khỏi Thế vận hội Tokyo để tập trung vào sức khỏe tinh thần của mình, hãy dành một chút suy nghĩ cho các VĐV Trung Quốc, để hiểu rằng họ “không thể rút lui”. Họ chỉ hơn tù nhân một chút, thường xuyên phải chịu những hình phạt tàn nhẫn và bất thường...

Ngay sau tuyên bố của nữ tuyển thủ 24 tuổi, tờ “USA Gymnastics” đã đưa ra thông báo: “Sau khi đánh giá thêm về vấn đề y tế, Simone Biles đã rút lui khỏi cuộc thi toàn năng cá nhân cuối cùng tại Thế vận hội Olympic Tokyo, để tập trung vào sức khỏe tinh thần của cô ấy”.

Tờ báo đã hết lòng ủng hộ quyết định của cô. Họ hoan nghênh “sự dũng cảm của cô ấy trong việc ưu tiên sức khỏe của mình hơn là những thành tích”, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Sự can đảm của cô ấy một lần nữa cho thấy, tại sao cô ấy là hình mẫu cho rất nhiều người.”

Dù người khác nghĩ gì về quyết định của Biles thì đó vẫn là lựa chọn riêng của cá nhân cô ấy. Với sức nặng của những chiếc huy chương vàng (HCV) mà đất nước đang đặt kỳ vọng lên vai cô, người ta chỉ có thể hình dung được một phần áp lực mà cô đang gồng gánh.

Sức khỏe tinh thần là một vấn đề rất quan trọng và cần được đưa ra để thảo luận. Với những gì Biles đã nói, hãy dành một chút suy nghĩ cho các VĐV Trung Quốc đang thi đấu tại Tokyo. Mặc dù một số VĐV này cũng ở trong môi trường tập luyện rất nghiêm khắc, nhưng không giống như Biles, họ không thể rút lui. Họ chỉ hơn tù nhân một chút, thường xuyên phải chịu những hình phạt tàn nhẫn và bất thường.

Nuôi dưỡng ‘tài năng’ theo cách tàn bạo

Chế độ của ĐCSTQ “nuôi dưỡng” tài năng thể thao theo một cách thức đặc biệt tàn bạo. Cũng giống như Liên xô cũ, họ có một nỗi ám ảnh về việc giành huy chương ở các kỳ thi đấu. Đặc biệt là nỗi ám ảnh về việc phải có được HCV.

Trong mắt của ĐCSTQ và Liên xô, huy chương bạc (HCB) hoặc đồng chỉ dành cho những người thua cuộc.

Ở Trung Quốc, “giấc mộng” thống trị toàn cầu không ngừng được củng cố theo năm tháng, không có chỗ cho vị trí thứ hai hoặc thứ ba.

“Giấc mộng bá quyền” khiến ĐCSTQ bị “ám ảnh” phải dẫn đầu trong mọi lĩnh vực trên thế giới. Với một triết lý chuyên chế tối cao, phân định rõ rằng trong một cuộc thi đấu - chỉ có kẻ thắng và người thua, ngoài ra không có gì khác. Điều này nghĩa là không có gì quan trọng hơn HCV ở các kỳ Olympic Quốc tế.

Và vì thế, sức khỏe của một cá nhân, dù là tinh thần hay thể chất của VĐV hoặc người thân của họ, đều không phải là vấn đề mà ĐCSTQ quan tâm.

Vào năm 2012, như tờ “Business Insider” đã đưa tin, "Cha mẹ của VĐV điền kinh Olympic Wu Minxia đã che giấu căn bệnh ung thư vú của mẹ cô trong thời gian dài, vì sợ làm phiền quá trình luyện tập của cô ấy”.

Thậm chí, khi ông bà của cô Wu qua đời, cô cũng không được biết. Tuy nhiên, các huấn luyện viên (HLV) và cả cha mẹ của cô đều “từ chối tranh cãi” về việc này, khi cô liên tiếp giành chiến thắng trong cả hai nội dung là nhảy cầu 1m và 3m ở London.

Vận động viên đoạt huy chương vàng Tingmao Shi và Minxia Wu của Trung Quốc ăn mừng trong trận Chung kết nhảy cầu nữ 3m vào ngày thứ 16 của Giải vô địch thế giới FINA lần thứ 16 tại Aquatics Palace ở Kazan, Nga vào ngày 25/7/2015. (Ảnh: Adam Pretty/Getty Images)
Vận động viên đoạt huy chương vàng Tingmao Shi và Minxia Wu của Trung Quốc ăn mừng trong trận Chung kết nhảy cầu nữ 3m vào ngày thứ 16 của Giải vô địch thế giới FINA lần thứ 16 tại Aquatics Palace ở Kazan, Nga vào ngày 25/7/2015. (Ảnh: Adam Pretty/Getty Images)

Thông điệp của ĐCSTQ ngày nay cũng rõ ràng như vào năm 2012: Các VĐV không được phân tâm bởi những “mối quan tâm nhỏ nhặt”, ngay cả khi “những mối quan tâm” này bao gồm: Bệnh tật đe dọa tính mạng và cái chết của người thân trong gia đình.

Trong một bài viết do “Reuters” đăng tải, Tiến sĩ Johannah Doecke - Giáo sư Giáo dục thể chất tại Đại học Indiana University-Purdue (IUPUI), đã hỏi như sau: “Bạn có thắc mắc tại sao nữ VĐV Trung Quốc lại thành công như vậy không?”

Đó là vì họ "bị đánh bại theo đúng nghĩa đen" bởi các HLV của họ, hầu hết trong số HLV đó đều là nam giới.

‘Bị đánh bại theo đúng nghĩa đen’

Tiến sĩ Doecke cũng là một HLV lặn và là một người ưu tú trong lĩnh vực này. Vào năm 2008-2009, bà đã cố vấn cho VĐV lặn Trung Quốc là Chen Ni. Tiến sĩ Doecke nhấn mạnh một thực tế rằng, nếu các VĐV từ chối làm theo yêu cầu của HLV, họ sẽ bị "trừng phạt" hoặc "bị tát”, đó là một hệ thống đào tạo rất “tàn bạo”.

Giống như Tiến sĩ Doecke, tôi cũng đã tận mắt chứng kiến ​​hệ thống này; mô tả của bà ấy là hoàn toàn chính xác. Các VĐV bị đối xử như những “con vật” trong các khóa huấn luyện trường kỳ. Họ phải rèn luyện thường xuyên 6 ngày một tuần, từ 8h sáng đến 10h đêm mỗi ngày. Họ phải xa gia đình trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Những hỗ trợ về tinh thần, thứ mà ngày càng nhiều VĐV yêu cầu, hiếm khi được đáp ứng. Các chấn thương được điều trị kém, và đôi khi không bao giờ được điều trị.

Tiến sĩ Doecke cho biết rằng có một đồng nghiệp của bà đã chứng kiến ​​những VĐV Trung Quốc bị chấn thương nghiêm trọng nhưng vẫn phải tiếp tục tập luyện - khi lẽ ra, với những chấn thương như thế họ phải nằm trong phòng cấp cứu.

Hệ thống này, như Tiến sĩ Doecke đã cảnh báo, “rất tàn bạo”. Các VĐV được cho uống nhỏ giọt steroid (thuốc tăng cơ) và thuốc giảm đau. Họ không có hoặc có rất ít cơ hội được tiếp cận với giáo dục. Sống trong một điều kiện tồi tệ, không khó để bắt gặp cảnh 5, 6 VĐV bị dồn vào một phòng ngủ dành cho 2 người, để ngủ và nghỉ ngơi.

Trong nhiều năm, những VĐV này, một số em chỉ mới 10 tuổi, đã phải chiến đấu để vượt qua những chấn thương, và giống như trong câu truyện Thần thoại Sisyphean - họ cứ lặp đi lặp lại những tổn thương về thể xác và tinh thần một cách vô nghĩa.

‘Đấu trường sinh tử’ đậm chất ĐCSTQ

Một số VĐV có “tiềm năng” sẽ tiếp tục được đào tạo để cạnh tranh ở cấp độ cao nhất; tuy nhiên, đại đa số sẽ bị “lọc ra” và “vứt bỏ” như những chiếc túi nhựa rẻ tiền, vì không thể “chứa đựng” được gì thêm nữa.

Những người này sau đó được “thả trở lại” xã hội và tự bươn trải để nuôi sống bản thân. Nhưng họ vốn không được học hành, không có kiến thức xã hội và kỹ năng sống, họ cũng phải vật lộn để chịu đựng những chấn thương mãn tính. Đại đa số họ không thể có được cuộc sống như những người bình thường, bởi vì họ thiếu điều kiện tài chính và kiến thức xã hội để làm được điều đó.

Bản chất của các môn thể thao cạnh tranh ở Trung Quốc chính là như vậy! Chỉ những người mạnh nhất sống sót; phần còn lại sẽ bị gạt ra ngoài lề. Đây là một “Đấu trường sinh tử” đậm chất ĐCSTQ.

Trong một tác phẩm khá hấp dẫn viết về các VĐV cử tạ nữ của Trung Quốc, nhà báo Hanna Beech nói về “một cựu vô địch quốc gia”, người đã: “Nghèo đến mức sau khi giải nghệ, cô ấy phải sống trong nhà tắm công cộng”. Theo Beech, người phụ nữ tội nghiệp này còn để cả râu.

Đừng quên rằng, người phụ nữ “khốn khổ” này từng giành được huy chương cao nhất ở đất nước của cô ấy. Nếu đây là cách mà ĐCSTQ đối xử với các VĐV thành công, hãy thử tưởng tượng những người không thành công sẽ “được đối xử” như thế nào.

Điều này đưa chúng ta trở lại với Biles. Mặc dù sức khỏe tinh thần của cô ấy gặp phải vấn đề, nhưng ít nhất cô đã được tiếp cận với những chuyên gia đẳng cấp nhất. Tôi chắc chắn rằng Biles sẽ nhận được sự giúp đỡ mà cô ấy cần.

Tuy nhiên, đối với các VĐV Trung Quốc, nhiều người trong số họ sẽ “được giúp đỡ” bởi các... bác sĩ tâm thần. Đơn giản vì sự giúp đỡ thực sự sẽ không bao giờ đến.

John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo lớn như: “The New York Post”, “Sydney Morning Herald”, “The American Conservative”, “National Review”, “The Public Discourse”, và những tờ báo đáng tin cậy khác. Ông cũng là nhà báo cho chuyên mục của “Cointelegraph”.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả John Mac Ghlionn và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Đông Mai

Theo The Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

‘Đấu trường sinh tử’ đậm chất ĐCS Trung Quốc: Thế vận hội Tokyo và cách Bắc Kinh ‘vắt kiệt’ các vận động viên