COVID-19 gây ra khủng hoảng về sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, các ca tự tử gia tăng đột biến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo nhiều nghiên cứu và báo cáo truyền thông, kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào tháng 3/2020 và các trường học đóng cửa, tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên có ý định tự tử, nỗ lực tự tử và trầm cảm đã tăng lên đáng kể trên toàn nước Mỹ. Các yêu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên cũng gia tăng tới mức gây kinh ngạc cho các chuyên gia y tế...

Một nghiên cứu do tổ chức phi lợi nhuận độc lập FAIR Health thực hiện mới đây cho thấy tình trạng tăng mạnh các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên kể từ khi đại dịch bùng phát.

Dữ liệu mà Fair Health phân tích chỉ ra rằng, kể từ tháng 3/2020, yêu cầu về y tế tổng quát cho nhóm thanh thiếu niên giảm trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần lại tăng vọt. Điều này nói lên rằng tinh thần thanh thiếu niên Mỹ đang ở trong tình trạng bất ổn.

Tại thời kỳ cao điểm của đại dịch, vào tháng 3 và tháng 4/2020, các yêu cầu về sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên đã tăng lên lần lượt là 97% và 103,5% so với cùng tháng năm trước (theo tỷ lệ phần trăm trên tất cả các yêu cầu y tế).

Trong khi đó, yêu cầu y tế không liên quan đến sức khỏe tâm thần giảm 53,3% và 53,4% trong cùng tháng.

Biểu đồ gia tăng yêu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần kéo dài đến tận tháng 11/ 2020. FAIR Health đã nghiên cứu ảnh hưởng của đại dịch đối với sức khỏe trẻ em ở Mỹ, đặc biệt tập trung vào các nhóm tuổi 13-18 và 19-22.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ cơ sở dữ liệu của hơn 32 tỷ hồ sơ y tế tư nhân của Fair Health. Họ đã theo dõi những thay đổi theo từng tháng, từ tháng 1/2020 đến tháng 11/2020 và so sánh các con số với số liệu cùng tháng trong năm 2019.

Các nhà nghiên cứu khảo sát các vấn đề gồm sức khỏe tâm thần tổng quát, hội chứng cố ý ngược đãi bản thân, sử dụng quá liều và rối loạn sử dụng chất kích thích, các chẩn đoán sức khỏe tâm thần cao nhất, lý do nhập viện cấp cứu và sự thay đổi theo từng tiểu bang.

Robin Gurwitch, nhà tâm lý học và giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Duke chia sẻ trên TIME rằng: “Chúng tôi nhận thấy trầm cảm và lo lắng [gia tăng] ở tất cả các nhóm tuổi, nhưng ở tuổi vị thành niên, tình trạng này rất nghiêm trọng. Hiện tại khi bọn trẻ nhìn về tương lai, đó không phải là những gì chúng từng hình dung trước đây."

Dưới đây là những phát hiện chính, như đã được báo cáo trong tài liệu White Paper:

  • Trước khi đại dịch bắt đầu, nữ giới chiếm 66% trong tổng số yêu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần trong độ tuổi 13-18. Từ tháng 3 năm 2020 trở đi, tỷ lệ này tăng lên 71% ở nữ so với 29% ở nam. Các kết quả trên phù hợp với một nghiên cứu có uy tín trên Nature cho biết tỷ lệ nữ giới được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần cao gấp hai lần so với nam giới.
  • Các trường hợp yêu cầu y tế do cố ý ngược đãi bản thân tính theo tỷ lệ % trên tổng tất cả các trường hợp yêu cầu y tế ở nhóm 13-18 tuổi, đã tăng 90,71% vào tháng 3/2020 so với tháng 3/2019 và gần gấp đôi (99,83%) vào tháng 4/2020 so với năm 2019.
  • Phân tích giới tính theo từng tháng trên các trường hợp cố ý ngược đãi bản thân từ tháng 1 đến tháng 11/2020 cho thấy, trẻ em nữ trong độ tuổi 13-18 có nguy cơ điều trị hội chứng cố ý ngược đãi bản thân cao gấp 2,5 đến 5 lần so với nam. Chênh lệch lớn nhất là vào tháng 8 với 84% ở nữ so với 16% ở nam.
  • Các trường hợp sử dụng chất kích thích quá liều ở nhóm 13-18 tuổi tăng 94,91% (theo tỷ lệ % trên tất cả các ca yêu cầu y tế) vào tháng 3/2020 và 119,31% vào tháng 4/2020 so với cùng tháng năm trước đó. Các trường hợp về rối loạn sử dụng chất kích thích cũng tăng theo tỷ lệ % trong tháng 3 (64,64%) và tháng 4 (62,69%) năm 2020 so với các tháng tương ứng trong năm 2019.
  • Rối loạn lo âu trong độ tuổi 13-18 tăng lên 93,6% trên tất cả các yêu cầu khám chữa bệnh trong tháng 4/2020 so với cùng kỳ năm ngoái, rối loạn trầm cảm nặng tăng 83,9%, rối loạn điều chỉnh tăng 89,7%.
  • Sức khỏe tâm thần của nhóm 19-22 tuổi có chung xu hướng, mặc dù ít rõ rệt hơn so với nhóm 13-18.
  • Fair Health cũng phân chia các yêu cầu về sức khỏe tâm thần theo khu vực. Đối với nhóm 13-18 tuổi ở vùng Đông Bắc nước Mỹ, tỷ lệ các trường hợp yêu cầu do hội chứng ngược đãi bản thân có chủ ý trên tất cả các trường hợp yêu cầu y tế tăng 333,93% – một tỷ lệ cao hơn bất kỳ khu vực nào khác.

Theo phân tích này, tất cả các yêu cầu y tế giảm đi có thể là do lệnh giãn cách xã hội ảnh hưởng đến dịch vụ chăm sóc y tế không khẩn cấp vào những tháng đầu năm 2020 và tiếp tục sau khi các hạn chế được dỡ bỏ.

Việc gia tăng đáng kể nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần trong khi chăm sóc y tế tổng thể lại giảm đi cho thấy tình trạng gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần do đại dịch COVID-19 gây ra ở nhóm tuổi 13-18.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu ủng hộ những phát hiện của Fair Health, có thể kể ra đây.

Nghiên cứu được công bố ngày 1/3 trên Tạp chí Chính thức của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ trẻ em có ý định tự tử cao hơn đáng kể vào tháng 3 và tháng 7/2020, và tỷ lệ cố gắng tự tử cũng cao hơn vào các tháng 2, 3, 4 và 7/2020 so với các tháng cùng kỳ năm 2019. Những tháng này tương ứng với thời điểm đại dịch COVID-19 bùng nổ, và phản ứng của cộng đồng tăng cao.

Nghiên cứu khác của Đan Mạch trên BMC Psychiatry cho thấy tỷ lệ cao trẻ em và thanh thiếu niên mắc các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, cũng như các triệu chứng lo lắng và trầm cảm trong đại dịch.

Một nghiên cứu của Ý được công bố trên tạp chí Frontiers of Psychiatry phát hiện ra tình trạng xấu đi của các triệu chứng, bao gồm rối loạn tics (tics là những cử động mà bệnh nhân không thể lúc nào cũng kiểm soát được), ở trẻ em và thanh thiếu niên mắc hội chứng Tourette trong đại dịch. (Hội Chứng Tourette là chứng rối loạn thuộc hệ thần kinh, thường khởi phát nhất từ 2-21 tuổi và kéo dài suốt đời).

Diên Vỹ

 



BÀI CHỌN LỌC

COVID-19 gây ra khủng hoảng về sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, các ca tự tử gia tăng đột biến