Bí mật hậu trường làm phim bom tấn tại Hollywood (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Về nhiều mặt, năm 2020 là một khoảng thời gian đầy khó khăn đối với Hollywood, khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã đẩy lùi lịch chiếu của một số bộ phim được người hâm mộ mong đợi nhất. Nhưng ngành công nghiệp này đang cố gắng vực dậy bằng cách tung ra không ít các dự án mới đầy tham vọng, hứa hẹn những đột phá của riêng mình trong thời gian sắp tới.

Từ các phân cảnh chiến đấu quy mô lớn đến một số hiệu ứng kỹ xảo chân thực đến mức khó tin, dưới đây chúng ta sẽ cùng sẽ điểm qua những bộ phim đã được công chiếu trong năm 2020 đầy biến động vừa qua, và xem cách mà đội ngũ các nhà làm phim ở Hollywood xử lý hậu kỳ các phân đoạn phức tạp để tạo ra sản phẩm hoành tráng và chỉn chu nhất.

1. Hoa Mộc Lan

Bộ phim bị khán giả đại chúng chỉ trích dữ dội và kêu gọi tẩy chay vì trong phong trào chống lại dự luật dẫn độ ở Hong Kong vào năm 2019, nữ diễn viên Lưu Diệc Phi đã lên tiếng ủng hộ cảnh sát đàn áp tàn khốc đối với những người biểu tình. Ngoài những phân cảnh hành động được đầu tư kỹ lưỡng, bản thân cô cũng không thể hiện tốt vai diễn của mình khi nét biểu cảm trên khuôn mặt bị đánh giá “quá đơ” với mười cảnh như một.

Hơn nữa, bộ phim bị ghẻ lạnh vì không những không bám sát với nguyên tác ban đầu, vốn đề cao yếu tố tình cảm gia đình cùng tinh thần đồng đội; Mulan của Lưu Diệc Phi bị nhồi nhét một cách máy móc và gượng ép các thông điệp về nữ quyền. Nhiều tình tiết trong phim lại cố gắng khiến hình ảnh người đàn ông trở nên yếu ớt, nhu nhược trong khi người phụ nữ lại có thể một mình giải quyết hết thảy mọi chuyện.

Để vào vai chiến binh huyền thoại Hoa Mộc Lan trong bộ phim live-action của Disney, Lưu Diệc Phi đã trải qua ba tháng luyện tập với cường độ khá khắt khe, giúp cô có thể đáp ứng được nhiều phân cảnh hành động trong phim.

Cô cùng các bạn diễn cần học nhiều thứ mới nhằm chuẩn bị cho các cảnh chiến đấu, từ cách sử dụng vũ khí, bắn cung cho đến hành quân và cưỡi ngựa. Khi thực hiện các pha hành động nhào lộn hoặc bay trong không trung, đội ngũ kỹ thuật của đoàn làm phim sẽ gắn các diễn viên vào dây hoặc chùm (bọc phông xanh), sau đó họ sẽ xử lý hậu kỳ khiến người xem có cảm giác như các diễn viên đang thực sự bay.

2. The Invisible Man

Vậy làm thế nào để tạo ra một “con quái vật” tàng hình đáng sợ? Câu trả lời khá đơn giản, chỉ cần một diễn viên đóng thế cùng rất nhiều máy quay được đặt ở nhiều góc một cách thông minh.

Trong “The Invisible Man”, phân đoạn người tàng hình ném nhân vật của nữ diễn viên Elisabeth Moss qua bàn thực ra là một chuỗi các cảnh được ghép lại với nhau.

Đầu tiên, đoàn phim sẽ quay nữ diễn viên Elisabeth khi cô ấy sắp bị ném. Tiếp theo, một diễn viên đóng thế sẽ đổi chỗ cho Elisabeth và quay cảnh cô bị một người khác trong bộ đồ màu xanh lá ném. Sau đó, Elisabeth lại thế vào chỗ của diễn viên đóng thế. Trong quá trình sản xuất hậu kỳ, các nhân viên VFX đã kết hợp các khung hình lại, sau đó dùng hiệu ứng để xóa nhân vật mặc đồ xanh cùng dây thừng được sử dụng cho diễn viên đóng thế.

Để tất cả trùng khớp một cách hoàn hảo, đoàn làm phim phải quay toàn bộ bằng một camera điều khiển chuyển động, có thể được lập trình để thực hiện các chuyển động camera một cách chính xác.

Đó không phải là thủ thuật máy quay duy nhất trong phim.

Vào ngày ghi hình cuối cùng, khi quay cảnh ô tô rượt đuổi, đội ngũ quay phim phải thực hiện kỹ thuật mà người ta hay gọi là “cảnh quay không tưởng” - ám chỉ việc di chuyển máy quay từ hai chiếc ô tô đang chạy song song trong một khung hình duy nhất.

3. Extraction

“Extraction” đánh dấu sự ra mắt lần đầu tiên của đạo diễn Sam Hargrave, điều phối viên đóng thế đằng sau “Atomic Blonde” và cho một số bộ phim thuộc Vũ trụ điện ảnh Marvel.

Trọng tâm của bộ phim nhấn mạnh vào các trường đoạn chiến đấu kéo dài, sao cho khán giả có cảm giác nó chỉ được quay trong một lần duy nhất (one-shot).

Sam đã quen thuộc với các phân cảnh hành động kéo dài và có quy mô lớn khi cũng từng tham gia xây dựng một số cảnh hành động one-shot nổi tiếng. Nhưng ở “Extraction”, Sam được yêu cầu phải đưa khán giả vào giữa các pha hành động, thậm chí để làm điều này, anh còn phải buộc mình vào mui của chiếc xe đang diễn cảnh truy đuổi đầy nguy hiểm.

Muốn có được một cảnh quay mượt mà khi đưa máy quay từ bên ngoài vào trong xe ô tô, Sam phải tháo dây đai khỏi chiếc xe này, chạy qua chiếc xe kia, và rồi lặp lại cảnh đó hai lần.

Đây là “điểm khâu”, một thuật ngữ mà giới làm phim thường sử dụng để chỉ những chỗ cắt trong quá trình quay phim và giúp đội ngũ dựng phim có thể dễ dàng tìm thấy để ghép nối các phân cảnh lại với nhau. Trong bộ phim này, các nhân viên kỹ thuật đã ghép nối 36 đoạn nhỏ khác nhau để tạo thành một trường đoạn dài 12 phút liền mạch.

4. Bill & Ted

Đối với phần thứ ba trong loạt phim “Bill & Ted”, huyền thoại hiệu ứng đặc biệt Kevin Yagher đã tạo ra những bộ đồ liền thân đặc biệt cho những phân cảnh Bill - Ted gặp gỡ phiên bản tương lai của chính họ.

Quá trình bắt đầu bằng việc đắp lớp bột lên khắp cơ thể của Alex Winter và Keanu Reeves, sau đó họ sẽ dùng nó để tạo hình dáng cho bộ quần áo của các diễn viên.

Kevin và nhóm của ông đã làm việc một cách rất tỉ mỉ, cẩn thận để khiến cho bộ trang phục trông như thật khi lên phim, điêu khắc và phun sơn các chi tiết nhỏ như lỗ chân lông cùng đường vân lên bộ quần áo cơ bắp, đồng thời bổ sung thêm các túi hạt vào bộ đồ dành cho nhân vật béo của Keanu để có được vòng bụng phù hợp.

5. Sonic

Bộ phim “Sonic” vào thời điểm công bố đoạn trailer đầu tiên đã vấp phải phản ứng tiêu cực từ những người hâm mộ, họ chỉ trích vẻ ngoài của Sonic quá xấu và yêu cầu thay đổi. Đáp lại, các kỹ thuật viên VFX đã đại tu nhân vật, làm cho mắt to hơn, miệng hoạt hình hơn, cùng các bộ phận khác như mũi và tay chân cũng hoạt hình hơn nữa, giống như thiết kế ban đầu trong trò chơi điện tử.

Hầu như tất cả mọi người đều thích bản thiết kế lại, bao gồm cả người lồng tiếng cho nhân vật Sonic, nam diễn viên kiêm diễn viên hài Ben Schwartz. Anh không chỉ thuyết minh giọng nói của Sonic mà còn phải thể hiện cảm xúc trong mỗi tình huống, giúp đội ngũ làm phim có thể chụp lại chuyển động khuôn mặt để nhân vật có hồn hơn trên phim.

Trên trường quay, đội ngũ làm phim đã sử dụng các hình tượng Sonic giả khác nhau để giúp diễn viên James Marsden thuận tiện tương tác và dễ dàng nhập vai hơn, cho dù đó là một quả bóng màu xanh lam hay chỉ là một quả bóng trên giá ba chân.

6. The Call of the Wild

Năm nay, trong phiên bản làm lại của tác phẩm "The Call of the Wild", nghệ sĩ biểu diễn chuyển động Terry Notary đã mang đến một màn hóa thân đáng kinh ngạc cho vai diễn chú chó của bộ phim - Buck. Sự xuất hiện của Terry trên phim trường đã giúp cho các diễn viên dễ tương tác về mặt tình cảm.

Đối với thiết kế tạo hình của chú chó Buck, các nhà làm phim đã sử dụng tham chiếu của một con chó ngoài đời thực, có tên riêng là Buckley.

Xong phần thiết kế ngoại hình, đoàn làm phim đưa 5 chú chó vào phim trường để tham gia một trò chơi, nhóm nghiên cứu sẽ gắn các thiết bị cho phép ghi lại mọi hoạt động của chúng, giúp đội ngũ kỹ xảo có thể tạo nên một chú chó CGI với chuyển động hoạt hình trông như thật.

Trong phân cảnh này, các nhà làm phim đã sử dụng một diễn viên đóng thế để quay cảnh thật trên một con sông ở British Columbia. Sau đó, họ kết hợp các cảnh quay tại vị trí này với cảnh quay trên phông nền xanh, nơi mà Harrison Ford đang chèo thuyền trên một chiếc gimbal ca-nô. Máy quay được sử dụng trong đoạn này ngoài được gắn phía trước gimbal ca-nô, còn một chiếc có thể lập trình chuyển động cho phép tạo ra một số cảnh quay đặc biệt đậm chất điện ảnh. Cuối cùng, các kỹ thuật VFX đã thêm người bạn chó Harrison vào phân cảnh trong phần hậu kỳ.

---> Bí mật hậu trường làm phim bom tấn Hollywood (Phần 2)

Hoàng Tuấn
Theo Insider



BÀI CHỌN LỌC

Bí mật hậu trường làm phim bom tấn tại Hollywood (Phần 1)