Bóng đá đã thay đổi đáng kể, chỉ cần chạy nhanh, kỹ thuật là thứ yếu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học đã dựa trên việc quan sát và nghiên cứu các giải đấu ở Premier League cho thấy các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp hiện nay đang chạy nước rút ngày càng nhiều và đòi hỏi sức bền nhiều hơn. Và nó đang khiến môn thể thao Vua thay đổi rất nhanh chóng khi tốc độ có thể “lấn lướt” nghệ thuật chơi bóng.

Tốc độ hay kỹ thuật quyết định?

Nếu bạn là một fan hâm mộ bóng đá, bạn có thể nhận thấy các trận cầu trong các giải đấu châu Âu và cường độ vận động của các cầu thủ đã thay đổi một cách dữ dội.

Thời mà đôi chân “ma thuật” với những kỹ thuật uyển chuyển, lắt léo như đang nhảy vũ điệu samba của Pele giờ có thể lui vào quá khứ, cất giữ trong những shoot hình đi vào lịch sử để những ai hoài niệm có thể lật giở xem. Cầu thủ thời Y2K (ý chỉ sau năm 2000 trở đi) cần đến tốc độ và họ coi sở hữu tốc độ cũng là một khả năng trời phú, nên với họ, một trong những yếu tố quan trọng nhất là sở hữu tốc độ nhanh, nhanh và nhanh.

Đôi khi các trận cầu diễn ra không chỉ trong hiệp chính, mà còn phải chiến đấu thêm 30 phút hiệp phụ với rất nhiều nỗ lực để tránh vấp phải “màn đấu trí” căng thẳng trong những phút luân lưu. Không những thế, các nhà khoa học quan sát thấy rằng, ngay cả vào những thời điểm hai đội thi đấu hiệp phụ, không ít cầu thủ trên sân vẫn giữ phong độ sung sức như đang đá ở hiệp một.

Cầu thủ thời Y2K cần đến tốc độ và họ coi sở hữu tốc độ cũng là một khả năng trời phú, nên với họ, một trong những yếu tố quan trọng nhất là sở hữu tốc độ nhanh, nhanh và nhanh.
Cầu thủ thời Y2K cần đến tốc độ và họ coi sở hữu tốc độ cũng là một khả năng trời phú, nên với họ, một trong những yếu tố quan trọng nhất là sở hữu tốc độ nhanh, nhanh và nhanh. (Getty)

So sánh điều này với các trận đấu bóng đá trong những năm 1980, nơi cường độ vận động không thay đổi nhiều trong suốt toàn bộ trận đấu, thì các cầu thủ thời ấy chỉ chạy trung bình 6-7km mỗi trận. Nhưng cầu thủ thời nay phải di chuyển trên sân gần gấp đôi từ 11-12km, trong đó 15% là những hoạt động tăng tốc và 4-5% là những pha bứt phá tốc độ tối đa hơn 30km/h.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy số lần chạy nước rút ở Giải Ngoại hạng Anh đã tăng 50% trong vòng 10 năm, Nghiên cứu này dựa trên quan sát và phân tích 473 cầu thủ trong giải Premier League và cho thấy rằng chạy nước rút cường độ cao cũng phải trả một cái giá: Sau vài phút chạy nước rút, cầu thủ sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì thể lực và tốc độ vào 5 phút kế sau.

Bóng đá chuyên nghiệp đòi hỏi tốc độ nhanh hơn

Nghiên cứu mới làm sáng tỏ một lý do tại sao trong bóng đá hiện đại hay xuất hiện tình trạng cầu thủ thường luân chuyển giữa hai thái cực, hoặc là “quần quật” trên sân với cường độ cao hoặc “thư thái dạo bước” nhìn ngắm đồng đội và đối phương.

"Nhìn chung, tốc độ của bóng đá đã tăng lên đáng kể và có vẻ như cường độ vận động cao cũng gần như diễn ra liên tục trong mỗi trận đấu, đó là đặc điểm của môn thể thao Vua ngày nay. Giờ đây, những màn trình diễn kỹ thuật điêu luyện trên sân lại được thay thế bằng nhiều khoảnh khắc chạy nước rút thần tốc", nhà nghiên cứu Magni Mohr (Đại học Faroe) cho biết.

Lionel Messi thường bị chỉ trích hay đi bộ trên sân thay vì hỗ trợ đồng đội phòng thủ tranh bóng, nhưng phải chăng anh đang rơi vào thái cực "nghỉ ngơi" như các chuyên gia nhận định?
Lionel Messi thường bị chỉ trích hay đi bộ trên sân thay vì hỗ trợ đồng đội phòng thủ tranh bóng, nhưng phải chăng anh đang rơi vào thái cực "nghỉ ngơi" như các chuyên gia nhận định? (Getty)

Nghiên cứu cho thấy rằng chỉ một phút chạy nước rút liên tục vào lúc mới bắt đầu trận đấu cũng đủ khiến cầu thủ tạm thời bị “đơ”. Vì vậy, mỗi khi không có bóng, các cầu thủ vẫn tranh thủ thời gian để đi bộ và dưỡng sức.

Nghiên cứu mới là một mốc quan trọng trong bóng đá

Nhà khoa học Magni Mohr đã nghiên cứu và phân tích hành vi của cầu thủ trong một loạt các trận đấu tại giải Premier League từ năm 2010 đến năm 2012.

Nghiên cứu cho thấy trạng thái mệt mỏi kéo dài ở các cầu thủ tiền đạo sẽ xảy ra từ 20 đến 25 phút cuối cùng của trận đấu. Điều này thể hiện rằng tốc độ và thể lực là hai yếu tố vô cùng quan trọng để quyết định thành bại của đội bóng, ngoài ra kết quả này sẽ hỗ trợ các huấn luyện viên đưa ra những phương án thay người thích hợp trong hiệp hai, nhà nghiên cứu Peter Krustrup (Đại học Đan Mạch) cho biết.

"Hiện tại có một xu hướng là rất nhiều bàn thắng được ghi trong 15 phút cuối cùng của trận đấu", Krustrup nói. Tại kỳ Euro năm 2016, 26% các bàn thắng đã được thực hiện sau phút thứ 75, nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Science and Medicine in Football.

Giáo sư Stefan Szymanski (Đại học Michigan, Mỹ) sau khi thu thập dữ liệu khoảng 2.000 trận đấu ở giải Premier League từ 2005-2012 đã phát hiện rằng, giữa hai cầu thủ đua tốc độ để đoạt bóng, ai nhanh hơn sẽ có xác suất giành chiến thắng cao hơn tới 17,8%.

Giữa hai cầu thủ đua tốc độ để đoạt bóng, ai nhanh hơn sẽ có xác suất giành chiến thắng cao hơn tới 17,8%.
Giữa hai cầu thủ đua tốc độ để đoạt bóng, ai nhanh hơn sẽ có xác suất giành chiến thắng cao hơn tới 17,8%. (Getty)

Nghiên cứu mới có thể ảnh hưởng đến hệ thống đào tạo bóng đá

Jesper Løvind Andersen, người đứng đầu Viện Y học Thể thao Copenhagen tại Bệnh viện Bispebjerg, đánh giá nghiên cứu mới này rất ấn tượng.

"Đây là một nghiên cứu đáng kinh ngạc và nó có thể trở thành tài liệu đính kèm hiệu quả khi nói đến chủ đề này", ông nói. "Tôi sử dụng nghiên cứu này để đào tạo các huấn luyện viên bóng đá và cố gắng giải thích rằng một số phong cách chơi bóng sẽ buộc phải trả một cái giá nhất định".

Nếu bạn theo đuổi phong cách chơi tích cực với cường độ cao (pressing), điều này đòi hỏi cầu thủ phải liên tục di chuyển và chạy trên khắp mặt sân để gây áp lực lên cầu thủ đối phương. Vì vậy chúng ta cần phải thiết kế những buổi tập đặc biệt dành riêng cho cầu thủ, nhằm hạn chế những tổn thất có thể có mà lối chơi này mang lại như cạn kiệt thể lực hoặc chấn thương.

Đội bóng nào chiếm ưu thế trong những màn chạy nước rút?

Nghiên cứu này không thể chứng minh đội bóng Premier League nào là giỏi nhất trong việc duy trì thể lực và chạy nước rút. Nhưng nói chung, cố gắng kiểm soát bóng nhiều hơn có nghĩa là bạn không bị buộc phải chạy quá nhiều dẫn đến mất sức.

"Điều quan trọng là phải hướng dẫn không chỉ cầu thủ mà cho cả huấn luyện viên để toàn đội có thể biết cách điều tiết thể lực và giảm thiểu tình trạng bị xuống sức trong suốt trận đấu", Andersen nói.

Ông cho rằng hệ thống đào tạo bóng đá ngoài các giáo án thông thường còn cần tập trung hơn vào các bài tập vận dụng hơi thở khi chạy nước rút, giúp chuẩn bị cho các cầu thủ theo kịp yêu cầu của bóng đá hiện đại.

Tập trung vào các giai đoạn quan trọng nhất của trận đấu

Mohr là một huấn luyện viên thể lực ở câu lạc bộ bóng đá Chelsea FC từ năm 2008 đến năm 2011. Dựa trên những kinh nghiệm của mình, ông nói kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học nên được áp dụng nhiều hơn trong thực tiễn.

"Tôi nghĩ rằng một trong những điều rút ra từ nghiên cứu này chính là chúng ta cần biết cách tập trung vào các giai đoạn quan trọng nhất của trận đấu và những điểm nóng nhất trên mặt sân, thay vì căng hết sức lực và chỉ chạy suốt 90 phút", ông nói.

“Khi bạn xem Champions League, bạn thường được thông báo rằng cầu thủ nào đó chạy 9-10km trong suốt trận đấu. Điều đó không quan trọng. Nó hoàn toàn không liên quan. Điều quan trọng hơn là xem cách cầu thủ đó đã duy trì thể lực và đóng góp bao nhiêu vào lối chơi chung cùng kết quả cuối cùng của toàn đội”, Mohr nói.

Krustrup hiện đang ở Manchester để trình bày kết quả nghiên cứu cho các huấn luyện viên và cầu thủ ở Manchester City. Trở lại Đan Mạch, ông là một phần của đơn vị nghiên cứu mới được thành lập về Thể thao và Khoa học Y tế tại Đại học Nam Đan Mạch. Một trong những mục tiêu của đơn vị nghiên cứu là giúp truyền bá kiến ​​thức khoa học về đào tạo và chiến lược cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp.

Đông Bắc



BÀI CHỌN LỌC

Bóng đá đã thay đổi đáng kể, chỉ cần chạy nhanh, kỹ thuật là thứ yếu?