Cậu bé được tìm thấy trong tình trạng suy kiệt, không mảnh vải che thân: Hành trình được chữa lành

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tổ chức phi chính phủ tại Nigeria đã tìm thấy và cứu sống một cậu bé trong tình trạng khỏa thân, suy kiệt nghiêm trọng vì bị ngược đãi và bỏ rơi. Câu chuyện về sự hồi sinh của cậu là minh chứng sống động cho sứ mệnh đầy ý nghĩa của tổ chức ấy trong nỗ lực xóa bỏ việc lạm dụng trẻ em và mang đến môi trường an toàn cho mọi trẻ em phát triển.

Vào sáng ngày 29/11/2020, người sáng lập Tổ chức Land of Hope (Miền hy vọng), cô Anja Ringgren Lovén, thức dậy với một tin không vui - có một cậu bé cần được giải cứu. Một đoạn video được gửi đến tài khoản Facebook cá nhân của cô mô tả một cậu bé tiều tụy, không một mảnh vải che thân đang lang thang trên đường phố Uyo, thuộc Bang Akwa Ibom, Nigeria. Họ cầu xin Anja hãy cứu cậu bé.

Hành trình tìm kiếm cậu bé

Lúc ấy Anja đang ở Đan Mạch - quê nhà của mình, nên cô đã chuyển tin nhắn cầu cứu khẩn cấp (SOS) ấy đến cho đội của cô tại Nigeria và nhờ họ thực hiện việc tìm kiếm ngay lập tức.

Epoch Times Photo

Khi được tìm thấy trên phố, cuộc sống cậu bé đã rơi vào tình trạng rất thảm khốc. (Ảnh: được cho phép bởi Anja Ringgren Lovén)

“Cậu bé được phát hiện tại một khu vực cách Trung tâm Land of Hope (Miền hy vọng) khoảng một giờ lái xe”, Anja chia sẻ với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua email.

Nsidibe Orok - Giám đốc phát triển trẻ em của Trung tâm, Joeberry Bassey - Giáo viên mỹ thuật và Ruth Bessong Essien - nhà báo người Nigeria, người đầu tiên chia sẻ hình ảnh cậu bé trên mạng, cùng ra sức tìm kiếm cậu bé.

Theo Anja, khi cậu bé được tìm thấy, cậu bé "cực kỳ suy dinh dưỡng" và "trong tình trạng nguy kịch".

“Cậu bé có những vết thương và vết cắt khắp cơ thể vì bị lạm dụng” cô giải thích. "Cậu ấy đã bị tổn thương tinh thần vì những thảm kịch mà mình phải chịu đựng."

Epoch Times Photo

(Ảnh: được cho phép bởi Anja Ringgren Lovén)

Nsidibe đã đưa cậu bé đến đồn cảnh sát địa phương để trình báo. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết, cậu bé được đưa đến bệnh viện. Tại đây, cậu được chẩn đoán đã mắc phải hàng loạt bệnh như: bệnh sốt rét, sốt phát ban, giun và nhiều bệnh ngoài da khác.

Một “Sự sống” được hồi sinh

Vì cậu bé không thể nói được, nên nhóm cứu hộ không thể biết được tên gốc hay nơi ở của cậu. Do đó, nhóm quyết định gọi cậu là - Life (Sự sống).

“Ý nghĩa của Sự sống rất sâu sắc và Sự sống đại diện cho một sự khởi đầu mới - một sinh mạng đã được cứu” Anja giải thích.

“Do đó, chúng tôi đã rất dễ dàng trong chọn tên Life (Sự sống) cho cậu bé. Cậu ấy đã được trao một cuộc sống mới tại Land of hope này”.

Epoch Times Photo

Nsidibe Orok và Life - vài ngày sau khi được giải cứu (Ảnh: được cho phép bởi Anja Ringgren Lovén)

Tổ chức phi chính phủ (NGO) ấy đã mở một cuộc điều tra về hoàn cảnh của Life, nhưng vẫn chưa thể truy ra gia đình cậu. Họ không biết chút gì về cuộc sống trước đây của cậu bé, cũng như điều gì đã xảy ra, đã gây ra cho cậu những vết thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần đến vậy.

Life phải mất một thời gian dài mới thích nghi được với ngôi nhà mới của mình tại Trung tâm Land of Hope, vì cậu đã sống trên phố quá lâu và phải luôn đối mặt với sự sợ hãi cùng điều kiện thiếu thốn. Những điều tồi tệ ấy đã gây ra những tác động tiêu cực nhất định đến hành vi của cậu.

Anja chia sẻ: “Khi trẻ em sống trên đường phố, chúng buộc phải học cách thích nghi với hoàn cảnh. Do vậy, khi đến Land of Hope, Life thường thức dậy mỗi tối và ngủ trên sàn nhà. Cậu không quen với việc ngủ trên giường”.

“Life có các triệu chứng về hành vi tự hủy hoại thân thể, lo lắng và ức chế tột độ khi chơi với những đứa trẻ khác” cô tiếp tục, “nhưng cậu đã thật sự tiến bộ và học nói được một vài từ…Từng chút một, cậu bé đang học cách tin tưởng người khác”.

Epoch Times Photo

Người sáng lập Land of Hope (Miền hy vọng) - Anja Ringgren Lovén (Ảnh: được cho phép bởi Anja Ringgren Lovén)

Ngày 26/6/2021 vừa qua, nhân “Ngày quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn” và sáu tháng sau hành trình chữa lành của Life, Anja đã chia sẻ câu chuyện đầy xúc động của cậu bé lên Facebook và nhắn gửi thông điệp: “Việc tra tấn trẻ em sẽ gây nên tác động tiêu cực đến suốt cuộc đời các em. Nó có thể làm giảm sự phát triển của não và làm tổn thương các bộ phận khác của hệ thần kinh”.

Theo Anja, tuy việc tra tấn trẻ em là một vấn đề rất nhạy cảm và “không tiện để bàn luận”, nhưng nếu cứ né tránh vấn đề này mãi sẽ không giúp ích được gì cho trẻ em, đặc biệt là những em rất cần được hỗ trợ.

Cô thỉnh cầu: "Tội ác đối với trẻ em thực sự là tội ác ghê tởm nhất và chúng ta cần phải giải quyết để ngăn chặn nó!"

Epoch Times Photo

Life tại nơi yêu thích của mình ở Trung tâm Land of Hope (Ảnh: được cho phép bởi Anja Ringgren Lovén)

9 tháng sau khi được cứu khỏi đường phố Uyo, Life đã học cách mỉm cười trở lại. “Sự chuyển biến của cậu bé là một thử thách, nhưng cũng thật tuyệt vời khi bạn nghĩ về hình ảnh Life trước đây và so với cậu của hiện tại” Anja trải lòng.

Life đã dần trở nên thân thiết với Nsidibe - một trong những người cứu cậu, và khoảng 10 trong số 80 bạn nhỏ khác của Trung tâm. Đặc biệt, Life rất thích giúp Clementine - nhân viên nông nghiệp - tưới hoa trong vườn.

Anja nói với The Epoch Times: “Life thật sự cảm thấy bình yên và được chữa lành từ những bông hoa và cây cối xung quanh đây. Điều này như một lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta rằng thiên nhiên nắm giữ chìa khóa cho việc chữa lành nhận thức”.

Epoch Times Photo

(Ảnh: được cho phép bởi Anja Ringgren Lovén)

Anja chia sẻ, cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc và như được ban một đặc ân khi trở thành một phần trong hành trình chữa lành của một đứa trẻ. Bởi như một câu nói của Nelson Mandela: "Không có bức tranh nào rõ rệt về linh hồn của một xã hội hơn là cách xã hội ấy đối xử với trẻ em".

Hoa Long

Theo The Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Cậu bé được tìm thấy trong tình trạng suy kiệt, không mảnh vải che thân: Hành trình được chữa lành