Đàn ông Trung Quốc còng lưng trả nợ sính lễ - Hôn nhân bây giờ là 'sân chơi của phụ nữ’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mãi đến năm 2018, tức là bốn năm sau, anh Jiang Chou mới trả hết số tiền đã vay để làm sính lễ khi kết hôn. Tuy thế, anh vẫn cảm thấy may mắn vì “đó là giá của 7 năm trước”, giờ đây giá sính lễ còn tăng vọt hơn nữa...

"Tôi kết hôn vào cuối năm 2014 với một cô gái cùng làng. Giá cô dâu là 168.000 tệ (gần 600 triệu đồng)", Jiang Chou đến từ Cám Châu, Giang Tây, Trung Quốc chia sẻ.

Đó là cái giá sính lễ của bảy năm trước, còn giá trung bình năm nay tại tỉnh này là 250 nghìn tệ (gần 900 triệu đồng). Một số thành phố trong tỉnh Giang Tây đang có giá cao ngất ngưởng, có nơi lên tới gần 400 ngàn tệ (khoảng 1,4 tỷ đồng).

Sính lễ là một trong những phong tục cưới hỏi của người Trung Quốc, phổ biến ở nhiều địa phương. Đàn ông Trung Quốc muốn lấy vợ ở tỉnh Giang Tây đang phải trả "con số trên trời".

Vấn đề này gây nhiều tranh cãi trong xã hội Trung Quốc những năm qua. Bài viết trên tờ Paper đưa ra 4 lý do chính sau đây:

Thứ nhất: Nơi càng nghèo, tiền sính lễ càng cao:

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Giang Tây, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 28.017 tệ. Với mức này nếu một gia đình bắt đầu tiết kiệm tiền đến khi con trai kết hôn, thì có thể tiết kiệm được khoảng 600.000 tệ. Nếu con trai ra ngoài làm việc, thu nhập hàng tháng được tính là 6.000 đến 7.000 tệ, thì sau 5 năm mới có tiền kết hôn.

Thứ hai: do tư tưởng trục lợi

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng "con gái lấy chồng như bát nước đổ đi", sao không tận dụng cơ hội này làm ăn phát tài.

Thứ ba: tình trạng mất cân bằng giới tính

Vì lý do này mà hôn nhân giờ đây trở thành "thị trường" của phụ nữ: Ở các vùng nông thôn, số nam giới thực sự nhiều hơn nữ giới.

Thứ tư: tình trạng di

Đây được cho là nguyên nhân làm trầm trọng thêm sự suy giảm của phụ nữ nông thôn. Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Giang Tây năm 2015 cho thấy, kể từ năm 1990 đến năm 2010, đã có gần 6 triệu người di cư, nam giới chiếm 57% và nữ giới chiếm 43%.

"Nhưng hầu hết đàn ông sẽ về nhà, trong khi phụ nữ thì đòi hỏi cao hơn. Nhiều người khao khát được sống ở thành phố và nhiều người không về quê", Jiang Chou nói.

Cứu con trai bằng việc dùng lễ vật của con gái

Về phần anh Jiang Chou, để lấy được vợ, ngoài khoản sính lễ anh phải chuẩn bị tiền trang phục, tổ chức tiệc, tổng cộng đã chi 300.000 tệ vào hôn lễ. Ngoài ra, muốn lấy được vợ cần phải có nhà và ôtô.

"Thời bây giờ nói chung cần phải xây một ngôi nhà trong làng và một ngôi nhà ở thị trấn, tổng chi phí là gần một triệu tệ", anh nói.

Ở tỉnh của anh Chou, một gia đình sẽ "cứu con trai" bằng việc dùng lễ vật của con gái. Bố mẹ Chou lại dễ tính nên yêu cầu sính lễ của chị gái anh không cao. "Đến lúc tôi kết hôn hầu hết là phải đi mượn người thân", anh nói.

Sau khi lấy được vợ, Chou đã đến Bắc Kinh làm việc trả nợ. Tại đây anh đã làm nhiều công việc và trả hết nợ sau bốn năm chăm chỉ và tiết kiệm.

Cho vay sính lễ

Vào ngày 16/3/2021, Ngân hàng Cửu Giang (tỉnh Giang Tây) đã ra mắt một gói vay mang tên "Cho vay sính lễ" - có thể được sử dụng cho những việc như đi hưởng tuần trăng mật, mua xe, đồ trang sức... Gói vay này một lần nữa khuấy động mạng xã hội Trung Quốc.

Nhiều người cho biết đời bố mẹ họ về cơ bản chỉ cần con lợn đãi khách là xong. Cho đến năm 2011, tiền sính lễ bắt đầu bùng nổ và đến năm 2016 leo thang chót vót.

Thậm chí, phụ nữ đã "qua một lần đò" vẫn thách cưới cao.

"Tôi có một người anh họ đi xem mắt một phụ nữ đã ly hôn và có con một tuổi. Anh tôi đưa ra mức 200 nghìn tệ nhưng bị người phụ nữ đó từ chối", một người chia sẻ.

Luật Dân sự năm 2021 của Trung Quốc đã cố gắng “khắc phục tình hình” bằng cách đưa ra quy định không được đẩy giá lễ vật lên cao, được trả lại sính lễ khi chưa sống chung hoặc chưa làm thủ tục kết hôn... Tuy nhiên, theo Jiang Chou việc này rất khó thực hiện ở quê anh, nơi mà "phép vua thua lệ làng".

"Hôn nhân bây giờ là 'sân chơi của phụ nữ'. Nếu bạn không đáp ứng được sính lễ, bạn sẽ không thể lấy được một người vợ", người này cho biết.

Thanh Vân

Theo Sina



BÀI CHỌN LỌC

Đàn ông Trung Quốc còng lưng trả nợ sính lễ - Hôn nhân bây giờ là 'sân chơi của phụ nữ’