Báo tin tang sự cho người nhà bệnh nhân Covid-19, những day dứt của các ‘sứ giả truyền tin’

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Bệnh viện xin thông báo tin buồn, người thân của anh/chị đã không qua khỏi vì Covid-19" - đó có lẽ là cuộc điện thoại mà không một ai muốn nghe, và cũng không ai muốn gọi. Nhưng dù vậy, những sứ giả truyền tin bất đắc dĩ vẫn phải làm tốt nhất trong khả năng của mình, để gửi lời thông báo và chia buồn với gia đình bệnh nhân.

Một video mới đây ghi lại cảnh một nhân viên của bệnh viện làm công tác gọi điện cho thân nhân bệnh nhân Covid-19 thông báo tin buồn, khiến nhiều cư dân mạng phải lặng người xúc động.

Nhân viên trong video là chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng (Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy). Chị Hằng vốn là chuyên viên, nhưng thời gian gần đây phải kiêm thêm việc liên hệ, thông báo tin buồn cho người nhà bệnh nhân, hướng dẫn thủ tục làm giấy báo tử...

Chị kể, công việc của mình trước hết là xác nhận thông tin người đang tiếp chuyện có phải là người nhà bệnh nhân không, có quan hệ thế nào, sau khi khớp thông tin, chị sẽ báo tin buồn cho họ, rõ ràng ngày và giờ tử vong.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 diễn tiến nặng và nguy kịch. Để đảm bảo an toàn, tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như Bệnh viện hồi sức Covid-19 (ở thành phố Thủ Đức), tất cả bệnh nhân đều không có người thân đi cùng để chăm sóc. Nhiều người nhập viện trong tình trạng nguy kịch, mất hết mọi liên lạc với người thân.

Bộ phận hỗ trợ tìm kiếm và cung cấp thông tin cho người nhà bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại đây, thông qua Fanpage Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy và Zalo (số 0888561080).

Chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng lặng lẽ làm công việc "Sứ giả truyền tin" của mình (Ảnh: cắt từ video)
Chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng lặng lẽ làm công việc "Sứ giả truyền tin" của mình (Ảnh: cắt từ video)

Những sứ giả truyền tin phải làm công việc bất đắc dĩ và không mong muốn là thông báo tin buồn đến gia đình bệnh nhân. Họ cũng phải đối diện với áp lực rất lớn khi nhìn thấy những mất mát và đau đớn của người ở lại.

“Một số trường hợp người ta cũng bình tĩnh, nhưng đa số là bất ngờ, bị sốc và khóc rất nhiều. Có người ngất, phải đưa điện thoại cho người khác để tiếp tục tiếp chuyện với mình. Có khi mình lặng theo người ta luôn. Chỉ đến khi thân nhân bình tĩnh để cảm xúc lắng xuống, mình mới tiếp tục”, chị Hằng chia sẻ.

Thậm chí, khi nhận được thông tin người nhà không qua khỏi, có người không thể đối diện và chấp nhận sự thật, họ suy sụp hoàn toàn.

Chị Hằng nhớ lại cách đây ít ngày, có một gia đình “cầu cứu” chị nhiều lần, vì chồng của bệnh nhân quá sốc trước tin người vợ của mình đã qua đời. Anh thậm chí đã đến bệnh viện nơi người vợ điều trị, nằm ở đó 3 ngày không chịu về. Gia đình và các nhân viên hỗ trợ lo lắng anh có thể nhiễm bệnh và không thể chấp nhận việc người vợ thân yêu của mình đã mất. Dù đã báo tin trước đó, chị Hằng vẫn phải nhắn tin vào điện thoại thêm lần nữa để người chồng bệnh nhân đọc, và chấp nhận sự mất mát của mình.

Có lẽ, chị Hằng không phải là nhân viên duy nhất phụ trách công việc này. Nhưng nhiều độc giả khi biết tin đã vô cùng cảm thông và xúc động trước áp lực công việc mà những người làm tuyến đầu như chị đang gánh vác.

“Có khi, mình chỉ hỗ trợ cho một gia đình có bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Nhưng sau đó, nguyên cả xóm biết số điện thoại, mọi người liên tục gọi hỏi thăm thông tin về người nhà. Lúc đó mình đang ở nhà, nhưng vẫn nghe điện thoại, cố gắng trả lời cho người ta. Mình nghĩ, họ cũng giống như mình, có người nhà đi nằm viện điều trị mà không biết thông tin thì rất lo lắng. Mình thông cảm với thân nhân và cũng đau xót cùng với họ”, chị Hằng trải lòng.

Không có đau xót nào hơn khi phải nhận tin người thân không còn, đó sẽ là chặng đường dài và đầy khó khăn cho những người ở lại. Có một sự thật đáng buồn về "làn sóng thứ 4" mà Covid-19 đang quét qua chúng ta. Nó không chỉ để lại những mất mát về người và của, mà còn đẩy nhiều người rơi vào hoàn cảnh cùng quẫn. Những tổn thương tâm lý ấy sẽ phải mất rất nhiều thời gian để người ta có thể chấp nhận và đối diện. Chỉ trong một sớm, đã có những gia đình âm dương cách biệt, và mùa Vu Lan vừa qua họ đã phải cài lên ngực mình... bông hoa trắng.

Thiên Cầm

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Báo tin tang sự cho người nhà bệnh nhân Covid-19, những day dứt của các ‘sứ giả truyền tin’