Câu chuyện thời thơ ấu và mong ước 'Tận trung báo quốc' của chủ tịch Tập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 2/6, chỉ một ngày sau khi chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng hình ảnh Trung Quốc tích cực hơn trên thế giới, đài truyền hình CGTN đã ra bài viết tập hợp những câu chuyện thời thơ ấu của ông Tập.

Câu chuyện ‘khóc’ và tính tiết kiệm, giản dị của chủ tịch Tập

"Hãy cùng khám phá xem Chủ tịch Tập đã trải qua thời thơ ấu của mình như thế nào và liệu những trải nghiệm này có làm nên con người của ông hay không", CGTN giới thiệu.

CGTN sau đó liệt kê những câu chuyện tuổi thơ của ông Tập, trong đó có chuyện ông khóc và những lời mẹ dạy mà ông luôn ghi nhớ.

Mở đầu là câu chuyện về tính tiết kiệm và giản dị. Theo CGTN, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng (cha là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Tập Trọng Huân), ông Tập có "lối sống thanh đạm" ngay từ nhỏ.

CGTN sau đó chứng minh bằng mẩu chuyện được ông Tập kể khi còn là bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, rằng những năm tháng thơ ấu ông được cho mặc những bộ quần áo thêu hoa của các chị trong nhà để tiết kiệm.

Một câu chuyện khác liên quan đến gia đình được ông kể năm 2017 khi đến thăm các vận động viên khúc côn cầu trên băng. Ông Tập Viễn Bình - em trai ông Tập - thích chơi khúc côn cầu trên băng nhưng nhà chỉ đủ điều kiện mua một đôi giày trượt băng. Cuối cùng, ông Tập đã nhường lại đôi giày cho em trai, theo CGTN.

Năm 2014, ngay trước 1/6, ông Tập (lúc này đã là tổng bí thư, chủ tịch Trung Quốc) đến thăm một trường tiểu học ở quận Hải Điến của Bắc Kinh.

Trong cuộc gặp với các đội viên Đội Thiếu niên tiền phong của trường, ông kể mình từng khóc vì muốn gia nhập tổ chức này nhưng chưa đủ tuổi nên không được kết nạp.

"Khóc vì điều này có đáng xấu hổ không nhỉ?", ông Tập hỏi khiến các em học sinh cười thích thú vào lúc đó.

Kết thúc “câu chuyện khóc” của mình, ông Tập kêu gọi các đội viên Đội Thiếu niên tiền phong Trung Quốc sẵn sàng tham gia sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

‘Tận trung báo quốc’

Cũng trong chuyến thăm đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gặp các em học sinh viết thư pháp cụm từ "Tận trung báo quốc".

"Tận trung báo quốc" là câu chuyện về Nhạc Phi, một vị tướng có lòng yêu nước. Mẹ của Nhạc Phi đã xăm 4 chữ này lên lưng ông để nhắc nhở con trai về lòng trung thành với đất nước.

Chứng kiến việc này, ông Tập kể lại chuyện về mẹ mình, bà Tề Tâm, đã mua tặng ông quyển sách có câu chuyện về Nhạc Phi.

"Tôi rất hứng thú với câu chuyện đó. Tôi nói với mẹ 'chắc phải đau lắm khi xăm những chữ đó trên lưng mình' nhưng bà chỉ nói dù rất đau, Nhạc Phi sẽ mãi ghi nhớ điều đó", ông Tập kể với các em thiếu nhi.

"Tận trung báo quốc vì lẽ đó đã trở thành mục tiêu theo đuổi suốt cuộc đời tôi", nhà lãnh đạo Trung Quốc chia sẻ.

Những mẩu chuyện về tuổi thơ của ông Tập được đăng tải chỉ một ngày sau khi ông kêu gọi xây dựng hình ảnh Trung Quốc tích cực hơn trên trường quốc tế.

Bức ảnh được chụp vào ngày 22 tháng 10 năm 2016 cho thấy mọi người đang xem ảnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một ngôi nhà trong hang động nơi ông Tập sống khi còn trẻ, ở Liangjiahe, thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)
Bức ảnh được chụp vào ngày 22 tháng 10 năm 2016 cho thấy mọi người đang xem ảnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một ngôi nhà trong hang động nơi ông Tập sống khi còn trẻ, ở Lương Gia Hà, thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Hãy nhớ rằng 'chủ tịch Tập là vị cứu tinh'

Sứ mệnh tuyên truyền đó là chìa khóa để hiểu ông Tập Cận Bình. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập thường bị so sánh với Mao Trạch Đông - người sáng lập ĐCSTQ - được xem như một “vị thần” tự phong - đã tàn phá đất nước này để theo đuổi lý tưởng chính trị, dẫn đến nạn đói trên diện rộng và việc giết người tùy tiện, nhưng ĐCSTQ vẫn bắt buộc quần chúng phải tôn thờ ông ta.

Kể từ đó, không có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào nắm giữ nhiều quyền hành như vậy - cho đến khi ông Tập “lên ngôi”. Là một người theo chủ nghĩa kỷ luật, ông Tập bị thúc đẩy bởi nhu cầu kiểm soát.

Ông có tầm nhìn về sự phục hưng của Trung Quốc. Vị chủ tịch này coi mình như một vị cứu tinh, được phú cho thiên mệnh để dẫn dắt đất nước bước vào một "kỷ nguyên mới" vĩ đại, thúc đẩy sự thịnh vượng ngày càng tăng và sự tận tâm chính trị.

Tư tưởng Tập Cận Bình: Quay ‘con dao’ vào trong

Ông Tập đã khởi động các chương trình “Sinicization” nhắm mục tiêu vào các tôn giáo và dân tộc thiểu số, bao gồm cả việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, đàn áp, tra tấn người tu luyện Pháp Luân Công và những người Hồi giáo khác.

Ông đã áp đặt luật an ninh quốc gia mới - bóp nghẹt phong trào ủng hộ dân chủ ở Hong Kong. Ông đã thắt chặt kiểm soát các trường học từ mẫu giáo đến đại học, củng cố “giáo dục lòng yêu nước” với Tư tưởng Tập Cận Bình làm tư tưởng chỉ đạo.

Vào tháng 7/2020, ông công bố một chiến dịch "giáo dục và chấn chỉnh" mới nhằm kỷ luật hệ thống chính trị và luật pháp của Trung Quốc, bao gồm các sĩ quan cảnh sát, thẩm phán và các thành viên của Bộ An ninh Nhà nước.

Theo tác giả Andria Frutos của loạt bài về “Sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc” đối với các quốc gia và cuộc sống của người dân Trung Quốc, các khẩu hiệu của chiến dịch kêu gọi “quay con dao vào trong” để “rút chất độc ra khỏi xương”, nghĩa là tìm kiếm, trừng phạt và cải cách - hoặc thanh trừng - bất kỳ cá nhân nào có khả năng không trung thành.

Ông đã loại bỏ các giới hạn nhiệm kỳ - thực tế là khiến bản thân trở thành nhà lãnh đạo suốt đời - và ghi 'Tư tưởng Tập Cận Bình' vào Hiến pháp, khiến bản thân không tách rời khỏi một đảng xuyên suốt mọi khía cạnh của xã hội Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu năm 2012, ông Tập cho rằng quốc gia này có nguy cơ lặp lại số phận của Liên Xô, nơi “không ai đủ sức mạnh” để khẳng định sự kiểm soát ý thức hệ và chống lại các “ý tưởng phương Tây” như dân chủ, tam quyền phân lập hay pháp quyền. Trung Quốc cần một “người đàn ông” mạnh mẽ để khẳng định lại sức mạnh của ĐCSTQ và truyền cảm hứng cho quần chúng. Và ông Tập đã trở thành trở thành vị chủ tịch "quyền uy tối thượng" như thế.

Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện thời thơ ấu và mong ước 'Tận trung báo quốc' của chủ tịch Tập