Bắt mãi không hết hàng nhái, hàng fake - Thuốc chữa nào cho ‘căn bệnh’ thích sành điệu bằng hàng giả?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông tin về vụ triệt phá kho hàng fake Hermes, LV, Chanel... lớn nhất miền Bắc đang khiến dư luận xôn xao, điều này lại gợi ra “câu hỏi muôn thuở”: Vì sao bắt mãi mà không hết hàng nhái, hàng fake; và vì sao rất nhiều người trong chúng ta lại “chuộng” hàng giả?

Việc tìm kiếm những món đồ hàng giả, hàng nhái ở thị trường Việt Nam hay Trung Quốc không khó, do đó việc mua hàng giả dần trở thành thói quen của nhiều người Việt chúng ta.

Nói về việc này, ngày 18/3, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, chuyện hàng giả tuồn vào Việt Nam không phải là vấn đề mới, mà đó là "chuyện thường ngày ở huyện". Không chỉ riêng vụ túi hàng hiệu vừa bị bắt ở Nam Định, mà quần áo, xăng lậu, các thiết bị điện tử lậu, thậm chí thuốc lậu cũng rất nhiều.

‘Chuyện thường ngày ở huyện’

"Những mặt hàng lậu đó phổ biến như thế là do có cầu thì ắt sẽ có cung, bản thân nhiều người Việt Nam đôi lúc ít tiền nhưng lại rất thích sành điệu”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định.

Ví dụ, một cái túi Louis Vuitton có giá khoảng vài chục triệu đồng, nhưng hàng nhái thì chỉ có giá khoảng trên 1 triệu đồng, thậm chí có cái chỉ vài trăm nghìn đồng, nên nhiều người rất thích mua để dùng, chỉ cần mẫu mã giống hàng thật là được.

Nhiều bạn trẻ rất thích dùng đồ hàng hiệu, am hiểu tất cả các loại nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới; nhưng vì khả năng kinh tế có hạn nên thay vì mua hàng thật, lựa chọn của đa số giới trẻ “sính ngoại” lại là “hàng nhái cao cấp”, hàng super fake loại 1, loại 2…

Một bạn trẻ tên Nga kể rằng, có lần, người bạn thân rủ cô đi mua đồ, cô bạn bảo rằng đã dành tiền rất lâu để sắm chiếc túi hàng hiệu nên muốn vào cửa hàng xem qua trước. Nhưng vì lúc đó Nga đang mang một chiếc túi hàng nhái, nên cô phải tìm cớ tránh đi. Thật ra, không phải ai cũng thích thú với hàng nhái, sẽ có lúc chúng ra nhận ra rằng “Sống giả dối thật mệt”.

‘Bắt mạch’ căn bệnh thích sành điệu với hàng giả

Tâm hư vinh

Nhiều người ao ước đứng vào tầng lớp thượng lưu, sành điệu nên thích dùng đồ hàng hiệu. Lâu dần, sở thích này trở thành thói quen tôn sùng hàng hiệu thái quá. Tâm lý thích nổi trội, muốn được nhiều người ngưỡng mộ, nên từ đó lại sinh ra căn bệnh dùng hàng fake.

Mọi người mua sắm tại các quầy hàng túi xách tay hàng fake ở chợ Silk Alley nổi tiếng ở Bắc Kinh, ngày 11 tháng 6 năm 2006 (Ảnh: PETER PARKS / AFP qua Getty Images)

Nâng cao giá trị bản thân?

Một số người thường đánh giá và có cách nhìn phiến diện về người khác qua vẻ bề ngoài, vậy nên họ cho rằng hàng hiệu thể hiện đẳng cấp người dùng. Thật ra, hàng hiệu thật có thể cho thấy khả năng tài chính hay sự tinh tế của người sở hữu.

Ngoài ra, hàng hiệu thường có độ bền cao, lại đẹp và tinh tế… Đó là lý do vì sao người ta thích dùng hàng chất lượng, hàng tốt. Tuy nhiên, điều này khi đi quá đà sẽ trở thành vấn đề tiêu cực, người ta dùng hàng hiệu để đánh giá con người.

Cũng vì lý do này mà nhiều người dùng hàng nhái, đơn giản vì họ muốn “mua danh” thay vì “mua chất lượng”. Nhưng khi dùng hàng giả, chúng ta đang tự làm giảm giá trị bản thân và tự đẩy mình vào cuộc sống mệt mỏi bởi tâm hư vinh và những điều không có thật.

‘Thật thật giả giả’ nhân tâm biến

Một bạn trẻ chia sẻ rằng: “Khi mình đã từng dùng hàng hiệu rồi thì 'đệm' thêm vài món hàng fake cũng khó ai nhận ra, điều đó làm phong phú bộ sưu tập của mình, vì đôi khi những sản phẩm đó chỉ sử dụng một vài lần. Hơn nữa, cũng đỡ xót tiền”.

Dần dần, tâm lý “trộn hàng” - thật thật giả giả sẽ ăn sâu vào người thích “bỏ ít tiền để mua sự sành điệu”. Khi cảm thấy “lừa” được người khác, khiến mọi người xung quanh không phân biệt được hàng mình dùng “đâu là thật, đâu là giả”, người dùng lúc này lại mắc phải căn bệnh nguy hiểm hơn, đó là có nguy cơ làm giảm lòng tự trọng, thích dùng chiêu vặt vãnh, và luôn đồng hành với sự dối trá.

Khi hàng nhái gặp hàng thật

Một rủi ro nữa mà người dùng hàng nhái hay gặp phải là “đụng” với người dùng hàng thật. Khi đó sĩ diện của họ tất nhiên bị ảnh hưởng, dù họ cũng đã tiên liệu được điều này.

Một bạn nhân viên văn phòng sau vài lần sử dụng chiếc túi fake hiệu Chanel để đi dự tiệc thì cô không dùng nữa: “Tôi đi xe bình thường, làm việc với mức lương chưa đến 10 triệu đồng/tháng. Tôi sử dụng chiếc túi Chanel thì ai cũng biết tôi xài hàng nhái, thà dùng hàng không có thương hiệu còn hơn”.

Đừng chủ động tiếp tay cho sự lừa dối

Chẳng gì xấu hổ hơn khi để người nước ngoài bóc mẽ chuyện người Việt dùng hàng nhái. Vì vậy, chủ động mua hàng nhái, cũng là tiếp tay cho lừa dối.

"Nhiều người Việt chúng ta cũng đang là những khách hàng dễ tính, đơn giản khi sẵn sàng sử dụng đồ nhái để nâng đẳng cấp. Nhưng đồ nhái thì sao có thể nâng đẳng cấp cho chúng ta được? Rõ ràng người tiêu dùng cũng đang tự lừa dối chính mình đấy thôi", một bạn trẻ cho biết.

Chúng ta cũng cần hiểu một điều rằng, hàng giả là sản phẩm đánh cắp, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người phát minh. Thật ra, những thương hiệu cao cấp không chỉ được đảm bảo về chất lượng, mà trong đó còn là quá trình dày công vun đắp, những tinh hoa văn hóa được chắt lọc qua thời gian lâu dài của mỗi nhãn hàng.

Chẳng hạn như, điều mà thương hiệu Hermès hướng tới và mong muốn bảo tồn là giá trị tinh thần của nghề sản xuất thủ công. Vậy nên, mỗi chiếc khăn lụa của Hermès đều chứa đựng sự tỉ mỉ trong từng đường dệt đến màu sắc, từ lúc thiết kế cho đến lúc ra thành phẩm thường mất khoảng 2 năm.

Khi hiểu được những giá trị sâu sắc của hàng hiệu, có lẽ sẽ không ai muốn sở hữu một món hàng nhái nữa.

Một người mẫu đeo chiếc khăn hai mặt của Hermes ở Paris vào ngày 4 tháng 12 năm 2019 (Ảnh của ALAIN JOCARD / AFP qua Getty Images)
Một người mẫu đeo chiếc khăn hai mặt của Hermes ở Paris vào ngày 4 tháng 12 năm 2019 (Ảnh của ALAIN JOCARD / AFP qua Getty Images)

Có sự lựa chọn nào khác?

Một vị CEO của một công ty văn hoá giải trí đã từng chia sẻ trên facebook: “Nếu bạn yêu thích hàng hiệu, hãy chọn những nhãn hiệu vừa với túi tiền của mình, không nhất thiết phải tìm đến những nhãn hiệu 'đỉnh' rồi sau đó giải quyết cơn ghiền bằng hàng fake. Hiện có rất nhiều nhãn hiệu thời trang nước ngoài có giá cả phù hợp với túi tiền người thu nhập trung bình khá. Yêu hàng hiệu mà sử dụng hàng fake là cách bạn đang tự ném đá vào mình”.

Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm của người Việt sản xuất với chất liệu tinh tế và giá tiền hợp lý, cũng là sự lựa chọn phù hợp với người dùng Việt.

Nếu bạn đang "vào vai" một người dùng hàng nhái với mong muốn thể hiện đẳng cấp, thì hãy suy ngẫm lại. Bởi vì một khi “đi quá đà”, thì chúng ra chính là đang tự lừa dối chính mình, lừa dối người khác về tính vượt trội đôi khi không có thật của chúng ra.

Thật ra, đẳng cấp của một người không thể hiện qua giá trị bộ đồ họ mặc hay logo gắn trên chiếc áo, nó thể hiện ở trạng thái tinh thần của mỗi người, qua những giá trị mà chúng ta mang đến cho xã hội, cho mọi người xung quanh mình.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Bắt mãi không hết hàng nhái, hàng fake - Thuốc chữa nào cho ‘căn bệnh’ thích sành điệu bằng hàng giả?