Trung Quốc: Phát hiện chất cần sa trong lò đốt tại nghĩa trang Jirzankal 2.500 năm tuổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khảo cổ đã tiết lộ rằng người Trung Quốc cổ đại đã từng sử dụng cần sa cách đây 2.500 năm. Bằng chứng cho thấy là tàn tích của những chiếc lư hương bằng gỗ cháy sém được khai quật tại một khu mộ cổ ở vùng núi phía tây Trung Quốc có dấu vết của cần sa.

Theo dailymail.co.uk, những chiếc lò đốt này thuộc trong số những di vật được tìm thấy tại nghĩa trang Jirzankal 2.500 năm tuổi ở vùng núi Pamir, và các chuyên gia đã tìm thấy dấu vết của chất kích thích thần kinh chính của cần sa là tetrahydrocannabinol (THC).

Theo các nhà nghiên cứu quốc tế từ Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Nhân loại, Học viện Khoa học Trung Quốc và Đại học Queensland, các lò đốt có những viên đá được nung nóng để đốt cần sa, có thể đã được sử dụng trong các nghi lễ an táng của các thầy tu.

Các nhà nghiên cứu đã dựng nên bối cảnh xa xưa: “Chúng ta có thể bắt đầu ghép lại hình ảnh về các nghi thức cúng tế gồm lửa cháy, tiếng gõ nhạc và khói thuốc gây ảo giác, tất cả đều nhằm hướng mọi người vào một trạng thái huyền ảo”.

Trong khi các nhà khoa học đã có tranh luận về nguồn gốc của việc sử dụng cần sa, thì những di vật mà họ tìm thấy ở nghĩa trang Jirzankal đã cung cấp "bằng chứng rõ ràng nhất" về việc người cổ đại đã sử dụng cần sa như một loại ma túy. Điều này đã được Mark Merlin, Giáo sư ngành Thực vật học tại Đại học Hawaii ở Manoa nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi công bố.

Giáo sư Merlin cho biết: “Chúng tôi biết rằng cần sa là một trong những loại cây được trồng lâu đời nhất ở Đông Á, chủ yếu để làm dầu và cây gai dầu. Bây giờ chúng ta biết thêm rằng, người xưa cũng coi trọng loại cây này vì các đặc tính tác động lên thần kinh của cần sa”.

Theo tạp chí Science Advances, nhờ phương pháp sắc ký khí-ghép khối phổ (GC/MS) trên các mẫu lấy từ 10 cái lò đốt bằng gỗ được khai quật trước đây từ khu chôn cất người Jirzankal, các nhà khoa học đã khám phá ra dấu vết của cần sa.

Sắc ký khí-ghép khối phổ (GC/MS_Gas Chromatography Mass Spectometry) là một trong những phương pháp sắc ký hiện đại nhất hiện nay với độ nhạy và độ đặc hiệu cao, được sử dụng trong các nghiên cứu và phân tích kết hợp, có thể phát hiện các dư lượng hóa chất rất nhỏ.

“Chúng tôi đã xác định các dấu hiệu sinh học của cần sa, đặc biệt là các hóa chất liên quan đến các đặc tính thần kinh của cây - chất cannabinol, một sản phẩm phụ của sự phân hủy và oxy hóa THC”, Yimin Yang, nhà nghiên cứu của trường Đại học Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết.

Theo ông Yang, những phát hiện này phù hợp với những gì đã biết về việc sử dụng cần sa trên khắp khu vực Trung Á-Âu. Cần sa cũng từng được sử dụng trong đám tang của những người Nga cổ đại sống ở dãy núi Altai, cũng như người Scythia sống ở khu vực mà ngày nay chính là miền nam Siberia.

Tuy nhiên, trong khi cần sa được sử dụng trong nghi lễ mừng thọ của người Jirzankal có khả năng cao có THC, nhóm nghiên cứu vẫn không chắc liệu những cây đó được trồng hay chỉ được tìm thấy trong tự nhiên, vì cây cần sa hoang dã có hàm lượng hợp chất tác động thần kinh thấp.

Ngoài các lò đốt gỗ và đá đen, các nhà khảo cổ còn khai quật được các vật dụng khác từ khu chôn cất, chẳng hạn như đĩa, bát gỗ, hạt thủy tinh và các mảnh lụa.

Trong khi đó, các nhà khảo cổ còn tìm thấy các bộ xương người được chôn cất tại địa điểm này. Họ phát hiện thấy những lỗ thủng trên hộp sọ của các bộ xương, các vết cắt và gãy trong xương, dẫn đến tử vong.

Theo các nhà nghiên cứu, những phát hiện rùng rợn này, cũng như việc khai quật một cây đàn hạc Trung Quốc - một nhạc cụ thường được sử dụng trong các đám tang cổ đại và các nghi lễ hiến tế - đã làm gia tăng kết luận đây là một khu vực đàn hiến tế, và khả năng một số người đã bị chết bởi bị hiến tế.

Đông Bắc
Theo Dailymail



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Phát hiện chất cần sa trong lò đốt tại nghĩa trang Jirzankal 2.500 năm tuổi