Bị liệt khi đang ở đỉnh cao cuộc sống, vị bác sĩ trẻ đã không dễ dàng bỏ cuộc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có câu nói đại ý rằng “đời người có tám chín phần không như ý”, ý muốn nói tới phúc họa của một đời người là điều mà con người nhỏ bé ít khi nào lường trước được. Tuy nhiên, nếu cho rằng chỉ khi có phúc thì nên hân hoan tận hưởng, còn khi gặp họa thì ủ dột tiêu trầm, thì con người có lẽ sẽ mất rất nhiều thời gian cho việc buồn phiền. Câu chuyện của bác sĩ Hứa Siêu Ngạn có thể giúp nhiều người trong chúng ta nhìn nhận sự việc khác đi.

Trước năm 33 tuổi, anh Hứa Siêu Ngạn - một người tài hoa đến từ khoa kỹ thuật - xã hội của Đại học Quốc gia Đài Loan, sống một cuộc sống đẹp như được Trời ban tặng. Mọi thứ trong cuộc đời anh cho tới thời điểm ấy đều diễn ra suôn sẻ. Không ai ngờ rằng chỉ ít phút sau đó, cuộc đời anh lại rẻ sang một bước ngoặt lớn.

Năm 2009, anh Hứa Siêu Ngạn cùng vợ là chị Hoàng Thuật Thầm đã đi trượt tuyết ở Bắc Kinh vào ngày đầu năm mới. Khi anh Ngạn mới bắt đầu trượt, anh đã bị vấp và lao xuống dốc với tốc độ không thể kiểm soát và sau đó rơi ra khỏi đường trượt. Cuộc sống hoàn hảo của anh Hứa Siêu Ngạn bắt đầu thay đổi từ đây.

Chấn thương nghiêm trọng "tổn thương tủy sống ngực phần trên hoàn toàn"

Vụ tai nạn khiến anh Hứa Siêu Ngạn “bị thương toàn bộ phần trên của ngực”. Bác sĩ cho biết, dù người bị thương có cố gắng tập luyện thì hơn 90% vẫn không có khả năng đi trở lại.

Bác sĩ Vương Nhan Hòa thuộc Khoa phục hồi chức năng của Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết, một khi tủy sống bị thương, nhiều vấn đề sẽ bị ảnh hưởng, bao gồm: rối loạn chức năng hô hấp, khó đi tiểu - đại tiện, rối loạn cảm giác vận động, biến chứng da, rối loạn chức năng tình dục, rối loạn chức năng tự chủ… Hiện tại, chưa có loại thuốc nào có thể thúc đẩy quá trình hồi phục một cách đáng kể, và phương pháp điều trị chính đó là phẫu thuật và phục hồi chức năng.

Trường hợp liệt nửa người nổi tiếng nhất là "Siêu nhân" Christopher Reeve (Christopher Reeve); anh bị ngã từ trên ngựa khi tham gia một sự kiện cưỡi ngựa vào năm 1995, và cột sống cổ và tủy sống của anh bị tổn thương, gây ra liệt toàn thân. Anh mất năm 2004.

Bác sĩ Hứa Siêu Ngạn (ở giữa) cùng bệnh nhân. (Ảnh: Jane Yukai)
Bác sĩ Hứa Siêu Ngạn (ở giữa) cùng bệnh nhân. (Ảnh: Jane Yukai)

Liệt nửa người trên, con đường dài để phục hồi chức năng

Mặc dù sống sót sau tai nạn, nhưng sau cuộc phẫu thuật anh Ngạn phải đối mặt với một hành trình dài phục hồi chức năng. Vì phía dưới lồng ngực không còn lực, nên anh phải học cách thở, cách nói và cách đứng dậy khỏi giường. Tập phục hồi chức năng theo các bài tập của bệnh viện 3lần/ngày.

Là một người từng là vận động viên marathon và yêu thích leo núi, nhưng sau khi bị thương, việc anh muốn đứng dậy cũng là một thử thách lớn mà hầu hết mọi người không thể tưởng tượng nổi.

Trong hai tháng đầu tiên của giai đoạn phục hồi chức năng, chân anh rất yếu và thậm chí đã ngất xỉu khi đứng lên. Bản thân cũng là một bác sĩ, anh Hứa Siêu Ngạn giải thích rằng: máu của anh rất khó lưu thông trở lại sau khi đã đi xuống chân. Một người khỏe mạnh bình thường có thể khó tưởng tượng được điều này. Phải đến 4 tháng sau, anh mới có thể đứng vững trên mặt đất bằng đôi chân của mình.

Đau đớn về thể xác

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, anh Hứa Siêu Ngạn cho biết hầu hết những người bị chấn thương tủy sống không cảm thấy đau, nhưng vẫn có khoảng 10% số còn lại - bao gồm cả anh, thường bị đau ở những vùng mà phần dưới cơ thể không còn cảm giác nữa. Anh chia sẻ: “Nó giống như cài đặt một máy dự báo thời tiết trong cơ thể”.

Mỗi sáng thức dậy, trước hết bạn phải cầu nguyện, xin Chúa ban cho mình sức mạnh để đứng dậy. Nhưng cơn đau đến từ mọi hướng, có lúc lạnh như trong kho băng, có lúc như có lửa đốt bên dưới, nhưng phần lớn lại như có hàng vạn mũi kim đâm vào.

Nghiêm trọng nhất là vào ngày địa phương anh xảy ra lũ lụt. Bên ngoài, trời đang mưa to gió lớn, anh thì đang nằm trên giường, bỗng đột nhiên anh bị đau bất thường, đau đến mức như bị ai đó rút đinh. Uống thuốc không thuyên giảm, anh phải nhờ vợ giúp đỡ để cầu nguyện và hát thánh ca, rồi chìm vào giấc ngủ trong cơn đau.

Tình yêu của người vợ

Mặc dù đau đớn về thể xác khiến anh phải khóc, nhưng điều khiến anh Hứa Siêu Ngạn thất vọng hơn cả là sự tra tấn về tâm lý. Vốn dĩ là một bác sĩ, chuyên chữa bệnh và giúp đỡ bệnh nhân, nhưng khi đảo ngược vai trò - anh trở thành một bệnh nhân phải nhờ người khác giúp đỡ trong mọi việc khiến anh rất bực bội. Đặc biệt là đối mặt với vấn đề không tự chủ được, lòng tự tôn của anh đã thật sự bị tổn thương.

Bệnh nhân liệt nửa người do tủy sống bị tổn thương và chức năng thần kinh soma bị suy giảm, nên việc tiểu tiện, đại tiện sẽ không do ý thức của chính bệnh nhân kiểm soát.

Chịu đựng quá nhiều thương tổn, anh thậm chí đã nhiều lần nghĩ đến việc tự tử. May mắn thay, chính nhờ niềm tin và tình yêu của người vợ, anh đã được hồi sinh.

Đứng dậy một lần nữa với cơ thể và trái tim tê liệt

Anh Hứa Siêu Ngạn chia sẻ: “Tôi đã mất 1 năm 8 tháng để đi được bước đầu tiên”. Tuy chỉ là một bức nhỏ nhưng đó đã là một bước tiến lớn trong cuộc đời anh.

“Mang dụng cụ hỗ trợ tập luyện liên tục, tôi nhắc nhở bản thân mỗi ngày dù đau hay khó chịu đến mấy cũng phải đứng dậy đi lại ít nhất 30 phút mỗi lần, vì nằm lâu trên giường dễ bị loãng xương và teo cơ theo thời gian. Tuy vậy, dù cố gắng đến đâu, tôi cũng chỉ đi bộ 60 phút mỗi ngày và chỉ di chuyển quãng đường ngắn 60 mét” - anh cho biết thêm.

Khi có thể tự đứng dậy được, anh bắt đầu tập cho mình cách tự chăm sóc bản thân. Anh cố gắng học cách không phụ thuộc vào người khác để có thể sống tự lập, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho người chăm sóc như thay quần áo, đi giày, uống nước, nấu ăn cho mình,… Mọi thứ anh đều phải học lại từ đầu. Trước đây 24 giờ đều cần có người hỗ trợ, nhưng hiện tại khi ở nhà một mình anh vẫn tự xoay xở ổn.

Tham gia nghiên cứu và phát triển chân máy điện tử

Năm 2011, anh Hứa Siêu Ngạn nhận được lời mời từ nhóm nghiên cứu và phát triển người máy của Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp để thử nghiệm việc sử dụng chân cơ học của một người khuyết tật với chân máy điện tử.

Anh giống như trong phim “Người Sắt”, đôi chân máy móc có tác dụng nâng đỡ sức nặng của cơ thể và giúp di chuyển. Khác với những dụng cụ hỗ trợ truyền thống, thiết bị mới này như một đôi chân mới của anh. Từ đó mở ra cho anh một hành trình mới và từng bước bước ra khỏi vùng trũng của cuộc đời.

Anh đã từng nghĩ: "Tôi sẽ làm gì trong một thời gian dài như vậy trong tương lai?"

Anh nghĩ về cách giúp đỡ người khác và sau đó thành lập một blog. Biết được nhu cầu của những người cùng khuyết tật, anh đã quay video và đưa lên Internet để hướng dẫn những người bị thương cách chăm sóc bản thân. Chẳng hạn như cách thay ống thông tiểu, bằng những video như vậy anh đã khuyến khích rất nhiều người bị thương cố gắng tự chủ trở lại.

Năm 2015, anh Hứa Siêu Ngạn đã có thể tự mình lái một chiếc ô tô cải tiến trên đường. Ga và phanh điều khiển bằng chân chuyển sang điều khiển bằng tay. Mặc dù phải dùng nhiều sức để di chuyển xe lăn vào xe nhưng anh đã có thể tự do di chuyển hơn.

Nghị lực của chàng bác sĩ đã truyền cảm hứng cho nhiều người (Ảnh: tổng hợp)
Nghị lực của chàng bác sĩ đã truyền cảm hứng cho nhiều người (Ảnh: tổng hợp)

Sau đó, anh tiếp tục khoác chiếc áo trắng của bác sĩ và trở lại ngành y. Đồng thời xuất bản hai cuốn sách và cùng Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp phát triển chân máy điện tử với hy vọng sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho những bệnh nhân bị chấn thương cột sống.

Hứa Siêu Ngạn cũng đã có những bài phát biểu ở khắp mọi nơi, khuyến khích những người bị tổn thương giống như anh hãy kiên trì, đừng dễ dàng bỏ cuộc và hãy tự đứng lên trở lại.

Từ Tịnh
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bị liệt khi đang ở đỉnh cao cuộc sống, vị bác sĩ trẻ đã không dễ dàng bỏ cuộc