Con tự tử chỉ vì bát mì - 3 kiểu phụ huynh khiến trẻ rơi vào 'tuyệt vọng'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi em họ tôi đi học, chi phí ăn uống luôn thuộc hàng nhất lớp, quần áo luôn là nhãn hiệu nổi tiếng. Sau khi em tốt nghiệp, cô tôi lại nhờ vả khắp nơi để giúp đỡ cho sự nghiệp của em. Khi em họ lấy chồng, cô làm hai công việc cùng một lúc để kiếm thêm tiền giúp con mua nhà vị trí đẹp hơn. Khi em họ sinh con, cô sợ con vất vả nên sẵn lòng chăm sóc em bé... Em họ tôi “đau khổ”, thường nghĩ rằng nếu rời khỏi mẹ thì em làm được gì...

Có ý kiến cho rằng: Trong một gia đình thoải mái và không mệt mỏi, phải có mối quan hệ cha mẹ - con cái hài hòa và nhẹ nhàng: không kiểm soát quá mức, không nhiệt tình quá mức và không hy sinh quá mức.

Trong các mối quan hệ gia đình, đặc biệt là mối quan hệ cha mẹ - con cái, các bậc cha mẹ thường yêu thương con cái quá mức và làm mọi việc quá lên. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ này lại không biết rằng có ba cách ứng xử “quá đáng” có thể hủy hoại mối quan hệ tốt đẹp với con trẻ.

Cha mẹ kiểm soát quá mức

Tôi nhớ mình từng đọc được một câu chuyện trên Internet có nội dung như thế này:

Một cô gái giàu có đang du học ở nước ngoài đã chọn cách tự tử sau khi nhận được một cuộc gọi của mẹ lúc nửa đêm.

Không phải là chuyện kinh thiên động địa gì, chỉ là trong lúc cô gái đang ăn mì gói thì mẹ cô gọi điện đến và nhắc nhở cô rằng không nên về muộn và ăn những đồ ăn không tốt cho sức khỏe như vậy.

Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như vậy, hành động của người mẹ chỉ là “giọt nước tràn ly”, khiến sự u uất của con gái vốn đã tích tụ lâu ngày nay bùng phát thành thảm kịch.

Thì ra mẹ của cô gái đã chăm sóc từng ly từng lý cho cô từ nhỏ và bà cũng rất nghiêm khắc với cô. Từ việc ăn gì, mặc quần áo gì, chọn chuyên ngành gì, chọn bạn trai kiểu gì, bà mẹ đều muốn lo toan mọi thứ.

Dưới sự quản thúc quá mức của mẹ, cô gái không có quyền đưa ra quyết định và cảm thấy vô cùng chán nản.

Cuối cùng cô cũng có cơ hội đi du học, tưởng chừng cuối cùng cũng được hít thở không khí tự do, nhưng lại không ngờ rằng mẹ cô luôn gọi video nhiều lần trong ngày để theo dõi từng hoạt động của cô.

Và một tô mì gói đã trở thành “cọng rơm” cuối cùng đè chết con lạc đà.

Trên đời, có một kiểu cha mẹ giống như một chiếc “trực thăng” luôn bay lượn trên đầu con cái, theo dõi mọi hành tung của con.

Họ làm mọi cách để kiểm soát con, nhằm giúp con tránh xa mọi điều nguy hiểm. Họ luôn lo lắng rằng con mình sẽ dễ bị sa ngã nên thường ngăn cấm trẻ tiếp xúc với cuộc sống, kìm nén ham muốn của trẻ.

Tuy nhiên, trẻ em ngày nay đang sống trong một thế giới đầy rẫy những cám dỗ mới mẻ.

Có một nguyên lý nổi tiếng trong tâm lý học là: càng cấm, càng tò mò; càng kiểm soát, càng nổi loạn.

Trên thực tế, khi đứa trẻ ăn miếng kem đầu tiên, những gì chúng được trải nghiệm là vị ngon và niềm hạnh phúc; khi đứa trẻ lần đầu chơi một trò chơi trên điện thoại di động, nó cảm thấy rất thú vị và vui vẻ. Còn những đứa trẻ bị kiểm soát quá mức từ nhỏ sẽ có cảm giác thiếu thốn, bế tắc trong tâm hồn.

Kiểm soát quá mức không phải là yêu thương mà là hại con; cha mẹ khôn ngoan nên can đảm “buông tay” và cho con cái quyền được trải nghiệm những điều tồi tệ cũng như hạnh phúc.

Cha mẹ quá nhiệt tình

Một chuyên gia tư vấn tâm lý chia sẻ một trường hợp:

Khi cô ấy còn nhỏ, sau khi xem xong một bộ phim truyền hình, cô đã rất muốn học violin.

Lúc đầu mẹ cô không đồng ý, nhưng dưới sự năn nỉ của cô, mẹ cuối cùng cũng chấp nhận cho cô học đàn. Vậy là từ đó, cô không còn xem TV sau khi ăn tối nữa. Thay vào đó, cô sẽ vội vàng làm xong bài tập rồi chăm chú tập đàn.

Ban đầu, đây là điều cô thích làm, nhưng theo thời gian, sự nhiệt tình của mẹ đối với việc học violin của cô cũng lớn dần lên.

Dần dần, buổi tối mẹ cô sẽ ở nhà chăm chú theo dõi cô tập đàn. Mẹ cũng đưa cô tham dự hết cuộc thi này đến cuộc thi khác, và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm học violin của cô với các bậc phụ huynh khác.

Không biết tại sao, cô ngày càng không thích violin, và cô bắt đầu tìm ra nhiều lý do để không luyện tập nữa. Dần dần, cô không còn cảm nhận được niềm vui thuần khiết khi chơi violin nữa. Và cuối cùng, cô đã từ bỏ hoàn toàn.

Trong trường hợp này, đứa trẻ sâu sắc cảm nhận rằng: Con không còn được chơi violin vì mình nữa mà để làm hài lòng mẹ; dù con có chơi giỏi đến đâu cũng không phải do sự cố gắng của bản thân mà là kết quả của sự thúc giục ngày đêm của mẹ.

Trong cuộc sống hàng ngày, hẳn bạn cũng thường nhận thấy hiện tượng này: bạn càng giục trẻ ăn nhanh, trẻ càng trì hoãn; càng giục trẻ làm bài, trẻ càng nản lòng; cha mẹ càng tích cực giục con tiến lên, chúng lại càng co mình lại.

Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, không phải là trẻ không nghe lời, quá cứng đầu hay quá nổi loạn, mà là do những bậc cha mẹ chúng ta đã quá nhiệt tình.

Khi sự nhiệt tình của cha mẹ vượt quá sự nhiệt tình của trẻ, rất có thể sẽ phá hủy động lực của con trẻ.

Có một danh từ trong tâm lý học gọi là "sự tự giác".

Chỉ khi chúng ta trải nghiệm đầy đủ cảm xúc của chính mình, bộc lộ hết nhu cầu của mình, và có thể đảm đương được công việc của chính mình, thì chúng ta mới có thể có được “sự tự giác”.

Trên thực tế, cho dù là trẻ em hay người lớn, khi người khác đặc biệt quan tâm đến việc của chúng ta, điều đó sẽ làm suy yếu tính chủ động của chúng ta; khi người khác can thiệp quá mức vào các ý tưởng và kế hoạch của chúng ta, để duy trì "ý thức bản thân", chúng ta có thể sẽ trì hoãn hoặc thậm chí là bỏ cuộc.

Các bậc cha mẹ khôn ngoan cần luôn lưu ý khi đối mặt với con cái: không để sự nhiệt tình của bản thân vượt quá sự chủ động của con cái; không để cảm xúc của bản thân “lấn lướt” cảm xúc của con trẻ.

Trong quá trình nuôi dạy con cái, chúng ta không cần quá hăng hái và căng thẳng, chúng ta hoàn toàn có thể “thư giãn và quan sát” quãng đường con trẻ lớn lên.

Cho trẻ thêm không gian cá nhân để trẻ có thể tự học hỏi và phát triển.

Cha mẹ hy sinh quá mức

Trên đời có một kiểu cha mẹ luôn cảm thấy có lỗi với con cái, dù họ có làm bao nhiêu cũng vẫn không cảm thấy đủ.

Rõ ràng là họ đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn cảm thấy rằng họ mắc nợ con, như thể họ vẫn chưa hết mình với việc nuôi dạy con cái.

Cô của tôi chính là một người mẹ như vậy. Điều kiện của cô chỉ ở mức trung bình, nhưng cô lại không tiếc tiền chi tiêu cho con cái.

Khi em họ tôi (con của cô) đi học, chi phí ăn uống luôn thuộc hàng nhất lớp, quần áo giày dép luôn là nhãn hiệu nổi tiếng, ngân sách gia đình luôn liên quan mật thiết đến những sở thích của em.

Sau khi em họ tốt nghiệp, cô lại đôn đáo nhờ vả khắp nơi để giúp đỡ cho sự nghiệp của em.

Khi em họ lấy chồng, để giúp đôi vợ chồng trẻ mua một căn nhà ở vị trí đẹp hơn, người cô đã về hưu của tôi đã làm hai công việc cùng một lúc để kiếm thêm tiền.

Khi em họ sinh con, cô tôi sợ con gái vất vả nên sẵn lòng giúp đỡ chăm sóc em bé, mặc dù bản thân tuổi tác đã cao.

Có rất nhiều bậc cha mẹ giống như vậy. Trong cuộc sống này, họ lúc nào cũng âm thầm hy sinh bản thân vì con nhưng vẫn luôn cảm thấy có lỗi với con. Tuy nhiên, sự hy sinh quá mức của cha mẹ đã vô tình tạo ra một loại áp lực đối với con cái.

Em họ từng phàn nàn riêng tư với tôi rằng: Chẳng thà mẹ cô không tốt với cô như vậy.

Em nói rằng ở bên mẹ rất căng thẳng, em không có cuộc sống của riêng mình. Em thường nghĩ, nếu rời khỏi mẹ thì em làm được gì?

Mẹ càng tốt với em, em sẽ càng trở nên “cẩn thận”. Em thương tiếc cho sự vất vả của mẹ, em không biết mình phải làm gì để có thể xứng đáng với sự hy sinh của mẹ.

Dưới sự bảo bọc của cha mẹ hy sinh quá mức, con cái thường sẽ nảy sinh một “cảm giác mắc nợ” mạnh mẽ.

Trong một mối quan hệ lành mạnh, tất cả chúng ta đều mắc nợ và trả nợ.

Nhưng khi một bên “làm quá" và hy sinh quá mức, thì mối quan hệ sẽ “mất cân bằng”, và bên mắc nợ sẽ cảm thấy “khó chịu”.

Cha mẹ khôn ngoan không bao giờ hy sinh cho con cái quá mức. Trước hết, họ sẽ sống huy hoàng cho riêng mình, sau đó dùng ánh sáng còn lại để sưởi ấm cho con.

Tôi tin rằng một người mẹ thoải mái và vui vẻ sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với một người mẹ luôn chăm chăm hy sinh vì con.

Tôi từng nghe câu như thế này: Một gia đình hạnh phúc là luôn cảm thấy thoải mái và không mệt mỏi. Và tôi đồng ý sâu sắc với điều đó.

Trong một gia đình thoải mái, không mệt mỏi, phải có mối quan hệ cha mẹ - con cái hài hòa và nhẹ nhàng: không kiểm soát quá mức, không nhiệt tình quá mức và không hy sinh quá mức.

Thanh Hương

Theo aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Con tự tử chỉ vì bát mì - 3 kiểu phụ huynh khiến trẻ rơi vào 'tuyệt vọng'