Cô gái Việt bị từ chối hồ sơ 200 lần, cuối cùng trở thành chuyên viên của Chính phủ New Zealand

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cô gái với cái tên ấn tượng là Nguyễn Thiện Từ Vinh sinh năm 1991, hiện là chuyên viên phát triển kho dữ liệu của Bộ Thương mại New Zealand - ít ai biết, để có được vị trí như hiện tại cô từng có xuất phát điểm với 2 lần trượt đại học, bị gần 200 công ty từ chối hồ sơ.

Cô gái “chưa bao giờ bỏ cuộc” này là con út trong gia đình có 3 chị em ở Sài Gòn. Ba Vinh mất sớm nên Vinh có tính cách độc lập từ nhỏ, cũng không kém phần cá tính và nổi loạn.

Trong suốt 3 năm học cấp 3, môn Vinh học giỏi nhất là ...thể dục. Cô không có hứng thú với các công thức toán học, và cũng không hiểu chúng sẽ được áp dụng trong cuộc sống như thế nào. Học hết phổ thông, thấy con đường vào đại học không phù hơp với mình, nhưng chiều lòng mẹ nên cô đi thi gọi là...cho có.

Năm đầu, cô trượt trường ĐH Kinh tế TP. HCM. Sang năm 2, cả nhà tiếp tục động viên cô thử thêm lần nữa, vì sự thuyết phục của gia đình nên cô cũng ráng ôn thi thêm một năm. Đồng thời, chuẩn bị phương án khác cho bản thân bằng cách luyện thêm tiếng Anh. Cô nghĩ đơn giản tiếng Anh là công cụ mở ra nhiều cơ hội mới và cũng là điều cô làm nghiêm túc nhất cho bản thân từ trước tới giờ.

Khi có kết quả tiếp tục rớt năm thứ 2 thi đại học, Vinh cũng không lấy làm buồn vì lúc này cô lại trúng tuyển vào một chương trình liên kết giữa Trường ĐH Kinh tế TP. HCM và ĐH Victoria Wellington của New Zealand. Đợt trúng tuyển này là nhờ kết quả thi tốt nghiệp và điểm thi tiếng Anh IELTS của cô.

Chân trời mới mở ra, Vinh lên đường sang New Zealand du học trong 2 năm.

Vượt qua cú ‘sốc’ vì bất đồng ngôn ngữ

Với trình tiếng anh IELTS 6.5 và khả năng nói tiếng Anh lưu loát và tự tin khi còn ở Việt Nam. Thế nhưng khi qua New Zealand, Vinh hoàn toàn bị sốc vì không nghe hiểu bài giảng trên lớp và khi trò chuyện cùng người khác.

Nhưng nếu thi lại thì gánh nặng học phí là quá sức với gia đình cô. Vậy là cô gái nhỏ quyết định tự mình học hỏi và trau dồi thêm. Vinh xin đi nghe dự thính 2 đến 3 lần mỗi môn, vừa để quen tiếng Anh vừa khắc sâu kiến thức. Ngoài ra, Vinh tham gia vào câu lạc bộ thuyết trình của trường để phát triển ngôn ngữ. Tới nay, cô đã tham gia hơn 7 năm dù đã sử dụng tiếng Anh thuần thục.

Như nhiều du học sinh khác ở New Zealand, để trang trải học phí và các chi phí sinh hoạt, Vinh đi làm thêm. Cô xin làm lao công trong siêu thị, đối với cô đây là cơ hội chứ không phải trở ngại. Vì công việc này vừa giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình vừa cho cô kinh nghiệm sống, nên dù làm lao công cô cũng làm việc rất nghiêm túc.

Vinh cũng chia sẻ với quản lý nơi mình làm thêm rằng, cô học chuyên ngành quản trị kinh doanh và muốn thử sức công việc liên quan đến lĩnh vực này. Thế là, cô được trao cơ hội thực sự, Vinh áp dụng kiến thức được học vào cải thiện quy trình hoạt động của siêu thị; hệ thống hóa mọi thứ để giảm tối đa thời gian thực hiện. Chỉ sau một tháng nỗ lực làm việc và mang lại hiệu quả thực tế, cô được thăng chức từ lao công lên làm quản lý.

Bị gần 200 công ty từ chối hồ sơ

Vào năm 2014, New Zealand với quy định chỉ cho phép sinh viên ở lại một năm để tìm việc làm. Cô mong muốn được ở lại, người thân thì khuyên cô trở về nước vì cho rằng cơ hội tìm được là rất ít.

Nhưng cô không từ bỏ, tình huống khó khăn này một lần nữa đẩy cô vào áp lực nhưng cũng là động lực để Vinh tận sức cố gắng. Một năm trời, cô gái Việt gửi hồ sơ cho gần 200 công ty lớn nhỏ; một số nơi đồng ý cho phỏng vấn nhưng cuối cùng cô vẫn bị từ chối.

Có lúc Vinh kiệt sức và chán nản nhưng một ý nghĩ loé lên trong đầu buộc cô phải tiếp tục, “Bỏ cuộc tức là đã chấp nhận thất bại”. Cô dành cả ngày để làm những điều mình thích, nạp đủ năng lượng, sốc lại tinh thần và tiếp tục cố gắng.

Bị từ chối 200 lần - với Vinh đây không phải là “thất bại” mà là những kinh nghiệm vô cùng giá trị. Mỗi lần bị đánh rớt hồ sơ, cô thường hỏi nhà tuyển dụng lý do và xin lời khuyên để hoàn thiện. Cô cũng không ngần ngại chia sẻ với nhà tuyển dụng là mình đã từng bị đánh trượt 200 lần. Họ cảm nhận được cô là người biết sai và chấp nhận sửa sai; thay đổi và đi lên từ thất bại.

Từ những vấp váp ban đầu, cô cũng biết điểm mạnh điểm yếu của bản thân. Cô nhận thấy New Zealand đang thiếu nhân lực về mảng nghiên cứu dữ liệu và quản lý hệ thống. Và cô có thế mạnh ở những công việc này, do đó cô kiên trì tham gia các hội nhóm để học hỏi kinh nghiệm, tham khảo ý kiến, nhờ nhận xét về những điều bản thân cần hoàn thiện. Đồng thời Vinh tham gia khóa học online ngắn hạn để nâng cao chuyên môn.

‘Thành quả’ là lời mời làm việc từ 3 Bộ của chính phủ New Zealand

Từ Vinh là cô gái cá tính và ưa trải nghiệm (Ảnh: tổng hợp)
Từ Vinh là cô gái cá tính và ưa trải nghiệm (Ảnh: tổng hợp)

Sau bao nỗ lực không mệt mỏi, Nguyễn Thiện Từ Vinh đã nhận được trái ngọt từ những gì cô luôn theo đuổi. Vào tháng 9/2016, cô nhận được 3 lời mời từ các bộ: Bộ Giáo dục, Bộ Điện lực, Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm của chính phủ New Zealand.

Bây giờ thì cô đã có thể hạnh phúc lựa chọn “nơi mình muốn đến”, và chọn Bộ Điện lực là nơi khởi đầu cánh cửa mới cho mình.

Sau 18 tháng làm việc tại đây, năm 2018 cô ứng tuyển vào vị trí chuyên viên phát triển kho dữ liệu của bộ Thương mại và một lần nữa đã thuyết phục được hội đồng tuyển dụng.

Vinh chia sẻ, trong hầu hết các cuộc phỏng vấn chưa có nhà tuyển dụng nào hỏi cô về bảng điểm hay bằng cấp. Những câu hỏi của họ xoay quanh kinh nghiệm làm việc - nó là điều mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng cử viên và điều này Vinh đã tích lũy được khá nhiều trong những năm học tập ở đất nước này.

Vinh cũng thành thật cho biết, cuộc đời mình không thiếu những cú trượt dài. Nhưng với cô, thất bại một lần không có nghĩa là thất bại mãi mãi. Do đó cô vẫn không ngừng nỗ lực và không bao giờ từ bỏ. Bởi vì “Bỏ cuộc tức là đã chấp nhận thất bại”.

Đông Mai



BÀI CHỌN LỌC

Cô gái Việt bị từ chối hồ sơ 200 lần, cuối cùng trở thành chuyên viên của Chính phủ New Zealand