Bí ẩn những căn cứ quân sự bị bỏ hoang trên khắp thế giới (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều quốc gia sẵn sàng chi hàng triệu đô la để xây dựng các căn cứ quân sự, boongke hay pháo đài. Nhưng một khi chúng bị bỏ hoang, tất cả số tiền đã tiêu tốn đều trở nên lãng phí.

Căn cứ tàu ngầm Saint Nazaire (Pháp)

Căn cứ tàu ngầm Saint Nazaire (Pháp)
Căn cứ tàu ngầm Saint Nazaire (Pháp). (Wikipedia)

Trong thời gian Đức Quốc Xã chiếm đóng Pháp trong Thế chiến thứ hai, họ đã xây dựng bốn căn cứ quân sự, trong đó, cơ sở lớn nhất là Căn cứ tàu ngầm Saint Nazaire nằm ngoài khơi bờ biển Brittany. Cấu thành từ các khối bê tông lớn, khu căn cứ có quy mô khá rộng với tổng chiều dài lên đến 300m, rộng 130m và cao 18m.

Saint Nazaire được xây dựng để bảo vệ tàu ngầm và "Unterseeboots" – một loại vũ khí nguy hiểm nhất của Đức thời bấy giờ. Năm 1945, khi quân Đồng minh giải phóng nước Pháp, Saint Nazaire bị bỏ hoang. Đến năm 1994, chính phủ Pháp đã khôi phục lại căn cứ cho khách du lịch và những người yêu thích lịch sử.

Boongke Cape May (New Jersey, Hoa Kỳ)

Boongke Cape May (New Jersey, Hoa Kỳ)
Boongke Cape May (New Jersey, Hoa Kỳ). (Wikipedia)

Những người đi biển khi rải bộ dọc theo Cape May (New Jersey) sẽ có cơ hội tận mắt chứng kiến một pháo đài khổng lồ phủ đầy rêu. Boongke này được xây dựng trong Thế chiến thứ hai với các tháp pháo hạng nặng. Nó trở nên vô dụng sau chiến tranh và bị bỏ hoang cho đến hôm nay.

Năm 1942, boongke được xây dựng cách mặt nước khoảng 275m. Theo thời gian, nước biển dâng cao khiến du khách không thể tham quan pháo đài mà không phải bước chân ra biển. Vì boongke không tham gia vào nhiều trận chiến, nó vẫn còn tương đối nguyên vẹn.

Tháp Humboldthain Flak (Đức)

Tháp Humboldthain Flak (Đức)
Tháp Humboldthain Flak (Đức). (Wikipedia)

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Đức Quốc Xã đã xây dựng 8 tháp Flak với công năng bắn hạ máy bay chiến đấu. Tháp Humboldthain Flak ở thủ đô Berlin còn có chức năng trú ẩn dành cho dân thường trước các cuộc không kích, nhưng ngày nay, nơi đây lại trở thành nơi trú ngụ của loài dơi vào mùa đông.

Quân đội Đức đã phá hủy một phần lớn công viên nằm ở phía bắc Berlin để nhường chỗ cho Humboldthain. Sau khi chiến tranh kết thúc, quân đội không cần đến những tháp pháo này nữa và nó đã bị bỏ hoang. Giờ đây, du khách có thể tham quan và khám phá Humboldthain Flak nếu họ sẵn sàng leo bộ năm tầng để lên đỉnh của tháp.

Căn cứ Hải quân Olavsvern (Na Uy)

Căn cứ Hải quân Olavsvern (Na Uy)
Căn cứ Hải quân Olavsvern (Na Uy). (Twitter)

Mỹ và Nga không phải là những quốc gia duy nhất xây dựng căn cứ bí mật trong Chiến tranh Lạnh. Tại Tromsø (Na Uy), quân đội đã xây dựng căn cứ hải quân bí mật của riêng họ ở Bắc Cực. Để xây dựng nên căn cứ Olavsvern, người Na Uy đã tiêu tốn hơn 4 tỷ Kroner, tuy vậy nó không có khả năng chống lại một cuộc tấn công bằng hạt nhân.

Năm 2008, chính phủ Na Uy quyết định bán Olavsvern. Trớ trêu thay, các chủ sở hữu mới đã cho những tàu nghiên cứu của Nga thuê địa điểm này. Nhiều người nghi ngờ rằng hoạt động quân sự của Nga vẫn diễn ra ở đó một cách bí mật.

Căn cứ tàu ngầm Balaklava (Nga)

Căn cứ tàu ngầm Balaklava (Nga)
Căn cứ tàu ngầm Balaklava (Nga). (Wikipedia)

Ngày nay, du khách có thể lên du thuyền trắng để đến một căn cứ bỏ hoang ở Vịnh Balaklava (Nga). Trong Chiến tranh Lạnh, đây từng là một căn cứ tối mật được xây dựng để sửa chữa tàu ngầm và là nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen Liên Xô. Căn cứ này được đánh giá khá cao vì nó không chỉ có thể chịu được bom hạt nhân, mà nó còn có khả năng trả đũa bằng… hạt nhân.

Về lý thuyết, căn cứ có thể chịu được một quả bom mạnh gấp 10 lần sức công phá của quả bom đã ném xuống Hiroshima. Căn cứ Balaklava cũng chứa các đầu đạn hạt nhân sẵn sàng khai hỏa bất cứ lúc nào. Đầu những năm 2000, nơi đây đã không còn giữ được nguyên trạng vốn có và trở nên hoang tàn. Cấu trúc bị bỏ hoang hiện có chức năng như một bảo tàng.

Trại Liên Xô ở Wünsdorf (Đức)

Trại Liên Xô ở Wünsdorf (Đức)
Trại Liên Xô ở Wünsdorf (Đức). (Chụp video)

Những gì mà thế giới từng hay biết về “tiểu Moscow” ở Đức nay đã là quá khứ. Trại Liên Xô Wünsdorf là một thị trấn nhỏ ở phía nam thủ đô Berlin, cũng là nơi ở của những người lính Liên Xô và gia đình của họ. Với khoảng 75.000 người, Wünsdorf là đại bản doanh lớn nhất của Liên Xô vào thời bấy giờ. Ngoài việc tích trữ đạn dược, họ còn xây dựng cả trường học, xe lửa và bệnh viện bên trong.

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, những cư dân sống bên trong trại buộc phải rời đi. Hàng nghìn người đổ xô trở về Nga, bỏ lại vô số đồ đạc. Ngày nay, Trại Liên Xô Wünsdorf vẫn bị bỏ hoang như một lời nhắc nhở nghiệt ngã về sự sụp đổ của Liên Xô.

Đảo Askold (Biển Nhật Bản)

Đảo Askold (Biển Nhật Bản)
Đảo Askold (Biển Nhật Bản). (Wikidata)

Có một thời, Đảo Askold từng nắm giữ những mỏ vàng có giá trị và trở thành điểm nóng tranh chấp của hai cường quốc Nga – Nhật. Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, Đế quốc Nga đã giành chiến thắng và biến hòn đảo trở thành một hệ thống pháo đài rộng lớn vào đầu thế kỷ XX.

Căn cứ quân sự ở Askold cho phép người Nga do thám quân Nhật, và chế tạo các loại mìn để bảo vệ tuyến hàng hải của họ. Ngày nay, mặc dù vẫn mở cửa cho khách du lịch nhưng nơi đây không có một ai sinh sống. Một số người đồn rằng, đến nay trên đảo Askold vẫn còn rất nhiều vàng chưa được phát hiện.

Boongke Monte Moro (Ý)

Boongke Monte Moro (Ý)
Boongke Monte Moro (Ý). (Wikimedia Commons)

Lịch sử đằng sau của Monte Moro ở Genova (Ý) hiện vẫn còn là một bí ẩn. Giống như nhiều căn cứ khác bị bỏ hoang sau Thế chiến thứ hai, Monte Moro cũng chịu số phận tương tự. Khi chiến tranh nổ ra, Genova là nơi chịu đòn đầu tiên trong các cuộc tấn công từ quân đội Pháp. Thời đó, boongke Monte Moro là hậu phương tiếp tế, cung cấp đạn dược cho những người lính đóng ở Genova.

Không rõ quân đội Ý đã bỏ rơi Monte Moro từ khi nào. Cho tới hôm nay, boongke gần như bị lãng quên và không ai sử dụng nó cho bất cứ mục đích gì. Monte Moro chứa ba khẩu đội, một trong số đó có thể tiếp cận khá dễ dàng bằng ô tô, trong khi phần còn lại được đặt trên sườn đồi. Bề mặt tường của boongke cũng không còn nguyên vẹn khi đã bị lớp màu graffiti phủ kín.

Cơ sở Điều hành Chuyển tiếp Shank (Afghanistan)

Cơ sở Điều hành Chuyển tiếp Shank (Afghanistan)
Cơ sở Điều hành Chuyển tiếp Shank (Afghanistan). (Getty)

Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, chính phủ Hoa Kỳ đã chi hàng triệu đô la để củng cố Cơ sở Điều hành Chuyển tiếp Shank ở Logar (Afghanistan). Bây giờ, nơi đây còn được gọi với cái tên khác là "Zombieland". Lực lượng quân đội Mỹ ban đầu sử dụng pháo đài như một trung tâm chiến lược trong khi chiến đấu với Taliban.

Năm 2014, các binh sĩ Hoa Kỳ được lệnh gấp rút rời khỏi Afghanistan. Họ đã phá hủy hơn 500 căn cứ khiến người ta không thể nhận ra được hình dạng trước đó của các căn cứ này, và cư dân duy nhất của nó là những con chó sử dụng đất hoang làm nơi trú ẩn.

RAF Hethel (Anh)

Căn cứ Không quân Hoàng gia Hethel Anh. (Chụp video)
Căn cứ Không quân Hoàng gia Hethel Anh. (Chụp video)

Căn cứ Không quân Hoàng gia Hethel (thường được gọi là RAF Hethel) ẩn mình ở phía bắc London (Anh). Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, người Anh và người Mỹ đã sử dụng sân bay này để làm căn cứ. Sau khi chiến tranh kết thúc, công dân Ba Lan đã từng biến nơi đây thành một thị trấn nhỏ. Kết quả là, bên ngoài sân bay bắt đầu xuất hiện một số bia mộ.

Vào những năm 1960, một nhà sản xuất xe đua của Anh có tên là Lotus Cars đã sử dụng sân bay để chạy thử nghiệm. Căn cứ bây giờ là sự kết hợp hòa trộn của hai lối kiến trúc khác biệt giữa các tòa nhà cũ hơn và mới hơn. Trải qua thời gian lâu như vậy, RAF Hethel vẫn còn sót lại một số tòa nhà tương đối nguyên vẹn với phòng tập thể dục, nhà nguyện và các khu kỹ thuật.

Pointe Du Hoc (Pháp)

Pointe Du Hoc (Pháp)
Pointe Du Hoc (Pháp). (Getty)

Căn cứ Pointe du Hoc nằm trên một vách đá nhìn ra eo biển Manche. Nơi đây đã từng đóng một vai trò mang tính bước ngoặt trong Chiến dịch D-Day. Vào năm 1943, quân Đức đã củng cố lại Pointe du Hoc, nhưng vào tháng 6/1944, Mỹ mở rộng thêm các vách đá cao 30m để cố gắng chiếm lại căn cứ.

Ngày nay, Căn cứ Pointe du Honte là một tượng đài chiến đấu trong lịch sử Hoa Kỳ. Vào năm 1979, trên một boongke của lính Đức xưa kia, người ta đã lắp đặt một tấm bảng với các dòng chữ viết bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, để giúp du khách có thể khám phá và hiểu thêm về lịch sử.

Pháo đài Palmerston, Đảo Portsea (Anh)

Pháo đài Palmerston, Đảo Portsea (Anh)
Pháo đài Palmerston, Đảo Portsea (Anh). (Wikipedia)

Năm 1859, vì cho rằng quân đội Pháp có thể xâm lược bất cứ lúc nào, Ủy ban Hoàng gia Anh đã xây dựng một số pháo đài dọc theo Đảo Portsea, được gọi là Pháo đài Palmerston. Những căn cứ này có chiều dài 60m và chứa được tối đa 49 khẩu pháo.

Trong những năm 1950, căn cứ đã ngừng hoạt động. Đầu những năm 1960, một trong những pháo đài mang tên No Man’s Land được mở cửa như một khách sạn sang trọng, trước khi lại bị đóng cửa thêm một lần nữa. Ngày nay, Palmerston vẫn bị bỏ hoang và lãng quên.

Pháo đài Terry (New York, Hoa Kỳ)

Pháo đài Terry (New York, Hoa Kỳ)
Pháo đài Terry (New York, Hoa Kỳ). (Twitter)

Năm 1897, pháo đài Terry được xây dựng trên Đảo Plum bên ngoài bờ biển của New York. Ban đầu nó được thiết kế để giám sát thương mại, nhưng vào năm 1898, khi Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ nổ ra, pháo đài Terry nhanh chóng biến thành một căn cứ quân sự. Ngoài ra, Terry cũng hoạt động như một nơi cung cấp đạn dược trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới.

Năm 1952, Lực lượng Hóa học Quân đội Hoa Kỳ nảy ra một ý tưởng khác, biến Terry trở thành trung tâm nghiên cứu dịch bệnh động vật và chiến tranh sinh học. Trong những năm 2000, pháo đài Terry đã chuyển quyền sở hữu một vài lần trước khi cuối cùng bị bỏ hoang. Cho đến nay, tòa nhà vẫn sừng sững một mình trên hòn đảo và không được ai nhắc tới.

RAF Upper Heyford (Anh)

RAF Upper Heyford (Anh)
RAF Upper Heyford (Anh). (Wikipedia)

Nằm cách 8km về phía bắc của Bicester (Anh), căn cứ Upper Heyford của Lực lượng Không quân Hoàng gia đã giúp bảo vệ cho máy bay của cả Mỹ và Anh trong Chiến tranh Lạnh. Máy bay ném bom chiến lược và máy bay tấn công cũng từng được cất giữ ở đó.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Lực lượng Không quân Hoàng gia không còn sử dụng đến Upper Heyford nữa. Nó dần bị mục nát thành một căn cứ bỏ hoang như ngày nay. Các loài chim bản địa xây tổ trong các tòa nhà, khiến khu vực này trở thành địa điểm lý tưởng cho những người quan sát chim.

Đảo Hashima (Nhật Bản)

Đảo Hashima (Nhật Bản)
Đảo Hashima (Nhật Bản). (Wikipedia)

Nếu bạn đi thuyền với quãng đường hơn 14km từ Nagasaki (Nhật Bản), bạn có thể nhìn thấy một mỏ than bị bỏ hoang từ năm 1974. Vào thế kỷ XIX, việc phát hiện một mỏ than lớn trên đảo Hashima (hay còn gọi là Đảo Battleship) đã nhanh chóng biến nơi đây thành một thị trấn. Tuy nhiên, trong những năm 1930, quân đội Nhật Bản đã sử dụng hòn đảo như một trại lao động cưỡng bức.

Theo chính sách thời chiến của Nhật Bản, hàng nghìn tù nhân Hàn Quốc và Trung Quốc bị buộc phải làm việc trong lĩnh vực tiếp tế hậu cần cho quân đội. Nơi đây cũng đã chứng kiến cái chết của khoảng 1.300 người. Sau này, với sự phát triển của ngành dầu mỏ, công nhân trên đảo Hashima dần rời đi, và khung cảnh hoang tàn của một thị trấn ngày nào vẫn như một lời nhắc nhở về lịch sử đen tối của Nhật Bản.

Hoàng Tuấn
Theo Past Factory



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn những căn cứ quân sự bị bỏ hoang trên khắp thế giới (Phần 2)