Cuộc đời người Trung Quốc bị ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ: Nhiễm virus Vũ Hán cũng bị trừng phạt

Giúp NTDVN sửa lỗi

ĐCSTQ vừa “sáng tạo” ra cái gọi là kết hợp hệ thống “theo dõi và truy tìm” virus Vũ Hán ở mỗi người dân để tính vào điểm tín dụng xã hội khét tiếng của chế độ này. Dựa theo điểm tín dụng xã hội cao hay thấp kỳ quái này, ĐCSTQ sẽ ban thưởng hoặc trừng phạt người dân, như hạn chế tự do đi lại, không xin được việc làm, mua hay thuê nhà ở…

Theo ký giả Joshua Philipp của tờ Epoch Times cho biết: “Chính quyền địa phương tỉnh Giang Tô của Trung Quốc đã đưa ra một hệ thống kiểm soát xã hội mới, kết hợp chương trình mã sức khỏe của ĐCSTQ với hệ thống tín dụng xã hội của chế độ để tạo ra cái mà họ gọi là mã văn minh”.

Điều này cho thấy, ĐCSTQ lại “sáng tạo” ra thêm một hệ thống giám sát COVID-19 mới, sẽ được sử dụng để tiếp tục “giám sát xã hội toàn trị” đang được thực hiện trên khắp mọi miền của Trung Quốc.

Hệ thống mới xếp hạng mỗi công dân thông qua “điểm văn minh”, và sau đó phân loại người dân Trung Quốc theo từng cấp độ, để xác định xem họ có được ưu tiên tiếp cận các dịch vụ hay bị trừng phạt và hạn chế.

Hệ thống mới đang được triển khai ban đầu tại thành phố Tô Châu và sẽ áp dụng cho tất cả mọi công dân Trung Quốc trên 18 tuổi.

Có thể nói, cứ mỗi khi có một sự kiện “đình đám” nào xảy ra, ĐCSTQ lại “chế” ra thêm một loại phương pháp kiểm soát mới, rồi kết hợp với vô số các loại kiểm soát cũ trước đó, khiến tình cảnh người dân Trung Quốc không khác gì “cá nằm trong rọ”.

Tờ Daily Mail đưa tin rằng, năm ngoái ĐCSTQ yêu cầu mỗi công dân Trung Quốc buộc phải vượt qua bài kiểm tra nhận dạng khuôn mặt khi muốn truy cập Internet. Chế độ độc tài này lại nghĩ ra thêm một cách giám sát người dân, để mở rộng thêm các biện pháp giám sát hà khắc trong hệ thống điểm tín dụng xã hội.

Tháng 8/ 2019, ĐCSTQ khoe khoang đã ngăn chặn 2,5 triệu “thực thể mất uy tín” mua vé máy bay, và 90.000 người mua vé tàu cao tốc chỉ trong tháng 7/2019.

Đáng thương thay, cuộc đời của người dân Trung Quốc đã bị ĐCSTQ siết chặt bằng hệ thống điểm tín dụng xã hội khét tiếng, được thiết kế để trừng phạt và tẩy chay những người bày tỏ quan điểm khác với ĐCSTQ.

Đối với người Trung Quốc, việc bị “điều tra lý lịch” không có gì xa lạ. Từ thời Mao Trạch Đông, chính quyền đã lập những “hồ sơ cá nhân” cho mỗi người, để dựa vào đó trừng phạt, thăng hay giáng chức, thuyên chuyển, cho nhập học, điều tra chính trị… Ở thế kỷ 21, dưới thời Tập Cận Bình, nó được đổi thành tên mới cho có vẻ thức thời: “Điểm tín dụng xã hội”.

Dựa theo hệ thống tính điểm tín dụng xã hội, ĐCSTQ sẽ trừng phạt những người chỉ trích chính phủ, cũng như nhiều hành vi khác, bao gồm:

- Lái xe dở.

- Hút thuốc trên tàu hỏa.

- Mua quá nhiều trò chơi điện tử.

- Mua quá nhiều đồ ăn vặt.

- Mua quá nhiều rượu.

- Gọi điện cho một người bạn có điểm tín dụng thấp.

- Có một người bạn trực tuyến có điểm tín dụng thấp.

- Đăng “tin giả” trực tuyến.

- Truy cập các trang web trái phép.

- Cho chó đi dạo mà không cần dây xích.

- Để chó sủa quá nhiều.

Thậm chí nếu ai đó ngồi gõ máy tính 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày, cũng có thể bị coi là lười biếng và bị trừ điểm. Ngược lại, nếu thường xuyên mua tã lót em bé, chứng tỏ là cha mẹ có trách nhiệm, và được cộng điểm.

Người ta thống kê được có khoảng gần 50 cách tính điểm khác nhau ở các địa phương Trung Quốc và mỗi nơi thi hành một kiểu. Ví dụ, người dân Trung Quốc dù mắc “sai lầm” cỡ nào, tội nặng như vi phạm luật pháp, hay tội nhẹ như trả tiền điện nước trễ - đều bị trừ điểm tín dụng ngang nhau.

Những người nhiều điểm nhất có thể được hưởng trợ cấp của ĐCSTQ khi lập công ty, được vào Đảng hay gia nhập quân đội. Ngược lại, ai điểm thấp thì bị xếp ở dưới đáy xã hội, bị trừng phạt như hạn chế tự do cá nhân, khi muốn di chuyển thì không được mua vé máy bay, tàu cao tốc, không xin được việc làm, không được phép mua hay thuê nhà ở…

Mức trừng phạt cao nhất là “tước các quyền chính trị” (tức không thể được kết nạp Đảng), cộng thêm các hình phạt theo “9 nấc quan hệ gia đình”, chẳng hạn con cái không được vào học trường tốt.

Đơn cử, mùa hè vừa qua, một học sinh ở thị trấn Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang thi đỗ vào một trường đại học danh giá ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, trường đại học này đã không nhận cậu học sinh vào trường vì lý do có người cha nằm trong danh sách “không có điểm tín nhiệm cao”.

Một người đàn ông tên Zhang ở huyện Tuy Ninh, tỉnh Giang Tô bị hạ thấp điểm tín dụng chỉ vì vượt đèn đỏ hai lần trong cả năm. Ông này nói: “Phạt tiền vượt đèn đỏ chỉ là chuyện vặt, bị trừ điểm mới đáng sợ”. Đơn giản, khi ông tỏ ra bất bình bị trừ điểm nhiều vì vượt đèn đỏ, ông lại bị trừ tiếp đến 50 điểm vì tội “dám” bất bình.

Còn ai đó bán hàng giả gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng thì chỉ phải trừ 30 điểm. Đưa tin sai “sự thật” trên Internet sẽ bị trừng phạt tối đa là trừ 100 điểm.

Có thể thấy, ĐCSTQ muốn kiểm soát người dân Trung Quốc không chỉ trong hành vi mà cả tư tưởng, ở mọi thời điểm, mọi lúc mọi nơi.

Đông Bắc



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc đời người Trung Quốc bị ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ: Nhiễm virus Vũ Hán cũng bị trừng phạt