Covid-19 gia tăng tình trạng cận thị ở trẻ em, tại sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình trạng cận thị ở trẻ em có thể gia tăng tồi tệ hơn khi trẻ dành nhiều thời gian ở nhà với các thiết bị điện tử.

Tỷ lệ cận thị đã và đang gia tăng trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ. Một nửa dân số thế giới được dự đoán sẽ mắc bệnh cận thị vào năm 2050.

Thời gian trẻ em dành cho màn hình điện tử ngày càng gia tăng trong bối cảnh các trường học chuyển sang hình thức dạy học từ xa, điều này trực tiếp góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng cận thị ở trẻ. Trẻ em học tại nhà trong thời đại COVID-19 có nguy cơ trở thành “nhóm dân số bị tổn hại về thị giác” trong tương lai.

Một nghiên cứu gần đây với hơn 120.000 trẻ em ở Trung Quốc đã chứng minh rằng: trẻ em từ 6 đến 8 tuổi bị “giam giữ” ở nhà trong 6 tháng đầu năm 2020 mắc bệnh cận thị nhiều hơn so với tỷ lệ này trong các năm trước đó.

Nguy cơ của bệnh cận thị

Đối với một đứa trẻ bị cận thị, tầm nhìn xa bị mờ trong khi tầm nhìn gần vẫn rõ ràng. Trong quá khứ, việc tăng độ cận thị từ năm này qua năm khác ít được coi trọng, vì nó có thể được điều chỉnh bằng kính hoặc kính áp tròng. Tuy nhiên, các chuyên gia chăm sóc mắt hiện nay cho biết, trẻ bị cận thị khi càng nhỏ thì độ cận thị của trẻ sẽ càng cao, và điều này là một tin xấu đối với đôi mắt.

Có một mối liên hệ giữa độ cận thị cao và và việc tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Một người bị cận nặng hơn 6 diop có 90% khả năng bị khiếm thị ở tuổi 75.

Người trưởng thành bị cận thị nặng có thể phải đối mặt với một số bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, bong võng mạc, thoái hóa võng mạc và các bệnh về mắt khác, có thể ảnh hưởng suốt đời đến thị lực của họ.

Còn trẻ em thì sao? Một đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên bị cận nặng sẽ bị suy giảm thị lực khi không đeo kính, khiến chúng hoàn toàn phụ thuộc vào việc đeo kính. Ví dụ, một người bị cận 10 diop nhìn bất cứ thứ gì vượt quá chiều dài nửa cánh tay đều bị mờ.

Và đừng nghĩ rằng việc điều chỉnh thị lực bằng laser sẽ là “cứu cánh” khi chúng đủ lớn. Mức độ cận thị nặng có thể khiến trẻ không đủ điều kiện điều trị hoặc kết quả điều trị kém thành công hơn.

Thời gian dành cho màn hình

Vậy, nguyên nhân gây ra cận thị là gì? Và chúng ta có thể làm gì để làm chậm quá trình tiến triển của căn bệnh này?

Yếu tố lớn nhất không thể thay đổi chính là tật cận thị của cha mẹ. Một đứa trẻ rất có khả năng bị cận thị nếu cả cha và mẹ đều bị cận thị.

Một yếu tố có thể thay đổi được là thời lượng trẻ dành cho “các nhiệm vụ ở khoảng cách gần” - liên quan đến việc nhìn các vật cách mắt chúng gần hơn 40 cm.

Việc tập trung nhìn gần trong thời gian dài góp phần làm tăng độ cận thị. Màn hình điện tử được cho là nguyên nhân, nhưng liệu bản thân màn hình điện tử gây ra vấn đề hay là do trẻ cầm điện thoại hoặc máy tính bảng quá gần trong một thời gian dài? Mặc dù đề tài này vẫn gây tranh cãi, nhưng việc tập trung nhìn gần có nhiều khả năng là “thủ phạm” hơn.

Tuy nhiên, cha mẹ và người chăm sóc vẫn có thể giúp ngăn ngừa việc trẻ bị cận thị và làm chậm tốc độ tiến triển của tình trạng này.

An image advises parents to limit children's screen time and take frequent screen breaks.
Một số chú ý để giúp bảo vệ trẻ em khỏi cận thị.

Việc dành nhiều thời gian bên ngoài hơn có thể trì hoãn sự khởi phát của bệnh cận thị. Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ theo khuyến nghị của các bác sĩ nhãn khoa cũng là một việc rất hữu ích.

Đối với trẻ đang phải học ở nhà, hãy đảm bảo rằng màn hình không ở quá gần trẻ, khuyến khích trẻ nghỉ giải lao thường xuyên và sử dụng quy tắc 20-20-20: Nhìn xa 20 feet (6 m) trong 20 giây sau mỗi 20 phút làm việc. Một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ em đi ngủ muộn hơn có nhiều khả năng bị cận thị - do đó các bậc cha mẹ nên yêu cầu trẻ đi ngủ sớm.

Bệnh cận thị của trẻ thường tiến triển cho đến khoảng 16 tuổi, nhưng khoảng 10% bệnh nhân cận thị vẫn tiếp tục suy giảm thị lực cho đến đầu những năm 20 tuổi.

Điều trị và phòng ngừa

Có nhiều lựa chọn để điều chỉnh thị lực, bao gồm các loại kính áp tròng và kính mắt được thiết kế đặc biệt để làm chậm sự tiến triển của cận thị, và cả thuốc nhỏ mắt.

Đừng nghĩ rằng bất kỳ một đứa trẻ nào cũng có khả năng nhìn tốt. Không gì thay thế được việc đến khám với chuyên gia chăm sóc mắt. Bằng cách hành động ngay bây giờ, các bậc cha mẹ có thể giảm thiểu tác động của bệnh cận thị đến thị lực và sức khỏe mắt của các thế hệ sau.

Tác giả: Debbie Jones là giáo sư lâm sàng tại Trường Khoa học Nhãn khoa & Thị giác và là nhà khoa học lâm sàng tại Trung tâm Giáo dục & Nghiên cứu Mắt tại Đại học Waterloo ở Canada; và Kate Gifford là một thành viên nghiên cứu thỉnh giảng về Khoa học Thị lực và Nhãn khoa tại Đại học Công nghệ Queensland ở Úc. Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên trên The Conversation.

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Covid-19 gia tăng tình trạng cận thị ở trẻ em, tại sao?