Cách tôi dạy con tiếp bước trên con đường trở thành doanh nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với bốn chiến lược dưới đây, thông qua việc nuôi dạy và ảnh hưởng trực tiếp đến con cái mình, các bạn có thể giúp ích rất nhiều trong việc tạo ra một thế hệ doanh nhân thành đạt tiếp theo.

Nếu bạn là người đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh, chắc hẳn bạn sẽ muốn truyền đạt, nuôi dạy cho con cái chúng ta khả năng làm điều tương tự, hoặc thậm chí thành công hơn. Tuy nhiên, để thành công trong kinh doanh, thường đòi hỏi bạn phải làm việc gấp đôi người bình thường - 16 giờ mỗi ngày và thời gian dành cho gia đình thường chỉ có thể chiếm vị trí quan trọng thứ 2.

Hãy suy ngẫm một chút - chúng ta không có quá nhiều thời gian bên con cái đâu, hãy trân trọng những phút giây bên chúng. Trong chớp mắt, con cái chúng ta sẽ lớn lên rất nhanh và chúng sẽ có cuộc sống riêng của mình, vì vậy, hãy tham gia mọi việc cùng con cái ngay khi có thể.

Khi nhìn lại quá trình nuôi dạy con cái của mình, tôi nhận ra bốn chiến lược quan trọng có thể đã giúp chúng trở thành những người trưởng thành có trách nhiệm, thành công trong kinh doanh như ngày nay.

1. Giữ lời

Nếu bạn nói mình sẽ làm điều gì đó, hãy giữ lời và làm điều đó. Đừng đưa ra những lời đe dọa hoặc hứa hẹn suông rồi lại không thực hiện.

Trẻ con thích sự ổn định.

  • Đừng nói với trẻ rằng bạn sẽ lấy đi thùng đồ chơi cho con, rồi sau đó quay lại chỉ với chiếc xe cứu hỏa.
  • Đừng nói rằng nếu trẻ không tự chơi, chúng sẽ phải giúp mẹ giặt quần áo.
  • Đừng nói rằng nếu trẻ không dọn dẹp phòng của mình, chúng phải dành cả ngày thứ Bảy để dọn dẹp cho đến khi sạch sẽ.

Đừng đe dọa con khi mà bạn không nỡ lòng thực hiện điều đó. Chỉ đưa ra những hình phạt mà bạn sẵn sàng thực thi.

Trên thực tế, đôi khi sẽ tốt hơn nếu như không đe dọa gì cả, chỉ cần chỉ cho con thấy một kết quả ở tương lai mà bạn và con đều có thể đoán trước được; và “kiên định” với kết quả đó.

Luôn làm những gì bạn nói và nói những gì bạn muốn làm. Khi con cái hiểu được điều này, bạn sẽ thấy trẻ rất trung thực và tôn trọng bạn. Điều này giúp con có được sự ổn định, đồng thời còn giúp chúng học được rằng “giữ lời và thực hiện lời mình nói rất quan trọng - ngay cả khi khó khăn”.

Ngoài ra, hãy tỏ ra là một người cha/mẹ đáng tin cậy, chẳng hạn như ưu tiên thời gian cho bữa tối của gia đình. Bạn sẽ có được những phút giây “đáng trân trọng” hoặc thời gian giao lưu cùng mọi thành viên trong gia đình. Việc bạn có mặt đúng như đã hứa trong bữa tối sẽ giúp con tôn trọng bạn và giúp chúng hiểu được tính chính trực - vì chúng nhận ra rằng bạn luôn giữ lời hứa của mình.

2. Đưa con cái đến làm việc cùng bạn

Nếu công việc kinh doanh đang kéo bạn dần xa con cái, hãy để con tham gia nhiều hơn vào công việc kinh doanh của bạn. Để chúng quét nhà, xếp các hộp lại với nhau, lau bàn hoặc dán nhãn lên đồ vật.

Nếu chúng có thể đảm đương nhiều việc hơn, hãy giúp chúng “tăng cường khả năng” như: đóng gói các đơn đặt hàng, hoặc nhập dữ liệu.

Khi còn nhỏ, nếu con trẻ được trải nghiệm những việc như thế này, thì đến khi chúng tốt nghiệp trung học, chúng sẽ có kinh nghiệm về vận chuyển, tiếp nhận, dây chuyền sản xuất, quản trị văn phòng, máy tính - một số lượng lớn các công việc và kỹ năng khác nhau.

Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi có một tiệm làm đẹp, và tôi đã giúp bà đặt lịch hẹn và bán hàng cho khách. Đó là một kinh nghiệm dạy cho tôi biết cách cư xử tốt với mọi người. Tôi đã làm điều tương tự cho những đứa con của mình, và bây giờ, khi trưởng thành, mấy đứa con tôi ít khi gặp phải thất bại.

Không phải là chúng không bao giờ thất bại, mà bởi vì chúng luôn có ít nhất 10 công việc khác nhau để có thể làm, điều này giúp chúng dễ thích nghi với thất bại và không bỏ lỡ một nhịp nào.

3. Giúp con có trách nhiệm

Cố gắng bắt một đứa trẻ làm điều gì đó - mà không phải là niềm đam mê của chúng - chẳng khác nào cố nhét vừa khít cái hộp hình vuông vào cái lỗ hình tròn.

Thay vào đó, hãy để chúng tự tìm thấy niềm đam mê và có trách nhiệm hoàn thành một vài công việc khác nhau xung quanh ngôi nhà của bạn. Ví dụ, hãy để con giúp bạn rửa xe, tưới cây...

Có thể kết quả của công việc con làm không như bạn mong muốn, nhưng điều quan trọng là giúp con có kinh nghiệm, và tài năng của chúng có cơ hội được phát triển một cách tự nhiên.

Khi con trẻ khát khao được trải nghiệm và thực hành ở một lĩnh vực nào đó và được bạn khuyến khích, ủng hộ, thì những kỹ năng liên quan đến lĩnh vực ấy ngày càng được phát triển nhiều hơn.

4. Dạy con hiểu được giá trị của việc nỗ lực

Dạy trẻ hoàn thành công việc là một điều tuyệt vời, nhưng đây chỉ là một nửa của việc mà bạn cần phải làm.

Bạn cần “thưởng chúng tương xứng” với những gì con đã nỗ lực đóng góp. Điều này dạy cho trẻ rằng công việc của con có giá trị, và sự tưởng thưởng có thể ở nhiều dạng - tiền, phần thưởng, chuyến đi chơi hoặc sự có mặt của bạn trong các hoạt động mà con yêu thích.

Lấy trường hợp của cháu gái tôi làm ví dụ điển hình. Cô bé thích được chở đi bằng xe máy hơn bất cứ thứ gì khác. Sau một vài ngày cháu có những hành vi không tốt, tôi hứa với cháu rằng sẽ chở cô bé đi trên xe máy của mình, nếu như trong ba ngày kế tiếp, cách cư xử của bé có những cải thiện tích cực hơn. Tuy không hài lòng lắm với kết quả của ngày thứ ba, nhưng tôi vẫn giữ lời hứa của mình.

Đôi khi bạn chỉ cần thưởng cho con một món đồ chơi trị giá trị nhỏ, nhưng đó sẽ là một món quà cực kỳ ý nghĩa đối với con trẻ - vì những nỗ lực của chúng đã được công nhận. Khi trẻ hiểu và học được giá trị của những nỗ lực; thì khi trưởng thành, con sẽ biết cách tạo ra những khoản đầu tư tốt.

Điểm mấu chốt

Không bao giờ là quá sớm để dạy con cái bạn về giá trị của sự chăm chỉ làm việc. Hãy hướng dẫn cho con những công cụ cần thiết để thành công. Dĩ nhiên, con bạn có thể sẽ mắc sai lầm, nhưng mỗi thất bại sẽ đưa chúng đến gần hơn với thành công, đặc biệt khi chúng tiếp tục nỗ lực để đạt được điều mà chúng đã đặt ra.

Đừng chỉ đưa công cụ cho con mà không hướng dẫn gì cả. Hãy dành thời gian để dạy con bạn cách sử dụng, thậm chí là làm mẫu. Sau đó, hãy cho con áp dụng những gì chúng đã học được từ bạn. Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy rất bất tiện và tốn thời gian, tuy nhiên, bạn cần nên hạn chế lối suy nghĩ ích kỷ ấy, bởi vì, điều đó sẽ làm con bạn mất đi cơ hội đóng góp công sức của mình và học được cách làm sao để hoàn thành công việc đó hiệu quả hơn.

Nếu con bạn rửa chén dĩa vẫn còn dơ, thì hãy tranh thủ rửa lại chúng khi con không để ý. Khi trẻ con cảm thấy bản thân được phép đóng góp vào việc gì đó, chúng sẽ có được sự tự tin và sẽ sẵn sàng đóng góp cho xã hội khi trưởng thành.

Hoa Long

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Cách tôi dạy con tiếp bước trên con đường trở thành doanh nhân