Cách giúp trẻ biết bơi nhanh chóng: Chia sẻ từ huấn luyện viên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một huấn luyện viên bơi lội ở Florida, Hoa Kỳ, chia sẻ cách anh áp dụng để giúp cho rất nhiều trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi biết cách tự giúp mình an toàn khi dưới nước và dần dần nắm được những kỹ năng để bơi lội thành thục, trong số đó thậm chí có những bé rất sợ nước.

Kết hợp hai niềm đam mê của bản thân là được dạy trẻ em và bơi lội, Jacob Siegel, 27 tuổi, đã đồng sáng lập Học viện bơi lội Siêu Anh Hùng vào năm 2018, để dạy các kỹ năng an toàn dưới nước một cách đầy thú vị và năng động cho trẻ em, bởi vì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 4 tại Florida, và đây là tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất trong cả nước (đối với trẻ em ở cùng độ tuổi).

Siegel tin rằng phương pháp giảng dạy của anh: “điều hòa nhịp thở bằng miệng” - một phương pháp dạy cho trẻ nhỏ thích nghi với nước - luôn mang lại hiệu quả tốt.

Anh nói với The Epoch Times: “Bởi vì tôi đã nhìn thấy và trải qua khá nhiều thách thức cũng như những điều khác có liên quan đến bơi lội, nên tôi biết rằng tất cả trẻ em cần biết bơi và tất cả trẻ em đều có thể học bơi”.

Để áp dụng phương pháp “điều hòa nhịp thở bằng miệng” của mình, Siegel đã cho các “siêu anh hùng nhí” của mình vượt qua hàng loạt các thử thách, được thiết kế để tăng dần sự thích nghi và thoải mái của các em trong môi trường nước. Kỹ thuật của anh đáp ứng được nhu cầu của bọn trẻ, nhưng cũng dần đẩy chúng ra khỏi vùng an toàn ngay từ buổi học đầu tiên.

Quá trình huấn luyện của anh bắt đầu bằng cách xây dựng các mối quan hệ tin cậy thông qua tiếng cười và trò chơi, trước khi xem liệu đứa trẻ mà anh đang huấn luyện có thể nín thở được hay không.

 

“Bạn đổ nước lên mặt bọn nhỏ, nước chảy qua mũi và miệng của chúng”, anh giải thích. “Đây là cách tôi có thể xem liệu đứa trẻ có nín thở hay không. Bạn cũng có thể nghe thấy điều đó… chúng sẽ hít vào bằng mũi hoặc có thể hút vào bằng miệng.

“Cho đến khi quan sát đứa trẻ đã học được cách nín thở, tại thời điểm này, đứa trẻ đã sẵn sàng xuống nước”, anh tiếp tục.

Khi các học viên của anh có được sự tự tin thông qua việc chuyên cần luyện tập và gia tăng khả năng chịu đựng, nín thở..., Siegel bắt đầu dạy bọn trẻ các kỹ năng nâng cao hơn như: cách lật và nổi, nếu chẳng may chúng bị rơi xuống nước.

Siegel giải thích: “Tôi sẽ thả chúng lộn ngược, hoặc nằm nghiêng và rồi dạy chúng cách bơi vào bờ mỗi lần như thế. Tôi cũng bày các trò chơi sao cho bọn trẻ cảm thấy vui vẻ và thú vị với trò chơi ấy, bởi khi ấy chúng sẽ thích học cách tự cứu lấy mạng sống của mình".

Siegel nói rằng anh bắt đầu áp dụng phương pháp “điều hòa nhịp thở bằng miệng” này từ sau cuộc gọi từ một phụ huynh muốn cho đứa con 8 tháng tuổi của họ học bơi. Siegel nói: “Tôi chưa bao giờ dạy một đứa trẻ sơ sinh như vậy trước đây… Tôi hơi lo lắng” Siegel chia sẻ, “vì vậy, tôi đã bắt đầu tìm kiếm trên YouTube, xem những người hướng dẫn bơi lội khác - Họ đã làm những gì? Họ đã dạy trẻ sơ sinh như thế nào?".

Sau khi xem đoạn video hướng dẫn cách điều hòa nhịp thở bằng miệng được thực hiện trong một bồn tắm, Siegel đã bị thuyết phục bởi kết quả. Anh nói: “Nó có thể áp dụng cho trẻ sơ sinh khi mới 3 tháng tuổi tập luyện dưới nước ”.

Siegel - người đã làm việc với nhiều học sinh khác nhau, bao gồm cả những trẻ có nhu cầu đặc biệt hoặc mắc chứng tự kỷ, thậm chí cả những người lớn bị mắc chứng lo lắng nhiều năm đối với nước. Anh cho biết, một khi khiến học viên cảm thấy thoải mái, anh có thể xóa dần nỗi sợ hãi phi lý nhất của người lớn và dạy họ bơi chỉ trong 30 phút.

Từng là một vận động viên bơi lội từ thời trung học, Siegel nhớ lại chính cha mẹ của mình đã dạy anh học bơi, khi anh còn là một học sinh mẫu giáo. Cho đến ngày nay, anh tin rằng tất cả chuyện bơi lội bắt đầu từ cha mẹ của các học viên và chiếc bồn tắm ở nhà.

“Đó là một cơ hội tuyệt vời để bạn làm quen với con bạn, đặc biệt nếu chúng còn rất nhỏ, vì trong bồn tắm, bạn có thể dễ dàng giúp chúng điều hòa nhịp thở bằng miệng thông qua một chiếc cốc và đổ nước từ trên đầu trẻ xuống”, anh giải thích. “Nếu bạn cho trẻ sơ sinh, 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng tuổi tiếp xúc với nước từ sớm, và cho các bé hiểu đó là một phần của quá trình lớn lên của chúng… Bọn trẻ giống như những “miếng bọt biển” ở độ tuổi đó. Chúng có có thể “hấp thụ” mọi điều mới lạ một cách tự nhiên”.

Đối với những đứa trẻ lớn hơn, anh cho lời khuyên, nên đến hồ bơi ít nhất một hoặc hai lần một tuần, và cha mẹ hãy xuống nước cùng các con. Tuy nhiên, anh cảnh báo không nên sử dụng phao, vì những chiếc phao có thể tạo cho trẻ những thói quen xấu, chẳng hạn như cứ ngẩng cao đầu khi bơi.

Để đảm bảo an toàn, Siegel nói rằng tất cả các gia đình nên thử lắp hàng rào xung quanh bể bơi nhà mình. Nhưng trong trường hợp xảy ra tai nạn, “thời gian phản ứng là tối quan trọng”, việc đưa đứa trẻ lên khỏi mặt nước, thực hiện hô hấp nhân tạo và gọi cấp cứu sẽ là việc cần ưu tiên hàng đầu.

Siegel đã chia sẻ nhiều mẹo nhỏ cho các bậc cha mẹ và các cảnh quay về các buổi huấn luyện của anh lên trên InstagramYoutube.

Chia sẻ với The Epoch Times, Siegel nói rằng “Những đứa trẻ nhanh chóng yêu thích được học bơi lội rất dễ dạy, nhưng những đứa trẻ đang gặp khó khăn và rất sợ nước, thì việc bạn xuống nước cùng chúng sẽ chắc chắn hữu ích hơn, vì bạn đang giúp chúng vượt qua nỗi sợ hãi”, anh nói.

Cuối cùng, lời khuyên hàng đầu của Siegel dành cho các bậc cha mẹ là hãy xuống nước với con mình, ngay cả khi bản thân họ đang rất thận trọng với nước.

“Các bậc cha mẹ, các bạn không cần phải biết bơi, để có thể đứng ở phần cạn của hồ bơi và chơi với con mình”, anh nói. “Nếu mọi phụ huynh đều hiểu và xuống nước với con mình như vậy, chúng tôi sẽ không gặp bất kỳ vấn đề gì khi dạy bọn trẻ học bơi”.

Hoa Long
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cách giúp trẻ biết bơi nhanh chóng: Chia sẻ từ huấn luyện viên