Đại dịch gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của sinh viên quốc tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã hơn một năm kể từ lần cuối cùng Hailey Đỗ, sinh viên năm thứ ba của Đại học Công nghệ Sydney, rời quê hương. Cảm thấy bị mắc kẹt trong căn hộ rộng 80 mét vuông của mình ở vùng ngoại ô nhộn nhịp Strathfield (Sydney), cô khao khát được trở về nhà tại Đà Lạt, một thành phố nhỏ nép mình giữa những ngọn đồi rậm rạp cây cối và những con đường trải dài ở Tây Nguyên (Việt Nam).

Việt Nam đóng cửa biên giới vào ngày 22 tháng 3 năm 2020, đây cũng là mốc đánh dấu số ca nhiễm trong nước lần đầu tiên vượt qua con số 100. Chỉ một ngày trước đó, Australia đã báo cáo 1081 trường hợp được xác nhận dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán và bắt đầu áp đặt các quy định giãn cách xã hội.

Mặc dù ban đầu muốn về nước, nhưng Đỗ vẫn lựa chọn ở lại Úc để hoàn thành vai trò tân chủ tịch của Hội Sinh viên Năng động Việt Nam tại New South Wales (VDS NSW).

Nhưng tồn tại ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới không hề dễ dàng đối với cô sinh viên 20 tuổi, do ảnh hưởng của đại dịch, Đỗ đã mất việc làm duy nhất của mình tại chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh. Cũng vì không thể kiếm sống qua ngày, cô phải dựa vào những đồng tiền do gia đình ở quê nhà gửi sang, vốn cũng không quá dư dả.

Đỗ nói: “Tôi không thể gặp gia đình và tôi nhớ nhà vô cùng. Đó là một khoảng thời gian thực sự khó khăn. Tôi đã rất mệt mỏi và tôi chỉ khóc mỗi ngày”. Cô nói rằng cô muốn bỏ lại mọi thứ và trở về Việt Nam.

Khoảng 400.000 sinh viên quốc tế chọn ở lại Úc trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, và Đỗ không phải là người duy nhất bị ảnh hưởng bởi áp lực.

Một nghiên cứu được Viện Xuất bản Kỹ thuật số Đa ngành (MDPI) xuất bản có tựa đề: “Sức khỏe Tâm lý và Trải nghiệm Học tập của Sinh viên Đại học ở Úc trong COVID-19” đã lưu ý rằng, sinh viên quốc tế là “nhóm có nguy cơ rất cao” đối với các khó khăn về sức khỏe tâm thần.

Cuộc khảo sát của viện với 787 sinh viên quốc tế tại một trường đại học ở Úc cho thấy, gần 2/3 số người được hỏi có mức độ hạnh phúc thấp hoặc rất thấp trong thời kỳ đại dịch.

Nhưng tình hình đó không chỉ diễn ra tại Úc.

Theo nghiên cứu của Frontiers in Psychiatry, trong số 124 sinh viên quốc tế được khảo sát ở Anh hoặc Mỹ, khoảng 85% người có mức độ căng thẳng từ trung bình đến cao, 12% có các triệu chứng lo âu và trầm cảm từ trung bình đến nặng.

Trải nghiệm cô đơn

Nhà tâm lý học lâm sàng Isabella Choi, người điều hành dự án sức khỏe tâm thần trực tuyến đầu tiên của Úc dành cho sinh viên quốc tế Trung Quốc trong đại dịch nói với Epoch Times rằng, mức độ lo lắng và trầm cảm gia tăng ở các sinh viên quốc tế trong đại dịch có liên quan đến sự tách ly khỏi xã hội.

“Đặc biệt là những người đang trong năm học đầu tiên, họ chưa thực sự có nhiều cơ hội kết bạn hoặc thực sự hiểu biết về nước Úc,” Choi nói.

Đỗ tán thành với quan điểm trên, cô nhớ lại nỗi đau khổ mà cô cảm thấy trong thời gian bị mắc kẹt trong căn hộ thuê ở nội thành Sydney.

Cô nói: “Có cảm giác như những bức tường đang đóng lại. Thông thường, tôi sẽ ra ban công và nhìn lên bầu trời, ước gì tôi là một chú chim để có thể bay lên cao”.

Luna Manandhar, một du học sinh Úc đến từ Nepal, cũng gặp vấn đề tương tự. Manandhar, đồng thời là cán bộ quốc tế tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết ba tháng đầu tiên của đại dịch đầy thử thách khi cô phải vật lộn để duy trì bản thân sau khi mất việc tại một nhà hàng, cũng là nguồn thu nhập duy nhất của cô.

Cô gái trẻ người Nepal nói: “Tôi như đang ở giữa đại dương, tôi không biết phải làm gì”.

Luna Manandhar, một du học sinh Úc đến từ Nepal, cũng gặp vấn đề tương tự.
Luna Manandhar, một du học sinh Úc đến từ Nepal, cũng gặp vấn đề tương tự. (Nina Nguyen/The Epoch Times)

Thách thức nói ra vấn đề của bản thân

Nghiên cứu của MDPI chỉ ra rằng, chỉ có khoảng 20% ​​sinh viên sử dụng các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần khiến cho việc giải quyết vấn đề trở nên khó khăn hơn.

Choi tin rằng điều này là do trình độ hiểu biết về sức khỏe tâm thần thấp và sự kỳ thị của mọi người liên quan đến việc nói về các vấn đề tâm thần, đặc biệt là ở một số cộng đồng châu Á.

Choi nói: “Không nhiều người biết về trầm cảm hoặc lo lắng là gì. Và bởi vì mọi người không biết nó có nghĩa là gì, có rất nhiều kỳ thị xung quanh nó nên khi ai đó rất buồn phiền hoặc lo lắng, thì mọi người sẽ nghĩ rằng… có thể người đó bị điên, hoặc có chuyện gì với họ”.

“Thường họ có thể gặp những triệu chứng đó… nhưng họ chỉ chú ý vào việc bị đau đầu hoặc không thể ngủ, hơn là việc nói ra rằng họ thực sự xuống tinh thần và thực sự lo lắng về điều gì đó,” cô nói.

Cô tin rằng những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa cũng ngăn cản các sinh viên nước ngoài tìm kiếm sự giúp đỡ.

Choi nói: “Họ có thể không thực sự cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với ai đó bằng tiếng Anh về cảm giác của họ”.

Cô cho biết, dự án sức khỏe tâm thần tương tác trực tuyến dành cho sinh viên quốc tế Trung Quốc là dự án đầu tiên ở Úc sử dụng ngôn ngữ, câu nói và phép ẩn dụ của Trung Quốc để giao tiếp với sinh viên.

Trong khi đó, Đỗ thực dụng hơn về cách bản thân cô ấy tìm kiếm sự giúp đỡ, cô cho biết việc trò chuyện với bạn bè và duy trì tư duy tích cực có tác dụng hỗ trợ. Cô cũng thấy sự giúp đỡ về mặt tinh thần cũng rất có lợi vì nó khiến cô ấy “nhận ra rằng mọi thứ mà bản thân đang trải qua đều rất nhỏ”.

Đỗ nói: “Thực ra tôi nghĩ đối với nhiều người, họ không cần hướng dẫn chi tiết, tất cả những gì họ cần chỉ là một người có thể lắng nghe họ. Tôi cũng cố gắng nhìn lại bản thân xem mình đã làm sai ở đâu, cố gắng không đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài và thay vào đó tìm cách cải thiện lần sau”.

Manandhar cho biết, nền giáo dục đẳng cấp thế giới của Úc và môi trường nói tiếng Anh cũng khiến quốc gia này trở thành một trong những nơi tốt nhất để học tập.

“Tôi không hối hận khi đến Úc, vì đó là điều mà tôi luôn muốn [làm],” cô nói.

Bảo Vy
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đại dịch gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của sinh viên quốc tế