Cặp vợ chồng hào phóng nhất nước Anh: Nhận nuôi hơn 600 đứa trẻ mồ côi suốt 56 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cặp vợ chồng đã nuôi dưỡng hơn 600 đứa trẻ trong hơn 56 năm và từng biến khu vườn của họ thành nơi cắm trại để có đủ chỗ ở cho lũ trẻ. Mới đây, hai vợ chồng đã tuyên bố “nghỉ hưu”, vì họ đã lớn tuổi và khó có thể chăm sóc tốt cho lũ trẻ được nữa.

Từ khi còn trẻ, ông bà Pauline và Roger Fitter, ở Haslemere, West Sussex, luôn mong muốn có thể giúp đỡ càng nhiều trẻ em mồ côi càng tốt. Những đứa trẻ được họ nhận nuôi đến từ khắp đất nước, thậm chí ở Belarus và Litva, từ ba ngày tuổi đến tuổi vị thành niên. Ngoài việc chăm sóc và nuôi dưỡng những đứa bé cơ nhỡ, không nơi nương tựa, họ còn phải nuôi dưỡng 4 đứa con ruột và một đứa con nuôi chính thức.

Cả trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hai vợ chồng ông bà vẫn nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi cho đến khi chúng tìm được một gia đình mới.

Bà Pauline nay đã 81 tuổi và ông Roger, chồng bà đã 86 tuổi, vì tuổi cao sức yếu và không thể chăm sóc lũ trẻ được nữa nên mới đây cặp vợ chồng đã quyết định “nghỉ hưu” sau 56 năm làm công việc này.

Cắm trại trong vườn và thức đêm chăm con

Đã có lúc, gia đình ông bà nhận cùng lúc 11 đứa trẻ về nhà, bà Pauline phải cắm trại ở khu vườn sau nhà để làm nơi ở cho chúng.

“Tôi như một nữ hướng đạo sinh vậy. Chúng tôi cắm trại ở vườn sau nhà, ngủ trong lều và kiểm tra các con vào mỗi sáng”, bà Pauline chia sẻ.

Bà Pauline là một phụ nữ gốc Yorkshire, vợ chồng bà sống trong một ngôi nhà biệt lập. Nhưng từ nay, ngôi nhà của họ sẽ trở nên yên tĩnh hơn nữa khi không còn nghe tiếng trẻ em khóc cười. Ông Roger nay đã già và cần một nơi yên tĩnh nghỉ ngơi sau giờ làm việc, ông đang là một nhà tư vấn lâm nghiệp tư nhân.

Trong 56 năm qua, đôi vợ chồng già đã lưu giữ rất nhiều kỷ niệm về những đứa trẻ mà họ từng chăm sóc. Họ có một bộ sưu tập album hình ảnh về mỗi đứa trẻ từng đến với ngôi nhà của mình.

Bà Pauline chia sẻ rằng: “Tôi sinh năm 1940, trong thời kỳ chiến tranh. Tôi đã không gặp cha mình trong 5 năm đầu đời, và tôi cũng biết bạn bè tôi có những người mà cha của họ không bao giờ có thể trở về nữa”.

“Năm 19 tuổi, tôi quyết định mình sẽ chăm sóc những đứa trẻ mồ côi hoặc không nơi nương tựa, càng nhiều càng tốt”.

Khi còn là một cô gái trẻ, bà Pauline đã chuyển đến West Sussex để chăm sóc hai đứa con thơ của ông Roger sau khi vợ ông đột ngột qua đời. Nhưng sau đó họ yêu nhau và kết hôn vào tháng 9/1965.

Đứa trẻ đầu tiên đến với họ là vào tháng 12/1965 từ Dịch vụ Xã hội West Sussex. Cậu bé bị viêm phế quản và cặp vợ chồng đã chăm sóc bé trong một chiếc lều xông hơi thủ công. Đến một ngày cậu bé đột ngột bị đưa đi vì đã có gia đình nhận nuôi dưỡng bé.

"Con ở với chúng tôi 10 tuần. Đêm đứa bé rời đi, chúng tôi nhìn chằm chằm vào chiếc cũi cuối giường. Tôi khóc nức nở và anh Roger nói 'nếu nuôi dưỡng những đứa trẻ để lại chuyện buồn như thế thì sau này chúng ta không làm nữa", bà Pauline kể lại.

Bà Pauline nay đã 81 tuổi và ông Roger, chồng bà đã 86 tuổi và không nhận nuôi trẻ cơ nhỡ nữa (Ảnh: tổng hợp)
Bà Pauline nay đã 81 tuổi và ông Roger, chồng bà đã 86 tuổi , họ quyết định "nghỉ hưu" , không nhận nuôi trẻ cơ nhỡ nữa (Ảnh: tổng hợp)

Mặc dù như vậy, những năm sau đó họ tiếp tục đón hàng trăm đứa trẻ đến ở nhà mình.

Bà Pauline nói rằng, sau đứa bé đầu tiên thì lần lượt có 5 em bé sơ sinh khác đến chỉ trong một năm. Điều này đồng nghĩa việc họ phải thức đêm cho lũ trẻ bú và không được ngủ nhiều.

"Roger nói đùa rằng, nhà chúng tôi là một 'dây chuyền sản xuất'. Mỗi tối đi làm về anh ấy hay đếm những đứa trẻ trên bàn ăn, để kiểm tra xem có ai khác mới đến hay không", bà nói.

Lòng trắc ẩn đã cứu giúp nhiều cuộc đời bất hạnh

Trải qua nhiều lần đón và đưa những đứa trẻ đến gia đình mới của chúng, bà Pauline đã quen với việc đó và không khóc nữa. Bà nói: "Chúng tôi từng có quy tắc rằng, khi tôi mua cho chúng một chiếc vali thì có nghĩa là tương lai của chúng sắp bắt đầu. Và chúng tôi luôn coi những lần ra đi của chúng như một lễ kỷ niệm. Nó giống như leo núi: chúng tôi đưa chúng lên đỉnh núi, rồi lại đi bộ xuống để dắt một đứa trẻ khác lên".

Nhiều đứa trẻ đến nay vẫn giữ liên lạc với ông bà. Có những đứa trẻ nay đã trưởng thành, có công việc và gia đình riêng. Ví dụ, một cặp song sinh đến với ông bà năm 13 tuổi, ở lại nhà đến năm 17 tuổi. Một trong số này đã định cư ở Australia và gửi ảnh cưới tại cảng Sydney cho vợ chồng Pauline. Còn người kia thường vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm, người này hiện làm việc cho một công ty xây dựng, cũng đã hạnh phúc với tổ ấm có hai con gái.

Bà Pauline kể: “Có lần, một người phụ nữ chào tôi trong công viên Caravan ở Chichester, và hỏi rằng, ‘dì Pauline phải không ạ? Cô ấy đang đi cùng chồng và các con. Tôi không nhớ nổi cô ấy là ai cho đến khi nhìn vào các con của cô ấy. Chúng trông y chang cô khi còn nhỏ. Cô ấy đến gia đình chúng tôi khi cô mới 3 tuổi và ở lại 18 tháng”.

Cô gái này được bà Pauline cưu mang và nay cũng đã trở thành một người mẹ hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 5 vừa qua, vợ chồng ông bà Fitter đã giao đứa trẻ cuối cùng cho một gia đình nuôi dưỡng. Cậu bé đến với gia đình bà Pauline khi nước Anh phong tỏa lần đầu tiên. Em bé 20 tháng tuổi, hoạt bát và đáng yêu. Khi chia tay cậu bé này, cảm xúc của họ khác trước rất nhiều. "Chứng kiến đứa con cuối cùng ra đi vào tháng Năm là chuyện thực sự khó khăn, bởi vì tôi biết không còn đứa trẻ nào nữa sẽ thay thế", bà Pauline nói.

Ông Roger gần đây đã xây một cái ao ở cuối khu vườn để thay thế tấm bạt lò xo, xích đu và cầu trượt vốn được làm dành cho lũ trẻ chơi.

Nay, vợ chồng ông bà đã lớn tuổi, ông Roger cũng cần một nơi yên bình đã an dưỡng tuổi già. Họ không tiếp tục công việc cưu mang những đứa trẻ nữa, nhưng họ đang hy vọng ai đó sẽ tiếp tục thay họ làm việc đó.

Để ghi nhớ tấm lòng nhân hậu của vợ chồng ông bà Fitter, Hội đồng Quận West Sussex đã tổ chức một buổi tiệc trà ở Hội trường Quận Chichester vào đầu mùa hè này, và trao tặng họ một bằng khen.

Ông Daniel Ruaux, Trợ lý Giám đốc Dịch vụ Trẻ em tại địa phương cho biết: “Tình yêu và sự cống hiến của họ đã thay đổi cuộc sống của hàng trăm trẻ em. Họ đã dành 56 năm yêu thương và tận tụy. Không có lời cảm ơn nào có thể diễn tả hết tấm lòng nhân hậu của họ trong 56 năm qua. Câu chuyện của họ thật phi thường và truyền cảm hứng cho rất nhiều người khác”.

Thiên Cầm

Theo dailymail & mirror



BÀI CHỌN LỌC

Cặp vợ chồng hào phóng nhất nước Anh: Nhận nuôi hơn 600 đứa trẻ mồ côi suốt 56 năm