Tạo lại những cảnh phim cổ điển, cô bé 4 tuổi kiếm được 12.000 đô la cứu giúp những người khó khăn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 2020 đã khiến một số tiểu bang quyết định phong tỏa. Để đối phó với tình trạng bế tắc này, một gia đình ở bang Connecticut đã tìm ra cách để vừa mang lại niềm vui cho mọi người, vừa hỗ trợ cho hàng nghìn người khác trên khắp đất nước thoát khỏi cảnh thiếu lương thực.

Dan Presser (37 tuổi) và con gái Madison (4 tuổi) bắt đầu dựng lại những cảnh nổi tiếng từ những bộ phim kinh điển như “Pretty Woman”, “Mrs. Doubtfire, và “Forrest Gump” vào tháng 3 năm 2020 khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán lần đầu tiên bùng phát tại Mỹ, dẫn đến chính quyền một số tiểu bang (Dân chủ) áp đặt tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt.

Ông Presser nói với đài CNN:

“Tháng 3 và tháng 4 (năm 2020) thực sự hỗn loạn, mọi thứ hoàn toàn bị khóa chặt đến mức chúng tôi thậm chí không thể gặp nổi hàng xóm của mình. Khoảng thời gian đó, mỗi ngày dường như có 72 giờ, vì vậy thay vì ngồi một chỗ buồn chán, chúng tôi chỉ muốn tìm việc gì đó thú vị để làm với bọn trẻ. Một ngày nọ, Madison tình cờ mặc bộ trang phục như một con vật, cùng với việc con tôi yêu thích bộ phim 'Vua sư tử' nên chúng tôi đã thử quay cảnh Mufasa rơi khỏi vách đá".

Sau khi đăng tải video lên mạng xã hội và nhận được phản hồi tích cực từ gia đình và bạn bè, ông Pressers quyết định bắt đầu ghi lại nhiều cảnh phim hơn tại nhà của họ ở thị trấn Southington (hạt Hartford, bang Connecticut, Hoa Kỳ), và chia sẻ chúng lên mạng trực tuyến. Kể từ tháng 3 năm ngoái, bé Madison và người cha đã dựng lại tổng cộng 35 cảnh phim, thu hút hàng nghìn lượt xem trên YouTubeInstagram.

Một số video phổ biến nhất của hai cha con bao gồm cảnh phim trong "The Shining", khi nhà văn loạn trí nhìn qua một lỗ trên cánh cửa mà anh ta dùng rìu xẻ qua.

Lúc đầu, mục đích của họ là để giải trí, giết thời gian và mang lại niềm vui cho một vài người. Nhưng khi các video trở nên phổ biến hơn, ông Presser đã nhìn thấy cơ hội để giúp đỡ các gia đình đang gặp khó khăn với cuộc sống mưu sinh trong thời gian đóng cửa, và thậm chí có thể dạy Madison về tầm quan trọng của việc đền đáp.

Ông Presser đã tạo một trang quyên góp để gây quỹ cho Tổ chức phi lợi nhuận Feeding America, một mạng lưới toàn quốc (Hoa Kỳ) gồm hơn 200 ngân hàng thực phẩm, ông đính kèm trên trang tất cả những video mà mình ghi lại được cùng với cô con gái. Cho đến nay, gia đình đã quyên góp được hơn 12.000 USD cho mạng lưới này.

Ông Presser nói:

“Trong những tháng đầu tiên, đó là khoảng thời gian thực sự đen tối, đặc biệt là ở vùng Đông Bắc, vì vậy chúng tôi chỉ muốn lan tỏa niềm vui và mang lại nụ cười trên khuôn mặt của mọi người. Sau khi thực hiện một vài video, chúng tôi nghĩ rằng cũng nên bắt đầu dạy cô ấy (Madison) cách giúp đỡ người khác và tầm quan trọng của việc nhận ra rằng, không phải ai cũng may mắn như chúng tôi và mọi người thực sự hào phóng”.

Ông Presser là một nhà sản xuất chương trình truyền hình cho đài ESPN. Để thực hiện các video của mình, ông đã dùng iPhone để quay và chỉnh sửa, trong khi bà Beth Presser (vợ ông) là người lên ý tưởng về trang phục.

Song song với những lời yêu thương chân thành và tài năng diễn xuất tự nhiên của Madison, cậu em trai 21 tháng tuổi Barton của cô bé cũng thường xuất hiện trong những cảnh đòi hỏi kỹ năng khóc. Để giúp Madison bớt cô đơn khi phải nghỉ học và rời xa bạn bè của mình, ông Presser cũng nhờ những người bạn của cô bé ghi lại lời thoại và các đoạn email, từ đó ông tiến hành chỉnh sửa và biên tập chúng thành các cảnh phim sinh động.

Bé Madison nói với CNN:

“Cháu thực sự thích ở bên bạn bè của mình ngay cả khi đó chỉ là trên điện thoại. Cháu cũng thích tặng mac và pho mát cho những người bạn cần nó".

Chừng nào đại dịch chưa kết thúc và tình trạng phong tỏa còn tiếp diễn, Presser và Madison vẫn sẽ có một danh sách dài các bộ phim kinh điển được lên kế hoạch để quay trong tương lai.

Bảo Vy
Theo The Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Tạo lại những cảnh phim cổ điển, cô bé 4 tuổi kiếm được 12.000 đô la cứu giúp những người khó khăn