Cách Trung Quốc gây ra căng thẳng chủng tộc ở Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một chính phủ như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - “bóp chết” nhân quyền và coi bất kỳ sự khác biệt văn hóa và tôn giáo nào là mối đe dọa, không bao giờ cho phép bầu cử tự do ở đất nước mình - lại có thể chế nhạo tiến trình dân chủ và thuyết giảng về nhân quyền của Mỹ?

Đoạn phim về một cuộc tấn công tàn bạo vào cuối tháng 3/2021 đối với một phụ nữ Mỹ gốc Á 65 tuổi ở Manhattan - đã thu hút sự phẫn nộ trên mạng xã hội. Nó cũng tạo nên một "buổi chiều hiệu quả" cho ông Triệu Lập Kiên. Từ văn phòng ở Bắc Kinh, người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc đã tweet lại 20 bài đăng và chia sẻ video 12 lần trên tài khoản Twitter chính thức của mình.

“Chúng tôi không khỏi tự hỏi, ai sẽ là nạn nhân tiếp theo? Khi nào mọi thứ mới kết thúc?”, ông ấy đã hỏi gần 900.000 người theo dõi của mình.

Ông Triệu không phải là người duy nhất bận rộn. Sau vụ xả súng ở spa Atlanta vào ngày 16 tháng 3, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã sử dụng Facebook, Twitter và YouTube để đưa ra “một câu chuyện về sự phân biệt chủng tộc và thù hận của người Mỹ”.

Một bài đăng trên Twitter từ Global Times - một tờ báo của ĐCSTQ, cho thấy Tượng Nữ thần Tự do với tay cầm súng; trên một hình cắt bằng bìa cứng nhỏ xíu được đánh dấu là "Châu Á", với một mục tiêu (bị nhắm bắn) trên ngực.

Một phim hoạt hình khác, được chia sẻ bởi CGTN - chi nhánh quốc tế của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, cho thấy một trung tâm tiêm chủng COVID-19 của Mỹ, và một thanh niên châu Á hỏi bác sĩ rằng: “Nhân tiện, có vaccine cho phân biệt chủng tộc không?”

200 nhà ngoại giao tiên phong ‘gầm gừ’ và ‘ném đá’

Hai năm trước, Trung Quốc hầu như không có sự hiện diện ngoại giao trên mạng xã hội phương Tây. Hiện có khoảng 200 nhà ngoại giao “gầm gừ” và “ném đá” theo cách của họ xung quanh các nền tảng này - được xem là đội tiên phong thúc đẩy sự phối hợp của các tổ chức do ĐCSTQ kiểm soát, kết hợp với một loạt các tài khoản “không có thật và đang thay đổi” - để gieo rắc thông tin sai lệch và bất hòa.

Mạng Truyền hình Quốc tế Trung Quốc CGTN châu Âu. (Ảnh TOLGA AKMEN / AFP qua Getty)
Mạng Truyền hình Quốc tế Trung Quốc CGTN châu Âu. (Ảnh TOLGA AKMEN / AFP qua Getty)

Trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, họ thúc đẩy các thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus. Bắc Kinh đã tung ra thông tin tuyên truyền và xuyên tạc quốc tế thông qua hàng nghìn tài khoản Twitter giả và bị chiếm đoạt. ĐCSTQ tìm cách thể hiện mình như một nhà lãnh đạo và nhà hảo tâm trong lĩnh vực y tế cộng đồng, đồng thời phê phán các nỗ lực của các nền dân chủ phương Tây.

EU cáo buộc Trung Quốc đang thực hiện “một chiến dịch thông tin sai lệch toàn cầu - để giảm bớt sự đổ lỗi cho sự bùng phát của đại dịch”.

Vào tháng 6 năm ngoái, Twitter đã đóng cửa 170.000 tài khoản liên kết với chính phủ Trung Quốc, với lý do “một loạt các hoạt động phối hợp và thao túng”. YouTube đã cấm gần 2.600 kênh Trung Quốc chỉ trong quý II/ 2020 - như một phần của cuộc điều tra “về các hoạt động phối hợp gây ảnh hưởng có liên quan đến Trung Quốc”.

CGTN bị cáo buộc phát tán thông tin và tuyên truyền sai lệch trên Twitter về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã thao túng các hình ảnh và video, và mô tả những người biểu tình là công cụ bạo lực của phương Tây, thực hành "khủng bố". Twitter đã phải xóa gần 1.000 tài khoản và đình chỉ hàng nghìn tài khoản khác trong chiến dịch “hoạt động thông tin quan trọng được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn".

Mùa hè năm ngoái, các nhà ngoại giao Trung Quốc "say sưa" với các cuộc biểu tình của người Mỹ, ủng hộ phong trào Black Lives Matter với sự thích thú và cáo buộc chính phủ Mỹ đạo đức giả về nhân quyền.

Khi nói đến chiến dịch bầu cử tổng thống và kết quả “bất thường” của nó, Bắc Kinh - một chính phủ không bao giờ cho phép bầu cử tự do ở đất nước mình - đã chế nhạo tiến trình dân chủ của Mỹ. Các phương tiện truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát đã đưa ra một câu chuyện về sự suy tàn của nước Mỹ, làm nổi bật sự hỗn loạn, rối loạn chức năng và mối đe dọa bạo lực - tất cả đều được khuếch đại bởi mạng xã hội.

Lợi dụng chủ đề ‘bạo lực chống người châu Á’

Trung Quốc đã theo đuổi chủ đề này khi đưa tin về bạo lực chống người châu Á gần đây, sử dụng chủ đề này để làm chệch hướng sự chú ý khỏi cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bắc Kinh hy vọng sẽ chặn lại phản ứng phối hợp, các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Anh, Canada và EU nhằm chống lại các quan chức Trung Quốc.

Với việc các công ty phương Tây đang chịu áp lực về việc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên đã tweet:Thực tế lịch sử là #UnitedStates (Mỹ) đã buộc nô lệ da đen thu thập bông. Ai trên trái đất bị cưỡng bức lao động?”

Sau đó, ông Triệu đã tweet: “Âm mưu gây sốc của Mỹ và phương Tây: gây bất ổn #Xinjiang (Tân Cương) và kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Những ‘vết bẩn bằng bông’ chỉ là một phần của âm mưu lớn hơn”.

Các hãng tin tức do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc dường như nằm trong số các tài khoản được xếp hạng cao nhất trên Twitter và Facebook:

  • CGTN có 13,6 triệu người theo dõi trên Twitter và 116 triệu trên Facebook.
  • Global Times có 1,8 triệu trên Twitter và 62 triệu trên Facebook.
  • Tân Hoa Xã, một hãng thông tấn nhà nước, có 12,4 triệu trên Twitter và 89 triệu trên Facebook.

Các nhà ngoại giao ít được biết đến đã nhanh chóng tạo dựng được lượng người theo dõi để sánh ngang với những “minh tinh Hollywood”.

Các kênh này thật sự có một lượng khán giả lớn như vậy để truyền bá văn hóa? Thực tế cho thấy các chương trình tự động (bot) tạo ra những người theo dõi giả và lượt thích giả - giúp các trang tăng thêm uy tín và phạm vi tiếp cận, và từ đó thu hút người dùng hợp pháp. Các tài khoản giả hoặc bị xâm nhập được sử dụng làm “bộ khuếch đại” để đẩy các bài đăng và tweet, đưa chúng trở thành xu hướng.

Mục đích của họ là gieo rắc sự chia rẽ, nghi ngờ và không tin tưởng; phát hiện và khai thác các vết nứt để làm suy yếu mục tiêu.

Ông Triệu Lập Kiên đã đăng dòng tweet sau vụ tấn công người châu Á tại Manhattan, chứa đầy “sự tuyệt vọng”:

“Mọi người bị làm sao vậy?”

“Cái này khó xem kinh khủng”.

“Trời ơi, chuyện gì đang xảy ra với đất nước này vậy?”

”Đây là tình trạng khẩn cấp”.

Global Times tuyên truyền trong một tweet gần đây, rằng mối quan hệ song phương Mỹ-Trung xấu đi góp phần vào sự gia tăng phân biệt đối xử.

TikTok và WeChat - vũ khí đáng gờm

ĐCSTQ cũng có vũ khí đáng gờm dưới dạng TikTok và WeChat.

Ứng dụng TikTok, phổ biến với những người từ 16 đến 24 tuổi, thuộc sở hữu của công ty ByteDance của Trung Quốc. TikTok ước tính có khoảng 100 triệu người dùng ở Hoa Kỳ, bị chỉ trích vì thu thập dữ liệu cá nhân và xâm phạm vào bảo mật dữ liệu của người dùng - được cho là đã được chia sẻ với các bên thứ ba ở Trung Quốc.

Ứng dụng này có rất nhiều thông tin, bao gồm loại video bạn xem, thời lượng, lượt thích, nhận xét và chia sẻ của bạn; cũng như dữ liệu người dùng như tuổi, giới tính và vị trí. Ở Trung Quốc, công ty này triển khai công nghệ này để kiểm duyệt nội dung và quảng bá tuyên truyền của ĐCSTQ.

Nó tuyên bố không kiểm duyệt ở Mỹ, nhưng tất cả các công ty Trung Quốc “theo luật” phải hợp tác với ĐCSTQ về “an ninh quốc gia”.

Một chiếc điện thoại di động hiển thị logo của các ứng dụng Trung Quốc WeChat và TikTok trước màn hình hiển thị cờ của Hoa Kỳ và Trung Quốc trên một trang internet, vào ngày 22 tháng 9, 2020 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Kevin Frayer / Getty Images)
Một chiếc điện thoại di động hiển thị logo của các ứng dụng Trung Quốc WeChat và TikTok trước màn hình hiển thị cờ của Hoa Kỳ và Trung Quốc trên một trang internet, vào ngày 22 tháng 9, 2020 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Kevin Frayer / Getty Images)

WeChat đưa ra một loại thách thức khác. Nó nhắm đến những người nói tiếng Trung, với ước tính khoảng 19 triệu người dùng thường xuyên ở Mỹ. Đối với những người nhập cư, nó đã trở thành một công cụ quan trọng để giữ liên lạc với bạn bè, gia đình và sự phát triển ở Trung Quốc. Điều này đã làm cho nó trở thành một vũ khí kiểm soát xã hội, kiểm duyệt và thông tin sai lệch.

Ở nước ngoài, nó đã được sử dụng để đe dọa người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và những người bất đồng chính kiến ​​khác, với những lời đe dọa được chuyển tiếp qua người thân ở nhà.

Nhưng mối nguy hiểm rộng lớn hơn là đưa tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc vào các cộng đồng nói tiếng Trung, định hình những gì họ đọc và nhìn thấy - tạo ra và phóng đại sự chia rẽ trong nước Mỹ.

Chính quyền Trump đã tìm cách cấm cả TikTok và WeChat vì lý do an ninh quốc gia, và Tổng thống Biden đã "đi ngược lại" - tạm dừng hành động chống lại các công ty Trung Quốc này.

Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng lợi thế này, thể hiện mình là nhà vô địch của các cộng đồng người Mỹ gốc Á, sau bạo lực chống người châu Á gần đây.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã bị đình chỉ tài khoản Twitter vào tháng 1/2021, sau khi trả lời về việc cưỡng bức triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ rằng họ đã được “giải phóng” khỏi chủ nghĩa cực đoan và không còn là “cỗ máy sinh con”. Đó là cách tiếp cận điển hình của Trung Quốc nhằm minh oan cho sự tàn bạo của mình.

Trong việc nhắm mục tiêu vào chính trị bản sắc, Trung Quốc đang đặt ra những vấn đề khó khăn nhất và gây chia rẽ ở Mỹ. Hãy xem nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì không chút xấu hổ mắng nhiếc ngoại trưởng Antony Blinken vì thành tích của Mỹ về nhân quyền.

Trong khi đó, ở quê nhà, ĐCSTQ “bóp chết” nhân quyền và coi bất kỳ sự khác biệt văn hóa và tôn giáo nào là mối đe dọa. Đây là nguyên nhân thúc đẩy cuộc đàn áp kinh hoàng ở Tân Cương, nơi chính quyền này đang tìm cách bức hại người Duy Ngô Nhĩ. Giới lãnh đạo ĐCSTQ không có tư cách thuyết giảng cho bất kỳ ai về nhân quyền hay chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, họ vẫn cứ làm.

Thanh Vân - Đức Duy

Theo The Spectator.



BÀI CHỌN LỌC

Cách Trung Quốc gây ra căng thẳng chủng tộc ở Mỹ