Bảo kiếm 2.000 tuổi bị dùng nhầm thành ‘dao’ sử dụng việc nhà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, trong số phát sóng tập đặc biệt của chương trình “Kiểm định bảo vật”, một bà lão đến từ vùng nông thôn tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã đem một thanh kiếm đồng gia truyền được sử dụng như “con dao” dùng trong gia đình đến chương trình. Không ngờ đó lại là bảo vật quý giá có niên đại 2000 năm...

Trung Quốc xưa nay được xem là quốc gia có nền văn minh 5.000 năm cùng bề dày văn hóa đáng ngưỡng mộ. Với lịch sử lâu đời và lãnh thổ quốc gia rộng lớn, ngành khảo cổ học Trung Quốc từ lâu đã được xem trọng và đầu tư nghiêm túc.

Những năm gần đây, để tăng thêm hiệu quả thu thập và bảo tồn những di tích lịch sử còn “vương vãi”, các đài truyền hình lớn đã kết hợp với các cơ quan uy tín để tổ chức chương trình tiếp nhận và đánh giá cổ vật. Rất nhiều cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đã được phát hiện nhờ những chương trình như thế này.

Bảo vật quý giá có niên đại 2.000 năm bị mang đi đốn củi

Thanh kiếm này được ông cố bà mua với giá 4 lạng bạc, cứ thế nó đã được lưu truyền qua các thế hệ gần 100 năm nay. Bà lão không có hiểu biết về cổ vật nên đã không xem trọng nó, chỉ cất nó ở một góc nhà.

Một ngày, dao rựa của gia đình bà bị hỏng, nhớ tới thanh kiếm này nên bà đã đem nó ra sử dụng thay cho dao.

Bà chỉ nảy sinh nghi ngờ về nguồn gốc và giá trị thật của con “dao” này khi tình cờ xem chương trình “Tìm kiếm bảo vật” trên TV.

Khi bà mang con “dao” của mình tới chương trình, các chuyên gia đã cho bà biết con “dao” này chính xác là một thanh kiếm vô cùng giá trị có niên đại từ thời Xuân Thu Chiến Quốc (Từ 771 – 476 TCN). Trên thân kiếm có khắc họa tiết chim muông trang trí, đây là bằng chứng cho thấy thanh kiếm này từng thuộc sở hữu của một vị vua thời bấy giờ.

Thật không ngờ rằng, sau 2.000 năm, bảo vật giá trị này lại được coi như một con dao để dùng làm việc nhà.

Nếu xét theo niên đại, độ tinh xảo và nhiều giá trị khác thì thanh kiếm này có thể được coi là một cổ vật văn hóa cấp quốc gia. Nếu được bảo quản tốt, giá trị thật của nó vào khoảng 1 triệu NDT (hơn 3,5 tỷ VND).

Tuy nhiên, bà lão còn chưa kịp vui mừng thì các chuyên gia đã thông báo, do bị mang đi đốn củi, “bảo vật” đã bị hư hại nghiêm trọng, mũi kiếm còn bị đứt một phần. Vì thế, giá trị của thanh kiếm “chỉ còn lại” 200.000 NDT (hơn 700 triệu đồng).

Không những thế, bảo vật giá trị này vì không được bảo quản đúng cách đã bị mất đi rất nhiều giá trị nghiên cứu và khó mà phục hồi lại được.

Cổ vật mới được phát hiện có thể thay đổi lịch sử Trung Quốc

Chiếc mặt nạ bằng vàng và một trong những cổ vật bằng đồng lớn và lâu đời nhất thế giới tại di chỉ Tam Tinh Đôi (Ảnh: Tổng hợp)
Chiếc mặt nạ bằng vàng và một cổ vật bằng đồng lớn và lâu đời nhất thế giới tại di chỉ Tam Tinh Đôi (Ảnh: Tổng hợp)

Mới đây, ngày 20/3, South China Morning Post cũng đưa tin, các quan chức và nhà nghiên cứu đã tìm thấy các cổ vật quý giá tại di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi ở thị trấn Quảng Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên. Các cổ vật này thuộc về một nền văn minh có trình độ phát triển cao, đã tồn tại trong hàng nghìn năm, và đến nay chưa từng được ghi nhận trong lịch sử.

Một trong các cổ vật đáng chú ý là chiếc mặt nạ bằng vàng - được xem là đồ vật được các tu sĩ sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một số cổ vật bằng đồng lớn và lâu đời nhất thế giới tại di chỉ Tam Tinh Đôi, trong đó có "cây sự sống" cao tới 4m.

Những cổ vật mới được phát hiện này có thể là bằng chứng về một nền văn minh bí ẩn từng tồn tại với nền kinh tế thịnh vượng và công nghệ tiên tiến.

Khu di chỉ Tam Tinh Đôi đã bắt đầu được khai quật từ năm 2019. Đến nay, tại khu di chỉ này đã tìm thấy hơn 500 đồ tạo tác được làm từ vàng, đồng, ngọc bích, ngà voi, có niên đại hơn 3.000 năm.

Các nhà khảo cổ xác nhận cổ vật ở Tứ Xuyên không có mối liên hệ với nền văn hóa sau này của Trung Quốc, và cho đến nay những ký hiệu có trên cổ vật cũng chưa giải mã được.

Chất lượng và độ tinh xảo của các cổ vật này vượt xa đồ tạo tác chế tạo cùng thời ở những khu vực khác tại Trung Quốc, kể cả ở vùng Trung Nguyên - cái nôi của triều đại nhà Thương - quanh đồng bằng sông Hoàng Hà.

Điều này cho thấy rằng, nền văn minh Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với những gì đã được biết đến và những báu vật này có thể viết lại lịch sử Trung Quốc.

Thiên Cầm



BÀI CHỌN LỌC

Bảo kiếm 2.000 tuổi bị dùng nhầm thành ‘dao’ sử dụng việc nhà