Bị vùi lấp 22 giờ sau trận động đất kinh hoàng Nepal, ‘Em bé thần kỳ’ giờ ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trận động đất kinh hoàng ở Nepal năm 2015 đã biến nơi phồn hoa đô thị trở thành chốn địa ngục trần gian. Như một phép màu, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy Sonish Awal, đứa trẻ chỉ 4 tháng tuổi sống sót kỳ diệu sau 22 giờ bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Cũng từ đó, người ta gọi cậu với biệt danh là: “Em bé thần kỳ”.

"Em bé thần kỳ" sống sót sau trận động đất mạnh

Năm 2015, một trận động đất mạnh 8.1 độ Richter đã xảy ra ở Nepal, khiến 9.000 người thiệt mạng cùng 21.000 người khác bị thương. Trận đại thảm hoạ đã biến nơi phồn hoa đô thị nhanh chóng trở thành chốn địa ngục trần gian. Sonish, khi đó chỉ là trẻ sơ sinh, may mắn được cứu thoát khỏi đống đổ nát của căn nhà sập. Phóng viên đã kịp thời chụp lại khoảnh khắc mà gương mặt của Sonish toát lên vẻ thanh thản lạ kỳ, như thể trận động đất chưa từng xảy ra.

Nếu chỉ nhìn vào tấm ảnh, có lẽ ít ai biết được rằng, Sonish lúc đó mới chỉ 4 tháng tuổi và đã nằm kẹt dưới đống đổ nát suốt 22 tiếng đồng hồ. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi vào thời điểm then chốt nhất, một chiếc tủ đã kịp đổ xuống, bằng cách nào đó trở thành tấm chắn kiên cố và bảo vệ cậu bé yếu ớt khỏi những mảnh vỡ của ngôi nhà. Nhờ vậy, cậu bé đã sống sót thần kỳ và trở thành niềm hy vọng trong mắt các nạn nhân lúc bấy giờ. Cũng từ đây, Sonish thường được người dân xung quanh gọi với cái tên “Em bé thần kỳ”.

Bốn năm sau, "em bé thần kỳ" đã lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác với tâm hồn đầy sức sống. Tuy nhiên, chức năng phổi của Sonish đã bị ảnh hưởng phần nào do hít phải khói bụi từ ngôi nhà bị sập trong quá khứ. Đến nay, gia đình của cậu bé vẫn đang nỗ lực khắc phục những thiệt hại mà trận động đất kinh hoàng gây ra.

Sonish hiện sống với cha Shyam, mẹ Rasmila và chị gái Sonia. Shyam là một tài xế xe tải và chỉ kiếm được 6000 rupee (tương đương 7.50 USD) mỗi tháng. Ngôi nhà hai phòng ban đầu với TV, tủ lạnh và máy điều hòa đã bị trận động đất phá hủy, họ không đủ khả năng để xây lại ngôi nhà mới và chỉ có thể sống tạm bợ trong một căn nhà với chỉ một phòng duy nhất.

22 giờ dằn vặt

Mẹ của Sonish, Rasmila kể lại rằng cô đang đi chợ khi trận động đất xảy ra, trong khi con gái Sonia đang ở nhà chăm sóc Sonish. Đúng lúc trời đất rung chuyển, cô chạy về hướng nhà nhưng thấy toàn bộ ngôi nhà đã sập trong khi vẫn còn hai con bên trong.

 

Xem bài viết này trên Instagram

Bài viết do Thomas Booth (@tboothhk) chia sẻ

Rasmila nói: "Tôi ném mọi thứ xuống đất và chạy. Tôi đã cố gắng hết sức để chạy. Nhưng khi về đến nhà, tôi thấy ngôi nhà đã bị san bằng... Tôi không thể nhớ rõ từng khoảnh khắc, nhưng tôi đã hét lên để kêu cứu con mình".

May mắn thay, hai giờ sau, với sự giúp đỡ của những người hàng xóm, chị gái của Sonish, Sonia đã nhìn thấy ánh sáng trở lại! Tuy nhiên, Sonish vẫn bị chôn vùi trong đống đổ nát, và Rasmilla đã trải qua 22 giờ dằn vặt nhất trong cuộc đời.

Cô kể: "Trong lúc ôm con gái, tôi lớn tiếng gọi con trai. Mọi người nói rằng con tôi có thể đã chết vì họ không nghe thấy tiếng khóc; nhưng tôi cầu xin họ tìm kiếm và tôi nói rằng tôi phải tận mắt nhìn thấy xác con mình thì mới tin. Sau đó, người ta bắt đầu đào bới để tìm con trai tôi. Chỉ tôi mới biết bản thân đã sống như thế nào qua 22 giờ đó. Tôi không ngủ, không ăn, tôi chỉ khóc và cầu nguyện cho con".

Rasmila nói thêm: "Khi tôi nhìn thấy con mình còn sống, tôi không thể tin vào mắt mình. Tôi đã giữ lấy con và quỳ xuống. Tôi ôm chặt Sonish và trao cho con một nụ hôn thắm thiết trước khi cảm ơn Chúa đã ban ơn cho con mình".

Sống hết mình để tiếp nối duyên trời

Người Nepal đang làm việc chăm chỉ để xây dựng lại cuộc sống của họ. Theo Thời báo Nepal vào tháng 4 năm 2018, gia đình của Sonish vẫn đang thuê nhà để sống mà không có chỗ ở cố định.

Bù lại, Sonish lớn lên là một cậu bé vui vẻ và nhiệt tình. Mỗi khi có khách ghé thăm, cậu bé luôn rất hào hứng và chạy ra cửa bất cứ lúc nào nghe thấy tiếng chuông.

Quân đội Quốc gia Nepal cho biết, họ sẽ cấp học bổng cho hai chị em Sonish cho đến khi cả hai bước vào đại học. Ngoài ra, một khi hoàn thành chương trình tiểu học, Sonish sẽ được nhập học tại trường trung học quân sự ở Sallaghari.

Nhiếp ảnh gia Amul Thapa, tác giả của bức ảnh “em bé thần kỳ”, nói với Thời báo Nepal: "Tôi có thể kể cho cả thế giới nghe câu chuyện về đứa trẻ này và gia đình của cậu. Những bức ảnh của tôi đã khiến cả thế giới biết đến Sonish, và câu chuyện cũng vậy. Nó không chỉ là một bức ảnh, nó tượng trưng cho hy vọng và sự sống còn". Amul Thapa cũng cho biết, ấn tượng về khoảnh khắc tìm thấy đứa trẻ, đến nay, anh vẫn thường xuyên ghé thăm gia đình.

Sonish thực sự là một biểu tượng của hy vọng, và câu chuyện về sự sống sót kỳ diệu của cậu bé sau 22 giờ nằm vùi trong đống đổ nát, có lẽ phần nào mang lại niềm an ủi cho gia đình trước những khó khăn mà họ đang phải đối mặt sau thảm hoạ kinh hoàng.

Bảo Vy
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bị vùi lấp 22 giờ sau trận động đất kinh hoàng Nepal, ‘Em bé thần kỳ’ giờ ra sao?