Cựu quân nhân Hoa Kỳ kể về ‘vết thương’ tâm hồn do chiến tranh và chiếc vòng tay 'kỳ diệu' của con trai tặng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vết sẹo hình thành là dấu ấn để lại khi vết thương đã lành. Chúng có thể trở thành những bài học, những câu chuyện được kể lại cho người khác nghe, để rồi thông qua đó chúng ta biết rằng: những vết thương của bản thân mình rồi cũng sẽ lành…

Câu chuyện sau đây kể về hành trình trở thành một diễn giả thành công sau khi vượt qua nỗi đau chiến tranh của Scott Mann - cựu quân nhân thuộc lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ chuyên thực hiện các nhiệm vụ bất thường và chiến đấu trực diện. Ông hiện là người sáng lập của Rooftop Leadership, chuyên đào tạo kỹ năng lãnh đạo. Ông cũng xuất hiện thường xuyên trên TV và nhiều chương trình phát thanh khác. Dưới đây là câu chuyện của ông:

Khi được mời nói chuyện lần đầu tiên trên TEDx vào năm 2016, tôi nghĩ rằng thật khó khi đứng trên sân khấu để chia sẻ về những nỗi đau do chiến tranh gây ra cho bản thân mình. Mặc dù đã rời quân ngũ, “những vết thương” còn quá mới đối với tôi và vẫn khiến tôi đau đớn. Tôi tự nhủ mình cần phải trực tiếp đối mặt với những thương tổn của bản thân, và phải làm điều đó thật nhanh chóng. Vì vậy, tôi đã nhờ sự hỗ trợ của một chuyên gia tư vấn có biệt danh là Joe.

Joe nhanh chóng nhìn thấy trở ngại lớn nhất của tôi, đó là những quan niệm cá nhân đang cản trở việc tôi chia sẻ cảm xúc của bản thân với người khác. Giống như hầu hết các cựu chiến binh, tôi đã được huấn luyện để luôn “mặc áo giáp” cho cảm xúc của mình, bằng cách luôn tỏ ra dũng mãnh và không bao giờ thể hiện sự yếu đuối. Đó là điều chúng tôi phải làm để sống sót trong các cuộc chiến.

Một ngày nọ, khi Joe nhìn xuống cổ tay tôi và hỏi về chiếc vòng tay màu xanh lá cây mà tôi đang đeo. Thế là tôi kể cho anh ấy câu chuyện về “chiếc vòng tay kỳ diệu của tôi”. Chiếc vòng là món quà mà con trai út, Brayden, đã tặng cho tôi khi tôi được điều tới Afghanistan vào năm 2009. Khi ấy Brayden mới 5 tuổi, cháu đưa chiếc vòng cho tôi và thầm thì với tôi rằng: “Chiếc vòng sẽ giúp bố an toàn trong khi chiến đấu với những kẻ xấu”. Kể từ đó, chiếc vòng trở thành sợi dây liên kết giữa hai cha con tôi khi chúng tôi ở cách xa nhau nửa vòng trái đất...

Vì vậy, tôi chưa từng tháo chiếc vòng ra...

Scott, đó chính là cách tiếp cận theo phương diện cảm xúc mà tôi muốn anh làm đối với từng câu chuyện của mình. Đây sẽ là ‘bài tập về nhà’ của anh. Tôi muốn anh viết một câu chuyện có độ dài khoảng 5 phút về chiếc vòng ấy và chia sẻ trước các học viên”, Joe nói.

Tôi nín thở. Viết một câu chuyện ư? Lúc đó tôi nghĩ: “Thà cho mình làm nhiệm vụ ở Afghanistan còn dễ hơn là việc này. Lỡ tôi làm không tốt trên sân khấu thì sao?” Tôi luôn có quan niệm rằng một quân nhân thuộc lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ thì không thể viết truyện.

Nhưng rồi tôi đã viết xong và đã kể lại câu chuyện trên sân khấu…

Mọi người nói rằng tất cả khán giả trong khán phòng ngày hôm ấy đều đứng dậy và vỗ tay khi tôi kể xong câu chuyện của mình, còn tôi chỉ thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má của vợ tôi, Monty, và ba đứa con trai của chúng tôi.

Tôi đã tìm lại được tiếng nói của mình. Và lần đầu tiên sau một thời gian dài, bây giờ tôi đã biết mình sẽ làm gì tiếp theo...

Trong vòng hai năm, câu chuyện của tôi đã được chỉnh sửa hàng chục lần. Tôi cũng tham gia vô số lớp diễn xuất. Cuối cùng thì cơn “khủng hoảng” trong cuộc đời tôi đã kết thúc. Chiếc vòng nhỏ ấy đã trở thành “trái tim” của vở kịch mang tên “Last Out: Elegy of a Green Beret” (vở kịch kể về câu chuyện có thật của quân nhân tham chiến người Mỹ Scott Mann và gia đình của anh). Vở kịch hiện đang được lưu diễn trên khắp nước Mỹ nhằm nâng cao nhận thức cho các cựu chiến binh về vấn đề gia đình và quân đội.

Tôi đã rút ra những bài học ý nghĩa cho bản thân khi chia sẻ về những “vết thương” cuộc đời trong suốt chuyến lưu diễn của mình. Điều này đã giúp tôi thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của bản thân và trút bỏ tấm “áo giáp cảm xúc” mà tôi đã luôn mang trong suốt 23 năm qua.

Vết sẹo hình thành là dấu ấn để lại khi vết thương đã lành. Chúng có thể trở thành những câu chuyện được kể lại cho mọi người nghe, để rồi thông qua đó chúng ta biết rằng: người khác cũng có những nỗi đau chiến tranh ấy và những vết thương của bản thân mình rồi cũng sẽ lành...

Trên thực tế, có hàng trăm cựu chiến binh đang chịu đựng sự dày vò của những vết thương do chiến tranh để lại và phải sống cách xa gia đình của mình. Nhiều cựu chiến binh và người thân trong gia đình của họ đã chia sẻ với tôi trong nước mắt về cảm giác giải thoát khi thấy nỗi đau của chính mình được chia sẻ trên sân khấu. Có một lần, chị gái của một trung sĩ đã đứng dậy sau khi vở diễn kết thúc và nói: “Cảm ơn vì trong 85 phút qua đã cho tôi thấy những gì em trai tôi đã cố nói với tôi về các cuộc chiến trong suốt 5 năm qua”.

Con trai lớn của tôi, Cody, chỉ mới 3 tuổi khi thảm họa các tòa tháp sụp đổ vào ngày 11/9/2001. Cody đã nói với tôi: “Con muốn trở thành một quân nhân giống như bố khi con lớn lên”. Câu nói ấy của con trai tôi thực sự là một khó khăn đối với tôi. Làm sao tôi có thể để con trai mình tham gia vào một cuộc chiến khi mà bản thân lại không thể dừng cuộc chiến ấy?

Tôi đã luôn hy vọng rằng nếu tôi có thể thực hiện nhiệm vụ thêm một lần nữa và làm những gì cần thiết để kết thúc cuộc chiến này, tôi sẽ có thể mang lại an toàn cho con trai mình. Tuy nhiên, mỗi lần tôi về nhà sau khi làm nhiệm vụ, thì con trai tôi đã lớn thêm một tuổi và cậu bé đang bước gần hơn đến điều con luôn ao ước.

Bạn đừng hiểu lầm về điều tôi đang chia sẻ. Tôi muốn nói rằng mặc dù tôi rất tự hào khi được phục vụ trong quân ngũ, những gì tôi đang chia sẻ là xuất phát từ góc độ một người cha đã chứng kiến ​​rất nhiều cuộc chiến tranh. Cuộc chiến đó kéo dài 18 năm, là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nhiều chính trị gia đã cam kết sẽ chỉ có một tỷ lệ nhỏ con cái của chúng tôi phải tham gia vào trận chiến.

Hầu hết mọi người đều không hiểu được cảm giác đó...

Cảm giác lo sợ rằng con trai phải tham gia vào cuộc chiến mà bản thân mình đã không thể kết thúc là một cảm giác vô cùng khó chịu, đó cũng là điều tôi đã không muốn đối diện trong nhiều năm. Nhưng nhờ có Joe, tôi đã thay đổi quan niệm của mình và tư duy khác đi; do đó, cuối cùng tôi đã cởi bỏ được bộ giáp che đậy cảm xúc và đối diện với cảm giác chân thực của mình để chia sẻ với mọi người.

Hàng ngàn công dân, phương tiện truyền thông, và thậm chí là một số chính trị gia đã có thể hiểu được cái giá phải trả về phương diện cảm xúc của những quân nhân khi tham gia vào các cuộc chiến thời nay. Từ đó, chúng ta có thể có những định hướng mang tính trách nhiệm hơn khi nói về những cuộc chiến tranh trong tương lai.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cựu quân nhân Hoa Kỳ kể về ‘vết thương’ tâm hồn do chiến tranh và chiếc vòng tay 'kỳ diệu' của con trai tặng