Bí mật nghề trục vớt những con tàu đắm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có những kho tàng chôn vùi dưới đáy biển hàng nghìn năm đòi hỏi được khám phá. Có một nghề đầy lôi cuốn nhưng cũng cực kỳ mạo hiểm với sự trợ giúp của các thiết bị hiện đại đã ra đời, trả lại cho nhân loại những cổ vật mang dấu ấn của một thời xưa cũ: Nghề lặn tìm xác tàu đắm.

Khó khăn và tốn kém...

Ngành hàng hải đã có hàng nghìn năm lịch sử. Trong suốt thời gian đó, biết bao nhiêu con tàu lớn nhỏ gặp nạn giữa trùng khơi mênh mông. Những cơn giông tố cuồng nộ, những khối băng trôi dạt, những tảng đá ngầm đầy hiểm nguy…, và kể cả những trận thủy chiến ác liệt của con người đã chôn vùi chúng dưới đáy biển sâu. Chúng mang theo những hiện vật vô giá chờ đợi sự “viếng thăm” của con người.

Tuy nhiên, việc đưa chúng lên khỏi mặt nước là vô cùng khó khăn. “May mắn” nhất là những con tàu bị chìm trên những vỉa đá ngầm ven biển ở độ sâu không quá vài chục mét, vì với những thiết bị không quá phức tạp, những thợ lặn chuyên nghiệp có thể đạt tới. Một số tàu ở độ “nông” này đã từng được trục vớt ở Việt Nam như ở Hòn Cau, Cù Lao Chàm… trong suốt những năm qua.

Song sâu hơn thế, nhất là giữa đại dương thì chỉ những năm gần đây người ta mới dám nghĩ đến, sau khi chế tạo được những “tàu lặn bỏ túi” trang bị hiện đại, đưa nhà thám hiểm xuống tới độ sâu cần thiết trước khi tự mình “bước ra” đáy biển để thăm dò.

Con tàu lặn mang tên Jules do hãng Deep Ocean Engineering (Mỹ) có khả năng đưa những nhà thám hiểm xuống độ sâu trên 1.000 mét, và hoạt động dưới đó 3 ngày liên tiếp (đối với thăm dò các tàu đắm). Dù vậy, việc thăm dò và khai thác những con tàu đắm giữa biển khơi luôn là những dự án rất mực tốn kém với chi phí lên tới hàng chục triệu đô la.

Hiểm nguy nhưng lại rất “thú vị”

Có những nghề nghiệp mà nỗi hiểm nguy lại chính là yếu tố làm nên sự hấp dẫn đặc biệt. Lặn tìm xác tàu đắm là một nghề như vậy. Nó mê hoặc các nhà thám hiểm đáy biển giống như một thứ “tôn giáo” huyền bí.

Biển sâu là một thế giới tăm tối và hoàn toàn xa lạ, dễ tạo cảm giác tĩnh lặng rợn người và cảm giác cô đơn tựa như nhà du hành vũ trụ “dạo bộ” ra ngoài không gian mênh mông vô tận.

Nơi đây, âm thanh truyền nhanh hơn 4 lần và xa hơn nhiều lần so với trong không khí. Ngoài tiếng thở của chính mình, nhà thám hiểm đại dương có thể nghe được những tiếng động nhỏ nhất từ xa vọng lại. Họ rất dễ rơi vào tình trạng rối loạn phương hướng vì âm thanh trong nước truyền quá nhanh khiến họ không thể nhận ra tiếng động từ đâu truyền tới.

Chiếc đèn pha cực mạnh gắn trên mũ lặn như khoan thủng khoảng không gian mà màu đen, đặc quánh hơn nhiều so với màu đen của những đêm tối trời nhất. Khi bóng dáng kỳ quái của con tàu đắm hiện ra, nhà thám hiểm biển càng phải thận trọng hơn bao giờ hết vì mối nguy hiểm rình rập trên từng bước đi.

Sau nhiều năm chìm đắm dưới đáy đại dương, con tàu đã trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của các sinh vật biển.
Sau nhiều năm chìm đắm dưới đáy đại dương, con tàu đã trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của các sinh vật biển. (Wikipedia)

Sau nhiều năm chìm đắm dưới đáy đại dương, con tàu đã trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của các sinh vật biển. Chỉ cần vô ý đưa bàn tay vào một hốc tối, nhà thám hiểm đã có thể bị một con cá bọ cạp (scorpionfish) hoặc cá mặt quỷ (stonefish) đớp trúng, mà chỉ vài miligam nọc độc của các loài cá này đã đủ để khiến một người tử vong trong tích tắc. Con cá chình biển ẩn dưới lớp cát có thể phóng ra một dòng điện lên tới hàng nghìn volt, dễ dàng “hạ gục” nhà thám hiểm mà họ không có cách gì có thể chống đỡ.

Một nguy cơ khác nữa là bị “kẹt” bên trong xác tàu chìm do đèn pha gặp sự cố, hoặc thiết bị lặn bị thủng vì đụng mạnh vào một vật nhọn nào đó nhô ra từ xác tàu. Đáng sợ hơn nữa là sau khi thợ lặn “sục sạo” trong khoang tàu, và trên đường quay trở ra thì lối vào đã bị bịt kín vì chỉ cần một sơ suất va chạm nhỏ thôi, cũng dễ dàng khiến đống đổ nát bất ngờ đổ sập xuống.

Tuy nhiên sự hấp dẫn của nghề thám hiểm xác tàu đắm ở chỗ là chẳng chuyến lặn nào giống chuyến lặn nào, và biết bao điều bí mật, bất ngờ đang chờ đợi họ dưới con sóng bạc đầu vô tận kia. Tất nhiên, nghề này chỉ dành cho những người đam mê biển cả cũng như nhất định phải có lòng dũng cảm.

Tuy nhiên sự hấp dẫn của nghề thám hiểm xác tàu đắm ở chỗ là chẳng chuyến lặn nào giống chuyến lặn nào, và biết bao điều bí mật, bất ngờ đang chờ đợi họ dưới con sóng bạc đầu vô tận kia.
Tuy nhiên sự hấp dẫn của nghề thám hiểm xác tàu đắm ở chỗ là chẳng chuyến lặn nào giống chuyến lặn nào, và biết bao điều bí mật, bất ngờ đang chờ đợi họ dưới con sóng bạc đầu vô tận kia. (Picryl - Public Domain)

Bội thu

Những dự án thăm dò, khai thác, trục vớt tàu đắm dù phải trả những chi phí rất lớn, nhưng nếu xét toàn diện về mặt lịch sử, văn hóa, kinh tế…, thì thường vẫn là những vụ bội thu.

Mặc dù đáy biển khơi không phải là môi trường bảo vệ tốt “hiện vật” vì nước mặn gây rỉ sét nhanh chóng, cộng thêm các loài thủy sinh, kể cả động vật và thực vật vốn là những “kẻ” phá hoại không thương tiếc các “đồ cổ” này, song đây cũng là nơi con người chưa từng động chạm tới.

Vì thế mỗi con tàu đắm là một kho tàng vô giá và đầy bí hiểm. Nơi ấy cất giấu những cổ vật mang tính lịch sử, văn hóa, in đậm dấu ấn của một thời đã qua. Rất nhiều loại đồ vật đã được các nhà khảo cổ học hay những nhà sưu tầm cổ vật thú nhận là chưa từng biết tới, bao gồm tiền vàng, tiền đúc từ các loại kim loại khác, những đồ sứ độc đáo không hề bị sứt mẻ mà các tàu buôn cất từ Trung Hoa đời Đường, đời Tống, đời Minh, Thanh… để mang bán khắp các nước, với nước men tuyệt đẹp nay đã thất truyền.

Những đồ cổ vô giá này là “đối tượng” săn lùng và thèm muốn của các viện bảo tàng thế giới cũng như của các nhà tư bản kếch sù, để bổ sung vào bộ sưu tập có một không hai của mình.

Như nhà thám hiểm những con tàu đắm người Úc là ông Michael Hulcher đã bán cho nhà bán đấu giá Christie’s một lô đồ sứ đời Minh (năm 1752) mà ông vớt được dưới biển Đông với giá 15 triệu đô la.

Song về giá trị vẫn không thể sánh được với ba pho tượng với kích thước khổng lồ, làm bằng đá granite của người Ai cập trên 1.500 năm tuổi trục vớt được ở ngoài khơi vịnh Alexandrie. Những bức tượng này đã nằm im lìm cả ngàn năm dưới đáy biển kể từ khi thành phố cảng Thonis-Heracleion trù phú, thịnh vượng bị động đất phá hủy và mực nước biển dâng cao phủ lấp.

Những đồ cổ vô giá này là “đối tượng” săn lùng và thèm muốn của các viện bảo tàng thế giới cũng như của các nhà tư bản kếch sù, để bổ sung vào bộ sưu tập có một không hai của mình. 
Những đồ cổ vô giá này là “đối tượng” săn lùng và thèm muốn của các viện bảo tàng thế giới cũng như của các nhà tư bản kếch sù, để bổ sung vào bộ sưu tập có một không hai của mình. (Wikipedia)

Thonis-Heracleion là một thành phố pha trộn giữa truyền thuyết và thực tế. Năm 331 trước Công nguyên, tất cả các tàu đến từ Hy Lạp bắt buộc nhập cảnh vào Ai Cập. Thành phố này có đền thờ Amun, tại đây giữ một vai trò quan trọng trong các nghi lễ liên quan đến các triều đại kế tục.

Thành phố được thành lập có lẽ khoảng thế kỷ thứ 8, trước Công nguyên, đã trải qua thảm họa thiên nhiên, và cuối cùng bị chìm sâu hoàn toàn vào vùng Địa Trung Hải.

Sự tồn tại của thành phố, tầm quan trọng và sự thịnh vượng của nó, đã được biết đến từ các nguồn lịch sử, nhưng nó được Franck Goddio, nhà khảo cổ học dưới nước người Pháp, tái phát hiện vào năm 2001 và sự tìm kiếm của đội thợ lặn vẫn làm việc tại vị trí đó cho đến ngày nay.

Hay bộ xương người 5.000 năm tuổi nằm trong một chiếc quan tài kim loại được tìm thấy từ một chiếc thuyền cổ chìm tại ven biển Hà Lan. Các nhà thám hiểm còn vớt được những cỗ đại bác nặng nề, hoặc các vũ khí thời xưa từ các tàu buôn kiêm tàu chiến đi chinh phục các vùng đất mới.

Đứng bên những con tàu vô giá như thế, thì con tàu chở đầy vàng của Tây Ban Nha đắm ở ngoài khơi Cuba, hay con tàu SS Central America của Mỹ bị đắm ngoài khơi bờ biển tiểu bang South Carolina năm 1857, tuy tính về mặt giá trị vật chất thì rất lớn, nhưng chỉ là những “chú lùn” nếu xét về mặt khảo cổ và văn hóa.

Đấy là chưa kể nhiều khi từ việc trục vớt một con tàu đắm, các nhà văn, nhà báo, nhà điện ảnh còn có thêm chất liệu “xúc tác” để viết nên những câu chuyện ly kỳ, những thiên diễm tình tuyệt tác, kiểu Titanic!

Hiện nay, người ta đã xác định tương đối chính xác hàng ngàn vị trí có xác tàu đắm khắp các vùng biển trên thế giới, từ những tàu buôn nhỏ bé cho tới những chiếc tàu chiến khổng lồ. Tất cả đều đang chờ những con người dũng cảm ưa mạo hiểm, khao khát khám phá.

Xuân Trường



BÀI CHỌN LỌC

Bí mật nghề trục vớt những con tàu đắm