‘Chiến binh cảm tử’: Biến động vật thành vũ khí chiến tranh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cá heo, chó, voi, dơi, chuột, thậm chí cả… ong - từng được quân đội huấn luyện và sử dụng như những “chiến binh cảm tử” trong chiến tranh. Những chiến thuật quân sự tinh vi, ngoài sức tưởng tượng nhằm chống lại kẻ thù.

Chó đánh bom

Con chó gắn thuốc nổ được huấn luyện với xe tăng T-34, và Mô hình chó diệt tăng với khối nổ trên lưng (Ảnh: tổng hợp)
Con chó gắn thuốc nổ được huấn luyện với xe tăng T-34, và Mô hình chó diệt tăng với khối nổ trên lưng (Ảnh: tổng hợp)

Năm 1935, quân đội Liên Xô có hẳn đội quân khuyển chống tăng. Quân khuyển được huấn luyện mang bom hẹn giờ đến đặt tại các mục tiêu của kẻ thù. Chúng có thể tháo bỏ khối chất nổ buộc vào lưng bằng cách dùng răng kéo sợi dây.

Điều không may là nhiều khi việc tháo bỏ chất nổ trên lưng chúng bị thất bại, và con vật phải quay trở về cùng quả bom hẹn giờ trên lưng. Không ít trường hợp khiến con chó cũng “tử nạn” theo.

Trong Thế chiến II, quân đội ​​huấn luyện chó tìm kiếm thức ăn dưới gầm xe tăng. Khi huấn luyện xong, những chú chó bị bỏ đói vài ngày, sau đó được buộc dây an toàn và gắn ngòi nổ rồi cho hướng tới các xe thiết giáp Đức. Khi chó chui vào gầm xe tăng Đức kiếm thức ăn, ngòi nổ chạm vào gầm và kích nổ quả bom.

Tuy nhiên, những con chó đáng thương này lại không phân biệt được sự khác nhau giữa “mùi” xăng xe tăng Đức và xe tăng Liên Xô, dù phá hủy khoảng 300 xe tăng Đức, nhưng chúng cũng phá hủy luôn một số xe tăng Nga. Điều đó cũng dẫn tới việc người Đức tàn sát những con chó ở các nước Đông Âu. Và chiến thuật dùng chó đánh bom đã bị khai tử vào năm 1942.

Cá voi gỡ mìn và vận chuyển vũ khí hạt nhân

Cá voi sát thủ có khả năng tự nhận thức, chúng rất thông minh. Chỉ riêng khả năng này thôi đã đưa cá voi sát thủ vào danh sách 10 loài động vật cao cấp (Ảnh: tổng hợp)
Cá voi sát thủ có khả năng tự nhận thức, chúng rất thông minh. Chỉ riêng khả năng này thôi đã đưa cá voi sát thủ vào danh sách 10 loài động vật cao cấp (Ảnh: tổng hợp)

Một trong những quốc gia đi đầu tham vọng biến động vật thành “chiến binh” là Mỹ. Trang web Cracked dẫn lời một người cựu huấn luyện các loài động vật có vú cho biết, Hải quân Mỹ từng thực hiện chương trình huấn luyện các loài kình ngư, cá voi sát thủ để mang vũ khí hạt nhân tới bờ biển của kẻ thù. Một cuộc tấn công như vậy là hoàn toàn không thể phát hiện. Mặc dù Chính phủ Mỹ từ chối xác nhận, thực tế điều này có thể đã xảy ra.

Trong thập niên 1960, quân đội Hoa Kỳ được cấp ngân sách thành lập một đơn vị động vật biển có vú mang tên “Chương trình động vật biển có vú Hải quân”.

Lúc ban đầu, Hải quân quan tâm đến khả năng thủy động học của cá voi để phát triển ngư lôi. Sau đó, cá heo, cá heo lưng đen và sư tử biển được huấn luyện để phát hiện mìn dưới biển, tháo gỡ, thu hồi những vật nguy hiểm, hoặc xác định vị trí thợ lặn hay phi công mất tích trên biển.

Cá voi gỡ mìn từng được triển khai trong cuộc chiến Việt Nam, và gần đây hơn là ở Vịnh Ba Tư trong cuộc chiến Iraq năm 2003.

Bị chỉ trích bởi những nhà bảo vệ động vật, năm ngoái, Hải quân Hoa Kỳ quyết định thay thế đội quân động vật biển bằng đội quân robot. Tuy nhiên, Hải quân Hoa Kỳ hứa hẹn tiếp tục nuôi dưỡng đội quân cá heo trung thành ngay cả khi chúng tới tuổi về hưu.

Khỉ ‘rà mìn’

Quân đội Ma-Rốc đã hỗ trợ cuộc chiến của Mỹ ở Iraq bằng cách cung cấp những con khỉ “rà” mìn (Ảnh: tổng hợp)
Quân đội Ma-Rốc đã hỗ trợ cuộc chiến của Mỹ ở Iraq bằng cách cung cấp những con khỉ “rà” mìn (Ảnh: tổng hợp)

Cũng trong năm 2003, quân đội Ma-Rốc đã hỗ trợ cuộc chiến của Mỹ ở Iraq bằng cách cung cấp những con khỉ “rà” mìn. Khi phát hiện ra mìn, những con khỉ sẽ chạy quanh và thét lên để cảnh báo. Tuy nhiên, quân đội Mỹ cảm thấy tình hình ở Iraq đã đủ “nóng” với dư luận và không muốn có thêm những làn sóng chỉ trích nữa, nên đã từ chối những con khỉ dò mìn này.

‘Bom’ chuột

Chuột được sử dụng như một vũ khí nhằm vào quân đội Đức (Ảnh: tổng hợp)
Chuột được sử dụng như một vũ khí nhằm vào quân đội Đức (Ảnh: tổng hợp)

Năm 1941, người Đức đã chinh phục nửa châu Âu, quân Anh bị cô lập từ mọi phía, buộc họ phải tìm mọi cách để phản kích. Vào lúc đó, quân đội Anh đã nảy ra ý tưởng dùng “bom chuột” bằng cách thả những con chuột bị nhồi thuốc nổ đến các nguồn cung cấp than của Đức - với hy vọng rằng chuột sẽ bị xúc vào nồi hơi cùng với than, khi đó nhiệt sẽ kích nổ bom.

Nếu thành công, thiệt hại cho cơ sở hạ tầng của Đức sẽ khá lớn. Tuy nhiên, cho đến nay chưa xác thực được “bom chuột” đã gây ra tổn thất như thế nào cho quân đội Đức.

Dơi ‘cảm tử’

Quân đội Mỹ đã có ý định dùng dơi mang bom để tấn công Nhật trong “Dự án X-Ray” (Ảnh: tổng hợp)
Quân đội Mỹ đã có ý định dùng dơi mang bom để tấn công Nhật trong “Dự án X-Ray” (Ảnh: tổng hợp)

Con người từ lâu đã cố gắng sử dụng các loài chim vào mục đích quân sự. Trong những năm cuối Chiến tranh Thế giới thứ II, Mỹ đã có ý định dùng dơi mang bom để tấn công Nhật, gọi là “Dự án X-Ray”.

Trong dự án này, không dưới 2 triệu USD đã được phân bổ để nghiên cứu và thực hiện trên 30 thí nghiệm, nhưng kết quả lại không mấy thuyết phục.

Chim bồ câu ‘điện báo’

Các sử gia cho hay, bồ câu đã vận chuyển hơn 90% thông tin của quân đội Mỹ trong Thế chiến II (Ảnh: tổng hợp)
Các sử gia cho hay, bồ câu đã vận chuyển hơn 90% thông tin của quân đội Mỹ trong Thế chiến II (Ảnh: tổng hợp)

Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, người ta dùng bồ câu để truyền tin. Quân đội Mỹ thành lập trại huấn luyện bồ câu Fort Monmouth để phục vụ chiến tranh. Các sử gia cho hay, bồ câu đã vận chuyển hơn 90% thông tin của quân đội Mỹ. Trong Thế chiến Thứ I, một con bồ câu mang tên Cher Ami đã bay khoảng cách hơn 40 km với một bên cánh bị gãy để truyền tin, góp phần cứu mạng 600 người.

Để đối phó với bồ câu đưa thư của quân Đức, quân đội Anh trong Thế chiến thứ II đã huấn luyện một đội chim ưng để tiêu diệt bồ câu đưa thư, nhằm làm gián đoạn “kênh thông tin” của kẻ thù.

Ong mật ‘dò mìn’

Với khứu giác siêu nhạy ong mật là "chuyên gia dò mìn biết bay" (Ảnh: tổng hợp)
Với khứu giác siêu nhạy, ong mật là "chuyên gia dò mìn biết bay" (Ảnh: tổng hợp)

Nhóm nghiên cứu người Croatia tại Đại học Nông nghiệp Zagreb đang thử nghiệm việc cho ong mật phát hiện mìn còn sót lại tại Croatia và khu vực Balkan của hồi thập niên 1990.

Chuyên gia hành vi của ong, Giáo sư Nikola Kezic cho biết ong có khứu giác rất tốt và có thể phát hiện nhanh chóng mùi của thuốc nổ. Ong được huấn luyện thử nghiệm bằng cách ngửi mùi đường hòa với mùi thuốc nổ, sau đó cho chúng tìm kiếm để phát hiện thuốc nổ. Khi ong tiếp xúc với mùi hương, vòi hút mật của nó sẽ rung mạnh và phát tín hiệu.

Chương trình của nhóm nghiên cứu nói trên đã nhận được hàng triệu USD tài trợ từ EU cho dự án phát hiện mìn được mang tên Tiramisu.

Lý do sử dụng ong dò mìn thay cho chó hoặc chuột là vì trọng lượng của hai loài vật này dễ khiến mìn bị nổ tung.

Trên thực tế, động vật được sử dụng như “chiến binh” từ thời cổ đại, ví dụ như Voi “xe tăng”. Năm 326 TCN, trong trận chiến Hydaspe, vương công Ấn Độ Pôros chỉ huy 200 con voi chống lại đội quân của Alexandre Đại đế của Macedonia. Những con voi khổng lồ đã gây hoảng loạn trong hàng ngũ chiến mã Macedonia và gây thiệt hại nặng nề cho bộ binh. Voi còn được sử dụng như “chiến xa công thành” và dẫm chết kẻ địch dưới chân chúng.

Voi có thể chà đạp quân địch và ngựa, gây ra sự hỗn loạn (Ảnh: tổng hợp)
Voi có thể chà đạp quân địch và ngựa, gây ra sự hỗn loạn (Ảnh: tổng hợp)

Thiên Cầm



BÀI CHỌN LỌC

‘Chiến binh cảm tử’: Biến động vật thành vũ khí chiến tranh