Con nhà giàu Trung Quốc 3 tuổi học lớp ‘cư xử như quý tộc Anh’ - Nhưng tinh thần quý tộc thực sự là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiện nay, tại Trung Quốc đang rộ lên một trào lưu mới của giới nhà giàu, đó là đưa con trẻ vào các lớp học làm “CEO nhí”, với mong mỏi trẻ có thể học được phong thái của giới quý tộc. Nhưng “tinh thần quý tộc” thực sự là gì? Và liệu có thể học làm quý tộc, khi chỉ “bắt chước” theo phong cách bên ngoài?

Học phong cách quý tộc Anh

Những khóa học như “nghi thức quý tộc Anh” hay “Đào tạo CEO chuyên dành cho rich kid từ 3 đến 11 tuổi”, khiến cộng đồng mạng quan tâm rất nhiều. Những đứa trẻ từ 3 tuổi đã phải học cách cầm cây gậy golf cao hơn cả thân hình của mình, học cách cầm thìa, dùng dĩa sao cho giống “quý tộc Anh”; đi đứng, mỉm cười và bắt tay với đối tác thế nào… để có thể trở thành những nhà lãnh đạo tương lai.

Các khóa học này thường có chi phí rất cao với nhiều mức giá, nhưng trung bình khoảng 110 nghìn NDT (388 triệu VND). Các em bé khi tham gia các lớp bồi dưỡng này sẽ học rất nhiều điều được cho là phù hợp với tầng lớp quý tộc, như chơi golf, chơi piano, múa ballet, các nghi thứ quý tộc.

Cha mẹ các bé tin rằng khi con cái mình được tham gia những lớp học này sẽ trau dồi cho trẻ kỹ năng đối nhân xử thế, mở rộng tầm nhìn, được xã hội tôn trọng và công nhận.

Mong muốn con cái được ‘Tây hóa’

Kinh tế Trung Quốc phát triển ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Tây… đã khiến cho một bộ phận người trở nên giàu có rất nhanh. Do đó, nhiều người đặt hy vọng lớn lao vào những đứa con “ngậm thìa vàng” của họ - có thể đạt “tiêu chuẩn quốc tế” ở mọi lĩnh vực. Điều đầu tiên đặc biệt nhấn mạnh chính là “phong thái”.

Nắm bắt được nhu cầu tâm lý này, các lớp học làm lãnh đạo tương lai ra đời. Những ông bố bà mẹ này không tiếc tiền đầu tư cho con cái theo học các kỹ năng “chuẩn mực quốc tế” của Châu Âu. Các cô bé, cậu bé sẽ được rèn luyện và học đi đứng, giao tiếp như những thiên kim tiểu thư hay thiếu gia. Được biết, một số buổi học với sự góp mặt của các chuyên gia có giá lên tới 3.800 tệ (tương đương 13,4 triệu) cho 3 tiếng học tập.

Theo lời giới thiệu của Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng người Mỹ Renee Gilbert, trong khóa học "nghi thức quý tộc Anh", các em nhỏ sẽ được học 4 kỹ năng cơ bản. Trong đó bao gồm:

  • Cách giới thiệu bản thân "chuẩn mực";
  • Trau dồi khả năng tự tin, kiên nhẫn;
  • Các kỹ năng xã hội;
  • Và phong thái của 1 quý tộc.

Nhưng liệu từng ấy đã đủ để dưỡng thành một nhà quý tộc cao quý hay chưa?

"Tinh thần quý tộc Châu Âu" có thể được tóm tắt trong 4 yếu tố cốt lõi: vinh dự, trách nhiệm, dũng khí, kỷ luật. (Ảnh: tổng hợp)
"Tinh thần quý tộc Châu Âu" có thể được tóm tắt trong 4 yếu tố cốt lõi: vinh dự, trách nhiệm, dũng khí, kỷ luật. (Ảnh: tổng hợp)

Tinh thần quý tộc thực sự là gì?

Khái niệm “Phẩm chất quý tộc” hay “Tinh thần quý tộc”, được bắt nguồn từ Châu Âu từ rất lâu, nhưng đến khoảng cuối thế kỷ 18 đã dần mai một đi. Tầng lớp quý tộc được coi là tầng lớp tinh anh của xã hội, bề ngoài thì họ rất tỉ mỉ, quần áo chỉnh chu và có phong thái cao quý.

Nhiều người lầm tưởng rằng quý tộc là có tiền bạc giàu sang, nhà cao cửa rộng, siêu xe đắt tiền, đồ dùng là những xa xỉ phẩm đắt tiền… Nhưng đây không phải là tinh thần quý tộc, mà chỉ là phương diện thể hiện vật chất của những người “có nhiều tiền”.

Thật ra, giới quý tộc châu Âu không đơn giản là một giai cấp, mà thực chất còn là một tiêu chuẩn đạo đức rất cao của tầng lớp tinh anh trong xã hội. Người ta gọi đó là ‘tinh thần quý tộc châu Âu’. Tinh thần đó có thể được tóm tắt trong 4 yếu tố cốt lõi: vinh dự, trách nhiệm, dũng khí, kỷ luật.

Những người thuộc giới quý tộc được dạy dỗ phải lấy sự phụng sự quốc gia lên trên hết, và thể hiện tinh thần hiệp sĩ - kỷ luật thép, gánh vác trọng trách. Để có được điều đó cần có sự tôi luyện và rèn giũa từ nhỏ.

Ngôi trường quý tộc số 1 nước Anh là Eton, trái với những suy nghĩ về ngôi trường dành cho giới quý tộc là: học cách hưởng thụ, cách đi đứng, nói chuyện, cầm thìa dĩa… Những học sinh trường Eton thực sự phải trải qua quãng thời gian khắc nghiệt khi học tại ngôi trường này.

Eton áp dụng lối giáo dục “quân sự hóa” trong chương trình giảng dạy của mình. Sự nghiêm khắc trong cách giáo dục này nhằm đẩy mạnh tinh thần kỷ luật và ý thức hợp tác giữa học sinh. Với họ, muốn là người đứng đầu thì các tố chất như tinh thần kiên cường, nề nếp quy củ và kỉ luật cao phải được đặt lên hàng đầu, và các đức tính đó phải rèn luyện ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường.

Nhờ chú trọng đào tạo về phẩm cách, mà ngôi trường này đã thành tựu vô số nhân tài cho nước Anh, 19 đời thủ tướng Anh đã từng học tại ngôi trường này. Ngoài ra còn có vô số chính khách, tướng lãnh, nhà thơ, nhà văn, triết gia… đã từ ngôi trường danh giá này mà đạt được thành công.

Nền tảng của tinh thần quý tộc, đó chính là đạo đức và nhân phẩm - dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì người quý tộc cũng phải giữ phẩm giá cao thượng của mình, luôn cư xử chính trực và nhân nghĩa, không vì lợi ích bản thân mà làm điều xấu.

Có một câu chuyện nổi tiếng về Quốc vương Edward của Anh, khi nhà vua đi thị sát tại một khu nhà ổ chuột ở London. Dừng bước trước ngôi nhà xiêu vẹo, ông vẫn lịch thiệp hỏi người trong nhà: “Xin hỏi tôi có thể vào nhà được không?”. Điều đó cho thấy rằng nhà vua luôn biết tôn trọng, dù là đối với một người dân nghèo khổ.

Hay như câu chuyện về Hoàng hậu Marie Antoinette nổi tiếng - vợ của vua Louis XVI, vào thời khắc bị mang lên máy chém, bà vẫn lịch sự xin lỗi người đao phủ vì đã dẫm lên chân người đàn ông này. Trước đó 8 tháng, chồng bà - Vua Louis XVI - cũng đã bình thản khi nói với người đao phủ đang đằng đằng sát khí: “Ta chết trong sạch, ta tha thứ cho kẻ thù của mình, hy vọng máu của ta có thể xoa dịu cơn thịnh nộ của Thượng Đế”.

Nhà chính trị Pháp Alexis de Tocqueville từng nói: Thực chất của tinh thần quý tộc là trọng danh dự. Nó không có quan hệ gì đến điều kiện vật chất như con người ngày nay lầm tưởng. Đối với tầng lớp quý tộc, địa vị của họ càng cao thì trọng trách gánh vác đối với xã hội càng lớn, không có khái niệm tư lợi, thậm chí lấy việc hy sinh bản thân vì người khác làm vinh dự.

Con người hiện tại muốn học cách thức để trở thành ‘quý tộc’ thì cần hiểu được những giá trị cốt lõi trong đó. Tướng tại tâm sinh - bởi vì phẩm chất nghĩa hiệp và khoan dung, chính trực và dũng khí mới có thể thể hiện ra tinh thần cao quý, những điều này không đơn giản chỉ khoác lên mình bộ trang phục đắt tiền mà có được”.

Từ Tịnh



BÀI CHỌN LỌC

Con nhà giàu Trung Quốc 3 tuổi học lớp ‘cư xử như quý tộc Anh’ - Nhưng tinh thần quý tộc thực sự là gì?