Nuôi con thuận theo tự nhiên: Cha mẹ hãy lớn lên cùng con, đừng lớn lên hộ con

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên một bàn cờ, quân vua là yếu đuối và vô dụng nhất, tuy nhiên nó cũng lại là quan trọng nhất, mất vua tương đương với mất tất cả. Trong cuộc sống, con cái đối với mỗi bậc cha mẹ đều giống như quân vua trên bàn cờ vậy.

“Nuôi dạy một đứa trẻ nên người còn khó hơn tạo dựng thành công một doanh nghiệp”, một người bạn đã nói với tôi như vậy. Doanh nghiệp một khi thất bại có thể bỏ đi làm cái mới; nhưng đối với trẻ con thì đương nhiên không thể như vậy.

Chính vì thế, nuôi con luôn là một chủ đề quan trọng bậc nhất. Nên nuôi dạy thế nào để trẻ em phát triển tốt nhất? Việc trả lời câu hỏi này không bao giờ là đơn giản.

Một triết lý đúng đắn trong việc nuôi con là vô cùng quan trọng. Nó còn quan trọng hơn cả việc chúng ta chọn dùng phương pháp nào.

Loạt bài “Nuôi con theo Chân - Thiện - Nhẫn" là những triết lý trong việc nuôi dạy trẻ mà tác giả đúc rút ra được trong quãng đời làm cha mẹ của mình. Mong rằng những điều chia sẻ này sẽ có ích đối với bạn đọc.

Bài 5: Nuôi con thuận theo tự nhiên: Cha mẹ hãy lớn lên cùng con, đừng lớn lên hộ con

Xem lại: Bài 1 - Bài 2 - Bài 3 - Bài 4

Nếu trẻ em khi sinh ra là một tờ giấy trắng, vậy thì khi nó trưởng thành, tờ giấy đó nên được lấp đầy bởi những kỹ năng, những kinh nghiệm đúng đắn và đầy đủ. Trong quá trình này, từng nét từng nét được viết có ngay ngắn, đúng chuẩn hay không, phần lớn đều là do cha mẹ quyết định. Ai cũng mong muốn mang đến những điều tốt nhất cho con, nhưng chưa chắc chúng ta đã luôn làm đúng. “Cha mẹ phải làm sao để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện” là câu hỏi mà tác giả muốn trả lời trong bài viết này.

Tự nhiên là bà mẹ tốt nhất

Trong tự nhiên rất khó để tìm được một con vật trưởng thành mà không có đủ khả năng sinh tồn. Một khi đủ lông đủ cánh, mỗi con vật sẽ có đầy đủ cho mình những kỹ năng mà tự nhiên quy định cho giống loài, giúp nó tiếp tục sinh tồn và duy trì nòi giống. Thế nhưng điều này đôi khi không còn đúng nếu như con vật đó lớn lên dưới sự chăm sóc của con người. Vậy con người hay tự nhiên mới là bà mẹ tốt hơn? Đâu là sự khác nhau giữa hai bà mẹ này?

Sự khác nhau căn bản là ở chỗ, trong khi động vật nuôi con bằng bản năng, thì con người nuôi con bằng quan niệm và kinh nghiệm. Cha mẹ động vật luôn cho con tự làm những gì nó có thể, không ngại cho con trải nghiệm bất kỳ điều gì và luôn luôn khuyến khích con tự lập.

Cha mẹ động vật luôn cho con tự làm những gì nó có thể, không ngại cho con trải nghiệm bất kỳ điều gì và luôn luôn khuyến khích con tự lập.
Cha mẹ động vật luôn cho con tự làm những gì nó có thể, không ngại cho con trải nghiệm bất kỳ điều gì và luôn luôn khuyến khích con tự lập. (Pxhere)

Đương nhiên chúng ta không thể để một đứa trẻ lớn lên trong tự nhiên như một con vật. Thế nhưng chúng ta có thể học được nhiều điều bằng cách quan sát cách nuôi con của “bà mẹ tự nhiên”. "Nuôi con thuận theo tự nhiên" là cách tốt nhất để một đứa trẻ có thể phát triển toàn diện về mọi mặt, là điều đảm bảo đứa trẻ đó khi lớn lên sẽ có đầy đủ kỹ năng để tự lo cho bản thân và cho những người xung quanh.

Trưởng thành là một quá trình học hỏi và phát triển liên tục

Quá trình lớn lên của một đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành là một quá trình phát triển không ngừng nghỉ. Trong quá trình này, đứa trẻ ấy cần phải học hỏi và tiến bộ liên tục, để đến khi trưởng thành, nó sẽ có đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm để tồn tại một cách độc lập cũng như tiếp tục sản sinh và chăm sóc cho thế hệ sau.

Trẻ em trong quá trình lớn lên của mình, cái chúng cần nhất là một môi trường lành mạnh để thoải mái trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm. Người lớn cần phải hiểu rằng, quá trình một đứa trẻ từ khi sinh ra đến khi trưởng thành là quá trình từ lúc trẻ không biết thứ gì đến lúc hầu như biết tất cả mọi thứ. Vì thế để duy trì được sự phát triển liên tục, trẻ cần được tiếp xúc với những điều mới mỗi ngày.

Trẻ em trong quá trình lớn lên của mình, cái chúng cần nhất là một môi trường lành mạnh để thoải mái trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm.
Trẻ em trong quá trình lớn lên của mình, cái chúng cần nhất là một môi trường lành mạnh để thoải mái trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm. (Pxhere)

Không có khuôn mẫu nào cho sự phát triển của trẻ, tuy nhiên trẻ cần sở hữu những kỹ năng nhất định khi sống trong những giai đoạn nhất định. Có như vậy thì đến khi trưởng thành nó mới có được sự phát triển đầy đủ nhất đồng thời khai phá được những tiềm năng riêng của bản thân. Bất kỳ một đứa trẻ bình thường nào cũng có khả năng để đạt đến mức đó, có chăng thì cũng là do cha mẹ không tạo đủ điều kiện cho con trưởng thành theo đúng tự nhiên của mình.

Trong khuôn khổ của bài viết này, tác giả xin phép được đưa ra những lời khuyên mà mình đã tổng hợp được để có thể “nuôi con thuận theo tự nhiên”.

Không xem thường những kỹ năng cơ bản của con

Tôi biết một cậu bé, cậu thông minh và có khả năng tiếp thu rất tốt. Năm nay cậu bé mới học lớp một nhưng đã biết cơ bản ba ngôn ngữ khác nhau và chơi đàn piano thành thạo. Tuy nhiên đến mỗi bữa cậu vẫn cần mẹ bón cơm cho ăn, mặc quần áo vẫn cần bố mẹ giúp. Ngày nay đây là điều không hề hiếm gặp trong cuộc sống.

Ăn uống và vệ sinh là những kỹ năng căn bản nhất mà một người cần phải thành thạo trước tiên. Tương tự như vậy là những kỹ năng khác như tự mặc quần áo, đi giầy dép, dọn đồ chơi, dọn phòng v.v… Đây đều là những việc mà trẻ nên và cần phải biết làm khi đến một độ tuổi nhất định. Thế nhưng đôi khi chúng ta lại coi nhẹ những kỹ năng đó, chúng ta thà làm giúp chúng cho nhanh, với suy nghĩ rằng đằng nào lớn lên nó cũng sẽ biết làm, còn hơn kiên nhẫn hướng dẫn chúng tự làm từ đầu.

Đôi khi chúng ta lại coi nhẹ những kỹ năng đó, chúng ta thà làm giúp chúng cho nhanh, với suy nghĩ rằng đằng nào lớn lên nó cũng sẽ biết làm, còn hơn kiên nhẫn hướng dẫn chúng.
Đôi khi chúng ta lại coi nhẹ những kỹ năng đó, chúng ta thà làm giúp chúng cho nhanh, với suy nghĩ rằng đằng nào lớn lên nó cũng sẽ biết làm, còn hơn kiên nhẫn hướng dẫn chúng. (Pexels)

Đương nhiên một đứa trẻ mười tuổi chắc chắn sẽ biết tự ăn cơm, nhưng có lẽ nó sẽ không biết dọn phòng của mình. Một đứa trẻ mười lăm tuổi có thể biết tự dọn phòng, nhưng biết đâu nó sẽ không đủ khả năng chuẩn bị một bữa ăn cho bản thân. Là cha mẹ, chúng ta không thể mãi đi theo và chăm sóc cho con; sẽ đến lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi, đến lúc chúng ta phải tự hỏi “Tại sao con mình làm việc gì cũng không nên hồn, sao nó không được như những đứa trẻ khác?”. Chúng ta đâu biết rằng lỗi lầm là của chính chúng ta, những bậc cha mẹ vì thương con không đúng cách mà tước đi của chúng cơ hội phát triển đúng theo tự nhiên.

Trưởng thành cũng giống như việc xây nhà vậy, mỗi kỹ năng, mỗi kinh nghiệm trẻ tích lũy được là một viên gạch. Viên dưới được xây chắc chắn thì viên trên mới có thể đứng vững... Chính vì thế, cha mẹ không bao giờ nên xem nhẹ những kỹ năng cơ bản như ăn uống, vệ sinh, mặc quần áo, dọn dẹp v.v… của trẻ. Khi thấy con có thể tự làm được việc gì thì chúng ta nên khuyến khích chúng tự túc việc đó. Nhiệm vụ của chúng ta là tin tưởng và giúp chúng hoàn thiện những kỹ năng chứ không phải là làm hộ chúng mọi việc.

Thành thạo một kỹ năng, đối với trẻ là một sự nâng tầm, nó sẽ có thêm một phần tự tin để tiếp tục học hỏi những kỹ năng khác. Cứ liên tục như vậy đến khi trưởng thành, trẻ sẽ đạt được sự phát triển toàn diện nhất.

Trưởng thành cũng giống như việc xây nhà vậy, mỗi kỹ năng, mỗi kinh nghiệm trẻ tích lũy được là một viên gạch. Viên dưới được xây chắc chắn thì viên trên mới có thể đứng vững...
Trưởng thành cũng giống như việc xây nhà vậy, mỗi kỹ năng, mỗi kinh nghiệm trẻ tích lũy được là một viên gạch. Viên dưới được xây chắc chắn thì viên trên mới có thể đứng vững... (Pexels)

Dạy con biết nguy hiểm

Một sai lầm phổ biến của nhiều người lớn là áp đặt hiểu biết của mình lên trẻ con. Một ví dụ rất gần gũi: bạn vừa bưng bát canh nóng bỏng đặt lên bàn, đứa con tuổi rưỡi mon men lại gần, bạn quát: "cấm con không được sờ vào bát canh nhé, nóng lắm, bỏng đấy nhé" và làm mọi cách để ngăn cản nó lại gần bát canh. Người lớn chúng ta ai cũng biết thế nào là bỏng; nhưng trẻ con thì không như vậy. Nó không hiểu nóng là gì, bỏng thì sẽ ra sao, và đương nhiên là nó tò mò về điều đó. Việc tốt nhất ta nên làm là cho con biết điều nó cần biết, đơn giản bằng cách áp tay con vào bát canh nóng. Trẻ con thừa đủ thông minh để sợ đau, nếu chúng ta lặp lại việc đó một vài lần, đảm bảo con sẽ không bao giờ muốn lại gần một bát canh nóng nữa.

Trẻ em cần ý thức được sự nguy hiểm trước khi chúng có thể tự gây nguy hiểm cho mình. Nó cần biết bát canh nóng gây đau đớn ra sao trước khi đủ sức kéo đổ bát canh và bị bỏng. Để được như vậy không thể thiếu sự hướng dẫn của người lớn.

Đối với bất kỳ mối nguy hiểm nào chúng ta cũng đều có thể áp dụng cách làm này. Trước sau gì con cũng sẽ phải biết thế nào là bỏng, đứt tay, sặc nước, ngã đau v.v… Vậy hãy để con trải nghiệm những điều này lần đầu tiên dưới sự giám sát của cha mẹ. Con có thể đau một chút, khóc một chút, thậm chí để lại vết thương, nhưng điều đó không là gì so với kinh nghiệm mà nó học được. Kinh nghiệm đó sẽ giúp con chủ động tránh xa những mối nguy hiểm khi không có cha mẹ bên cạnh.

Con có thể đau một chút, khóc một chút, thậm chí để lại vết thương, nhưng điều đó không là gì so với kinh nghiệm mà nó học được.
Con có thể đau một chút, khóc một chút, thậm chí để lại vết thương, nhưng điều đó không là gì so với kinh nghiệm mà nó học được. (Pxhere)

Cho con được vấp ngã

Một người muốn trưởng thành thì cần phải học hỏi được từ những sai lầm của chính bản thân mình, trẻ em cũng không ngoại lệ.

Stephan Gray, một nhà khoa học từng có nhiều phát hiện quan trọng trong lĩnh vực y học từng tiết lộ rằng, phương pháp giáo dục của mẹ ông là một yếu tố quyết định giúp ông thành công như vậy.

Một lần khi mới hai tuổi, ông làm rơi vỡ một chai sữa bằng thủy tinh trong khi tìm cách tự lấy nó ra từ tủ lạnh. Mẹ ông không những không quát mắng mà còn khen ông làm đổ sữa rất tuyệt, bà cho phép ông đùa nghịch với vũng sữa một chút rồi sau đó cùng ông lau dọn sạch sẽ. Sau đó bà còn cùng ông đổ nước vào chai thủy tinh khác và để ông tự tìm cách cầm chắc cái chai sao cho không bị rơi.

Qua câu chuyện này nhà khoa học cho thấy phương pháp giáo dục của mẹ ông thật sự tuyệt vời. Nó khiến ông không ngần ngại trước bất kỳ thử nghiệm nào, ông không sợ mắc sai lầm, và sau mỗi thí nghiệm thất bại ông lại có thêm cho mình những kinh nghiệm mới.

Bài học kinh nghiệm từ một chai sữa bị làm vỡ đã giúp ông hình thành sự tự tin trước những sai lầm, thất bại sau này. (Shutterstock)
Bài học kinh nghiệm từ một chai sữa bị làm vỡ đã giúp ông hình thành sự tự tin trước những sai lầm, thất bại sau này. (Shutterstock)

Đối với trẻ, mọi thứ đều là lần đầu tiên, vì thế cha mẹ nên cho phép con tự thử sức, tuyệt đối không nên khó chịu khi con làm sai, hãy chấp nhận sai lầm của con, coi đó là điều đương nhiên, cùng con giải quyết hậu quả và khuyến khích con làm lại cho đúng. Như vậy con sẽ hiểu vì sao nó nên làm như vậy, thay vì chỉ biết tuân theo lời của cha mẹ mà không hiểu nguyên nhân đằng sau. Điều này tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại rất quan trọng, nó có thể khiến con có dũng khí, có tự tin trong cuộc sống; đó là bởi vì nó biết mình được phép thử, được phép làm sai và sau đó học hỏi từ chính sai lầm của mình.

Cho con được trải nghiệm

Độ tuổi từ 2 đến 5 là thời gian trẻ có sự tiếp thu cực kỳ tốt. Đây là giai đoạn rất quan trọng, là lúc trẻ bắt đầu học và hoàn thiện những kỹ năng cơ bản. Vì vậy chúng cũng đặc biệt cần sự quan tâm và hướng dẫn của cha mẹ trong giai đoạn này.

Thượng đế trao cho mọi đứa trẻ một món quà vô giá, đó là sự tò mò. Sự tò mò giúp chúng tiếp thu mọi thứ chúng được tiếp xúc, nó khiến cho việc học hỏi những điều mới mẻ trở thành niềm vui bất tận đối với trẻ. Cha mẹ cần phải tận dụng điều đó và giúp con mình có được những trải nghiệm quý giá.

Sự tò mò giúp chúng tiếp thu mọi thứ chúng được tiếp xúc, nó khiến cho việc học hỏi những điều mới mẻ trở thành niềm vui bất tận đối với trẻ.
Sự tò mò giúp chúng tiếp thu mọi thứ chúng được tiếp xúc, nó khiến cho việc học hỏi những điều mới mẻ trở thành niềm vui bất tận đối với trẻ. (Pexels)

Nhiều khi chúng ta vì sợ không thể kiểm soát được tình hình mà ngăn cản không cho con được trải nghiệm. Đối với trẻ em cái gì cũng mới lạ, cũng tò mò, nhưng đôi khi những thứ đó đối với cha mẹ lại là không an toàn. Tệ hơn chúng ta có thế đưa cho con thứ mà chúng ta cảm thấy an toàn nhất: một chiếc điện thoại thông minh. Theo tác giả, điện thoại, ipad, máy tính hay tivi lại là những thứ nguy hiểm nhất đối với trẻ em. Một khi trẻ thích thú và phụ thuộc vào những thứ đó, nó sẽ đánh mất sự hứng thú và tò mò đối với thế giới bên ngoài. Đánh mất sự tò mò của con chính là điều cuối cùng mà cha mẹ nên làm.

Hãy để cho con được trải nghiệm cuộc sống đa dạng, cho con tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, cùng con làm những việc nhà đơn giản, nếu có điều kiện, hãy cho chúng đi du lịch. Được khám phá một nơi hoàn toàn mới lạ cùng cha mẹ sẽ giúp con có được sự trưởng thành rất nhanh chỉ sau vài ngày ngắn ngủi.

Mỗi một trải nghiệm sẽ là một nét vẽ đầy màu sắc, làm đa dạng cho trang giấy trắng của đứa trẻ. Vì vậy đừng bỏ lỡ bất kỳ cơ hội trải nghiệm nào của con. Làm được như vậy, con của chúng ta nhất định sẽ có một tuổi thơ vô cùng thú vị.

Hãy để cho con được trải nghiệm cuộc sống đa dạng, cho con tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, cùng con làm những việc nhà đơn giản, nếu có điều kiện, hãy cho chúng đi du lịch.
Hãy để cho con được trải nghiệm cuộc sống đa dạng, cho con tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, cùng con làm những việc nhà đơn giản, nếu có điều kiện, hãy cho chúng đi du lịch. (Public Domain Pictures)

Kết luận

Bốn lời khuyên mà tác giả chia sẻ trong bài viết này chắc chắn chưa thể bao quát hết khái niệm “nuôi con thuận theo tự nhiên”. Thế nhưng để thực hiện tốt đủ cả bốn điều mà ai cũng biết này lại hoàn toàn không dễ dàng.

Thành thạo những kỹ năng cơ bản giúp trẻ đủ khả năng tự sinh tồn và có nền tảng vững chắc. Ý thức về sự nguy hiểm giúp trẻ có thể chủ động bảo vệ bản thân. Được khuyến khích vấp ngã, phạm sai lầm khiến trẻ tự tin và có thể tự học hỏi sau mỗi lần thất bại. Trong khi đó những trải nghiệm đa dạng sẽ giúp tuổi thơ của trẻ đầy màu sắc, trẻ như vậy khi lớn lên sẽ có nhiều kinh nghiệm thú vị, hữu ích cho cuộc sống mai sau.

Có lẽ những điều được truyền tải trong bài viết không có gì là mới mẻ. Tuy nhiên chính những điều đơn giản này lại có thể đảm bảo cho con một sự phát triển toàn diện. Nuôi con thuận theo tự nhiên không nhất định phải là làm được cái gì đó quá cao xa, mà thực chất chỉ là thực hiện đúng những gì bản năng của người cha, người mẹ mách bảo chúng ta, đồng thời gạt bỏ đi những lo lắng, những quan niệm không đáng có.

Cuối cùng tác giả xin chúc tất cả các bậc cha mẹ luôn có đủ dũng khí cần thiết để cho con được trải nghiệm những gì chúng đáng được trải nghiệm. Cha mẹ hãy lớn lên cùng con, đừng lớn lên hộ con.

Vy An



BÀI CHỌN LỌC

Nuôi con thuận theo tự nhiên: Cha mẹ hãy lớn lên cùng con, đừng lớn lên hộ con