Cách xử lý khi thang máy 'vượt tốc' hoặc 'rơi tự do'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thang máy là phương tiện vận chuyển không thể thiếu trong các tòa nhà cao tầng. Nhưng khi vận hành có thể xảy ra hỏng hóc hoặc sự cố. Bài viết cung cấp một vài cách xử lý khi ở trong tình huống khẩn cấp hoặc thang máy rơi tự do.

Theo nghiên cứu thì thang máy là một trong những phương tiện vận chuyển an toàn nhất với tỷ lệ tử vong chỉ 0,00000015%. Mặc dù xác suất xảy ra tai nạn không cao vì thang máy thường xuyên được bảo trì định kỳ trong các tòa nhà lớn. Tuy nhiên, hàng năm đều có báo cáo về các vụ thang máy “rơi tự do”, người dân bị kẹt trong thang máy, hoặc mới đây nhất là một cô gái 21 tuổi ở Hà Nội đã rơi từ thang máy tầng 7 xuống đất và tử vong.

Những sự cố có thể gặp khi sử dụng thang máy

Theo Cibes Lift Việt Nam, trong quá trình sử dụng thang máy có 7 sự cố chúng ta có thể gặp:

  • Thang máy mất điện đột ngột
  • Thang máy bị treo
  • Mất kiểm soát về tốc độ
  • Thang máy rơi tự do
  • Thang máy không đóng được cửa
  • Thang máy bị kẹt
  • Dừng tầng không chính xác

Một trong những sự cố khiến mọi người sợ hãi khi sử dụng thang máy là thang máy chạy vượt tốc hoặc rơi tự do. Tuy nhiên, hầu như các trường hợp tử vong là do người dùng bước vào thang máy hỏng hóc chưa được sửa chữa, hoặc mắc kẹt ngay cửa thang máy, hoặc rơi từ trên cao xuống khi cố tìm cách thoát ra khỏi thang máy bị kẹt.

Một cô gái tử vong do bị rơi xuống tầng hầm thang khi đang trèo ra từ thang máy tầng 7 tại phố Kim Mã, quận Bà Đình. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)
Một cô gái tử vong do bị rơi xuống tầng hầm thang khi đang trèo ra từ thang máy tầng 7 tại phố Kim Mã, quận Bà Đình. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Vậy nếu trong trường hợp thang máy vượt tốc hoặc rơi tự do, chúng ta cần xử lý như thế nào?

Định nghĩa: Thang máy rơi tự do là đứt cáp rơi thẳng xuống hố pít của thang. Nhiều người cho rằng, khi sử dụng thang máy, cabin tự dưng chạy với tốc độ nhanh hơn bình thường nghĩa là thang máy đang rơi tự do, nhưng không phải, đây chỉ là "chạy vượt tốc" thôi.

Thang máy tụt cáp, trôi nhanh qua một số tầng rồi dừng lại là hiện tượng không hiếm gặp ở thang máy, nhất là các thang máy ở các tòa nhà cao tầng, còn hiện tượng "thang máy rơi tự do" thì rất hiếm gặp.

Cách xử lý khi thang máy rơi tự do

Xét về góc độ an toàn khi thang máy gặp sự cố, chuyên gia cho rằng trong bất kỳ tình huống nào, nếu người bên trong giữ được bình tĩnh để sáng suốt phản ứng sẽ giúp giảm thiểu thương vong. Các chuyên gia đưa ra một số lưu ý như sau:

  • Thông thường đang ở trong thang máy mà bị ngừng đột ngột, mọi người sẽ hoảng loạn, khóc lóc và tìm mọi cách "tháo tung" cabin để thoát ra ngoài. Phản ứng này trên thực tế không có ích gì mà chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Do đó điều đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh, không tìm mọi cách phá thang máy để trèo lên trên, hay dùng tay để mở cửa vì dường như không thể.
  • Hãy bấm nút mở cửa cabin. Nếu không được thì đừng quá sợ hãi. Nhiều người bị ám ảnh bởi những bộ phim hành động nên lo ngại khi thang máy gặp sự cố sẽ bị ngộp vì không đủ oxy. Trên thực tế, tình huống này hiếm khi xảy ra.
  • Bấm chuông báo động khẩn cấp hoặc nút trợ giúp (thường là nút nổi bật nhất trong cabin) là điều cần làm, nhưng khi bị mất bình tĩnh, nhiều người sẽ quên thao tác này.
  • Nếu nút báo động không phát huy tác dụng, hãy gọi to hoặc gõ vào thành thang máy để báo cho người ở ngoài biết.
  • Trường hợp thang máy rơi "không phanh", một số người nghĩ rằng nhảy liên tục trên sàn thang máy sẽ an toàn hơn. Điều này hoàn toàn sai lầm. Về lý thuyết, để an toàn, bạn phải nhảy lên cùng lúc và cùng tốc độ với thang máy trôi (khoảng 160 km một giờ), đó là điều không tưởng. Vì vậy, nhảy lên chỉ làm gia tăng mức độ nguy hiểm mà thôi.

Cách an toàn là nằm thẳng trên sàn tại vị trí gần trung tâm thang máy: Cách nằm này để giúp phân bố đều lực rơi lên toàn bộ cơ thể, giảm thiểu thương tích. Gối đầu lên một tay, một tay che mặt để giảm bớt bị thương vào đầu và giảm thiểu vật dụng phía trên rơi xuống làm mặt bị thương.

Cách xử lý khi thang máy chạy vượt tốc

  • Nhanh chóng nhấn tất cả các nút trên bảng điều khiển: Việc làm này nhằm kích hoạt bộ cung cấp điện khẩn cấp, giúp thang máy không bị rơi thêm.
  • Nắm chặt tay vịn trong thang máy: Điều này giúp bạn giữ được vị trí của mình, không bị ngã hay va chạm khi thang máy chao đảo, mất cân bằng. Cùng với đó, bạn cố dựa chắc lưng và đầu vào tường thang máy, tạo thành đường thẳng để tránh ảnh hưởng đến cột sống.
  • Hoặc nằm thẳng trên sàn tại vị trí gần trung tâm thang máy như trong trường hợp thang rơi tự do ở trên.
  • Đừng cố gắng nhảy lên khi thang máy chạm đất: Đây thực sự là một quan niệm sai lầm, bởi theo lý thuyết, tốc độ rơi của thang máy khoảng 160km/h nhưng con người chỉ có thể nhảy 3 - 4km/h mà thôi. Do đó, nếu bạn nhảy lên, nguy cơ chấn thương còn cao hơn.

Trường hợp thang máy rơi xong dừng đột ngột

  • Giữ bình tĩnh: Bạn nên biết rằng, có khá ít trường hợp có người chết khi bị nhốt trong thang máy, và phần lớn chúng ta sẽ thoát khỏi thang máy đóng kín mà không hề bị trầy xước.
  • Bấm nút mở cửa: Khi thang máy dừng đột ngột, bạn đừng bấm nhiều nút mà hãy thử ấn nút mở cửa. Nếu thang máy không phản ứng gì thì hãy ấn nút cứu hộ và làm theo hướng dẫn trên bảng điều khiển.
  • Liên lạc với người bên ngoài: Đập cửa, gọi to, gọi điện ra bên ngoài để gọi người đến giúp. Đừng vội vàng, hoảng sợ dùng tay cạy cửa thang máy bởi cách này không có tác dụng mà còn làm bạn bị đau và mất sức.
  • Tuyệt đối không leo ra ngoài thang máy: Nguy cơ bị kẹp giữa thang máy và sàn nhà là rất cao nên bạn tuyệt đối không được leo ra ngoài bằng cửa thoát hiểm trên nóc cabin (trên nóc cabin có nhiều thiết bị điện và bạn có thể bị điện giật). Kinh nghiệm cho thấy, trong trường hợp kẹt thang máy, ở trong cabin là an toàn nhất.
Hãy ra hiệu cho người bên ngoài biết nếu bạn mắc kẹt mà không mang theo điện thoại (Ảnh: Pixabay)
Hãy ra hiệu cho người bên ngoài biết nếu bạn mắc kẹt mà không mang theo điện thoại (Ảnh: Pixabay)

Gọi cứu hộ khẩn cấp

Trường hợp bị mắc kẹt trong thang máy gặp sự cố, chúng ta có thể gọi vào số Hotline của nhà sản xuất. Người cầm số Hotline thường là chuyên viên có kỹ thuật, có khả năng xử lý tình huống, hỗ trợ...
Nếu không đem theo di động, bạn có thể gọi to, đập cửa hoặc ra hiệu (với thang máy vách kính) để người bên ngoài nhận ra tình trạng của bạn và hỗ trợ kịp thời.

Khi đội cứu hộ đến hỗ trợ, hãy chú ý lắng nghe các hướng dẫn của họ. Bạn cũng nên cho đội cứu hộ biết tình trạng hiện tại của mình để họ kịp thời giúp đỡ.

Thiên Cầm

(t/h)

 



BÀI CHỌN LỌC

Cách xử lý khi thang máy 'vượt tốc' hoặc 'rơi tự do'