Chàng thanh niên Trung Quốc tị nạn tại Úc vạch trần việc cha mình bị bức hại: 'ĐCSTQ vô cùng tà ác'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một gia đình Trung Quốc đã bị tra tấn dã man chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin của mình.

Chạy trốn khỏi Trung Quốc cùng mẹ vào năm 2012, Eric Jia, quê ở tỉnh Thiểm Tây, hy vọng rằng một ngày nào đó gia đình anh sẽ có thể đoàn tụ với người cha đang bị đàn áp nghiêm trọng ở Trung Quốc chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin của mình.

Lần cuối cùng Eric được nhìn thấy cha là vào năm 2011, khi anh mới 11 tuổi.

Eric chia sẻ với The Epoch Times: “Cha tôi đã ở trong tù nhiều năm. Tất cả những gì tôi biết lúc đó là gia đình tôi đã bị bỏ tù dù không làm gì sai, và công an Trung Quốc là ác, Đảng Cộng sản Trung Quốc là ác, nhưng tôi không thể làm gì được”.

Mặc dù giờ đây Eric không thể nhớ được giọng nói của cha, nhưng những ký ức về nụ cười ấm áp của ông vẫn tiếp thêm sức mạnh cho anh trên con đường tìm kiếm sự thật và công lý.

Cha của Eric là ông Ye Jia, 58 tuổi, đã bị giam giữ bất hợp pháp nhiều lần trong hai thập kỷ qua chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin của mình vào các giá trị “Chân, Thiện, Nhẫn”, ba nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) - một hệ thống tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp dã man kể từ tháng 7/1999.

Epoch Times Photo
Eric Jia khi mới chập chững biết đi với cha mình là Ye Jia. (Được sự cho phép của Eric Jia)

Ông Ye, người làm việc tại nhà máy điện quận Hộ Ấp, thành phố Tây An, không chỉ bị mất việc mà còn phải đối mặt với sự tra tấn dã man dưới bàn tay của chính quyền Trung Quốc. Không chịu khuất phục trước sự đàn áp của chế độ, ông đã bị buộc phải sống vô gia cư trong sáu năm dài, chịu đựng nỗi đau đớn khi bị chia cắt khỏi gia đình cùng đứa con trai nhỏ của mình.

Từ tự do đến đàn áp

Vào đầu những năm 1990, ông Ye và vợ mình, bà Chunli Liu, đã tận mắt chứng kiến ​​khả năng chữa bệnh kỳ diệu của Pháp Luân Công. Bà của Eric gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe, và đã học các bài công pháp nhẹ nhàng của Pháp Luân Công từ bạn của bà vào năm 1996.

Eric nói: “Bà tôi mắc rất nhiều bệnh, bao gồm khí phế thũng, viêm khí quản, bệnh tim và điều tồi tệ nhất là u xơ tử cung. Sau khi bà bắt đầu tập luyện [Pháp Luân Công], khối u xơ tử cung của bà đã biến mất một cách kỳ diệu trong vòng ba tháng. Tất cả bệnh tật mà bà từng mắc phải cuối cùng đã tiêu biến nhờ việc tu luyện Pháp Luân Công”.

Vốn quan tâm đến khí công (các bài tập năng lượng và chữa bệnh cổ đại của Trung Quốc), ông Ye đã bắt đầu học Pháp Luân Công sau khi nhận thấy những thay đổi tích cực về sức khỏe của mẹ mình. Eric nói: “Khả năng miễn dịch của cha tôi rất yếu trước khi tập Pháp Luân Công. Sau khi tập luyện, ông đã trở nên khỏe mạnh hơn trước nhiều”.

Epoch Times Photo
Ye Jia trước khi bị bức hại vì đức tin của mình. (Được sự cho phép của Eric Jia)

Bà Chunli vốn kinh doanh một cửa hàng nhỏ của gia đình. Nhờ học tập những nguyên tắc đạo đức của Pháp Luân Công, bà đã thay đổi rất nhiều trong cách xử lý các giao dịch kinh doanh của mình. Bà cũng cho biết cả gia đình đã trở nên hòa thuận và yên ấm, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Gia đình bà là một trong hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã trải nghiệm những lợi ích cả về thể chất lẫn tinh thần từ môn tập.

Vào cuối những năm 1990, theo ước tính của chính quyền, có từ 70 đến 100 triệu người tập luyện Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Lo sợ sự phổ biến của môn tập sẽ trở thành mối đe dọa đối với sự thống trị bằng nắm đấm sắt của ĐCSTQ, cựu lãnh đạo của đảng lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã khởi xướng một chiến dịch diệt chủng chống lại Pháp Luân Công, bắt giữ và giam giữ vô số học viên lương thiện, coi họ như những “kẻ thù của nhà nước”.

Với hy vọng kêu gọi các quan chức cộng sản khôi phục quyền tự do thực hành Pháp Luân Công, ông Ye, giống như nhiều học viên khác, đã đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào tháng 4/2000 để biểu đạt nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, ông đã bị cảnh sát Bắc Kinh bắt giữ. Sau đó, họ đã liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương nơi ông Ye sống.

Eric nói: “Cha tôi đã được đưa trở lại quê nhà và bị giam giữ tại Trung tâm điều trị nghiện (ma túy) quận Hộ Ấp trong một tháng. Cảnh sát thậm chí còn tính chúng tôi 2.000 nhân dân tệ (tương đương 300 USD) tiền xăng xe”.

Vào tháng 9/2001, ông Ye lại bị bắt một lần nữa, và bị đưa đến trại giam quận Hộ Ấp, thành phố Tây An, trong một năm hai tháng. Eric, khi đó còn là một đứa trẻ mới biết đi, nhớ rằng gia đình anh đã liên tục bị cảnh sát quấy rối.

Để tránh bị bức hại, ông Ye đã buộc phải sống vô gia cư trong sáu năm dài.

Vụ bắt giữ kéo dài 8 năm

Trong Thế vận hội Bắc Kinh 2008, ĐCSTQ đã bắt giữ hàng loạt các học viên Pháp Luân Công, những người bất đồng chính kiến ​​cùng những tín đồ tôn giáo khác. Ông Ye cũng bị bắt vào ngày 4/6/2008.

Vào tháng 9 năm đó, ông Ye đã bị kết án tám năm tại nhà tù của thành phố Vị Nam. Trong thời gian bị giam giữ, ông Ye đã phải đối mặt với những cực hình không thể tưởng tượng được, khiến sức khỏe của ông ngày càng giảm sút. Suốt nửa tháng trời, ông bị còng tay vào giường tầng hơn 12 giờ mỗi ngày. Do bị hành hạ nặng nề, ông sụt cân, ho ra máu, khạc đờm đen và đau quặn gan.

Epoch Times Photo
Còng tay vào giường: Tái hiện phương pháp tra tấn mà ĐCSTQ sử dụng để ép các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ. (Minghui.org)

Eric nói rằng cha anh đã bị biệt giam: “Cha tôi bị nhốt trong một căn phòng nhỏ trong suốt 6 năm, có 2 đến 3 cai ngục theo dõi ông mỗi ngày”.

Trong suốt thời gian đó, ông chỉ thỉnh thoảng được ra ngoài khi có người nhà đến thăm.

Eric cho biết khi cha anh trở thành người vô gia cư vào năm 2003, mái tóc của ông vẫn đen. Nhưng khi Eric và mẹ đến thăm ông trong tù vào khoảng đầu năm 2009, mái tóc của ông “gần như bạc trắng”. Eric kể lại rằng khi bà của anh đến gặp cha anh trong tù vào ngày 8/9/2013, bà đã hoàn toàn bị sốc.

Eric nói: “Sắc mặt của cha tôi rất xanh xao, trắng bệch và trông vô cùng yếu ớt. Bà hỏi cha chuyện gì đã xảy ra. Khi đó chúng tôi mới biết rằng ông bị biệt giam trong suốt thời gian qua”.

'Chúng tôi được là chính mình một lần nữa'

Vào ngày 10/1/2012, Eric và mẹ đến Úc. Sống ở một đất nước tự do, Eric cho biết: "Thay đổi lớn nhất đối với chúng tôi, đó là chúng tôi được là chính mình".

Eric, một sinh viên đại học, nói rằng ở Trung Quốc, gia đình anh không chỉ có nguy cơ bị bắt bất cứ lúc nào mà còn phải đối mặt với sự giám sát liên tục của những người hàng xóm đã bị tẩy não bởi những tuyên truyền chống lại Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

“Sau khi đến Úc, chúng tôi không còn phải đối mặt với nỗi lo bị nguy hiểm và bị phân biệt đối xử vì niềm tin của mình. Chúng tôi được là chính mình một lần nữa”.

Epoch Times Photo
Eric Jia (bên phải) trong một sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc. (Yan Nan / The Epoch Times)

Eric hiện đang kiên trì nâng cao nhận thức về cảnh ngộ của cha mình. Anh đã chia sẻ câu chuyện của gia đình mình với truyền thông địa phương và viết thư cho các quan chức chính phủ, bao gồm cả cựu Thủ tướng Malcolm Bligh Turnbull và các bộ trưởng ngoại giao.

Sau 8 năm bị giam giữ, cuối cùng cha của Eric đã được thả khỏi nhà tù Vị Nam vào ngày 23/7/2016. Sau khi ra tù, ông Ye đã cố gắng sống một cuộc sống bình thường và tìm một công việc. Tuy nhiên, không lâu sau đó, vào năm 2017, ông lại bị bắt và đưa đến trung tâm tẩy não Ba Qiao ở quận Xin He, thành phố Tây An. Bà của Eric, lúc đó 73 tuổi, và một người dì lớn tuổi của anh, Chunxia Liu, cũng bị bắt cùng năm.

Để vạch trần sự bất công mà gia đình anh phải gánh chịu, Eric, mẹ anh và dì ruột của anh đã đứng bên ngoài quốc hội Úc, tay cầm những tấm biển có nội dung “Xin hãy giúp giải cứu gia đình tôi”. May mắn thay, lời kêu gọi ôn hòa của họ đã thu hút sự chú ý của thượng nghị sĩ Janet Rice. Bà đã dừng chân để tìm hiểu thêm thông tin về việc các thành viên gia đình Eric bị bỏ tù bất hợp pháp như thế nào.

Cảm động trước những gì nghe được, bà Rice đã viết một lá thư cho Thị trưởng thành phố Tây An, yêu cầu “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Ye Jia và Chunxia Liu”, Minghui.org đưa tin.

Thượng nghị sĩ Rice cho biết trong lá thư năm 2017 của mình: “Tôi được biết rằng họ đã bị giam giữ chỉ vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng và tự do biểu đạt của mình. Trước khi họ được thả, vui lòng đảm bảo rằng họ có quyền tiếp cận thường xuyên và không hạn chế với gia đình và luật sư của mình".

Sau bức thư của bà Rice, ông Ye Jia đã được trả tự do vào ngày 21/12 năm đó và bà Chunxia được đưa ra xét xử vào ngày 26/12, nhưng không có phán quyết nào được đưa ra; sau đó bà đã bị kết án bốn năm tù vào tháng 1/2018.

Tuy nhiên, Eric nói với The Epoch Times rằng bà Chunxia đã được ra tù vào cuối tháng 3 năm nay.

Eric nói rằng các thành viên trong gia đình anh đã phải đối mặt với những hành vi ngược đãi dã man. Anh cho biết người cô lớn tuổi của anh đã nhiều lần bị bức hại giống cha anh; cô bị tra tấn về thể xác, bị đánh đập, bị thiếu ngủ và bị còng tay trong những tư thế không thoải mái.

“Ngay cả bà tôi năm nay đã 76 tuổi cũng đã phải trải qua gần 2 năm tù. Bà cũng bị tra tấn về thể xác, bị điện giật, không được ngủ hay ăn uống trong 3 ngày và bị đánh đập”, anh nói.

“Tôi chia sẻ những điều này chỉ để chỉ ra mức độ nghiêm trọng của cuộc bức hại ở Trung Quốc - một gia đình đã phải chịu đựng nhiều như thế nào. Tôi muốn mọi người biết cách mà ĐCSTQ đối xử với những người tốt, những người có đức tin”.

Bất chấp mọi đau đớn và khổ sở, gia đình của Eric vẫn luôn nuôi dưỡng một niềm hy vọng.

Mẹ của Eric nói: “Không có gì sai khi trở thành một người tốt. Tôi tin rằng một người tốt sẽ có một số phận tốt. Chính nhất định sẽ thắng tà - không quan trọng là có bao nhiêu khó khăn cản trở”.

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Chàng thanh niên Trung Quốc tị nạn tại Úc vạch trần việc cha mình bị bức hại: 'ĐCSTQ vô cùng tà ác'