Cấy chip vào cơ thể người - Bước tiến khoa học hay mối đe dọa quyền riêng tư con người?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu hỏi “Bạn đã cấy chip chưa?” - như một kiểu tích hợp giữa cơ thể người và máy tính - tưởng như chỉ có trên phim khoa học viễn tưởng, thì nay đã trở thành sự thực. Trong trường hợp một kẻ vô đạo đức nào đó, sẽ cấy một con chip vào não người để kiểm soát thính giác, vị giác, khứu giác, kể cả kiểm soát hạnh phúc, tức giận, buồn bã và niềm vui của bạn - điều đó sẽ như thế nào?

Một số công ty cấy chip cho nhân viên để thay thế thẻ ra vào và mua sắm, một số nhân viên hưởng ứng vì tò mò với công nghệ mới mà không quan tâm đến những hệ lụy phía sau.

Tuy nhiên, những tranh cãi và phản đối về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư vẫn không ngừng nổ ra và thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận.

Hiện tại, chưa có một quy định hay pháp lý nào được đặt ra cho vấn đề cấy ghép chip vào cơ thể. Điều này đang đặt ra nghi vấn về vấn đề bảo mật trong mọi mặt của đời sống cá nhân như: Phẩm giá, đạo đức và sức khỏe của con người.

Người hay người-máy

(Ảnh minh hoạ từ Pixabay)
(Ảnh minh hoạ từ Pixabay)

Loại chip để cấy vào cơ thể người được gọi là vi mạch RFID (microchip). RFID là viết tắt của "Radio Frequency Identification" trong tiếng Anh, hay còn gọi là thẻ điện tử. Đây là công nghệ nhận dạng qua tần số vô tuyến, dùng kết nối sóng vô tuyến để tự động xác định và theo dõi các thẻ nhận dạng gắn vào vật thể.

Đây cũng không phải là một công nghệ mới. Bắt đầu từ những năm 1990, con người đã sử dụng rộng rãi công nghệ RFID để xác định gia súc, cá, vật nuôi, v.v Hoặc các công ty quốc tế sử dụng RFID để theo dõi luồng hàng hóa từ nhà máy tới tay người dùng.

Tương tự như vậy, công nghệ này còn áp dụng trong “Thẻ nhận dạng thông minh” của các doanh nghiệp hoặc kiểm soát quyền truy cập và xây dựng các ứng dụng trên điện thoại di động...

Năm 2002, Công ty VeriChip của Mỹ sử dụng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến RFID để phát triển một con chip với tên gọi “VeriChip” - có thể cấy vào cơ thể người. VeriChip có kích thước nhỏ bằng hạt gạo và có thể đọc được dữ liệu sau khi cấy vào cơ thể. Nó chứa các thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại liên lạc và hồ sơ y tế cá nhân.

Đến năm 2004, các sản phẩm của VeriChip đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt và bắt đầu được quảng bá rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã cấy loại chip này vào chuột thí nghiệm và xác nhận rằng, sau khi cấy vi mạch, các mô xung quanh chip đã bị nhiễm trùng, làm tăng cao khả năng gây ung thư. Do đó, VeriChip đã ngừng quảng cáo sản phẩm này vào năm 2010.

Mặc dù sự ra đời của vi mạch cấy ghép vào cơ thể người luôn đi kèm những tranh cãi và phản đối vì xâm phạm quyền riêng tư nghiêm trọng, nhưng một khi “Chiếc hộp Pandora” được mở ra, làm sao nó có thể dễ dàng được đóng lại?

Nó đã đánh thức “mộng tưởng” của nhân loại về việc phục vụ con người tối ưu hơn, nó cố gắng xâm chiếm vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của người dân.

Công cụ kiểm soát

Một bác sĩ thú y và nhân viên y tế đang cấy vi mạch trong quá trình kiểm tra sức khỏe cho một chú mèo trong vườn thú ở Paris vào ngày 23/5/2019. (Ảnh: THOMAS SAMSON / Getty Images)
Một bác sĩ thú y và nhân viên y tế đang cấy vi mạch trong quá trình kiểm tra sức khỏe cho một chú mèo trong vườn thú ở Paris vào ngày 23/5/2019. (Ảnh: THOMAS SAMSON/Getty Images)

Năm 2006, một công ty giám sát ở Cincinnati, Hoa Kỳ đã đi đầu trong việc cấy vi mạch RFID vào nhân viên của mình, phạm vi áp dụng là tất cả nhân viên đang làm việc trong trung tâm dữ liệu bảo mật của công ty này.

Đến năm 2015, khoảng 2.000 nhân viên ở 100 công ty của Thụy Điển (Châu Âu) được cấy chip, với mục đích quản lý việc ra vào công ty hoặc một số khu vực nhất định trong công ty, thậm chí là để đặt vé tàu.

Trung tâm Three Square ở Wisconsin, Mỹ, đã cấy chip vào tay 80 nhân viên của mình. Sau khi quét dữ liệu, họ có thể vào khu vực làm việc hoặc sử dụng máy tính và máy bán hàng tự động của công ty. Vào tháng 11/2018, công ty cấy ghép chip Thụy Điển Biohax đã tìm cách hợp tác với các công ty khác và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Anh. Cũng có tin BioTeq sẽ bán sản phẩm của họ sang các thị trường như Nhật Bản và Trung Quốc.

Đến nay vẫn có nhiều người ủng hộ công nghệ này và luôn nhấn mạnh rằng, việc cấy vi mạch giúp cuộc sống thuận tiện hơn và không gây hại. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người kiên quyết phản đối. Ngay từ năm 2007, California đã cấm các công ty ép buộc nhân viên cấy chip, đồng thời cấm học sinh cấy chip.

Năm 2018, Liên minh Quốc gia Vương quốc Anh và Liên đoàn Công nghiệp Anh - đại diện cho người sử dụng lao động, đã đồng loạt bày tỏ lo ngại về việc cấy chip vào nhân viên làm giảm năng suất và sự sáng tạo của họ. Và xâm phạm quyền riêng tư cá nhân.

‘Siêu tiện lợi’ nhưng cũng ‘Siêu kiểm soát’

Việc cấy con chip vào cơ thể người là để thuận tiện chứ không phải để đảm bảo an toàn. Điều tiện lợi là nhân viên không cần mang theo chìa khóa, thẻ ra vào, chứng minh thư… và không cần nhớ mật khẩu đăng nhập, sử dụng máy bán hàng tự động để thanh toán các khoản chi tiêu nhỏ. Nhưng “siêu tiện lợi” mang lại nguy cơ “siêu kiểm soát”. Công nghệ RFID có thể được sử dụng với mục đích giám sát và nó rất dễ bị chính phủ hoặc các nhóm độc quyền lớn lạm dụng.

Đặc biệt ở một số quốc gia chuyên chế, chính phủ có thể buộc người dân cấy chip để giám sát toàn bộ xã hội hiệu quả hơn. Ngay cả ở các nước dân chủ, nơi mà các công ty không thể bắt nhân viên cấy chip, nhưng nhân viên vẫn phải tuân theo do áp lực từ người lãnh đạo hoặc triển vọng trong công việc của họ.

Lo lắng về sức khỏe

Một khi cơ thể con người đã cấy chip thì việc lấy nó ra không hề dễ dàng. Ngay cả việc cấy chip hay lấy chip ra cũng không đơn giản hoặc không gây đau đớn như quảng cáo.

Có thể thấy từ video quảng cáo rằng việc cấy ghép sử dụng một ống tiêm lớn, làm tăng nguy cơ bị dị ứng hoặc sưng và viêm trong quá trình cấy. Hệ thống miễn dịch có thể sẽ có phản ứng đào thải ngay sau đó tùy vào thể trạng cá nhân. Việc cấy ghép chip cũng có thể gây ra bệnh ung thư. Chưa kể là vi mạch có thể đi lang thang bên trong cơ thể.

Nếu điều đó xảy ra, người ta phải tiến hành quét và xác định lại vị trí của con chip trước khi lấy nó ra.

Cấy một dị vật vào cơ thể người cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng. Ví dụ, chất trám răng có nguy cơ bị rò rỉ sau 10 năm, và việc cấy ghép răng có thể gây tổn thương cho các mô xung quanh, bao gồm cả dây thần kinh răng.

Những người phản đối cấy chip đã đặt ra câu hỏi rằng: “Làm thế nào để chip cấy ghép có thể an toàn 100%?”

Nguy cơ thất bại

Mặt khác, ở góc độ kỹ thuật, tất nhiên con chip sẽ có một tỷ lệ hỏng hóc nhất định, một khi nó ngừng hoạt động thì bạn sẽ không thể sửa chữa và phải thay thế nó, đơn giản như thay một cái Card bây giờ.

Ngoài ra, máy quét đọc chip cũng có thể hoạt động sai; chip có thể bị nhiễm vi-rút máy tính và phát tán vi-rút; dữ liệu được lưu trữ trên chip có thể bị đánh cắp.

Hiện tại, công nghệ RFID chủ yếu được sử dụng trong quản lý văn phòng, việc cấy chip vào cơ thể người vẫn đang ở giai đoạn cơ bản. Nhưng nếu tiếp tục phát triển với tốc độ của khoa học kỹ thuật như bây giờ, có thể thấy trong tương lai gần, con chip này sẽ có thể lưu trữ một lượng lớn thông tin cá nhân, bao gồm thông tin ngân hàng, hồ sơ tiêu dùng, hộ chiếu, giấy phép lái xe, hồ sơ y tế cá nhân, GPS, v.v.

Trong trường hợp một kẻ vô đạo đức nào đó, sẽ cấy một con chip vào não người để kiểm soát thính giác, vị giác, khứu giác, kể cả kiểm soát hạnh phúc, tức giận, buồn bã và niềm vui của bạn - điều đó sẽ như thế nào?

Một khi con người trở thành nô lệ cho máy móc, như mô tả trong bộ phim "The Matrix", con người được máy móc nuôi dưỡng và sống trong một thế giới được lập trình bằng trí tưởng tượng. Khi đó, nhân loại chỉ có thể hối hận...

Đông Mai

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Cấy chip vào cơ thể người - Bước tiến khoa học hay mối đe dọa quyền riêng tư con người?